Thứ bảy, 20/04/2024 19:14 (GMT+7)

Thế giới oằn mình với rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19

MTĐT -  Thứ tư, 10/06/2020 14:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm gia tăng các sản phẩm làm từ nhựa như khẩu trang y tế, găng tay, trang thiết bị bảo vệ, túi đựng xác trên toàn cầu tăng vọt.

Không khó bắt gặp những chiếc khẩu trang nằm la liệt trên đường phố hay trên các bãi biển trong những ngày này. Chưa có thống kê chính xác về tổng lượng chất thải y tế trên toàn cầu từ khi COVID-19 bùng phát thành đại dịch, nhưng thông tin từ các quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy sự gia tăng chóng mặt so với trước đó.

Chưa có tính toán chính xác về tổng lượng chất thải y tế trên toàn cầu từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, nhưng thông tin từ các quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy sự gia tăng chóng mặt so với trước đó.

Theo tờ The Verge, chỉ tính riêng tại Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi khởi phát dịch bệnh - lượng rác thải y tế tại các bệnh viện đã tăng gấp 6 lần so với trước khi khủng hoảng xảy ra, ước tính mỗi ngày có tới 240 tấn rác.

Với lượng rác khổng lồ như vậy, chính quyền các nước từ trung ương tới địa phương phải chật vật giải quyết. Các cơ sở sẵn có phải tăng cường công suất gấp nhiều lần. Nhiều nơi phải xây dựng thêm nhà máy xử lý rác thải cũng như hàng loạt cơ sở mới mang tính lưu động để kịp thời phản ứng. Công nhân phải làm việc hết công suất.

Ông Joel Keller, Giám đốc nhà máy xử lý rác thải y tế ở Pháp, cho biết: "Việc xử lý rác thải của chúng tôi đã tăng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm trước dịch. Các nhân viên của chúng tôi phải làm thêm giờ. Hệ thống máy móc phải vận hành hết công suất".

Nhiều quốc gia, tổ chức cũng đưa ra các giải pháp đối phó. Ví dụ, các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 4 đã ban hành hướng dẫn quản lý rác thải trong khủng hoảng COVID-19. Theo đó, EU nêu rõ cách xử lý rác thải y tế cũng như yêu cầu biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân lực làm việc trong lĩnh vực liên quan.

Tại Ấn Độ, các hướng dẫn về việc xử lý rác thải trong quá trình điều trị cách ly những bệnh nhân dương tính và các ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng được triển khai. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cùng chính quyền các tiểu bang Mỹ cũng đưa ra những quy định về tiêu hủy rác thải y tế.

Tuy vậy, để giải quyết được bài toán này không phải chuyện dễ dàng. Không phải ở đâu cũng đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt ấy. Trước hết, giới chức và các cơ sở liên quan cần tính toán được khả năng cung ứng, kịp thời triển khai thêm và không để rác y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm tồn tại lâu mà không được xử lý.

Trước nỗi lo về những tác động có hại cho môi trường từ rác thải y tế, Chính phủ Pháp mới đây đã công bố kế hoạch tăng tiền phạt đối với hành động xả rác bừa bãi trên đường phố, đặc biệt là việc vứt trái phép khẩu trang và găng tay nhựa tại các khu vực công cộng. Mức phạt này có thể lên tới 10 triệu đồng.

Trong khi đó, nhiều nước đã kêu gọi người dân tăng cường rửa tay thay vì sử dụng găng tay gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, người dân cũng được khuyến cáo sử dụng khẩu trang làm từ vải tự nhiên, có thể giặt được thay cho loại khẩu trang y tế dùng một lần.

Gia tăng rác thải nhựa

Bên cạnh việc gia tăng rác thải y tế, rác thải nhựa cũng gia tăng trong thời gian giãn cách xã hội. Giới chức các nước đã tạm ngừng hoặc thu hồi một số lệnh cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, coi đây là một biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Theo số liệu của Liên minh châu Âu (EU), Bồ Đào Nha, nơi tái chế khoảng 28% lượng rác thải đô thị, dưới mức trung bình 46% của châu Âu. Nước này đã bắt đầu cải thiện “thông tin xanh” trong nước.

Ảnh: CNN

Tuy nhiên, lệnh phong tỏa vào giữa tháng 3 để ngăn chặn virus corona chủng mới đưa ra các biện pháp làm tạm dừng hoạt động tái chế trong khi tăng cường sử dụng các vật liệu như nhựa. Bộ Môi trường Bồ Đào Nha thừa nhận việc giảm thu gom rác thải nhựa có thể tái chế tại nước này nhưng không đưa ra số liệu cụ thể.

Trong khi đó, lệnh phong tỏa đã là tác nhân khiến rác thải gia tăng. Chẳng hạn, các nhà hàng Bồ Đào Nha chỉ được phép bán hàng mang đi và chủ yếu sử dụng các sản phẩm dùng một lần để giao đồ ăn.

Tại Thái Lan, lượng rác thải nhựa đã tăng gấp 4 lần trong thời gian giãn cách xã hội, do nhu cầu giao thức ăn, đồ dùng đến tận nhà tăng vọt. Rác thải nhựa của nước này hiện đang ở mức khoảng 6.500 tấn/ngày so với mức khoảng 1.500 tấn/ngày trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

 Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Thế giới oằn mình với rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất