Thứ sáu, 26/04/2024 02:28 (GMT+7)

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Hợi: Trao hạnh phúc cho người hiếm muộn

MTĐT -  Thứ năm, 22/09/2022 08:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú (PGS, TS, TTƯT) Nguyễn Xuân Hợi (SN 1971), Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc máu cuống rốn (Bệnh viện Phụ sản T.Ư), người con quê hương Tân Yên là bác sĩ đầu ngành về lĩnh vực điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Với những thành tích đạt được, ông được UBND tỉnh tôn vinh trí thức Bắc Giang tiêu biểu năm 2021, Hội Các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội vinh danh nhà khoa học tiêu biểu năm 2022.

Xứng danh "trai Cầu Vồng"

Sau gần 10 năm chạy chữa khắp nơi vì hiếm muộn, đến đầu năm 2022, vợ chồng anh Nguyễn Văn S, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) mới vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi đón con chào đời. Anh S tâm sự: “Nếu không gặp và được bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi điều trị, hỗ trợ can thiệp bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thì không biết khi nào vợ chồng tôi mới có được niềm vui này”. Như vợ chồng anh S, hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn ở trong nước cũng đã được bác sĩ Hợi “mát tay” ươm mầm hạnh phúc.

Bắc Giang, hạnh phúc, người hiếm muộn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi và niềm vui của cặp vợ chồng thành công trong điều trị vô sinh.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi quê ở thôn Đồng Điều, xã Tân Trung (Tân Yên). Quãng thời gian học tiểu học, THCS, ông là học sinh giỏi môn Văn. Tuy nhiên một bước ngoặt lớn trong định hướng nghề nghiệp từ bố đã giúp ông chuyển hướng sang học khối tự nhiên để theo nghề y.

“Gần 30 năm khoác chiếc áo blouse, đến giờ tôi vẫn nhớ lời bố: Gia tộc mình cần có một bác sĩ để chữa bệnh cho người thân và cũng là đóng góp cho xã hội. Và bố thấy con là người phù hợp”, bác sĩ Hợi kể. Dù chưa hiểu hết hàm ý của bố song ông vẫn quyết định dành thời gian nhiều hơn cho 3 môn Toán, Hóa học và Sinh học. Năm 1989, ông trúng tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa.

Cậu sinh viên quê Tân Yên khi ấy chỉ biết miệt mài với sách vở, ban ngày lên giảng đường, nhiều tối lại tìm đến thư viện hoặc các bệnh viện để học. Với kết quả tốt nghiệp xuất sắc, ông tiếp tục học chuyên ngành Bác sĩ nội trú. Sinh viên Nguyễn Xuân Hợi là “hạt giống đỏ” được Bộ Y tế và Trường Đại học Y Hà Nội lựa chọn tiếp tục đào tạo với định hướng sau này làm việc tại bệnh viện tuyến T.Ư hoặc nghiên cứu, giảng dạy.

Trong các môn học, kết quả chuyên ngành phụ sản của ông luôn dẫn đầu lớp. Thời kỳ ấy, nhận thấy nhiều cặp vợ chồng khát khao có con song không thành, trong khi các nghiên cứu hàn lâm về vô sinh, hiếm muộn chưa làm sáng tỏ đầy đủ nguyên nhân và chỉ ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Những câu hỏi vì sao, làm thế nào cứ trở đi, trở lại trong tâm trí, vậy là ông quyết tâm bước vào lĩnh vực này dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1999, hoàn thành khóa học bác sĩ nội trú, ông về công tác tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư.

Thay đổi lý thuyết và hành vi điều trị bệnh

Sớm khẳng định năng lực trong công tác lại thông thạo tiếng Anh nên năm 2003, bác sĩ Hợi giành được học bổng du học tại Hoa Kỳ trong lĩnh vực vô sinh và thụ tinh trong ống nghiệm. Không thể kể hết niềm hạnh phúc bởi ngày đó, ông là người thứ hai của Việt Nam giành được học bổng này (sau bác sĩ Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia).

Bắc Giang, hạnh phúc, người hiếm muộn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú
PGS, TS, TTƯT Nguyễn Xuân Hợi.

Nhờ có vốn tiếng Anh tốt, ông học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích từ các giáo sư, tiếp cận được với nhiều công trình nghiên cứu khoa học quý giá. Sau đó ông về nước tiếp tục công việc tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (thuộc Bệnh viện Phụ sản T.Ư).

Kiến thức tích lũy cùng khó khăn thường gặp trong thực tiễn khám, chữa bệnh đã thôi thúc ông nghiên cứu hàng chục đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở và được đăng trên các tạp chí, báo cáo khoa học trong nước, quốc tế. Cùng đó, bác sĩ Hợi mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới, từng bước nâng tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

Trong số những nghiên cứu khoa học của mình, bác sĩ Hợi tâm đắc nhất là công trình “Xác định thời điểm lấy noãn tối ưu trong thụ tinh ống nghiệm” hoàn thành năm 2014 được nghiệm thu đạt loại xuất sắc tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Theo PGS, TS, TTƯT Nguyễn Xuân Hợi, trong lĩnh vực điều trị vô sinh, việc xác định thời điểm nào để chọc hút noãn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Những tài liệu trước đó xác định từ 34-36 giờ kể từ thời điểm gây trứng thành nang noãn bằng thuốc song thực tế áp dụng ở nhiều ca hiếm muộn vẫn gặp thất bại. Qua nghiên cứu, tôi xác định thời điểm tối ưu là từ 36-37 giờ. Công trình làm thay đổi toàn bộ lý thuyết và hành vi của bác sĩ trong điều trị, được ứng dụng thực hành rộng rãi trong cả nước”.

PGS, TS, TTƯT Nguyễn Xuân Hợi

Đề tài này còn được Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP Hồ Chí Minh, Hội Sinh sản Hoa Kỳ công nhận thành tựu trong lĩnh vực điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Ngoài ra, bác sĩ Hợi còn tham gia nhiều đề tài khoa học khác như: “Chẩn đoán và điều trị vô sinh nam và nữ bằng kỹ thuật cao tại Việt Nam”; “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị vô sinh”; “Chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi trong hỗ trợ sinh sản”... Ông còn có hơn 80 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế.

Tài năng và tâm huyết được bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi chia sẻ, chuyển giao tới đồng nghiệp đang công tác tại các bệnh viện chuyên khoa phụ sản trong cả nước.

Trong vai trò Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc máu cuống rốn, ông nỗ lực ứng dụng kỹ thuật cao vào công tác bảo quản, lưu trữ mẫu để khi cần có thể lấy ra chữa bệnh cho chính người có cuống rốn đó hoặc các thành viên khác trong gia đình. Đây là phương pháp điều trị bằng tế bào gốc hiện đại nhất trên thế giới. Đến nay, có hơn 2 nghìn mẫu được gửi về Trung tâm lưu giữ.

Quê hương luôn ở trong tim

Mỗi ngày bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi bắt đầu làm việc từ 7 giờ 30 phút và thường nghỉ lúc 22 hoặc 23 giờ. Ông chia sẻ bản thân may mắn khi có vợ làm công việc hành chính giúp quán xuyến mọi công việc gia đình. Lịch làm việc dày đặc với các buổi khám bệnh, chương trình hội thảo, tập huấn, tọa đàm và nghiên cứu khoa học khiến ông ít có thời gian về thăm quê hương.

“Quê hương Bắc Giang luôn trong trái tim tôi” - bác sĩ khẳng định. Mỗi khi sắp xếp được, ông về Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang hỗ trợ các bác sĩ chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Từ năm 2015 đến nay, ông nhiều lần về đây khảo sát điều kiện cơ sở vật chất, định hướng cho bệnh viện xây dựng đề án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Nhờ vậy, từ tháng 5/2022 đến nay, tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang đã triển khai điều trị vô sinh, hiếm muộn bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Để giảm tải cho tuyến T.Ư, bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi đang thực hiện đề án xây dựng bộ quy trình thực hiện kỹ thuật chuyển giao thụ tinh trong ống nghiệm áp dụng riêng tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang. Việc thực hiện không chỉ phụ thuộc vào các bác sĩ tuyến trên thông qua phương pháp "cầm tay chỉ việc", trực tiếp thực hành mà còn mang tính lý luận.

Bác sĩ Hợi tự hào nói: “Ngày 21/12/2021, tôi được UBND tỉnh tôn vinh là Trí thức Bắc Giang tiêu biểu. Mới đây, Hội Các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội vinh danh Nhà khoa học tiêu biểu năm 2022. Đây là những phần thưởng cao quý, là tình cảm quê hương dành cho nên tôi vô cùng trân trọng, gìn giữ”.

Đền đáp lại điều đó, bác sĩ Hợi nguyện dành tâm sức, trí lực hết lòng điều trị, giúp đỡ bệnh nhân. Thật hạnh phúc biết bao khi mỗi ngày, tin vui báo về từ bệnh nhân ở mọi miền Tổ quốc, trong đó nhiều cặp vợ chồng quê hương Bắc Giang cho biết đã hưởng trái ngọt sau bao ngày mong đợi đón những em bé chào đời.

Hiện nay, số ca mắc bệnh vô sinh, hiếm muộn đang có xu hướng gia tăng. Vì thế các trung tâm, bệnh viện hỗ trợ sinh sản thành lập ngày càng nhiều. Ông mong muốn các cơ sở điều trị không chỉ mở rộng quy mô, phát triển về số lượng mà cần tăng tỷ lệ thành công.

Nếu trước đây, tỷ lệ thành công chỉ dừng lại ở 25-30% thì nay nâng lên đến 45-50%. Vì lẽ đó bác sĩ Hợi luôn cố gắng đem hết kiến thức, khả năng của mình để giảng dạy, chia sẻ cho đồng nghiệp tại đơn vị đang công tác cũng như các bệnh viện chuyên khoa sản phụ của cả nước. Từ đó giúp người bệnh được tiếp cận nhanh nhất với kỹ thuật hiện đại ngay tại quê nhà mà không phải lên tuyến trên, giảm tải chi phí, thời gian đi lại.

Bạn đang đọc bài viết Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Hợi: Trao hạnh phúc cho người hiếm muộn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.