Thứ sáu, 19/04/2024 09:22 (GMT+7)

“Thổi bụi” thi công đường Nguyễn Trãi, quy trình bắt buộc?

MTĐT -  Thứ tư, 18/12/2019 10:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hà Nội liên tục bị cảnh báo ô nhiễm không khí và cấm các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc công nhân thi công đường Nguyễn Trãi thản nhiên thổi bụi vào người đi đường khiến nhiều bức xúc

Những ngày vừa qua, việc di chuyển trên đoạn đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) trở thành cơn ác mộng với nhiều người khi các công nhân thi công cải tạo, sửa chữa đường thổi bụi mù mịt từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau.

Việc sửa đường Nguyễn Trãi diễn ra vào thời điểm Hà Nội ô nhiễm không khí chưa từng có khiến người đi đường vô cùng bức xúc. Đáng nói, thay vì hút bụi hay rửa đường, thì đơn vị thi công dùng máy công suất lớn xịt bụi bay mù trời gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhiều người cho rằng, tại sao đơn vị thi công không phun nước mặt đường chống bụi theo quy định, đã dùng máy thổi với công suất lớn, "phủi" bụi trực tiếp vào người đi đường?

Người đi đường hít đủ bụi bẩn trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Dân Trí.

Một người đi đường bức xúc nói: “Mấy lần tôi đi qua đây bụi mù mịt chả nhìn thấy gì, có lần suýt húc đuôi ô tô. Đơn vị thi công làm gì thì làm nhưng cũng phải cảnh báo cho người dân trước để còn biết đường xử lý chứ”.

Mỗi ngày đi đi về về dọc con đường Nguyễn Trãi, anh P. cảm tưởng như một "trận chiến".

"Nhiều khi đang đi đường bất ngờ bị thổi cả một lớp bụi vào mặt, đường trắng tinh không nhìn thấy gì. Nhà tôi còn có con nhỏ, đóng cửa cả ngày lẫn đêm vẫn không ăn thua. Dù biết nguyên tắc trải thảm nhựa là phải vệ sinh đường sạch sẽ trước khi tưới lớp nhũ tương dính bám, nhưng biện pháp "thổi bụi" này đã lỗi thời, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới công nhân, mà cuộc sống người dân cũng bị đảo lộn" - anh P. chia sẻ với Trí thức trẻ.

Đường Nguyễn Trãi mù mịt trong khói bụi. Ảnh: Dân Trí.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Đại học Giao thông vận tải - cho rằng, vệ sinh làm sạch và khô bề mặt lớp nền đá dăm hay lớp bêtông nhựa cũ đã cào bóc là giải pháp bắt buộc trong quy trình làm đường. Việc này nhằm để đảm bảo độ dính bám cho lớp bêtông nhựa mặt đường. Trong quy trình, cho phép công nhân dùng máy nén khí công suất lớn thổi sạch bề mặt.

Tuy nhiên, giải pháp dùng máy nén khí thổi bụi nên áp dụng với những đường làm mới, ở xa khu dân cư. Còn thi công trong đô thị như ở đường Nguyễn Trãi là không phù hợp. Nhất là trong những ngày Hà Nội ô nhiễm bụi mịn cao.

Trao đổi với báo An ninh Thủ đô, ông Vũ Đức Giang, Phó Giám đốc Ban Quản lý duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội bày tỏ lời xin lỗi tới người dân trên các tuyến phố như Nguyễn Trãi, Trần Phú… cũng như người dân lưu thông trên các tuyến phố bởi sự bất tiện về việc duy tu đường gây ra.

“Chúng tôi cũng đã nhận thức được việc thi công sẽ gây bất tiện và gây bụi cho người dân khu vực xung quanh cũng như người đi đường.

Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các nhà thầu thi công phải đảm bảo giờ giấc, chỉ được thi công vào buổi tối, hoạt động thổi bụi phải thi công vào tối muộn, nhưng cũng có thể do một vài công nhân ý thức chưa cao nên việc thổi bụi còn gây ra bức xúc cho người dân”- ông Giang cho biết.

Theo ông Giang, do khối lượng công việc cải tạo, sửa chữa đường lớn, trong khi đó phải hoàn thành trước 30/12/2019 để kịp cho người dân đi lại êm thuận dịp cuối năm nên các nhà thầu thi công cũng phải đẩy nhanh tiến độ.

Đề cập đến việc thi công thổi bụi mù mịt trong những ngày thời tiết Hà Nội đang ô nhiễm đỉnh cao, ông Giang phân trần: “Thổi bụi là một trong những quy trình bắt buộc của việc thi công cải tạo đường. Sau khi cào bóc bắt buộc phải thổi bụi để làm sạch bề mặt mới đảm bảo độ bám dính của nhựa đòng. Chúng tôi cũng đã thử nghiệm mượn chổi hút quét của đơn vị vệ sinh môi trường nhưng không làm được, chổi bị gãy”- ông Giang cho hay.

Trong sáng 17/12, ứng dụng quan trắc Air Visual và kết quả quan trắc tại các điểm đo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP ghi nhận chất lượng không khí vẫn ở mức xấu ở nhiều nơi trên địa bàn. Cụ thể, tại khu vực Hoàn Kiếm, chỉ số chất lượng không khí ở mức 167 (theo Air Visual) và 160 (theo Sở TNMT TP) với cảnh báo có hại. Khu vực Bắc Từ Liêm là 156 và 136; khu vực Kim Liên là 151 và 104; khu vực Tân Mai là 132 và 90… với cảnh báo không tốt cho sức khỏe. So sánh số liệu của ngày 17/12 và các ngày trước đó cho thấy mức độ ô nhiễm không khí vẫn ở mức cảnh báo đỏ, chưa có dấu hiệu giảm.

Theo các chuyên gia, các chỉ số đo khác nhau có thể do địa điểm, công thức tính, loại máy đo… Căn cứ vào thang đo chất lượng không khí (AQI) theo hệ thống của Mỹ, nếu những chỉ số này cao cho thấy mức độ ô nhiễm không khí nhiều và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tuy nhiên, theo  đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TNMT Hà Nội), người dân cũng không nên quá hoang mang trước những số liệu này vì kết quả do AirVisual cung cấp là số liệu cao nhất sau khi tổng hợp tại 13 trạm đo chất lượng không khí ở Hà Nội. Vì vậy, kết quả này không thể đại diện cho cả TP. Mức chênh lệch của nơi thấp nhất trong TP với nơi cao nhất có thể lên đến 100 điểm AQI. Từ đó, kết quả có thể thay đổi từ mức kém lên mức rất có hại cho sức khỏe.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết “Thổi bụi” thi công đường Nguyễn Trãi, quy trình bắt buộc?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?