Thứ năm, 25/04/2024 05:53 (GMT+7)

Bình Định: Đốt than, băm vằm rừng phòng hộ hồ Đá Vàng, hồ Cây Thích

MTĐT -  Thứ năm, 18/05/2017 09:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng chặt phá rừng để đốt than, xâm canh trồng rừng kinh tế trái phép đang diễn ra ồ ạt tại nhiều nơi trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Đá Vàng và hồ Cây Thích

Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa nước Đá Vàng và hồ Cây Thích thuộc xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, Bình Định). Song, lực lượng kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn và chính quyền địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

Lụi dần trong các lò hầm than

Ngày 14/5, từ tin báo của quần chúng nhân dân ở địa phương này, chúng tôi đã lên đường. Từ ngã ba Mạnh Hổ, thuộc thôn Cảnh An 2, xã Phước Thành, chúng tôi men theo con đường bê tông dài gần 5 km đi về hồ Đá Vàng. Tại đây, chúng tôi đi bộ hơn 2 cây số nữa để vào tới khu vực giáp ranh giữa rừng phòng hộ hồ Đá Vàng với hồ Cây Thích. Trong hành trình, chúng tôi nghe văng vẳng tiếng cưa máy đang hoạt động từ phía Tây Nam hồ Đá Vàng phát ra.

Các đối tượng phá rừng đang chọn khu vực Tây Nam - nơi giáp ranh giữa rừng phòng hộ hồ Đá Vàng với hồ Cây Thích - để cưa hạ cây rừng để đốt than. Trong ảnh: Cây rừng được cưa hạ thành từng khúc, nằm la liệt khắp nơi.

Ông X., người dẫn đường cho chúng tôi biết: “Những tiếng cưa máy mình đang nghe là của một số người vào đang cưa hạ cây để chuẩn bị hầm than”. Từ lúc sắp đến khu vực này, người dẫn đường liên tục nhắc nhở chúng tôi cất giấu tất cả các phương tiện tác nghiệp để tránh sự hoài nghi, nhòm ngó của bọn lâm tặc, có thể ảnh hưởng đến quá trình tác nghiệp và bản thân.

Một hầm than được các đối tượng phá rừng đắp đất rất kiên cố để hầm than tại khu vực Tây Nam hồ Cây Thích.

Đi dọc bìa rừng chừng 30 phút, chúng tôi rẽ vào lối mòn xuyên rừng nằm phía Tây Nam (nơi giáp ranh giữa rừng phòng hộ hồ Đá Vàng với hồ Cây Thích) còn in hằn vết bánh xe thì phát hiện nhiều diện tích cây rừng ở đây đã bị cưa hạ. Nhiều khúc củi, gỗ lớn nhỏ khác nhau được cắt thành từng khúc. Tôi và người dẫn đường tỏa ra đếm nhưng không xuể, dễ chừng có đến hàng trăm cây gỗ cỡ đòn tay vừa bị ai đó cưa gục, nằm ngổn ngang, gốc, cành còn tứa nhựa tươi. Vào thêm 200m nữa, chúng tôi phát hiện một lò hầm than có chiều sâu khoảng 1,2m; rộng và dài 2m; chứa được khoảng 2m3 gỗ. Hầm này đã được gom than đưa xuống núi tiêu thụ, xung quanh than thành phẩm còn vương vãi khắp nơi.  Từ lò than này, chúng tôi đi sâu thêm 100m thì tiếp tục chứng kiến nhiều cây gỗ có đường kính 10-20cm bị cưa sát gốc. Tiếng cưa máy nổ râm ran giữa rừng.

Rừng phòng hộ hồ Đá Vàng và hồ Cây Thích rỗng ruột sau thời gian bị các đối tượng phá rừng cưa hạ.

Theo anh X., nơi rừng bị phá nhiều nhất là khu vực rừng có tục danh núi Đá Đen, hố Cây Xoài, nằm phía Tây lòng hồ Cây Thích và khu vực Tây Nam - nơi giáp ranh giữa rừng phòng hộ hồ Đá Vàng với hồ Cây Thích. Nạn chặt phá rừng đốt than diễn ra âm ỉ từ tháng 2.2017 đến nay. Mỗi ngày có khoảng 5-10 người chủ yếu là dân ở các xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), xã Phước Thành và xã Phước An (huyện Tuy Phước) vào rừng chặt gỗ hầm than.

Các đối tượng rút ruột rừng phòng hộ theo kiểu “da beo”. Trong ảnh: Sau khi chặt hạ cây rừng ở một khoảnh nằm phía Tây rừng phòng hộ hồ Đá Vàng, các đối tượng này đưa cây keo lai đến trồng trái phép.

Việc chặt phá cây rừng để làm than giờ rất quy mô, số lượng lớn nhưng diễn ra nhanh gọn nhờ phương tiện cơ giới. “Sau khi hoàn tất việc đào lò, người đốt than dùng cưa máy triệt hạ những cây gỗ lớn xung quanh khu vực lò than. Sau đó, tiếp tục cưa ngắn cây (dài khoảng 1m) rồi xếp vào lò hầm từ 3-5 ngày. Trung bình một hầm lớn hay nhỏ, có thể thu được từ  6-10 bao than”, anh X. cho biết thêm.

Các đối tượng rút ruột rừng phòng hộ theo kiểu “da beo”. Trong ảnh: Sau khi chặt hạ cây rừng ở một khoảnh nằm phía Tây rừng phòng hộ hồ Đá Vàng, các đối tượng này đưa cây keo lai đến trồng trái phép.

Xâm canh rừng kinh tế theo kiểu “da beo”

Suốt hành trình vào khu vực rừng phòng hộ hồ Đá Vàng và hồ Cây Thích, chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi các con đường mòn lượn quanh và mất hút sau những khu rừng rậm rạp. Nhưng chỉ vượt qua lớp vỏ bọc bên ngoài một chút là đã thấy nhiều nơi rừng đã bị chặt phá để trồng cây keo lai. Đơn cử ở khu vực phía Tây Nam rừng phòng hộ hồ Cây Thích hoặc phía Nam hồ Đá Vàng, chúng tôi tỏa ra đếm có khoảng 10 vị trí rừng bị triệt hạ để trồng keo, mỗi nơi rộng từ 1.000-2.000m2. Cây keo ở độ tuổi từ 1-3 năm.

Cây keo xâm canh trong rừng phòng hộ hồ Đá Vàng.

Ông X., cho rằng, những kẻ phá rừng hồ phòng hộ ở đây hiện nay không khai thác theo kiểu cuốn chiếu như trước đây. Chúng không khai phá nguyên khoảnh lớn hàng chục héc ta để dễ bị phát hiện, ngăn chặn, mà chúng phá rừng theo kiểu “da beo”. Cứ khoảnh rừng nào tương đối bằng phẳng, lâm tặc chặt phá trắng 1.000 - 2.000m2, sau đó cứ cách quãng vài trăm mét chúng lại phá một khoảnh khác. Sở dĩ lâm tặc chọn phương án thôn tính dần dần là bởi sau khi dọn lấy gỗ lớn, đốt sạch thực bì, chúng trồng cây lâm nghiệp, xem như rẫy của cá nhân. Từ những khoảnh rừng bị biến thành rẫy, rừng trồng kinh tế chúng lấn dần ra và tiếp tục trồng cây mới; chẳng mấy chốc khoảnh rừng này sẽ tiếp giáp khoảnh rừng kia và trở thành những khoảnh rừng trồng lớn. Rừng đầu nguồn cứ thế bị thu hẹp dần.

Khu vực hầm than có đầy đủ vật dụng phục vụ cho hoạt động khai thác.
Than thành phẩm sau khi hầm.

Lực lượng bảo vệ rừng ở đâu?

Ông Lê Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, khẳng định: Nạn phá rừng đốt than, trồng rừng kinh tế ở địa phương là có, nhưng đã giảm. Đầu năm 2017 đến nay, xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn tổ chức 4 đợt truy quét, đập phá một số lò than. Tuy nhiên, công việc này hiện gặp không ít khó khăn do đối tượng vi phạm hoạt động về khuya, vận chuyển tang vật bằng đường rừng, đồng thời cử người theo dõi. Khi phát hiện có lực lượng kiểm lâm hoặc cán bộ quản lý, bảo vệ rừng thì nhanh chóng tẩu táng tang vật, rút sâu vào rừng ẩn nấp; trong khi lực lượng ở địa phương mỏng, địa bàn rừng phân bố rộng nên chưa thể bố trí lực lượng túc trực, tuần tra, kiểm soát 24/24.

Một cây gỗ có đường kính 30cm bị cưa hạ.

“Để hạn chế nạn phá rừng đốt than, trồng rừng kinh tế, thời gian tới xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh việc tuần tra, truy quét với tần suất 2 lần/tháng; đồng thời, kết hợp với tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sống ở khu vực gần rừng nâng cao ý thức, bảo vệ rừng. Đối với diện tích rừng bị chặt phá, trồng rừng kinh tế thời gian tới xã bố trí lực lượng nhổ bỏ tất cả”, ông Đồng cho biết thêm.

Rừng phòng hộ đầu nguồn quanh khu vực lòng hồ Đá Vàng và hồ Cây Thích đang ngún dần trong các lò than, hoặc đang bị rừng kinh tế lấn át. Tình trạng này diễn ra không phải chỉ trong một vài ngày, mà kéo dài vài tháng. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp ngăn chặn hiệu quả?.

Cây rừng lớn nhỏ đều bị cưa sạch.

Lý giải cho tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Hải, Hạt Phó Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn, cho rằng:  “Rất khó phát hiện các đối tượng phá rừng đốt than vì các đối tượng này hoạt động rất tinh vi. Họ cử người theo dõi, thấy động là điện thoại tẩu tán tang vật ngay. Vì vậy đến nay, chưa có đối tượng vi phạm nào được bắt tận tay, xử lý theo quy định của pháp luật, chủ yếu xử lý theo hướng vô chủ (!?)”.

Trái ngược với giải thích của ông Hải, ngày 14/5/2017, suốt quá trình thâm nhập thực tế ở nhiều nơi trong khu rừng phòng hộ Đá Vàng và hồ Cây Thích, chúng tôi không thấy bóng dáng lực lượng kiểm lâm hoặc cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Trong khi đó, các đối tượng phá rừng công nhiên sử dụng cưa máy để hạ cây rừng đưa vào các lò than.

Khoảnh keo mới được trồng tại rừng phòng hộ hồ Cây Thích sau khi chặt phá cây tự nhiên.

Có thể thấy, nạn phá rừng đốt than, trồng rừng kinh tế ở khu vực rừng phòng hộ Đá Vàng và hồ Cây Thích đang diễn ra hằng ngày có phần do lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương thiếu sâu sát trong hoạt động giám sát, kiểm tra; quá trình xử lý đối tượng vi phạm chưa thật kiên quyết. Để ngăn chặn, giảm thiểu nạn phá rừng ở đây, Sở NN&PTNT Bình Định cần chỉ đạo quyết liệt Chi cục kiểm lâm tỉnh yêu cầu Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh truy quét, thắt chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Triển khai 2 đợt truy quét, đập phá 2 lò than (!?)

Đó là kết quả mà lực lượng Hạt kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn thu nhận được sau 2 đợt tuần tra, truy quét nạn phá rừng đốt than tại khu vực rừng phòng hộ Đá Vàng và hồ Cây Thích, thuộc tiểu khu 326, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) từ đầu năm 2017 đến nay. Trước đó, năm 2016, lực lượng này đã phối hợp chính quyền địa phương tiến hành nhổ bỏ hơn 9ha cây keo lai, bạch đàn trồng trái phép trên diện tích rừng bị chặt phá.

“Hiện nay, xã Phước Thành đã xây dựng kế hoạch nhổ bỏ cây lâm nghiệp trồng trái phép ở khu vực rừng phòng hộ Đá Vàng và hồ Cây Thích. Vì thế, thời gian tới, lực lượng Hạt kiểm lâm sẽ phối hợp với địa phương này triển khai nhổ bỏ, đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác truy quét, xử lý nạn phá rừng tại đây”, ông Lê Thanh Quân, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Phước Thành, nói.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Bình Định: Đốt than, băm vằm rừng phòng hộ hồ Đá Vàng, hồ Cây Thích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành