Thứ bảy, 20/04/2024 06:23 (GMT+7)

Thêm nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Đắk Nông

MTĐT -  Thứ năm, 16/12/2021 09:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhờ chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc sống gần rừng, việc ngăn chặn các hành vi tàn phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp ngày càng hiệu quả.

Them nguon luc cho cong tac quan ly, bao ve rung tai Dak Nong hinh anh 1
Một khoảnh rừng hơn 25ha được giao cho một hộ đồng bào. (Ảnh: Vietnam+)

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông, sau 10 năm triển khai thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng đã tạo nguồn tài chính ổn định, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững và góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng.

An cư lạc nghiệp nhờ gắn bó với rừng

Gia đình anh Y Mâm ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông là một trong số các hộ dân đầu tiên nhận giao khoán rừng trên lâm phần được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên quản lý từ năm 2006.

Nhờ nguồn thu gia tăng đều đặn từ việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho các dự án thủy điện và nước sạch, Ban Quản lý thường xuyên điều chỉnh tiền giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ dân theo hướng tăng.

“Từ năm 2018 đến nay, năm nào mình cũng nhận được khoảng 20 triệu đồng tiền quản lý, bảo vệ gần 20ha rừng. Tiền này mình để lo thêm cho các con đi học, hoặc mua phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc tiêu, cà phê” - anh Y Mâm chia sẻ.

Nhiệm vụ của gia đình anh Y Mâm cũng như hơn 200 hộ dân nhận khoán là thường xuyên kiểm tra rừng, phòng người khác xâm phạm, đốn cây khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng.

Vào mùa khô thì chủ động phát hiện cháy rừng có thể xảy ra để kịp thời xử lý báo cáo lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý.

Các hộ dân vừa tham gia quản lý, bảo vệ rừng, vừa “tăng gia” bằng việc khai thác các loại rau rừng, măng rừng… để cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập.

Them nguon luc cho cong tac quan ly, bao ve rung tai Dak Nong hinh anh 2
Bà con kết hợp việc tuần tra quản lý, bảo vệ rừng với việc hái các loại rau, măng rừng để cải thiện bữa ăn. (Ảnh: Vietnam+)

Theo Ủy ban Nhân dân xã Nhân Đạo, nhờ chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, việc ngăn chặn các hành vi tàn phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp ngày càng hiệu quả trong các năm gần đây.

Đây là giải pháp tối ưu để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Vườn quốc gia Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông), giai đoạn 2017-2020, đơn vị đã thực hiện phương án giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho hơn 200 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng.

Tổng diện tích giao khoán hơn 6.000 ha, chiếm gần 30% tổng diện tích đơn vị được giao quản lý.

Các hộ dân nhận giao khoán sinh sống gần rừng và thuộc địa giới hành chính các xã Đắk Som, Đắk R’Măng (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) và Phi Liêng, Đạ Knàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng).

Tính bình quân, mỗi hecta nhận giao khoán quản lý, bảo vệ, các hộ dân nhận được số tiền hơn 900.000 đồng/năm. Hằng năm, mỗi hộ dân nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị nhận được thù lao bình quân gần 27 triệu đồng.

Tiền thù lao quản lý, bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Cần thêm nguồn lực

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 49 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, trong đó có 27 đơn vị liên tỉnh và 22 đơn vị nội tỉnh. Nguồn thu dự kiến trong năm 2021 của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông dự kiến đạt khoảng 100 tỷ đồng.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm đơn vị huy động ổn định khoảng 100 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Luỹ kế từ năm 2012 tới nay, Quỹ đã huy động gần 800 tỷ đồng để đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng. Trên phạm vi toàn tỉnh, bình quân thu nhập hộ gia đình, cá nhân sống gần rừng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng được hưởng từ 13-15 triệu đồng/năm.

Trong năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông đã tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn, trong đó điều tiết gần 8 tỷ đồng từ các đơn vị thuộc lưu vực sông Đồng Nai sang các đơn vị thuộc lưu vực sông Sêrêpốk.

Them nguon luc cho cong tac quan ly, bao ve rung tai Dak Nong hinh anh 3
Một hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đang tham gia trồng rừng tại Vườn Quốc gia Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông). (Ảnh: Vietnam+)

Việc điều chỉnh theo quy định tại Nghị quyết 60/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông về một số chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng ngày càng tăng đã góp phần bổ sung thu nhập cho người làm nghề rừng, khuyến khích người dân nhận khoán tham gia quản lý bảo vệ rừng tốt hơn, hạn chế tình trạng phá rừng lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, nhờ đó môi trường rừng từng bước được cải thiện. Từ đó, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có, nâng cao chất lượng rừng, tỷ lệ che phủ rừng.

Bên cạnh đó, các đơn vị chủ rừng không tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Luật Lâm nghiệp với định mức 300.000 đồng/ha/năm.

Ngoài ra, các đơn vị này còn được hỗ trợ thêm với định mức 150.000 đồng/ha/năm theo Nghị quyết 60/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông về một số chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh./.

Bạn đang đọc bài viết Thêm nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Đắk Nông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...