Thứ tư, 24/04/2024 23:26 (GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Đột phá xây dựng chính quyền đô thị

MTĐT -  Thứ sáu, 08/07/2022 10:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thành phố Hồ Chí Minh đã có đánh giá bước đầu sau một năm chính thức thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị cũng như các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Để có sự đột phá trong xây dựng chính quyền đô thị thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thêm cơ chế, phân cấp thêm một số lĩnh vực, phù hợp với thực tiễn phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh: Đột phá xây dựng chính quyền đô thị
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh).

Những kết quả tích cực bước đầu

Từ ngày 1-7-2021, thành phố Hồ Chí Minh chính thức vận hành theo mô hình chính quyền đô thị: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; ở đơn vị quận và phường chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND.

Qua một năm thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thành phố Hồ Chí Minh đã có những thành công bước đầu, đặc biệt là công tác phân cấp, ủy quyền. Cụ thể, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho các sở, ngành, thủ trưởng các sở, ngành; UBND quận, huyện, chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố. Cách làm này giúp giảm khâu trung gian do không phải trình qua UBND thành phố, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, một số dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND thành phố đã được ủy quyền cho UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

Trong công tác cải cách hành chính, thành phố cũng đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh; liên thông trong giải quyết hồ sơ giữa các sở, ngành. Để giải quyết nhanh công việc của người dân, chủ tịch UBND các phường đã ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực văn bản.

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, bộ máy, cơ cấu tổ chức của quận, phường được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách tại địa phương. Chính quyền đô thị thành phố thường xuyên lắng nghe, nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân...

Cần thêm cơ chế để tạo đột phá

Theo Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh, qua một năm thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế, như: Công tác huy động nguồn lực thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội chậm hoặc ách tắc do một số cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách còn vướng mắc; tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác tối đa để phát triển nhanh, bền vững.

Thành phố Thủ Đức dù được thành lập từ ngày 1-1-2021 nhưng đến nay chưa tạo được sự phát triển đột phá như kỳ vọng, trong đó có nguyên nhân đến từ việc chưa có cơ chế, chính sách đặc thù xứng tầm với vai trò, vị trí. Ngoài vấn đề của thành phố Thủ Đức, nhiều huyện đang cần thay đổi về “chất” (chuyển tổ chức chính quyền từ huyện sang quận hoặc thành phố) do quy mô, cơ chế của chính quyền hiện tại khó đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới...

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, thành phố đang hoàn chỉnh đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 để trình các cấp có thẩm quyền; tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Thành phố cũng đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho UBND thành phố Hồ Chí Minh; thêm cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Thủ Đức và một số quận, huyện có quy mô dân số đông vào nội dung kiến nghị thay thế Nghị quyết số 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, song song với việc đề xuất, kiến nghị Trung ương ban hành những chính sách đặc thù phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn phát triển trong giai đoạn mới, thành phố sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành các cấp.

Bạn đang đọc bài viết Thành phố Hồ Chí Minh: Đột phá xây dựng chính quyền đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành
Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.