Thứ năm, 28/03/2024 22:06 (GMT+7)

Thơ Duy Phạm –Nỗi đau trầm tích được khởi sinh từ biến cố cuộc đời

MTĐT -  Thứ hai, 10/09/2018 15:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà thơ Duy Phạm tên thật là Phạm Văn Hùng, sinh ra và lớn lên tại An Nhơn - Bình Định. Mặc dù là giáo viên mỹ thuật, nhưng thầy lại yêu văn chương và có năng khiếu sáng tác thơ.

Đường đời chúng ta đi chưa hẳn đã trăm năm mà sao dài đến thế? Có lẽ mỗi chúng ta được sinh ra trong cuộc đời là để gánh những vai diễn của tạo hóa. Mà đã là vai diễn thì... kẻ hay người vụng cũng là lẽ thường tình. Khi còn nhỏ, bạn thích một quả bóng, bạn sẽ tìm mọi cách vòi ba mẹ mua cho bằng được. Khi đến tuổi cập kê, bạn sẽ tìm mọi cách để lấy lòng người mình thương mến. Đến lúc lập gia đình, bạn hy vọng có một đứa con. Có cô con gái, lại muốn thêm cậu con trai, đã có cậu con trai, lại muốn thêm cô con gái. Tuổi đã xế chiều, lại thích đông con, nhiều cháu... Lan man thế là tôi muốn khẳng định rằng: Đã sinh ra trong cuộc đời, mỗi chúng ta đều có cuộc chạy đua không hạn định. Chúng ta đều muốn sở cầu những quả đời muôn hình vạn trạng của thế gian. Để rồi ta chạy mãi, chạy mãi, chạy mãi... trên đoạn trầm luân khổ ải. Rồi một ngày kia, chân dẫm phải vết gai đau. Ta giật mình nhìn lại. Trăm năm sao mà ngắn ngủi!

Vâng, thưa quý vị! Đã trăm năm ngắn ngủi thì ta dại gì không để hồn mình nhẹ nhàng bay bỗng theo những vần thơ.

"Sớm mai nằm khóc trên nôi / Chiều nay đã thấy da mồi tóc sương/ Trăm năm một giấc miên trường /Nghìn năm khoảnh khắc mộng thường sát na".

Đấy là ánh nhìn của nhà thơ, nhà giáo Duy Phạm. (Xin phép gọi thầy là nhà thơ dù thầy không nhận). Với tôi, trăm năm thì ngắn ngủi, còn nhà thơ Duy Phạm lại bảo nghìn năm chỉ là khoảnh khắc thôi!

Nhà thơ Duy Phạm tên thật là Phạm Văn Hùng, sinh ra và lớn lên tại An Nhơn - Bình Định. Mặc dù là giáo viên mỹ thuật, nhưng thầy lại yêu văn chương và có năng khiếu sáng tác thơ. Thầy không xem mình là nhà thơ, thầy không mượn thơ làm điểm tựa, thầy làm thơ để thỏa chí đam mê của riêng mình, thầy đến với thơ bằng một tình yêu trong sáng, bằng vốn trải nghiệm giàu có khiến cho người đọc có cảm giác tác phẩm thầy viết là những lát cắt cảm xúc cứa thẳng vào tim, nó làm ta đau, cũng làm ta rung động mãnh liệt. Đau như chính tựa đề tập thơ của thầy do NXB Văn Học xuất bản năm 2015: Nỗi đau trầm tích.

Tôi và nhà thơ Duy Phạm đã trở thành bạn bè trên facbook cách nay đã vài năm, nhưng có lẽ tình cảm cũng không mặn mà lắm. Vì sao? Đơn giản là vì bạn bè trên facbook thì quá nhiều mà thời gian online thì có hạn. Cho đến một ngày, có ai đó khen vu vơ “Bài thơ hay quá!”, tôi tò mò đọc thử. Tôi khóc! Có thể với mọi người thì những câu thơ ấy cũng bình thường thôi. Thế tại sao tôi khóc? Vì những câu thơ ấy như là viết cho tôi vậy, nó chạm vào đáy nỗi đau mà tôi đã hơn một lần phải hứng chịu:

Ru con từ khúc phận người/ Lớn khôn trong tiếng à ơi mẹ hiền /Hốt nhiên cánh mỏng ưu phiền/ Ru con giấc ngủ triền miên một đời /Khúc ru sao phải thay lời/ À ơi con ngủ ru hời – hời ru…”(Ru con)

Tác giả không khóc, không dùng bất cứ một động - tính từ bi lụy nào trong những câu thơ ấy mà sao nó vẫn khiến người ta đau đến thế! Chỉ là lời ru ngọt ngào của mẹ mà như gọi về cả miền đau ão não. Vâng, đơn giản “Hốt nhiên cánh mỏng ưu phiền” đã vẽ ra cho chúng ta thấy một phận đời vắn số đã rời xa chúng ta đi mãi không về. “Cánh mỏng” hay phận mỏng cũng khiến chúng ta rất mơ hồ. Thế nhưng “Ru con giấc ngủ triền miên một đời” thì chúng ta không hoài nghi gì nữa về nỗi đau của mẹ trước tấm bi kịch “kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.

“Khúc ru sao phải thay lời” phải chăng là câu hỏi tu từ để kêu lên một tiếng xé trời “Con ơi!”. Cũng là lời ru của mẹ nhưng không phải bên nôi. Tiếng ru ấy là lời than khóc thống thiết bên nấm mồ hoang lạnh của đứa con khờ. Nỗi niềm này ai thấu? Cao xanh? Không, chỉ có thể là mẹ. Than ôi! Và cũng qua đó, chúng ta phần nào thấu hiểu và đồng cảm cùng nỗi đau của tác giả.

Có đôi khi, ai đó khuyên “hãy khóc đi, khóc cho vơi bớt nỗi niềm”. Ấy vậy mà nhà thơ lại không khóc trước biến cố quá lớn của cuộc đời. Mất con! Vâng, chính vì không khóc được, nỗi nghẹn ngào đè nặng bởi định phận khắc nghiệt khiến cho nỗi đau ấy đặc quánh lại. Nỗi đau ấy như một quả cầu gai đang từng giây, từng phút cứa vào sâu thẳm tấm lòng một người cha yêu con quá độ, làm sụp đổ sự kỳ vọng quá lớn về một đứa con trai cưng – là một kiến trúc sư tài hoa nhưng bạc phận. Tác giả kêu lên một cách nhẹ nhàng nhưng thống thiết “Có một ngày mùa đông/ Trời xanh và nắng hồng/ Người xuôi về biển rộng/ Giữa đất trời mênh mông”. Cuộc đời đẹp là thế, cớ sao hung thần biển cả nỡ cướp đi chàng trai đang độ xuân phơi phới ra khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ, bỏ lại người vợ ngoan hiền sau một ngày cử hành hôn lễ. Trời ơi! Còn nỗi đau nào hơn thế?

Nguyên liệu để tạo nên thơ trước tiên phải nói đến cảm xúc. Đối với nhà thơ Duy Phạm, có lẽ những vần thơ được cô lại từ những giọt nước mắt pha thêm chút hương vị đăng đắng của đời và cả chút cay cay của những trải nghiệm: “Đêm qua ngỡ tưởng mắt cười/ Sáng thành lệ rớt xuống đời rưng rưng”. Nhà thơ Triệu Từ Truyền từng đưa ra quan điểm “Nhà thơ phải vừa là một nhà khoa học, vừa là một thiền sư”. Và nhà thơ Duy Phạm đã hội đủ hai yếu tố ấy với những tác phẩm mang triết lý nhân sinh thể hiện lượng tri thức phong phú từ một nhà giáo chịu khó tìm tòi, đào sâu và sáng tạo. Nét độc đáo trong thơ Duy Phạm chính là thầy đã sử dụng những ngôn ngữ rất bình dị, thậm chí dùng cả những từ địa phương với sự sắp xếp, cắt tỉa công phu để tạo nên những tác phẩm có tính khái quát cao, đa tầng về kiếp sống nhân sinh: “Ngày xưa tiếng mẹ ngọt lời/ Sao giờ tức tưởi rã rời buồn đau” hay “Phận người xuôi ngược mấy dòng/ Đỏ hoe con mắt giọt bong bóng đời”. Chính điều đó đã tạo nên nét rất riêng, rất Duy Phạm.

Dần bước qua nỗi đau cá nhân, nhà thơ Duy Phạm đã mang đến cho bạn những bức tranh sinh động, thân quen và tươi mới qua thể thơ lục bát cách tân đầy sáng tạo:

“Người đi trên đường cái quan

Chỗ lưa thưa

Bước

Nơi hàng hàng

Chen

Tìm hoài

Sao chẳng ai quen?

Ta cô đơn

Giữa

Đông đen người… người”

(Đường cái quan)

Nếu không hà khắc với nỗi đau trùng lặp từng cơn của tác giả, chúng ta có thể tận sở thị những bức tranh ngôn ngữ đa sắc mà nơi đó chúng ta có thể “ngồi giữa đồng chiều” để cảm nhận sự “chạnh lòng cuốn rạ đã nhiều hoài mong”. Thơ Duy Phạm gieo vào lòng ta một nỗi buồn man mác nhưng lại cũng giúp ta rõ hơn về quy luật của kiếp sống nhân sinh để từ đó thoát ra những nông nỗi thực tại. Ở đó, ta còn được thỏa sức khám phá những vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc qua sự vận dụng tài tình của nghệ sĩ xiếc chữ Duy Phạm.

Ngoài làm thơ, Duy Phạm còn có năng khiếu về thanh nhạc. Thầy có giọng ca trầm ấm thiên bẩm với dòng nhạc bán cổ điển có sức truyền cảm mạnh mẽ. Nếu ai đó may mắn được một lần mục sở thị thầy ôm đàn ghi ta thể hiện một bài nhạc Trịnh, tôi tin người ấy không khỏi ngỡ ngàng và cuốn hút đến kỳ lạ. Sở dĩ tôi dùng từ may mắn là bởi thầy vốn không ham danh lợi, chẳng thích thể hiện kể từ khi đứa con trai cưng quý lìa bỏ cõi đời này cách đây đã hơn 6 năm. Thầy chỉ giao lưu với những bạn bè thân quý, tránh xa những danh vọng tầm thường. Khi viết bài này, chúng tôi đã thuyết phục rất nhiều lần để được thầy đồng ý chia sẻ những thông tin rất riêng tư từ cuộc sống hiện tại.

Chia sẻ với chúng tôi, nhà thơ Duy Phạm dự định sẽ cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ “Phía bên kia thiên đường” và “Người vẽ lại chân dung” do NXB HNV ấn hành trong thời gian sắp tới. Chúng ta cùng chờ đợi để khám phá những điều kỳ thú, mới mẻ qua ánh nhìn hoàn toàn khác của nhà thơ, nhà giáo Duy Phạm. Xin chúc cho hành trình thơ của thầy sớm chạm đích yêu thương trong lòng đọc giả!

Bạn đang đọc bài viết Thơ Duy Phạm –Nỗi đau trầm tích được khởi sinh từ biến cố cuộc đời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.
Bài thơ: Khi xa nhau
Khi xa càng nhớ nhau hơn///Ai chăm em lúc dỗi hờn… không anh///Buồn như vết thương chưa lành///Cô đơn đau nhói tim mình vì em.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.