Thứ bảy, 20/04/2024 16:33 (GMT+7)

Tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp bất động sản vượt 'bão' Covid

MTĐT -  Thứ ba, 10/08/2021 16:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và quy trình thủ tục hành chính để vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đang làm trầm trọng thêm khó khăn của thị trường bất động sản. Giãn cách xã hội khiến hoạt động xây dựng, phát triển, mở bán dự án không thể thực hiện. Hầu hết các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng trên thị trường đều đang gặp rất nhiều khó khăn.

Để tăng sức chống chịu của doanh nghiệp và sớm giúp họ vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đề nghị Bộ Xây dựng sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19

Theo ông Châu, các doanh nghiệp bất động sản cần Nhà nước hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và quy trình thủ tục hành chính.

Thứ nhất, về cơ chế chính sách tín dụng, ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Các ngân hàng thương mại xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.

Quan trọng hơn, ông Châu đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. 

Các ngân hàng thương mại cần xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký. Đặc biệt, đề nghị các ngân hàng thương mại quan tâm hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.

"Doanh nghiệp “sống” được thì các ngân hàng mới “sống khỏe” được", ông Châu nhận định.

Thứ hai, về chính sách thuế, tiền sử dụng đất, theo quy định pháp luật, kể từ ngày nhận được Thông báo nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại của Cục thuế thì trong thời hạn 90 ngày, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu quá thời hạn này thì doanh nghiệp sẽ bị phạt chậm nộp thuế.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ “cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021”, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19 và góp phần kéo giảm giá nhà.

Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc đề xuất cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp để nghiên cứu, báo cáo Chính phủ khi lập đề nghị xây dựng dự án luật sửa đổi đổi, bổ sung Luật Thuế doanh nghiệp hiện hành.

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của dịch bệnh.

Sớm tháo gỡ vướng mắc về pháp lý bất động sản

Cùng với các giải pháp trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đại dịch, ông Châu cho rằng, các vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và quy trình thủ tục hành chính đã kéo dài trong thời gian vừa qua cũng cần sớm được tháo gỡ. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, tạo sức bật cho doanh nghiệp hồi phục sau dịch.

Theo đó, một trong những vướng mắc pháp lý rất lớn hiện nay được ông Châu chỉ ra là Khoản 1 và Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 và Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong 2 trường hợp: Nhà đầu tư có đất ở (có 100% đất ở); hoặc nhà đầu tư có các loại đất khác “dính” với đất ở.

Còn lại, tất cả các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hay có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

"Ách tắc” này đã gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp bất động sản, người tiêu dùng và cả Nhà nước. Do vậy, hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét sớm có giải pháp xử lý vướng mắc này để công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, ông Châu đề nghị ban hành quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại. Hiện nay, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại phức tạp như một “ma trận”, tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp và làm cho cán bộ công chức nhà nước rất “vất vả”, thậm chí dễ bị “rủi ro” trong thi hành công vụ.

Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ Tài chính để thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án nhà ở thương mại, để hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất thực hiện./.

Theo An Chi/The Leader

Bạn đang đọc bài viết Tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp bất động sản vượt 'bão' Covid. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ