Chủ nhật, 13/10/2024 17:30 (GMT+7)

Thi sĩ Đặng Vương Hưng: Lục bát như là hơi thở

Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ -  Chủ nhật, 03/10/2021 08:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trang lucbat.com do anh sáng lập từ 2008 đã thu hút tới hàng vạn thành viên. Ngày hội Lục bát được anh tổ chức 11 năm liền với tổng kinh phí xã hội hóa hàng tỉ đồng.

Làng văn nghệ từ lâu đã biết Đặng Vương Hưng là người say mê lục bát. Trang lucbat.com do anh sáng lập từ 2008 đã thu hút tới hàng vạn thành viên. Ngày hội Lục bát đã được anh tổ chức 11 năm liền với tổng kinh phí xã hội hóa hàng tỉ đồng. Chừng ấy điều đã đủ để những người yêu thơ, những người yêu lục bát trân trọng và yêu mến anh. Nhưng chúng ta sẽ còn bất ngờ hơn nữa với một tuyển tập tác phẩm đồ sộ đang cầm trên tay. Gần 1000 bài lục bát đánh dấu chặng đường sáng tác tròn 40 năm của anh: 1980 – 2020.

tm-img-alt
Tác phẩm “Lục bát mỗi ngày” mới được phát hành của Nhà văn Đặng Vương Hưng.

Tập thơ đầu tay Học quên để nhớ với 46 bài lục bát của Đặng Vương Hưng in năm 2001 đã gây tiếng vang lớn lúc đó, thu hút sự quan tâm rộng rãi của đông đảo bạn đọc với gần 100.000 bản in được phát hành. Những bài thơ sớm nhất được anh viết từ những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, khi Đặng Vương Hưng còn là một chàng lính trẻ, đang cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tôi yêu những câu thơ lính trong trẻo, tinh khôi mà lãng mạn của anh. Những vất vả mệt nhọc dường như tan biến hết khi trong không gian một tiếng chim vọng đến: Cúc cù cu cúc cù cu…/ Thoảng nghe như một lời ru giữa hè/ Vườn râm nào dưới lũy tre/ Có con cu gáy mải khoe tiếng gù/ Cúc cù cu cúc cù cu…/ Nghe mà cứ ngỡ mùa thu đến rồi/ Ở đây toàn núi với đồi/ Ngày đêm chỉ có gió trời thay chim/ Bỗng trưa nay phút lặng im/ Đất trời nín thở tiếng chim vọng về… (Nghe chim gáy trên trận địa pháo cao xạ).

Bài thơ trên của Đặng Vương Hưng có thể sẽ khiến chúng ta nhớ về những câu lục bát của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm, cũng trong một cái tứ nghe tiếng chim ở nơi trận địa, cùng là tiếng lòng của những chàng trai tuổi mới đôi mươi, có cái xanh non ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bất ngờ của sự sống: Ngụy trang công sự xong rồi/ Mới hay đồi chốt là đồi lắm chim/ Cứ ôm khẩu súng ngồi yên/ Lắp thêm băng đạn, còn đêm đấy mà/ Thản nhiên cơn gió chạy qua/ Tiếng chim lách chách, gần xa chuyện gì? (Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt).

Lục bát lính của Đặng Vương Hưng còn có thật nhiều những nỗi nhớ. Những nỗi nhớ ấy là tình cảm muôn thuở của con người, là tình yêu đôi lứa, là nỗi nhớ gia đình, thấm đẫm đằng sau đó một trách nhiệm công dân, một tình yêu quê hương xứ sở: Hình như em nói anh nghe/ Hình như có tiếng bạn bè đâu đây/ Áo lính xanh màu lá cây/ Hình như nỗi nhớ ngấm đầy bên trong (Nỗi nhớ), Những chàng lính trẻ lính già/ Giống nhau ở nỗi nhớ nhà đấy thôi/ Điếu thuốc chia đều từng hơi/ Bàn tay ấm chẳng muốn rời nhau đâu (Viết cho em từ biên giới).

Trở lại cuộc sống của thời bình, từ núi rừng về thành phố, lục bát của Đặng Vương Hưng tiếp tục bắt vào những mạch sống mới, những nhịp đời mới. Tập lục bát thứ hai – Cảm ơn cuộc đời có nhiều đổi thay về giọng điệu, từ điệu ngâm chuyển sang điệu nói, sử dụng nhuần nhuyễn những đơn vị đậm chất khẩu ngữ, tạo ra một dư vị mới cho câu thơ, bài thơ.

Phố nhà quê là một trong những bài rất ấn tượng của anh trong sự chuyển giọng này. Sự thành công của bài thơ nằm ở chỗ vừa táo bạo lại vừa hài hước: Một nhà chồng đạp xích lô/ Vợ ngồi đầu ngõ ghi lô với đề/ Một nhà mở quán cho thuê/ Những sách báo cũ mua về tính cân/ Một nhà chứa trọ bình dân/ Toàn người túng thiếu nợ nần đẩu đâu/ Một nhà buôn bán rất giàu/ Vợ đi bồ bịch đánh nhau cả ngày/ Một nhà chồng uống rượu say/ Nửa đêm còn chửi bới “mày” với “tao”. Cả một đời sống ngồn ngộn huyên náo với đầy đủ những vui buồn, ái ố hỷ nộ ùa vào bài thơ, diễn tả đúng cái nhịp sống trôi chảy hối hả ở thành thị.

Lục bát của Đặng Vương Hưng đa dạng, phong phú về đề tài, về những góc tiếp cận khác nhau đối với hiện thực. Nhưng cái hồn cốt thơ Đặng Vương Hưng, theo tôi vẫn là một Trái tim người lính với nhiều đa cảm, rung cảm những nỗi niềm với quê hương. Từ tập thứ hai (Cảm ơn cuộc đời) sang đến tập thứ ba (Trái tim người lính), tôi đọc được những vần thơ thật thấm thía nghĩa tình: Này vòng hoa trắng tinh khôi/ Này bông hoa cúc còn tươi nắng vàng/ Tâm nhang kính cẩn xếp hàng/ Xin biển xanh hãy nhẹ nhàng nhận cho/ Nơi đây đảo rất xa bờ/ Những hồn lính biển bây giờ ở đâu?.../ Những linh hồn lính Gạc Ma/ Ngàn năm hát mãi bài ca biển trời… (Lễ thả hoa ở biển Đông).

Nhiều bài thơ của anh, theo tôi vì thế có ý nghĩa giáo dục sâu sắc với thanh thiếu niên, với các thế hệ trẻ. Bóng dáng biết bao thế hệ người lính của cả thời chiến và thời bình trải khắp trong thơ anh: những người lính ở biên giới phía Bắc, những người lính ở Trường Sơn, những người lính ở Trường Sa Hoàng Sa… Bao xương máu của cha ông đã đổ xuống để chúng ta có được một kỷ nguyên hòa bình, độc lập: Thắp ngàn ngọn nến lung linh/ Lửa thiêng từ trái tim mình cháy lên/ Nghe như liệt sĩ gọi tên/ Nghĩa trang thao thức bao đêm đợi chờ/ Thắp ngàn ngọn nến ước mơ/ Nén hương thơm nhớ bàn thờ quê xa/ Hồn thiêng chung một mái nhà/ Tuổi hai mươi của ông cha hiện dần (Thắp nến tri ân).

Trong các tập thứ tư “Về quê nhặt cỏ hái rau” và thứ năm “Bùa mê xứ người”, lục bát Đặng Vương Hưng ngày càng sâu lắng hơn. Anh có những bài đầy suy tư về thân phận, về kiếp người: Chỉ là một chiếc lá rơi/ Sáng nay lặng lẽ giữa trời mùa đông/ Gió về xao xác mênh mông/ Cơn mơ lạc giữa cánh đồng đầy hoa/ Vô tình ai đã bước qua/ Giẫm lên vỡ nát như là còn đau/ Kiếp người liệu đến mai sau/ Có như chiếc lá đổi màu thời gian?/ Xác khô mà vẫn chưa tàn/ Đợi bùng ngọn lửa theo làn mây bay (Lá rơi).

Có cảm giác, dù lúc vui hay lúc buồn, dù vinh quang hay thất bại, dù khi đi qua mọi biến cố thăng trầm, Đặng Vương Hưng không bao giờ thiếu được những câu lục bát, những bài lục bát. Anh vịn vào lục bát để đứng dậy, để tự động viên mình, nhắc nhở mình. Những bài thơ của anh vì thế chạm vào sự đồng cảm của tất cả chúng ta: Cho dù còn lại mình thôi/ Cho dù đã cạn tình người trong nhau/ Tôi tin rằng có nỗi đau/ Như là điều thiện từ lâu vẫn còn/ Tôi tin rằng có núi non/ Cho dù sông cạn đá mòn vẫn tin…/Dù ai ngoảnh mặt làm ngơ/ Tôi tin và vẫn đang chờ ngày mai (Hy vọng)

Bùa mê xứ người là tập thơ đánh dấu nhiều sự dịch chuyển về mặt địa lý của Đặng Vương Hưng. Anh đến thăm nhiều thành phố của Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Luxembourg, Đức, Hà Lan, Bỉ… Đi đến đâu anh cũng có thơ ghi lại: Trời Tây sáng rực đêm thâu/ Chạnh lòng thương ngọn đèn dầu ngày xưa/ Qua thời đội nắng, cõng mưa/ Xa quê bỗng thấy như vừa thương nhau (Trời Tây lạnh lắm).

Nhưng thơ Đặng Vương Hưng hay nhất, thấm vào lòng người nhất chính là khi anh trở về với làng quê Bắc Giang của anh, đúng như lời nhà thơ Đồng Đức Bốn, một người bạn tâm giao của anh từng viết: Dẫu bao nhiêu thứ bùa mê/ Vẫn không bằng được nhà quê của mình.

Đặng Vương Hưng có nhiều bài thơ về gia đình thật cảm động. Anh viết về những kỷ niệm tuổi thơ, viết về ông bà, về cha mẹ. Hình ảnh người mẹ tần tảo, thương chồng thương con hiện lên trong thơ anh đủ sức khái quát cho tất cả những bà mẹ Việt Nam: Mùa đông giăng mắc mây mù/ Mẹ ngồi ôm cả lời ru thiếu thời/ Sáng nay gió bắc trở trời/ Mẹ càng thương nhớ một thời đã xưa/ Vai gầy cõng gió đội mưa/ Chân trần xéo nát bóng trưa ngoài đồng/ Nặng bên con, đỡ bên chồng/ Mồ hôi ướt cả bãi sông hè về (Về với mẹ).

Hình ảnh người mẹ còn trở đi trở lại trong nhiều bài thơ khác của những tập thơ sau, chẳng hạn bài Mẹ đã chín mươi: Mẹ ơi xin cứ gọi tên/ Như con hồi bé chẳng quên xóm làng/ Một mùa xuân nữa đã sang/ Bước chân Mẹ chẳng vội vàng được đâu/ Chắp tay con cứ nguyện cầu/ Mong cho Mẹ khỏe sống lâu với đời/ Để con được gọi “Mẹ ơi”/ Để con nghe mãi những lời dịu êm.

Hai tập “Đàn ông đã cũ” và “Chắc gì để được cho đời mấy câu”,theo cảm giác của tôi, là hai tập thơ Đặng Vương Hưng dành nhiều chiêm nghiệm suy tư về chính bản thân mình, về tất cả những buồn vui chìm nổi đã qua. Tôi ấn tượng với nhiều bài thơ anh viết về thời gian, trong đó có những bài anh viết vào đúng sinh nhật của mình như một tổng kết, như một nhìn lại: Tạ ơn cha mẹ sinh ra/ Tạ ơn trời đất cho ta làm người/ Cho ta biết khóc biết cười/ Biết yêu biết ghét bằng mười dửng dưng…/Tạ ơn em đã thương anh/ Dẫu thời trai trẻ chẳng dành cho em/ Đời người ngoảnh lại mà xem/ Mấy ai không biết khát thèm tình yêu (Tạ ơn).

Tôi bỗng nhận ra, thời gian là một chủ đề, một cảm hứng đã xuyên suốt trong thơ Đặng Vương Hưng qua nhiều chặng đường, qua tất cả các tập thơ. Dường như ở bất kỳ quãng đời nào, con người cũng không nguôi nghĩ về thời gian. Ngay từ tập Cảm ơn cuộc đời, Đặng Vương Hưng đã viết: Thời gian như thổi niêu cơm/ Cháy tàn củi lửa khói thơm lên trời/ Thời gian hằn dấu mặt người/ Em kiêu bạc để nụ cười tàn phai/ Tôi tin còn những ban mai/ Thời gian nâng bước chân hai đứa mình (Thời gian 1, viết năm 2008).

Cảm nhận về thời gian của người nghệ sĩ mỗi lúc một khắc khoải, da diết trong những bài thơ ở các giai đoạn sau: Thế là Tết sẽ hỏi thăm/ Những gì xưa cũ đang nằm ở đâu?/ Giở tờ lịch mới bắt đầu/ Dù cho năm tháng đổi màu trò chơi/ Tháng ngày vẫn cứ rụng rơi/ Đố ai đếm ngược cuộc đời này đây (Tờ lịch cuối năm, viết năm 2017).

Càng đi qua thời gian, con người càng nếm đủ những cay đắng ngọt bùi của đời sống, được nhiều hơn và cũng mất nhiều hơn, có thêm thành công và cũng nếm không ít những bầm dập xa xót: Thời gian tựa một giấc mơ/ Bao nhiêu kỷ niệm bây giờ đã xa/ Gặp nhau vừa mới hôm qua/ Sáng nay đã thấy như là ngày xưa…/Trời chưa kịp nắng đã mưa/ Người chưa kịp nhớ đã vừa quên xong/ Thời gian dấu ở bên trong/ Chuyện tình đã cũ còn mong đợi gì (Thời gian, viết năm 2019), Tháng ngày lặng lẽ rụng rơi/ Chẳng cho cũng mất chẳng chơi cũng tàn/ Chỉ là mây khói hợp tan/ Giật mình bỗng thấy thời gian hao mòn (Ngày tháng, viết năm 2020).

Thời trẻ, nhiều người trong số chúng ta phải chạy đua với thời gian. Nhưng càng nếm trải nhiều tháng năm, con người càng bình thản và biết cách đón nhận. Thi sĩ Đặng Vương Hưng đã nói giúp ta điều đó: Mùa xuân khóc đứng khóc ngồi/ Dòng sông vẫn chẳng ngừng trôi đêm ngày/ Gió nào thổi ngược kẽ tay/ Tình nào tránh khỏi đắm say dại khờ…/Thời gian chẳng đợi chờ ta/ Chúng mình đều đã thành bà, thành ông/ Bây giờ chưa tới mùa đông/ Sao thời gian chẳng đợi trông ai về? (Thời gian chẳng đợi)

Lục bát Đặng Vương Hưng như một khu vườn rộng mênh mông không bờ bến. Gần ngàn bài thơ với đủ các đề tài, không gian, nhân vật, tâm trạng cùng biết bao câu chuyện trong một kiếp nhân sinh, từ chuyện sinh hoạt đời thường cho đến những suy tưởng triết luận, thi sĩ như đã trút cả cuộc đời mình vào Lục Bát. Vì thế, bài viết nhỏ này chỉ là một góc phác họa và cảm nhận từ góc độ cá nhân.

Viết đến đây, bất chợt tôi muốn nhớ về một bài trong tập lục bát đầu tiên của anh, tên bài thơ cũng được chọn làm tên chung cho cả tập: Học quên để nhớ. Theo tôi, đây là một trong những bài lục bát với tứ thơ độc đáo, đã neo lại tên tuổi Đặng Vương Hưng trong lòng nhiều độc giả.

Gần ngàn bài thơ khép lại một chặng đường dài, tôi trộm nghĩ, khi ấn phẩm này được ra mắt bạn đọc phải chăng cũng là lúc thi sĩ Đặng Vương Hưng sẽ tạm… quên đi tất cả những bài thơ anh đã viết, để rồi rất nhiều bài lục bát tươi mới, trong trẻo, đắm say và sâu lắng nữa lại được ra đời. Chúng như món quà bất tận mà cuộc đời đã dành cho anh, từ đó cũng dành cho bao người khác nữa: Tôi giờ còn lại chiêm bao/ Cố trần tục… để thanh tao kiếp người/ Mải mê học khóc cho… cười/ Quên hờ hững để cùng người đam mê…

tm-img-alt
Nhà văn Đặng Vương Hưng và Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, Ban Văn học - Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam.

Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2021
Đỗ Anh Vũ

Bạn đang đọc bài viết Thi sĩ Đặng Vương Hưng: Lục bát như là hơi thở. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Thèm...
Cùng nhau ngắm một bông hoa////Giữa ồn ào phố, ly cà phê nâu....

Tin mới