Thiếu vốn, thiếu đồng bộ, nhà máy xử lý rác thải rắn Đà Lạt luôn quá tải
Công suất của nhà máy xử lý rác thải Đà Lạt theo thiết kế là 200 tấn rác/ngày, nhưng công suất thực tế xử lý trung bình lên tới khoảng 280 tấn/ngày (năm 2021) và khoảng 340 tấn/ngày trong 9 tháng đầu năm 2022.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, nhà máy xử lý rác thải rắn thành phố Đà Lạt (tiểu khu 163B, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt) đang quá tải, không xử lý kịp lượng rác thải nhập vào.
Nguyên nhân là chủ đầu tư là Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh đang gặp khó khăn trong hoạt động xử lý rác như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí đầu tư tăng, không có sản phẩm đầu ra để bù đắp chi phí xử lý rác, thành phần rác đa dạng chưa được phân loại tại nguồn và có độ ẩm cao…
Một nguyên nhân nữa là do công suất của nhà máy theo thiết kế là 200 tấn rác/ngày, nhưng công suất thực tế xử lý trung bình lên tới khoảng 280 tấn/ngày (năm 2021) và khoảng 340 tấn/ngày trong 9 tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, nhà máy còn các tồn tại, hạn chế như tiến độ đầu tư chậm, không thực hiện đúng mục tiêu, cam kết đầu tư mà chỉ dừng lại giai đoạn xử lý đốt rác là chủ yếu. Khu vực nhà máy có một số mương nước chưa được lót bạt, nguy cơ thẩm thấu nước rỉ rác vào lòng đất, dễ có nguy cơ sạt lở khi trời mưa. Nhà máy chưa xây dựng hệ thống thu gom, xử lý mùi tại xưởng phân loại chế biến rác và hệ thống xử lý khí thải từ lò đốt rác.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị tạm dừng tiếp nhận và xử lý rác của nhà máy xử lý rác thải rắn thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, như vậy sẽ tác động rất lớn đến công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Lạt cũng như toàn tỉnh nên Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư khác có đầy đủ năng lực đầu tư bổ sung máy móc thiết bị, kết cấu hạ tầng đối với hạng mục còn thiếu, phù hợp yêu cầu xử lý hiện nay để nhà máy hoạt động đồng bộ.
Dự án Nhà máy Xử lý rác thải rắn thành phố Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010. Dự án có diện tích 28 ha, tổng vốn đầu tư là 381,1 tỷ đồng với công suất thiết kế 200 tấn rác thải/ngày.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có 3 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được đầu tư và đi vào hoạt động, gồm Nhà máy xử lý chất thải rắn vùng tỉnh tại xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc với công suất thiết kế 200 tấn/ngày, hiện, công suất hoạt động bình quân khoảng 110 tấn; Nhà máy xử lý CTR vùng tỉnh tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, công suất thiết kế giai đoạn I là 200 tấn/ngày, công suất hoạt động bình quân khoảng 250 tấn/ngày, nhà đầu tư đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn II với công suất thiết kế 400 tấn/ngày để đáp ứng nhu cầu; Nhà máy xử lý CTR vùng huyện tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương với công suất thiết kế 150 tấn/ngày, công suất hoạt động bình quân khoảng 45 tấn/ngày.
Tại các huyện còn lại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp để xử lý. Công nghệ xử lý tại các bãi chôn lấp này không đảm bảo điều kiện bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo quy định, rác thải đổ lộ thiên (không có hệ thống thu gom nước rỉ rác và khí thải) và định kỳ phun thuốc khử mùi./.