Thứ năm, 28/03/2024 16:43 (GMT+7)

“Tháo chạy” khỏi cổ phiếu “họ” FLC?

MTĐT -  Thứ ba, 24/07/2018 17:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Gần 1 năm giá trị cổ phiếu của FLC Faros, FLC AMD đã giảm hơn 70% khiến nhà đầu tư lao đao. Họ mong cổ phiếu tăng lên để bán tháo nhằm thu lại gốc.

Qua rồi thời cơn sốt cổ phiếu họ FLC

Thời điểm cách đây đúng 1 năm là lúc cổ phiếu của Tập đoàn FLC và các đơn vị thành viên gây sốt trên thị trường. Trong đó cổ phiếu HAI của Công ty cổ phần Nông dược HAI (nơi Tập đoàn FLC chiếm 20,0% cổ phần) giá lập đỉnh ngày 8/8/2017 là 22.500 đồng/cổ phiếu.

Tương tự cổ phiếu ROS của Công ty CP xây dựng FLC Faros lên tới 178.416 đồng/cổ phiếu ngày 3/11/2017. Mã cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD cũng lên mức 13.150 đồng/cổ phiếu. Cùng xu hướng lên đỉnh còn có mã cổ phiếu KLF của Công ty Cổ phần Liên doanh đầu tư quốc tế KLF với mức chào bán đỉnh điểm ngày 25/9/2017 là 5.760 đồng/cổ phiếu

Trong khi đó mã cổ phiếu FLC của Công ty CP Tập đoàn FLC lê mức 8.188 đồng/cổ phiếu vào 28/8/2017.

Điểm đáng lưu ý về diễn biến giá cổ phiếu doanh nghiệp thuộc họ FLC tăng còn có tác động của người đứng đầu Tập đoàn FLC. Vào cuối tháng 8/2017 sau khi ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC mua thành công 20.000.000 cổ phiếu FLC bằng hình thức khớp lệnh đã khiến giá cổ phiếu này tiếp tục tăng lên.

Chưa thật rõ ràng tuy nhiên động thái mua cổ phiếu với số lượng lớn của ông Trịnh Văn Quyết tác động tâm lý nhà đầu tư. Từ đó đẩy giá cổ phiếu này cao lên, qua đó giúp doanh nghiệp tăng thêm nguồn tiền đầu tư.

Gần 1 năm giá trị cổ phiếu của FLC Faros, FLC AMD đã giảm hơn 70% khiến nhà đầu tư lao đao. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên chỉ sau chưa đầy 3 tháng giá tăng, sức nóng thị trường giảm xuống khi cơ quan quản lý ra quyết định phạt ông Trịnh Văn Quyết vì đã “bán chui” 57 triệu cổ phiếu mà không báo cáo.

Trước đó chính vị chủ tịch FLC từng nói giá cổ phiếu FLC thấp dưới giá trị thực của doanh nghiệp là do cổ đông lướt sóng, đầu cơ là chính mà không tin tưởng vào doanh nghiệp. Nhưng thực tế này lại cho thấy chính vị Chủ tịch cũng thực hiện giao dịch với cổ phiếu của công ty mình. Trước sự thật là Chủ tịch bán thì lén lút, mua thì công khai, cổ đông đã thất vọng. Điều này khiến giá cổ phiếu FLC đi xuống trong giai đoạn cuối năm 2017.

Chỉ tính riêng ngày 13/11/2017 nhà đầu tư đã tranh nhau bán cổ phiếu FLC đẩy giá cổ phiếu này rơi rất mạnh. Trong phiên có lúc FLC giảm xuống tận giá sàn. Đóng cửa hôm nay FLC giảm 6,52% so với tham chiếu, cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 9. FLC hiện chỉ còn 6.020 đồng, là mức thấp nhất trong vòng 9 tháng.

Không chỉ có FLC, phiên hôm nay còn chứng kiến hầu hết các cổ phiếu thuộc “nhóm FLC” cùng sụt giảm mạnh. Đó là AMD giảm 7%, KLF giảm 8,11%, HAI giảm 6,9%. Chỉ có ROS là tăng 0,9%.

Nhà đầu tư lỗ nặng

Sức giảm mã cổ phiếu FLC và doanh nghiệp thành viên còn thê thảm hơn trong năm nay. Tính thời điểm ngày 18/7/2018 giá cổ phiếu HAI chỉ còn 3.670 đồng/cổ phiếu (tháng 8/2017 đứng ở mức 22.500 đồng/cổ phiếu) như vậy sau gần 1 năm giá cổ phiếu của HAI đã giảm 83,69%.

Mã cổ phiếu ROS ngày 18/7/2018 chỉ còn 44.000 đồng/cổ phiếu, giảm 75,34% so với tháng 11/2017.

Tương tự cổ phiếu AMD chỉ còn 3.710 đồng/cổ phiếu, giảm 71,79 so với tháng 8/2017. Cổ phiếu KLF cũng giảm về 2.000 đồng/cổ phiếu ngày 18/7 mức giảm này lên đến 65,28% so với tháng 9/2017.

Ngay cổ phiếu công ty mẹ Công ty CP Tập đoàn FLC cũng chỉ còn 5.130 đồng/cổ phiếu giảm 37,35% so với tháng 8/2017.

Theo đánh giá của các chuyên gia giá các cổ phiếu này bị tác động bởi các nhà tạo lập thị trường quá nhiều, giá biến động lớn và thường xuyên, có hiện tượng đẩy giá để thu hút cầu mua vào rồi bán xả hàng.

Đây không phải dạng cổ phiếu để nhà đầu tư tham gia trong thời điểm này. Dòng tiền từ bên ngoài không đẩy vào nên nhà đầu tư tham gia sẽ rất rủi ro.

Về phía FLC lúc này hoạt động tài chính với sự liên kết công ty mẹ và công ty con chính là cứu cánh.

Hoạt động của doanh nghiệp FLC là chuỗi liên kết gồm: Bất động sản nghỉ dưỡng (FLC), xây dựng (ROS), vật liệu xây dựng (AMD), chứng khoán (ART), bảo vệ thực vật (HAI).

Cụ thể: AMD cung cấp đá tự nhiên cho nhà thầu ROS, ROS thi công các công trình xây dựng của FLC, KLF mua bất động sản của FLC tại Sầm Sơn, Hạ Long, Quảng Ninh, HAI phát hành cổ phiếu tăng vốn để hợp tác cùng FLC xây dựng cao ốc.

Chưa thật rõ ràng tuy nhiên động thái mua cổ phiếu với số lượng lớn của ông Trịnh Văn Quyết tác động tâm lý nhà đầu tư. Ảnh minh họa.

Trong năm 2017, FLC bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho ROS 1.551 tỷ đồng, theo chiều ngược lại là 2.132 tỷ đồng. Con số này thể hiện sự phụ thuộc lẫn nhau quá lớn giữa các công ty trong hệ sinh thái FLC.

Những năm gần đây, tất cả các công ty này đều có lãi nhưng không lớn, nếu có sự đột phá thì đến từ doanh thu tài chính, mua bán cổ phiếu.

Năm 2017, lãi trước thuế của FLC đạt 561 tỷ đồng nhưng doanh thu tài chính tới 590 tỷ đồng. Con số này ở ROS còn cao hơn khi lợi nhuận trước thuế đạt 1.057 tỷ đồng, doanh thu tài chính tới 924 tỷ đồng. Con số lợi nhuận trước thuế và doanh thu hoạt động tài chính tại KLF là 6 tỷ đồng/72 tỷ đồng, HAI là 57 tỷ đồng/52 tỷ đồng, AMD là 62 tỷ đồng/8 tỷ đồng.

Bản chất đằng sau những khoản lợi nhuận này thì chỉ có ban lãnh đạo Tập đoàn FLC mới là người rõ nhất. Còn nhà đầu tư tâm lý chung muốn giá cổ phiếu doanh nghiệp họ FLC tăng trở lại để “tháo chạy” thu hồi vốn.

Theo Sức khỏe cộng đồng

Bạn đang đọc bài viết “Tháo chạy” khỏi cổ phiếu “họ” FLC?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới