Thứ sáu, 29/03/2024 00:12 (GMT+7)

Tháo gỡ khó khăn cho cơ sở OCOP

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ hai, 04/01/2021 09:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố Hà Nội đã công nhận, cấp sao cho hàng trăm sản phẩm...

ĐẨY MẠNH HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT  SẢN PHẨM 

Thời gian qua, tỉnh đoàn Bắc Ninh có nhiều hoạt động giúp đỡ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khởi nghiệp từ chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (chương trình OCOP) xây dựng nông thôn mới bền vững.

Anh Nguyễn Đức Sâm, Bí thư tỉnh đoàn Bắc Ninh cho biết, trong năm 2020, Tỉnh đoàn Bắc Ninh có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệm từ chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm. Cụ thể, Tỉnh đoàn đã tổ chức các lớp tập huấn, diễn đàn thanh niên khởi nghiệp cho các đoàn viên trong trong toàn tỉnh. Các bạn trẻ có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình OCOP. Đáng chú ý là Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp và Tập huấn An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh với sự tham dự của 250 ĐVTN đến từ 126 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Theo anh Sâm, các đoàn viên khi bắt đầu khởi nghiệp thường gặp khó khăn về nguồn vốn. Bởi vậy, Tỉnh đoàn Bắc Ninh luôn chú trọng làm đầu mối và giúp đỡ nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp, lập nghiệp từ chương trình OCOP của các bạn trẻ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Tiêu biểu có dự án sản xuất rượu thượng hạng Kinh Bắc từ nguồn nguyên liệu nông nghiệp của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch do đoàn viên Nguyễn Văn Khoát (xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình) làm chủ. Dự án này được Tỉnh đoàn Bắc Ninh hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp 1,5 tỷ đồng. Hiện cơ sở tạo nhiều việc làm và mức thu nhập ổn định cho 25 lao động tại địa phương.

“Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trong triển khai chương trình OCOP, giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương”, anh Sâm cho biết thêm.

(Nguyễn Thắng – Tỉnh đoàn Bắc Ninh)

Sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố Hà Nội đã công nhận, cấp sao cho hàng trăm sản phẩm. Mới đây, Đoàn công tác của thành phố đã kiểm tra tại một số địa phương để nắm bắt thực tế việc phát huy giá trị, quản lý chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm OCOP... qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Hiệu ứng tốt hơn dù vẫn còn khó khăn

Năm 2019, có 4 sản phẩm sữa của Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng (huyện Gia Lâm) được UBND thành phố Hà Nội cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Ông Khúc Văn Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã cho biết: Sau 1 năm được công nhận sản phẩm OCOP, hiệu ứng của việc này thấy rõ. Đơn vị ngày càng duy trì ổn định sản xuất và đang ký thu mua sữa của 40 hộ chăn nuôi với sản lượng 2 tấn sữa tươi/ngày.

Tương tự, ông Kiều Văn Quý, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Quý Thảo (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) nói rằng: "Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, chúng tôi được hỗ trợ tham dự nhiều hội chợ quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy sản xuất được mở rộng hơn so với trước đây. Hiện mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình xuất xưởng 200kg kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng". Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức) Duy Ngọc Linh cho biết: Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm “Bún gạo Minh Dương” đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn hơn và được xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, sản phẩm được thành phố đánh giá, công nhận OCOP đều có chất lượng cao. Các chủ thể sản xuất tạo được niềm tin nhiều hơn với người tiêu dùng để phát triển sản phẩm. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, vẫn còn một số chủ thể gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Ông Phan Ngọc Tú, chủ trang trại chăn nuôi đà điểu ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) cho biết: Đơn vị trực tiếp và liên kết với các hộ dân trong vùng nuôi đà điểu với số lượng thường xuyên khoảng 1.000 con. Trung bình mỗi ngày, cơ sở giết mổ 10 con đà điểu (hơn 1 tấn) để bán thịt và chế biến thành các sản phẩm giò, chả, xúc xích... "Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một thời gian dài chúng tôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, việc tiêu thụ đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chỉ bằng 1/10 so với trước”, ông Phan Ngọc Tú nói.

Về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền cũng nêu một số khó khăn hiện nay đối với các chủ thể sản phẩm OCOP là tìm kiếm thị trường, thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất...

Nhiều giải pháp tháo gỡ

Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, ông Phan Ngọc Tú, chủ trang trại chăn nuôi đà điểu ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đề xuất các cơ quan chức năng của thành phố tạo điều kiện hỗ trợ vốn ưu đãi để duy trì sản xuất; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. “Ba Vì có thế mạnh về du lịch. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm”, ông Phan Ngọc Tú đề xuất.

Trong khi đó, ông Khúc Văn Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Chế biến sữa bò Phù Đổng cho biết: Cơ sở sản xuất của hợp tác xã chật hẹp, rất khó để mở rộng thêm. Hợp tác xã mong muốn được thuê đất để trực tiếp chăn nuôi và xây dựng nhà máy có công nghệ hiện đại hơn trong chế biến sữa bò.

Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng thông tin: Trước thực tế đòi hỏi, huyện đang tìm quỹ đất phù hợp, xa khu dân cư để xây dựng phương án cho các hộ, hợp tác xã thuê đất phát triển chăn nuôi, chế biến sữa với diện tích khoảng 20ha, trong đó sẽ ưu tiên các chủ thể tham gia OCOP.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền thông tin: Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu việc in tem nhãn OCOP để cấp cho các chủ thể có sản phẩm được công nhận. Thành phố cũng giao Sở Công Thương xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho các sản phẩm đến tay người tiêu dùng... Với kiến nghị của các chủ thể, đơn vị sẽ tổng hợp để tham mưu thành phố có các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển bền vững.

Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các chủ thể có sản phẩm OCOP cũng đang nỗ lực vượt khó khăn. Ông Vũ Khắc Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm thủy sản Thuần Việt (xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây) cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp cùng các đơn vị mở điểm bán sản phẩm OCOP của Công ty ở nội thành Hà Nội để đưa sản phẩm đến khách hàng".

(Nguyên Mai – HNM 18/12/2020)

SỮA NÔNG TRẠI MYFARM

Nằm ở vùng “rốn sữa” của huyện Ba Vì, Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì (xã Vân Hòa) đã khai thác lợi thế để xây dựng nhà máy chế biến sữa tươi thành hàng chục sản phẩm mang thương hiệu “Sữa nông trại Myfarm”. Mới đây, đơn vị đã có 10 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Ba Vì được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, độ ẩm thích hợp để phát triển những cánh đồng cỏ rộng lớn - nguồn thức ăn xanh, sạch, hình thành và phát triển nghề chăn nuôi bò sữa truyền thống.

Được thành lập năm 2018, Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất sữa hiện đại với công suất chế biến 6 tấn/ngày. Hiện, đơn vị đang ký kết hợp đồng thu mua sữa cho 20 hộ dân nuôi bò sữa với số lượng từ 800kg đến 1 tấn sữa tươi/ngày. Với các hộ ký hợp đồng, Công ty hướng dẫn chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật từ chăm sóc, vắt sữa, bảo quản sữa bò... để có chất lượng tốt nhất đưa về nhà máy.

Hiện nay, Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì có hàng chục các sản phẩm: Sữa tươi thanh trùng có đường, không đường; các loại: Sữa chua trắng, sữa chua nếp cẩm, sữa chua trà xanh, sữa chua nha đam, sữa chua phô mai... Sản phẩm được bán và giới thiệu tại trụ sở công ty (thôn Việt Hòa, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) và các đại lý bán, giới thiệu sản phẩm sữa tươi trên địa bàn huyện Ba Vì.

Được chứng nhận sản phẩm OCOP, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì Nguyễn Thị Mai mong muốn gặp gỡ và có liên kết với các nhà bán lẻ, đặc biệt là đưa sản phẩm vào các siêu thị, điểm bán hàng OCOP của thành phố Hà Nội để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động cũng như thu mua sữa tươi ổn định cho các hộ chăn nuôi.

(Minh Phú – HNM 18/12/2020)

ĐÔNG ANH - ĐIỂM SÁNG XÂY DỰNG SẢN PHẨM OCOP

Từ đầu năm đến nay, huyện Đông Anh đã tổ chức 2 lần đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Qua đó cho thấy, địa phương có nhiều sản phẩm thủ công đặc sắc, điển hình là tranh điêu khắc gỗ. Nghệ nhân Đỗ Danh Nam (thôn Thiết Ứng, xã Vân Hà) - chủ nhân của các sản phẩm OCOP (khay gỗ trái đào, tượng gỗ Phật Bà Quan Âm, tượng gỗ lưng trâu thổi sáo... đã được Hội đồng thành phố đánh giá đạt 4 sao), chia sẻ: "Nét độc đáo trong tác phẩm đồ gỗ mỹ nghệ thủ công, gia dụng của Vân Hà, đặc biệt là các pho tượng là có thần thái hài hòa, sống động. Đặc điểm này không máy móc hiện đại nào có thể thay thế bàn tay nghệ nhân".

Ngoài sản phẩm đặc sắc của các làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện, nhiều thực phẩm tươi sống và chế biến cũng là thế mạnh, chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm sản phẩm OCOP của Đông Anh, như: Đậu phụ trắng làng chài của Hợp tác xã Thanh niên Võng La; ống hút từ rau, củ, quả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng…

Nói về sản phẩm ống hút được làm từ rau, củ, quả, ông Lê Văn Tám - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng cho biết, đây là lần đầu tiên sản phẩm của Hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP và đã đạt 5 sao. Để có kết quả đó, Hợp tác xã đã đầu tư rất bài bản cho dây chuyền sản xuất ống hút thân thiện với môi trường. Một chiếc ống hút đạt chuẩn đòi hỏi qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn có yêu cầu riêng vì nguyên liệu là sản phẩm hữu cơ, không sử dụng chất bảo quản. Các ống hút được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau nên màu sắc khá bắt mắt. Khi đến tay người tiêu dùng, ống hút bảo đảm sự đồng đều, đẹp; bảo đảm độ cứng trong vòng 10 tiếng ở môi trường nóng hoặc lạnh. Ngoài công dụng chính để uống nước thì loại uống hút này có thể xào, luộc, nhúng lẩu... thậm chí là rán thành các loại snack (thức ăn nhẹ), tạo nên những món ăn giàu dinh dưỡng, lạ miệng...

Đánh giá về việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của Đông Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận xét: Đông Anh là điểm sáng trong hai năm triển khai Chương trình OCOP vừa qua. Các sản phẩm của địa phương có hàm lượng khoa học khá cao, được đầu tư bài bản về bao bì, nhãn mác, nhận diện sản phẩm, đặc biệt là bảo đảm an toàn thực phẩm...

Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, huyện đã xây dựng Đề án “Thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, huyện bố trí kinh phí và chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế trên địa bàn. Trên cơ sở rà soát được 270 sản phẩm tiềm năng, huyện đã và đang hỗ trợ các chủ thể tập huấn, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt các tiêu chí dự thi đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP từ nay đến năm 2025. Toàn huyện Đông Anh hiện có 133 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đến năm 2020.

(Sơn Tùng – HNM)

Triển khai Chương trình OCOP, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1000 sản phẩm OCOP. Đến nay, thành phố đã có quyết định công nhận 630 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 421 sản phẩm 4 sao, 195 sản phẩm 3 sao. Hiện, các cơ quan chức năng đang đẩy nhanh tiến độ đánh giá, phân hạng khoảng 370 sản phẩm nữa, phấn đấu đến hết năm 2020, có trên 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, năm 2020, Hà Nội đã đưa vào hoạt động 13 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn thành phố. Thành phố cũng đã tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền, gồm: Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Mỗi sự kiện như vậy đã thu hút hàng vạn lượt người đến tham quan, nhận diện thương hiệu và mua sản phẩm. Cũng tại những sự kiện này, các hội thảo kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa nhà phân phối, nhà bán lẻ với các chủ thể OCOP được thực hiện, tạo thêm cơ hội cho các bên liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Thống kê từ các sự kiện kết nối này cho thấy đã có hàng trăm biên bản ghi nhớ, hợp tác được ký kết và triển khai. 

HÀ THỦ Ô ĐỎ, TỎI ĐEN KOCHI

Với mong muốn tạo ra những  sản phẩm  OCOP mới có giá trị cho cộng đồng, Công ty Xuất nhập khẩu và Phát triển công nghệ Nhật Bản (phường Mộ Lao – quận Hà Đông) đã chế biến  sản phẩm từ nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như củ tỏi, hà thủ ô thành  sản phẩm  của công ty là “Hà thủ ô đỏ chế dạng miếng 300g” và Tỏi đen Kochi” đã được thành phố Hà Nội chấm điểm “4 sao” trong Chương trình mỗi xã một  sản phẩm (OCOP).

Chị Vũ Thị Hà, dược sĩ phụ trách marketing của công ty cho biết, sản phẩm tỏi đen được lên men tự nhiên từ tỏi tươi trong 60 ngày. Do được lên men, chín sinh học nên tỏi có mùi thơm, mềm, dẻo, vị ngọt, dễ ăn, có thể bảo quản được 2 năm ở điều kiện thườn mà không phải dùng bất cứ chất bảo quản nào. Còn với sản phẩm hà thủ ô đỏ, nhờ quy trình chế biến loại bỏ vị đắng và độc tính của  sản phẩm  nên dễ ăn, tác dụng tốt cho hệ thần kinh, kích thích tiêu hóa, bảo vệ gan... Công ty đã tạo việc làm cho 18 lao động với mức thu nhập bình quân 8 – 10 triệu đồng/người/tháng; đồng thời, ký hợp đồng với nông dân của Hà nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước để thu mua tỏi tươi với số lượng từ  9 đến 10 tấn/năm; hà thủ ô tươi với số lượng khoảng 4 đến 5 tấn/năm để chế biến thành tỏi đen, hà thủ ô đỏ dạng miếng.

Hiện nay, nhà máy sản xuất của công ty đặt tại xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) đã được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tham gia đánh giá, phân hạng  sản phẩm OCOP, công ty mong muốn  sản phẩm  tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng; giúp công ty mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu...

(Minh Phú – HNM 25/12/2020)

THANH OAI THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN  SẢN PHẨM OCOP

Để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, nông sản đặc trưng của địa phương, thời gian qua, huyện Thanh Oai tăng cường hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây được coi là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn, tạo thêm nhiều sản phẩm chủ lực, qua đó tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn...

Là một trong những cơ sở vừa được chấm điểm sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên, bà Tạ Thu Hương, chủ cơ sở nón lá xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, trung bình mỗi năm, cơ sở xuất khẩu 5.000 chiếc nón lá, quạt... bán cho các doanh nghiệp để xuất khẩu tới Nhật Bản, Australia... Các sản phẩm nón lá của cơ sở được thành phố chấm điểm công nhận đạt OCOP sẽ tăng giá trị, giúp cơ sở thuận lợi trong tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng, trực tiếp bán sản phẩm ra nước ngoài.

Cũng về vấn đề này, ông Lê Văn Trẻo, ở xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) chia sẻ, với diện tích 10ha, tổng đàn 20.000-25.000 con vịt, mỗi ngày trang trại bán 17.000-18.000 quả trứng cho thương lái, nhà hàng, bếp ăn tập thể... Vừa qua, sản phẩm trứng vịt Liên Châu được thành phố chấm điểm công nhận sản phẩm OCOP đạt "3 sao" - đây là cơ hội để trang trại tiếp cận ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, siêu thị, cửa hàng tiện ích... qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ qua hợp đồng, nâng cao giá trị sản phẩm...

Đánh giá về tiềm năng sản phẩm OCOP trên địa bàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn cho biết, năm 2019, Thanh Oai có 11 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn OCOP "4 sao". Vừa qua, huyện có thêm 22 sản phẩm được thành phố chấm điểm công nhận sản phẩm OCOP đạt từ "3 sao" đến "4 sao". Như vậy, đến thời điểm này, Thanh Oai đã có 33 sản phẩm làng nghề, nông sản được công nhận đạt chuẩn OCOP. Đây là điều kiện thuận lợi để các chủ thể nâng cao giá trị sản phẩm bán ra thị trường. Ngoài ra, huyện có 51 làng nghề với những sản phẩm tiềm năng như: Kim khí, điêu khắc, tạc tượng, lồng chim, chẻ tăm hương, quạt, mộc, may mặc, tương, miến, bún, bánh, giò chả, nem chua... Đây là những sản phẩm tiêu biểu, hứa hẹn đạt chuẩn OCOP cho Thanh Oai trong tương lai... được xếp hạng "sao"; lồng ghép vào các chương trình, như: Xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, công nghệ cao… có hỗ trợ về kinh phí, khoa học, kỹ thuật, mặt bằng sản xuất cho các chủ thể. Thanh Oai xác định rõ, các sản phẩm được công nhận OCOP sẽ là nguồn lực để các làng nghề, hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã... tạo sức bật về kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân...

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện nay các sản phẩm OCOP đã và đang góp phần quảng bá, phục hồi, phát triển một số sản phẩm truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Oai. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm làng nghề trên địa bàn huyện tiếp tục góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân; tạo thêm nguồn lực cho Thanh Oai thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

(Quỳnh Dung – HNM)

GIA LÂM CHÚ TRỌNG SẢN XUẤT RAU CHẤT LƯỢNG CAO

Thời gian qua, huyện Gia Lâm đã đẩy mạnh phát triển, sản xuất các sản phẩm rau an toàn chất lượng cao gắn với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu.

Xã Văn Đức có 1.200 hộ tham gia trực tiếp sản xuất rau an toàn, chia thành 20 nhóm và 5 liên nhóm, mỗi nhóm gồm 25-30 hộ thành viên trồng rau. Nhờ sản xuất theo đúng quy trình, chất lượng bảo đảm, sản phẩm có dán nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên rau an toàn Văn Đức không chỉ được đưa vào hệ thống siêu thị ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước, mà còn xuất khẩu sang một số quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh, dịch vụ rau Văn Đức cho biết, nhờ canh tác an toàn theo đúng quy trình được khuyến cáo, hơn 220ha rau của Văn Đức luôn đạt chuẩn. Trong đó, gần 27ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, còn lại là rau an toàn với hơn 20 chủng loại rau được lên kế hoạch sản xuất chi tiết, diện tích sản lượng theo mùa vụ. Để nâng cao chất lượng, hướng tới xuất khẩu, năm 2020, huyện đã triển khai mô hình thử nghiệm giống rau bắp cải chịu nhiệt và giống kháng sâu tơ trên diện tích 10 sào. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cây giống, trị giá 12 triệu đồng/sào… làm cơ sở nhân rộng ra toàn hợp tác xã.

"Hiện hợp tác xã có 8 loại rau được thành phố cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng "4 sao", điển hình là các loại: Bắp cải trắng, lơ xanh, lơ trắng, cải thảo, đậu trạch, cải ngọt, mướp đắng… Nhờ bảo đảm chất lượng, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 40-50 tấn rau các loại. Trong đó, khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối của Hà Nội; số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Năm 2019, hợp tác xã xuất khẩu thành công một số loại rau (cải thảo, bắp cải, súp lơ...) sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, tạo tiền đề cho các vụ rau tiếp theo", ông Nguyễn Văn Minh thông tin.

Tương tự, xã Đặng Xá cũng là một trong những vựa rau an toàn lớn của huyện Gia Lâm. Trung bình mỗi ngày, Đặng Xá cung ứng cho người tiêu dùng khoảng 15 tấn rau ăn lá và rau ăn quả các loại, cao điểm có thể lên tới 100 tấn/ngày. Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá cho biết, tổng diện tích canh tác rau hằng năm của xã ước đạt 250ha, trong đó có 150ha chuyên rau, còn lại khoảng 100ha rau được sản xuất theo mùa vụ, chủ yếu luân canh, xen canh gối vụ với cây lương thực và cây trồng hằng năm khác.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho hay, với quy mô sản xuất rau an toàn của huyện đạt gần 700ha, Gia Lâm tập trung chỉ đạo các xã, hợp tác xã tổ chức lực lượng giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất rau ngay tại ruộng. Năm 2019-2020, thu nhập trên 1ha rau của huyện đạt khoảng 500 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi hàng trăm triệu đồng/ha, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 1 tỷ đồng/ha. Nhờ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đến nay huyện Gia Lâm đã có nhiều loại rau an toàn đạt tiêu chuẩn "4 sao" theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm(OCOP).   

(Sơn Tùng – HNM)

Mỗi xã một sản phẩm là định hướng chung của nhà nước nhằm tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu cho địa phương và cho cả nước. Vì vậy mà ngày càng được nhà nước và các địa phương tạo điều kiện về vật chất và kỹ thuật công nghiệp để phát triển không ngừng./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

     Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Tháo gỡ khó khăn cho cơ sở OCOP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.