Thứ tư, 24/04/2024 13:55 (GMT+7)

Thủ tướng giao UBND TP.Hà Nội thành lập ngay Tổ công tác Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội

Hạ Vân -  Thứ năm, 27/01/2022 10:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội thành lập ngay Tổ công tác Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 23/TB-VPCP ngày 25/01/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ thống nhất với đánh giá của các Bộ, cơ quan về tính cấp thiết và cấp bách phải đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án).

Hướng tuyến đường Vành đai 4 theo quy hoạch.
Hướng tuyến đường Vành đai 4 theo quy hoạch.

Việc sớm triển khai Dự án sẽ góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua; các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển TP Hà Nội, Luật Thủ đô; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố, các tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; góp phần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất của Thủ đô và các địa phương trong khu vực; nâng cao kết nối vùng, gắn kết để phát huy hiệu quả các tuyến cao tốc hướng tâm hiện hữu; giảm thiểu thiệt hại, chi phí xã hội do ùn tắc, tai nạn giao thông; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các địa phương…

Trình Chính phủ xem xét thông qua Dự án chậm nhất ngày 10/3/2022

Thủ tướng hoan nghênh TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đã rất tích cực, cố gắng trong việc tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị Dự án trong thời gian qua. Với vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, các Bộ và cơ quan liên quan rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp, thời gian tới cần tập trung cao độ hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định để trình Chính phủ xem xét thông qua chậm nhất ngày 10/3/2022, bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 trước ngày 20/3/2022.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội, ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, cơ bản thống nhất về hình thức đầu tư, các cơ chế chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi của Dự án:

(i) Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo hình thức đầu tư hỗn hợp được chia tách thành 3 dự án thành phần, trong đó Dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và Dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công (cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn Trung ương và vốn địa phương); Dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư;

(ii) Một số cơ chế đặc thù tương tự như đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2021 và Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; không kiến nghị cơ chế chuyển đổi hình thức đầu tư.

Thành lập ngay Tổ công tác Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội thành lập ngay Tổ công tác Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là rà soát, thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể bảo đảm tiến độ báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.

Nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.

Cũng như các tuyến đường Vành đai 3, 4 TP Hồ Chí Minh, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Thành phố Hà Nội và các địa phương trong khu vực.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thành viên Chính phủ phụ trách về lĩnh vực đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình trình Quốc hội đối với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh sau khi được Chính phủ thông qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.

Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được đánh giá là có quy mô vốn đầu tư rất lớn, có tác động sâu, rộng tới diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng trong 5 -10 năm tới.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2022, UBND TP. Hà Nội đã có Tờ trình số 02/TTr-UBND kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là lần thứ ba, UBND TP. Hà Nội có tờ trình gửi Chính phủ về Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án này.

Điểm khác biệt của lần trình Chính phủ mới đây là Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đã được Hội đồng Thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi. Bản thân nhiều nội dung trong Tờ trình số 02/TTr-UBND đã được UBND TP. Hà Nội và nhà đầu tư lập đề xuất Dự án là Tập đoàn Vingroup tiếp thu, cập nhật để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai.

Theo đề xuất mới nhất của UBND TP. Hà Nội, Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long), đi qua địa phận TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, vận hành độc lập và triển khai theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và đầu tư PPP, gồm: Dự án thành phần 1 - Giải phóng mặt bằng (theo quy mô quy hoạch bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường 2 bên, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia, tổng mức đầu tư 24.242 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn đầu tư công; Dự án thành phần 2 - Công tác xây dựng đường 2 bên, tổng mức đầu tư 9.399 tỷ đồng, dự kiến đầu tư vốn đầu tư công; Dự án thành phần 3 - Đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư 61.784 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch sẽ gồm cao tốc chính tuyến quy mô 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên, các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ cho đường sắt vành đai. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang đoạn thông thường là 120 m, đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu có tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135 m, một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệp khó khăn về mặt bằng có thể thu hẹp phần dải dự trữ.

Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch, nhưng chỉ xây dựng tuyến cao tốc có mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị, đường song hành; bề rộng nền đường cao tốc đi bằng là 17 m, đi trên cao là 17,5 m; bề rộng nền đường song hành mỗi bên là 12 m.

Với phương án đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 95.425 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 32.691 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 30.340 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư là 29.291 tỷ đồng (bằng 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP, bằng 31% tổng mức đầu tư dự án tổng thể); lãi vay là 3.003 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng giao UBND TP.Hà Nội thành lập ngay Tổ công tác Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.