Thứ bảy, 20/04/2024 15:39 (GMT+7)

Thị trường bất động sản “bấn loạn”: Nhà đầu tư coi chừng “bị kẹt”

MTĐT -  Thứ năm, 25/03/2021 14:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự chênh lệch cung – cầu, chính quyền đẩy mạnh đầu tư dự án hạ tầng đô thị, dịch Covid-19 được kiểm soát và thắng lớn từ thị trường chứng khoán... tạo điều kiện cho nhà đầu tư đổ dồn vào bất động sản.

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường BĐS khắp từ Bắc chí Nam như đang quay cuồng trong cơn sốt đất quy mô rộng chưa từng có. Nhiều nhà đầu tư "đứng ngồi không yên", còn cò đất thì như "vào mùa".

Thị trường bất động sản tại ngoại thành Hà Nội biến động do có dự án quy hoạch. Ảnh: Thanh Hải

Thị trường miền Bắc ăn theo quy hoạch

Giữ vị trí tâm điểm của thị trường BĐS miền Bắc, Hà Nội chính là địa điểm khởi động cho đợt tăng giá đột biến lần này, tập trung chủ yếu ở những khu vực liên quan đến quy hoạch hạ tầng như: Đông Anh (có đồ án quy hoạch sông Hồng), Đan Phượng vừa được phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường mặt cắt ngang rộng 20,5m hay Hoài Đức nằm trong quy hoạch thành quận…

Đơn cử, chỉ trong vòng một tuần sau khi có thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, giá đất Đông Anh đã tăng gấp đôi, lên 50 - 60 triệu đồng/m². Thậm chí, khu vực xã Đông Hội, Mai Lâm, mặc dù không nằm trong khu vực dự kiến được xây dựng đô thị mới, song giá đất cũng đang giao dịch xung quanh mức 54 triệu đồng/m2, so với thời điểm 2008 là khoảng 5 triệu đồng/m2, tăng gấp 11 lần. Tương tự, tại xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 927/QĐ-UBND phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường vào trường THCS xã Tân Hội, tỷ lệ 1/500, giá đất tăng khoảng 30%, một số vị trí vượt ngưỡng 90 triệu đồng/m2.

Không nằm ngoài cơn tăng giá của thị trường BĐS phía Bắc, một số địa phương tại Quảng Ninh như Hạ Long, Quảng Yên cũng đang sốt đất. Tình hình căng thẳng đến mức, ngày 19/3, UBND TP Hạ Long đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng và các xã, phường về việc cảnh giác tình trạng sốt đất ảo trên địa bàn. Theo đó, UBND TP Hạ Long cho biết, một số môi giới đầu tư BĐS mua đất tại các dự án trên từ trước với mức giá rẻ, sau đó lợi dụng thông tin về quy hoạch phát triển đô thị để đẩy giá đất tăng cao, tạo sóng ảo. Hoạt động của nhóm đầu cơ này có tổ chức, thực hiện theo một kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tạo ra các giao dịch "mồi" để dụ khách hàng. Khi người dân đầu tư hết các ô đất mà các nhóm đầu cơ đã ôm, cơn sốt ảo sẽ chấm dứt, giá đất sẽ chững hoặc giảm sâu khiến những người mua đất bị mắc kẹt.

Không riêng TP Hạ Long, nhiều môi giới cũng đã có mặt tại khu Thống Nhất, phường Tân An (thị xã Quảng Yên) khiến hoạt động mua bán, giao dịch đất nền diễn ra nhộn nhịp. Cụ thể, dự án Khu dân cư Thống Nhất 2 và 3 được thị xã Quảng Yên quy hoạch rộng hơn 10ha. Từ năm 2019 đến nay, Quảng Yên đã tổ chức đấu giá 3 lần. Lần gần đây nhất, tháng 1/2020, địa phương đã tổ chức đấu giá với mức dao động từ 10 - 12 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay giá đất mua bán qua tay nhiều cò đất đã đẩy lên mức 18 - 20 triệu đồng/m2. Đáng nói, giá đất tăng chóng mặt nhưng lượng người mua đất đổ về khu vực này vẫn khá đông, trong đó cũng có nhiều khách hàng đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh…

Thị trường miền Nam thiết lập kỷ lục về giá

Là thị trường sôi động nhất cả nước, những tháng đầu năm 2021, tại TP Hồ Chí Minh, không chỉ nhà phố, chung cư, đất nền mà ngay cả BĐS công nghiệp cũng đã thiết lập mặt bằng giá bán mới cao hơn so giai đoạn trước đó. Cụ thể, giá căn hộ chung cư tại TP tăng khoảng 3,5%; nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tăng mạnh nhất là khu vực TP Thủ Đức, giá đất trung bình 60 - 70 triệu đồng/m2 gần đường lớn nhảy vọt lên 100 - 140 triệu đồng/m2. Phân khúc nhà phố xây sẵn, sản phẩm giá từ 20 - 30 tỷ đồng/căn (diện tích 100 - 120m2) không còn là chuyện hiếm. Bên cạnh giá đất, giá căn hộ tại đây cũng đã thiết lập mặt bằng mới khi có dự án chào bán lên đến 80 triệu đồng/m2. Điển hình là dự án King Crown Infinity “chạy rumor” (giá dự kiến, không chính thức) với giá khoảng 4.000 USD/m2, tức 80 - 90 triệu đồng/m2, thuộc hàng top của TP Hồ Chí Minh.

Tương tự, tại quận 2, nếu lấy giá bình quân căn hộ trên bán đảo Thủ Thiêm hồi đầu năm 2017 làm mốc tham chiếu, đến nay đã tăng thêm 250%, giao dịch ở mức 150 triệu đồng/m2. Đặc biệt, mới đây, thông tin 5 huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh rục rịch lên quận, cũng đã kéo giá đất tại nhiều huyện vùng ven Sài Gòn leo thang như: Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi đất thổ cư khoảng 10 triệu đồng/m2 bị đội lên 20 - 30 triệu đồng/m2, có khu vực đã chạm mức 40 triệu đồng/m2. Xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) đạt ngưỡng 90 triệu đồng/m2, trong khu dân cư Trung Sơn, giá giao dịch lên đến 130 triệu đồng/m2. Ngoài ra, BĐS công nghiệp cũng tăng trung bình 6,2%.

Thị trường miền Trung giá bán tăng nhẹ

Tại miền Trung, thị trường chính nằm ở khu vực Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đợt “càn quét” của Covid-19 vào giữa quý III/2020, đến nay đã ấm lại bắt đầu những đợt tăng giá nhẹ nhờ hưởng lợi từ nhiều dự án hạ tầng lớn, như: Dự án “khơi thông con đường tơ lụa trên sông” nối liền Quảng Nam – Đà Nẵng (khơi thông sông Cổ Cò – PV); dự án bến cảng Liên Chiểu đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Đà Nẵng làm đơn vị chủ quản; dự án Quần thể du lịch Làng Vân quyết tâm hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng trước 30/6/2021 hay dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô sẽ hoàn thành dứt điểm trước 30/3/2021 để tiến hành xây dựng...

Theo ghi nhận, giá đất nền tại khu vực dự án gần trung tâm, tỷ lệ lấp đầy dân cư tốt đang được chào bán tăng lại 5 - 7% so với cuối năm 2020, tỷ lệ hấp thụ ở mức tạm ổn. Tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế, thị trường BĐS Đà Nẵng đang đi vào giai đoạn phục hồi trở lại. “Do tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế, cộng với hiệu ứng các dự án được quy hoạch và chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới, giá đất tại Đà Nẵng và Quảng Nam đã tăng bình quân từ 5 – 7% so với cuối năm 2020. Đáng chú ý, một số khu vực đất nền đã tăng từ 100 – 200 triệu đồng/lô” - Giám đốc Điều hành Công ty CP Đầu tư phát triển Navi Nguyễn Tấn Việt chia sẻ.

Cơn sốt giá đất trải dài khắp 3 miền đất nước đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế, về lâu dài tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Bởi, đất đai chính là một trong những nguyên liệu của hoạt động kinh tế. Nếu giá đất cứ tiếp tục tăng cao thì cả DN và người tiêu dùng đều gặp khó. Các địa phương có dự án lớn của quốc gia sẽ càng phải tốn kém hơn khi đền bù, giải phóng mặt bằng…Còn người mua ở thực, khó khăn để chạm tới giấc mơ an cư. Đây chính là những góc tối của chu kỳ tăng nóng giá BĐS. Nhưng chưa hết, mọi thứ sẽ tệ hại hơn nữa nếu bong bóng vỡ.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang

Theo Kinh tế & Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Thị trường bất động sản “bấn loạn”: Nhà đầu tư coi chừng “bị kẹt”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất
WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ