Thứ tư, 24/04/2024 13:47 (GMT+7)

Thiên tai khắc nghiệt hoành hành khắp toàn cầu trong mùa hè năm 2018

MTĐT -  Thứ năm, 02/08/2018 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ từ tháng 7 đến nay, thế giới đã phải đối mặt với hàng loạt thảm họa thiên nhiên từ lũ lụt, nắng nóng cho đến cháy rừng đã tàn phá.

Nắng nóng kỷ lục từ Âu sang Á

Mới đây, Văn phòng Giám định y khoa Tokyo (Nhật Bản) cho biết, đã có đến 96 người thiệt mạng do say nắng trong 23 khu thuộc thủ đô này trong tháng 7.

Số người thiệt mạng do nắng nóng ở Tokyo trong tháng 7 vượt xa con số 25 của tháng 7/2017, theo Kyodo News. Số người tử vong tăng nhanh trong thời gian từ ngày 17-25/7, khi đợt nắng nóng ảnh hưởng mạnh toàn nước Nhật. Nắng nóng xảy ra ngay sau khi đợt mưa lũ hoành hành ở miền tây Nhật Bản, khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Trong số người tử vong do nắng nóng có tới 85,4% là người từ 60 tuổi trở lên, theo Văn phòng Giám định y khoa Tokyo.

Hàng trăm người chết vì nắng nóng kỷ lục ở Nhật Bản. 

Cơ quan ứng phó thảm họa và hỏa hoạn Nhật hôm 31/7 cho hay có 57.534 người ở nhiều khu vực của nước này nhập viện vì say nắng hoặc kiệt sức do nắng nóng trong thời gian từ 30.4-29.7. Trong số đó có 125 người thiệt mạng.

Trong khi đó, một đợt không khí nóng sắp tràn đến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khiến các cơ quan dự báo thời tiết tin rằng hai nước này sẽ trải qua mốc nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay, lên tới trên 48 độ C.

“Nhiệt độ ngày càng tăng có thể sẽ đạt kỷ lục ở Tây Ban Nha trong vài ngày tới. Ngày 1/8 nhiệt độ cao nhất ở mốc 42 độ C ở Seville, Tây Ban Nha. Dự kiến nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng. Tại Seville và Córdoba ngày 3/8 nhiệt độ có thể lên mốc 45 độ C và ngày 4.8 thì có thể đạt đỉnh từ 47 đến 48 độ C”, Cơ quan dự báo thời tiết Anh Met Office dự báo.

Du khách đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và miền Nam nước Pháp đang được cảnh báo vì thời tiết khắc nghiệt ở đây. Không khí nóng và áp cao từ sa mạc Sahara có thể đẩy nhiệt độ ở một vài nơi trong khu vực này lên mức trên 48 độ C trong tuần này.

Điều này khiến nền nhiệt độ của các khu vực nói trên cao hơn nước Anh gần 20 độ C, khi dự báo miền nam nước Anh sẽ có nhiệt độ tối đa là khoảng 30 độ C, trong vài ngày tới.

Theo Zing, ở Bắc Âu, đợt sóng nhiệt những ngày qua được coi là đặc biệt hiếm có. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dự đoán nhiệt độ sẽ tiếp tục phá kỷ lục trung bình tháng, từ Ireland tới bán đảo Scandianiva cũng như tại vùng Baltic, và kéo dài tới giữa tháng 8.

Tại Thụy Điển, nhiệt độ trung bình trong tháng 7 là 34 độ C, cao nhất trong 250 năm qua. Hạn hán và cháy rừng gây ảnh hưởng lớn tới môi trường thiên nhiên cũng như con người, đặc biệt là những người chăn tuần lộc.

Nhiều người chết vì cháy rừng

Trong khi đó, theo VOV, tại California, Mỹ đã xảy ra một vụ cháy rừng nghiêm trọng làm 6 người thiệt mạng, 800 ngôi nhà bị phá hủy và 38.000 người đã phải sơ tán.

Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Mỹ cho biết, thời tiết nóng và khô cùng với gió to có thể khiến tình hình xấu đi trong những ngày tới. Bùng phát ngày 23/7, đám cháy đã thiêu trụi hơn 38.000 hec-ta đất và đe dọa khoảng 5 nghìn ngôi nhà. Gần 3.400 lính cứu hỏa cùng các phương tiện chuyên dụng đã được huy động để dập lửa. 

Carr Fire chỉ là một trong nhiều đám cháy rừng đang tàn phá bang California. Một đám cháy khác với tên gọi Ferguson Fire đã khiến 2 người thiệt mạng và thiêu trụi 22.000 héc-ta đất tại hạt Mariposa. Tới nay, mới chỉ khoảng 30% đám cháy này được kiểm soát.

Cháy rừng ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Internet. 

Ngày 23/7 một đám cháy cũng bùng phát tại thị trấn Rafina, Hy Lạp, sau đó nhanh chóng lan đến khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Mati, cách thủ đô Athens 29 km về phía đông bắc. Ngọn lửa đã khiến nhiều người phải nhảy xuống biển.

Theo số liệu mới nhất của chính quyền Hy Lạp, số người chết trong vụ cháy rừng ở Mati - địa điểm nổi tiếng của Hy Lạp, đã lên tới 87 người. Thảm họa này được coi là tồi tệ nhất tại Hy Lạp trong hơn 10 năm trở lại đây.

Chính phủ Hy Lạp nhận định, vụ cháy có thể là hành động phá rừng của những kẻ tội phạm. Hiện, chính phủ Hy Lạp đã chuyển các chứng cứ thu thập được cho cơ quan công tố và cơ quan này sẽ tham gia vào cuộc điều tra vụ cháy rừng.

Và ngập lụt

Trái với tình trạng nắng nóng kỷ lục tại một số quốc gia trên thế giới, thì những ngày qua người dân Thủ đô Hà Nội phải chống chọi với trận lụt lịch sử chưa từng có, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.

Hơn 10 ngày qua, người dân ở xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) đang phải gồng sống trong cảnh lụt chưa từng có. Lũ đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây, không chỉ vậy, nhiều gia đình còn chịu thêm cảnh rác thải, xác động vật chết nổi lềnh bềnh quanh nhà, nguy cơ đối mặt với bệnh dịch.

Đến thời điểm này, cơ quan khí tượng không đưa ra thời gian chính xác ngập lụt kéo dài bao lâu, tuy nhiên theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, khả năng ngập duy trì hai tuần nữa.

Nhiều xã tại Chương Mỹ (Hà Nội) sống trong cảnh ngập lụt trong khoảng 10 ngày nay. Ảnh: Báo Lao động. 

Do lũ sông Bùi rút chậm, hơn 3.600 hộ dân các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Tốt Động và thị trấn Xuân Mai vẫn ngập từ 0,5 đến 2 m. Những ngày này, cuộc sống sinh hoạt của bà con đảo lộn hoàn toàn. Mất điện, không có nước sạch là những cái khổ nhất mà người dân vùng ngập lụt Chương Mỹ, Hà Nội đang phải trải qua.

Không chỉ vậy, tình trạng ngập kéo dài khiến nhiều tài sản hư hỏng, hàng chục héc ta lúa mới cấy mất trắng, dẫn đến cuộc sống thiếu thốn, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Nhiều gia đình bị ngập sâu phải sơ tán, ngủ nhờ, phần lớn các hộ có người già, trẻ nhỏ đã phải gửi người thân ở nơi không ngập.

Do biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học cảnh báo thời tiết khắc nghiệt đi kèm những đợt sóng nhiệt bất thường ngày càng thường xuyên chính là hậu quả của biến đổi khí hậu.

Những vụ thiên tai đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản, gây ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân địa phương. Công tác khắc phục hậu quả sẽ còn phải kéo dài và tốn kém về tiền bạc của các quốc gia.

Một nghiên cứu đăng tải trên trang tin của Tổ chức Khí tượng học Mỹ hồi tháng 12/2017 kết luận ấm lên toàn cầu là nguyên nhân khiến nhiệt độ cao kỷ lục toàn cầu trong năm 2016 cũng như các đợt sóng nhiệt khắc nghiệt khắp châu Á.

Năm 2012, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc đưa ra báo cáo cảnh báo các mô hình dự báo thời tiết cho thấy thời tiết khắc nghiệt bất thường sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn trong những thập kỷ tới.

Ngay cả khi các nước có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 2 độ C cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp như thỏa thuận tại Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, các chuyên gia dự đoán lũ lụt, hạn hán. sóng nhiệt và bão tố ngày càng tồi tệ sẽ vẫn diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới.

Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Climate Change năm 2017 cảnh báo ngay cả khi các cam kết trong Hiệp định Paris được thực thi, khoảng 50% dân số thế giới vẫn sẽ chịu tác động từ các đợt sóng nhiệt được đánh giá là chết chóc vào năm 2100, so với con số 30% dân số toàn cầu như hiện nay.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai khắc nghiệt hoành hành khắp toàn cầu trong mùa hè năm 2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.