Thứ bảy, 20/04/2024 07:24 (GMT+7)

Thiên tai ngày càng khốc liệt nên không thể chủ quan, lơ là

MTĐT -  Thứ tư, 20/05/2020 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Thật vậy BĐKH đã biểu hiện rõ ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Ngân hàng thế giới cho biết năm 2007, trong số 33 thành phố có quy mô dân số 8 triệu người thì năm 2015, ít nhất 21 thành phố có nguy cơ cao bị nước biển nhấn chìm toàn bộ hoặc một phần. Mức độ rủi ro cao về lãnh thổ bị thu hẹp do nước biển dâng lên theo thứ tự là Trung Quốc, Ấn Độ, Bang-la-đét, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Ai Cập, Hoa Kỳ,Thái Lan, và Phi-líp-pin. Riêng Việt Nam tháng 02 năm 2007, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo:

Việt Nam được dự đoán là một trong 5 nước đang phát triển bị tác động tồi tệ nhất trên thế giới nếu khí hậu tăng lên 10C và mức nước biển dâng cao 1m. Những tác động xấu gây nên cho con người, đất nông nghiệp,và GDP như :

          - Các thời tiết trở nên bất thường và khó dự báo hơn.

         - Mức nước biển dâng cao 1m có thể làm mất 12,2% diện tích đất, là nơi cư trú của 23% dân số (17 triệu người).

         - Ngày càng có nhiều cơn bão và mức độ tàn phá mạnh hơn.

        - Nhiệt độ tăng cao và lượng mưa thay đổi sẽ làm ảnh hưởng lớn tới nông nghiệp và tài nguyên nước. Diện tích rộng lớn của đông bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và ven biển miền Trung bị ngập lụt do nước biển dâng. Nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến ngập nước ven biển Việt Nam, nghiêm trọng nhất là các khu vực rừng ngập mặn của Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nam Định.

Như vậy, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Thật vậy BĐKH đã biểu hiện rõ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Hạn hán liên tiếp hoành hành tại cả 3 miền. Lũ lụt, bão xảy ra thường xuyên hơn, gây thiệt hại lớn về người và của. Cũng trong vòng 50 năm qua, ảnh hưởng của ENSO đến điệu kiện thời tiết nước ta khá nặng nề.

Năm 1989, Liên hợp quốc đã chọn ngày 13/10 hàng năm là ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai, thảm họa với mục đích nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng trong triển khai các biện pháp giảm thiểu sự tổn thất trước thiên tai, thảm họa ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Ngày 20/6, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng - chống thiên tai năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường, cực đoan, nên “phòng ngừa là chính”. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương không chủ quan, lơ là, sẵn sàng các phương án ứng phó và phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước dân.

Năm 2017 được xem là năm kỷ lục của thiên tai, bão lũ với 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) đổ bộ vào Biển Đông,  trong đó có 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Rồi đây những tình huống thiên tai sẽ ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường. Những cánh rừng trơ trọi, sông suối ô nhiễm, lũ quét bất ngờ… là cái giá phải trả cho việc con người “lạm dụng” quá nhiều vào thiên nhiên, để lại dư âm nặng nề, nỗi ám ảnh cho người dân nằm trong vùng chịu ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu gây nên.

Năm 2018, dù thiên tai không dồn dập, khốc liệt, nhưng có tới 16/21 loại hình thiên tai. Nhiều thiên tai lớn, cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp cả nước. Năm qua, thiên tai làm 224 người chết và mất tích (trong đó 92 người do mưa lũ, 82 người do lũ quét, sạt lở đất…) thiệt hại ước tính gần 20 tỷ đồng. Con số trên giảm nhiều so với năm 2017, ước tính gần 60.000 tỷ đồng, 386 người chết và mất tích.

Từ đầu năm 2019 đến nay, thiên tai cũng làm 23 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gầm 340 tỷ đồng.

Từ tháng 6-8/2019, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện nhiều đợt lũ, đỉnh lũ các sông ở mức BĐ1 - BĐ2, các sông suối nhỏ trên BD3. Trong khi đó, lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc.

Bài học đau thương đó như một lời cảnh báo, rằng cơn giận của “ông trời” sẽ lấy đi tất cả nếu con người còn phá hủy tự nhiên.

Thời tiết bất thường, cực đoan hơn cả về cường độ, thời gian, địa điểm xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều nơi có mưa cục bộ, cường độ lớn, mưa trái mùa đến sớm, bão đổ bộ vào khu vực trước đây ít xuất hiện.

Những từ “vượt lịch sử”, “kỷ lục” ngày càng dày đặc trong báo cáo về phòng chống thiên tai. Xe máy, ô tô “bơi” trong biển nước giữa lòng Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… không còn xa lạ.

Năm 2015 - 2016, hạn hán kéo dài kỷ lục, lũ lớn ở miền Trung. Sang năm 2017 xuất hiện 20/21 loại hình thiên tai (chỉ trừ sóng thần), lập kỷ lục về số lượng bão và áp thấp nhiệt đới. Lần đầu tiên hồ thủy điện Hòa Bình phải vận hành 8/12 cửa xả. Năm đó, thiên tai làm 386 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng.

Còn năm 2018, 16/21 loại hình thiên tai xuất hiện, làm 224 người chết, mất tích; khoảng 20.000tỷ đồng đã bị cuốn trôi.

Vì sức ép của dân số, đô thị hóa, phát triển kinh tế, làm chúng ta quên đi uy lực của bão lũ. Những tuyến đường giao thông, khu đô thị, resort, khu dân cư… mọc lên san sát, không có đủ đường thoát lũ, thậm chí nhà dân làm ngay dưới chân núi, ven sông, suối, vùng bãi hay sụt lún, nguy cơ lũ quét, lũ ống cao; những dòng sông bị khai thác cát quá mức, mạch nước ngầm bị ô nhiễm, sụt giảm…

Tại hội nghị trực tuyến, chỉ đạo đến tận cấp xã, phường với hàng chục nghìn người tham dự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên: “Có tỉnh xây hồ trên đỉnh đồi, khi mưa lớn bị vỡ gây thiệt hại lớn về người và tài sản… Cái này là do chủ quan con người, nhận thức, trách nhiệm còn rất thấp,thậm chí có nơi còn bừa bãi trong việc quy hoạch phát triển những công trình như thế, ảnh hưởng đến mạng sống, tài sản của người dân”.

Còn ở đô thị, Thủ tướng phải thốt lên: “Trời ơi, đô thị nào cũng bị ngập hết trơn thế này. Cứ mưa lớn là úng ngập, tại sao lại như vậy?”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo nhận định của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia bị thiên tai đe dọa lớn nhất. Do vậy, nếu không chủ động, thiệt hại sẽ rất lớn, nặng nề. “Tinh thần của hội nghị lần này là chủ dộng, kịp thời hơn, hiệu quả hơn để ổn định, bảo vệ phát triển sản xuất, không để người dân nào rơi vào cảnh màn trời chiếu đất do thiên tai, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nói.

Theo thủ tướng, công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm, trên tinh thần “4 tại chỗ” đã hạn chế được thiệt hại, nhưng chỗ nào chủ quan thiệt hại vẫn rất lớn.

Trong PCTT chủ trương “phòng ngừa là chính”, Thủ tướng nói. Thời gian tới, các địa phương cần rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai, tránh bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra, từ bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quét, sạt lở, hạn hán… Cùng  đó, ưu tiên các nguồn lực đầu tư vào hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp về đê điều, hồ đập, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT có kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai cấp quốc gia, nhất là ứng phó với bão mạnh, siêu bão, mưa lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất… Ban hành và triển khai bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh. Bộ TN & MT tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng dự báo cảnh báo thiên tai kịp thời, chính xác hơn, bổ sung các trạm quan trắc, công nghệ dự báo.

Trước tình hình mới, đòi hỏi công tác môi trường phải chuyển từ bị động khắc phục sang chủ động kiểm soát phòng ngừa, ngành TNMT cần dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan trên diện rộng, đưa thông tin về trượt lở đất, lũ quét vào bản tin cảnh báo, dự báo kịp thời trên ti vi. Nâng cao năng lực, khoa học trong dự báo bằng các mô hình hiện đại với hệ thống siêu máy tính để có nhiều hơn tốt hơn các sản phẩm dự báo, mô hình dự báo chuyển của Việt Nam khi bão vào Biển Đông phải làm sao đẩy mạnh truyền thông, truyền hình về bão, và các thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt phải chú ý đế cả các địa phương xưa nay ít bão lụt để cho nhân dân bớt chủ quan.

Phải quán triệt đến tận các cơ sở. Luật phòng chống thiên tai, chiến lược quốc gia phòng chống và giảm thiên tai đến năm 2020. Phương thức quản lý rủi ro thiên tai đưa vào cộng đồng và nâng cao nhận thức  của cộng đồng theo quyết định 1002/QĐ của Thủ tướng Chính phủ.

Thích ứng và sự điều chỉnh trong hệ sinh thái xã hội hoặc kinh tế nhằm ứng phó với những tác động thực tế hoặc dự báo sự biến đổi khí hậu, là những thay đổi trong các hoạt động của con người nhằm giảm tác hại biến đổi khí hậu. Thích ứng là một chiến lược quan trọng được thực hiện đồng thời với các biện pháp cắt giảm khí nhà kính, nhằm đối phó với BĐKH ví dụ thay đổi các giống cây trồng thích ghợp với BĐKH, biến các vùng ngập mặn  thành thế mạnh nuôi tôm xuất khẩu vân vân..

Người dân cần chủ động điều chỉnh hoạt động đời sống sản xuất để giảm tổn thất với những biểu hiện của BĐKH, có nhiều điều người dân có thể tự làm được để bảo vệ chính mình. Thí dụ ở đồng bằng sông Cửu Long, người dân có thể quan sát mực nước lũ vào tháng 10, dương lịch để sau tết có hạn mặn hay không để điều chỉnh loại hình canh tác, thời gian xuống giống tích cực trữ nước cho sinh họat. Kiên quyết ngăn chặn phá rừng chống sạt lở, lũ quét, lũ ống. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng có nhiều biện pháp để giúp người dân đối phó với vấn đề BĐKH. Những lựa chọn phát triển đó chính là phải lồng ghép vấn đề BĐKH đặc biệt là các nỗ lực thích ứng vào quá trình lập kế hoạch như quá trình xây dựng chiến lược xóa đói giảm nghèo, chiến lược bền vững, sự lồng ghép này phải hướng tới người nghèo giúp họ giảm thêm được tác hại do BĐKH, duy trì được sinh kế, gia tăng được thu nhập để thoát nghèo.

Tuy nhiên, để phòng chống tốt nhất và khắc phục thiên tai và khắc phục thiên tai nhanh nhất, hiệu quả nhát phải thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ

+ Chỉ huy tại chỗ.

+ Lực lượng tại chỗ.

+ Thiết bị vật tư tại chỗ.

+ Hậu cần tại chỗ

- Để hạn chế thiệt hại:

(1) Phải rà soát, quy hoạch, quy hoạch lại dân cư bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương. Chủ động kiên quyết di dời dân cư ra khỏi vùng nguy cơ bão lũ gây sạt lở cao, có khả năng lũ quét xẩy ra.

(2) Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tất cả mọi người dân nhất là người dân có đủ năng lực tự phòng chống khi thiên tai xẩy ra, thích ứng với BĐKH.

Trong trường hợp phòng chống quyết liệt mà vẫn bị thiệt hại do bão lũ tạo ra thì cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở phải vào cuộc để khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất đối với người nghèo, cận nghèo và tổn hại cho kinh tế xã hội, đồng chí Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đợt khảo sát dọc sông Hậu và các cơ sở sạt lở ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, đã có kết luận: “Tôi đã thấy thực tiễn đang đặt ra và thấy được thành công quan trọng của các giải pháp phi công trình và một số giải pháp công trình trong thích ứng với BĐKH. Đặc biệt thấy được sự đa canh của bà con, người dân đã thấy được sự chuyển đổi tự  tổ chức lại sản xuất. BĐKH tác động đến toàn vùng lãnh thổ. Đồng bằng sông Cửu Long đang xắn tay vào cuộc. Hướng đi mà các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long xác định để cùng nhau phát triển, cùng nhau sát cánh là cùng nhau phát triển và phát triển bền vững gắn với bền vững môi trường thích ứng với BĐKH. Nếu thiếu sự liên kết toàn vùng sẽ không thể đối phó với cơn giận dữ của thiên nhiên”.       

Thủ tướng giao Bộ NN & PTNT đôn đốc các địa phương hoàn thành các dự án khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở bờ biển đã được bố trí kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng T.Ư 2018.

“Địa phương nào làm chậm, hay vì lý do nào đó chủ quan mà không triển khai thì phải xử lý kỷ luật một số trường hợp chứ không phải vào mùa mưa bão mới sửa chữa đê điều, hồ đập”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng lưu ý: “Các địa phương cần quan tâm đặc biệt tới công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ và phải chịu trách nhiệm trước dân”./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai ngày càng khốc liệt nên không thể chủ quan, lơ là. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chuyên gia hiến kế giảm ô nhiễm không khí Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí đang là một trong những vấn đề cấp bách của Hà Nội. Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhau “hiến kế” nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Truyền thông trong dự án xây dựng sử dụng công nghệ BIM
Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, công nghệ BIM đóng vai trò quan trọng như một công cụ có giá trị để tăng cường sự hợp tác và truyền thông giữa các bên liên quan nhờ vào sự tham gia chặt chẽ của họ trong các giai đoạn từ thiết kế đến xây dựng.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...