Thứ sáu, 29/03/2024 14:37 (GMT+7)

Thị trường ô tô gặp khó, giá giảm sâu

MTĐT -  Thứ hai, 10/08/2020 17:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, chỉ số tồn kho ngành ô tô đang tăng rất cao đạt 122,5% so với cùng kỳ năm 2019. Giá xe ô tô từ giờ đến cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục giảm sâu.

Cụ thể, hiện tại, sản lượng tồn kho ngành ô tô đang rất cao, theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56.200 chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho ngành ghi nhận mức tăng rất cao đạt 122,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với tình trạng trên, trong thời gian tới, các hãng xe, doanh nghiệp sản xuất ô tô buộc phải tăng sản lượng bán ra, giải phóng hàng tồn. Qua đó, cuộc cạnh tranh về giá ô tô từ nay đến cuối năm trở nên cực kỳ sôi động.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp ô tô đang tích cực đẩy mạnh thị trường trong những tháng cuối năm thì dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2 đã phần nào khiến các ngành ô tô thêm lao đao.

Vừa sản xuất vừa nghe ngóng tình hình

Mới đây, chia sẻ với báo Tiền phong, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết dịch COVID-19 quay trở lại với những diễn biến khó lường. Các DN vẫn đang vừa sản xuất vừa nghe ngóng tình hình để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Ford Việt Nam là một trong những DN chịu thiệt hại nặng nề nhất trong ngành ô tô do đợt dịch COVID-19 lần 1. Nhà máy của Ford tại Hải Dương vừa được đầu tư thêm 82 triệu USD để mở rộng quy mô từ đầu năm 2020, dự kiến hoàn thành giữa năm 2022. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ ngày 27/3, hoạt động sản xuất phải tạm dừng để giãn cách xã hội, nhiều chuyên gia nước ngoài đến nay vẫn chưa thể sang Việt Nam. Sau khi dịch lắng xuống, nhà máy đã quay trở lại hoạt động từ giữa tháng 7.

Tuy nhiên, theo quy định của hãng Ford ở Mỹ áp dụng toàn cầu nên hầu hết nhân viên văn phòng tại Việt Nam đều đang phải làm việc tại nhà. Chủ yếu bộ phận sản xuất tại nhà máy, bán hàng, dịch vụ vẫn hoạt động và phải áp dụng triệt để các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Bình luận về động thái của Chính phủ khi giảm 50% lệ phí trước bạ từ đầu tháng 7, sắp giãn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, đại diện Ford Việt Nam cho rằng: “Các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đều rất quý với các DN. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung toàn cầu nên nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Ford về Việt Nam để sản xuất cũng bị gián đoạn, nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh với tâm lý dè chừng”.

Đồng loạt giảm giá bán

Trước làn sóng dịch Covid-19 thứ hai bất ngờ bùng phát và diễn biến phức tạp từ cuối tháng 7/2020 khiến các hãng xe, đại lý phải đau đầu trong vấn đề kích cầu tiêu dùng.

Ngay từ đầu tháng 8/2020, nhiều hãng xe, đại lý đã tung ra những chương trình ưu đãi, giảm giá “khủng” cho nhiều mẫu xe nhắm khuyến khích người dân mua xe... Đặc biệt là các mẫu xe nhập khẩu khi “thua thiệt” với các mẫu xe lắp ráp do không được hưởng ưu đãi giảm 50% phí trước bạ.

Đơn cử như mẫu Ford Everest là xe nhập khẩu từ Thái Lan, không được hưởng chính giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 nên đang có mức giảm giá khá sâu.

Trong tháng 8/2020, Ford Everest tại khu vực Hà Nội được một số đại lý giảm từ 60 – 130 triệu đồng tiền mặt. Cụ thể, phiên bản Titan 4x4 AT có mức giảm tiền mặt 85 triệu đồng, phiên bản Titan 4x2 AT có mức giảm tiền mặt 60 triệu đồng và phiên bản Trend 4x2 AT có mức giảm tiền mặt 80 triệu đồng. Riêng hai phiên bản Ambiente 4x2 AT 2019 và Ambiente 4x2 MT 2019 có mức giảm tiền mặt 130 triệu đồng kèm theo gói khuyến mại phụ kiện trị giá 15 đồng.

Hay các mẫu xe của của Jaguar, Land Rover đến từ Anh quốc cũng được ưu đãi lớn: Tặng 1-3 năm bảo hiểm thân vỏ miễn phí (tùy phiên bản và mẫu xe). Hay cao nhất là mẫu Range Rover Autobiography sẽ được tặng bệ bước tự động chính hãng trị giá lên đến 260 triệu đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, dịch Covid-19 tái bùng phát sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức mua xe thời gian tới. Vì giờ tâm lý ai cũng "ăn chắc mặc bền", họ phải dự trữ kinh phí để phòng trường hợp xấu nhất như thất nghiệp, bệnh tật... thay vì mua xe ô tô.

Trao đổi với VOV, anh Lê Anh Tuấn, chủ showeroom xe tư nhân – Tuấn Thịnh trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội) nhận định: “Nếu tình hình dịch vẫn chưa thể khả quan thì từ giờ tới cuối năm thị trường ô tô sẽ còn gặp nhiều khó khăn dù các hãng, đại lý có giảm giá hay khuyến mại. Thậm chí hiện nay các hãng cũng bắt đầu tung ra hàng loạt các mẫu xe mới, phiên bản nâng cấp... để cho ‘mùa bán hàng’ cuối năm, nhưng với tâm lý lo lắng về tình hình kinh tế thì không mấy ai dám bỏ tiền ra mua xe lúc này”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương dự báo, trong thời gian tới, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những ngành hàng không thiết yếu sẽ gặp nhiều khó khăn. “Đặc biệt, người dân sẽ có tâm lý đề phòng dẫn tới một số mặt hàng như quần áo, đồ gỗ, ô tô, trang thiết bị điện tử bị giảm sút, thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng", TS. Lê Đăng Doanh phân tích.

Trưởng ban chính sách VAMA dự báo, thị trường ô tô sẽ tăng trưởng âm ít nhất 15% trong năm 2020. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sản lượng, doanh số ô tô tại Việt Nam có thể thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Thị trường ô tô gặp khó, giá giảm sâu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.