Thứ năm, 18/04/2024 12:08 (GMT+7)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi sẵn sàng tiếp nhận yêu cầu của các ĐBQH

MTĐT -  Thứ tư, 16/11/2016 13:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tiếp tục trả lời tại phiên chất vấn sáng 16/11 tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã làm rõ các vấn đề mà các Đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.

Kết thúc phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Các vấn đề đại biểu đặt ra cần nhiều thời gian hơn để trao đổi. Tôi xin sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu của các đại biểu Quốc hội bất cứ khi nào…”

Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường

Trả lời câu hỏi về hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: hiện chúng ta có một hệ thống quản lý nhà nước về BVMT khá đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, sự phối hợp giữa các cấp trong hệ thống chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, sự phân công trách nhiệm và phối hợp giữa các cấp, các ngành; chế độ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chưa được quy định rõ ràng.

Nhắc lại lời đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã nói về việc “thả gà ra đuổi”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Để giám sát tốt việc bảo vệ môi trường của một dự án, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan cấp phép đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan khác (trong đó có quản lý nhà nước về môi trường) và cần phải quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân người thực thi công vụ… “Chỉ trong trường hợp đó, chúng ta mới có khả năng giám sát hiệu quả dự án, nếu xảy ra sự cố sẽ dễ dàng xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói

Về các giải pháp năng lực chuyên môn của công chức làm công tác quản lý nhà nước về BVMT, Bộ trưởng cho biết: Sẽ thể chế hóa chế độ trách nhiệm tổ chức cá nhân tham gia hội đồng thẩm định, tham gia cấp phép và giám sát các vấn đề liên quan. Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường năng lực bộ máy, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương. Sau khi được phê duyệt sẽ nghiêm túc thực hiện Đề án này.

Triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề

Trả lời các câu hỏi về giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin: Giai đoạn 2012-2016, kinh phí cho các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề chỉ được cấp 17,3% so với số kinh phí được duyệt ban đầu, tương đương với 245 tỷ đồng. Vì sự thiếu hụt kinh phí, đến thời điểm này mới có 02 tiểu dự án hoàn thành (tại Thừa Thiên – Huế), 09 tiểu dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Giai đoạn 2016-2020, nội dung “khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng” được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Kinh phí đề xuất cho giai đoạn nay là 2.214 tỷ đồng, trong đó Trung ương hơn 32%, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn khác.

“Chúng tôi cho rằng, nếu nguồn kinh phí 2.214 tỷ đồng được cấp đầy đủ kịp thời thì trong thời gian còn lại (3 năm), chúng ta có thể hoàn thanh được mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng”- Bộ trưởng nói.

Sẽ sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý TN&MT

Về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong các dự án đầu tư, Bộ trưởng nêu lên các giải pháp như: Rà soát lại hệ thống pháp luật về ĐTM; Bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức tư vấn và thành viên Hội đồng thẩm định ĐTM; Tiến hành ĐTM 2 bước ĐTM đối với các dự án thuộc đối tượng phải xin chủ trương đầu tư và các dự án phức tạp nhạy cảm về môi trường;

Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ tăng cường công tác tham vấn cộng đồng theo hướng công khai thông tin cho chính quyền, nhân dân địa phương, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, các đơn vị, cá nhân quan tâm và lắng nghe, tiếp thu ý kiến về dự án…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định sẽ sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý TN&MT theo nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả tiền và người hưởng lợi từ TN&MT thì phải chi trả.  

Đến thời điểm này, ở Việt Nam đã thực hiện các công cụ kinh tế sau đây: thuế tài nguyên, thuế môi trường, phí, quỹ BVMT... Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ kinh tế này vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường.

“Trong thời gian tới, chúng ta sẽ nghiên cứu hoàn thiện các công cụ kinh tế đã có, mở rộng phạm vi áp dụng, nâng cao hiệu quả, đồng thời đề xuất bổ sung các công cụ kinh tế khác theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam như: bảo hiểm, quota, nhãn sinh thái, tín chỉ các bon…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Xử lý dứt điểm các tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường

Trả lời chất vấn của các đại biểu về tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, Bộ trưởng cho biết: Đất đai hiện do các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng quản lý, sử dụng là nguồn lực rất lớn nhưng chưa sử dụng hiệu quả; quản lý đất đai nông, lâm trường còn hạn chế bị buông lỏng trong một thời gian dài, dễ bị lấn, chiếm; tranh chấp đất đai kéo dài không được giải quyết kịp thời..; ranh giới giữa bản đồ và thực địa chưa cụ thể; một số nông, lâm trường đã giao khoán, cho thuê, cho mượn; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư không đúng theo quy định.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nêu các giải pháp thực hiện vấn đề này. Cụ thể: Bộ phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ ngành thanh tra, kiểm tra xử lý dứt điểm các tranh chấp đất đai giữa các công ty nông, lâm nghiệp với người dân địa phương.

Đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí kịp thời, đầy đủ kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để thực hiện rà soát nguồn gốc đất đai, đo đạc, cắm mốc ranh giới, cấp GCN, lập hồ sơ địa chính đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

Yêu cầu UBND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý đối với các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn, đảm bảo thực hiện theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và thẩm quyền được phân cấp. Kiên quyết xử lý, thu hồi đối với diện tích đất vi phạm, sử dụng kém hiệu quả khi sắp xếp chuyển lại cho địa phương để giao cho các chủ thể có năng lực…

Tập trung cấp “sổ đỏ” ở các địa bàn trọng điểm nhất là ở các đô thị

Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, Bộ trưởng cho biết vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để kiểm tra, xác định vướng mắc, hướng dẫn giải quyết tháo gỡ; chỉ đạo UBND các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; rà soát thủ tục hành chính; lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của nhân dân. Sau khi nêu thực tiễn và các vấn đề còn bất cập, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu các giải pháp xử lý một cách rõ ràng và cụ thể:

Trước hết, Bộ trưởng khẳng định: Việc hoàn thành cấp GCN cho 5% diện tích còn lại là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Bộ TN&MT và chính quyền các cấp phải tập trung hoàn thành để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp; điều kiện để thực hiện các quyền của người sử dụng đất; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác QLNN về đất đai, giảm khiếu nại tố cáo và thúc đẩy thị trường bất động sản.

Bộ TN&MT và các Bộ ngành, địa phương trên cơ sở thực tiễn quy định rõ các giấy tờ hoặc ghi nhận về quá trình sử dụng đất làm căn cứ cấp GCN; sửa đổi quy định nghĩa vụ tài chính phù hợp với quá trình sử dụng đất theo từng nhóm đối tượng đảm bảo công bằng, công khai minh bạch giữa các nhóm đối tượng và trong từng thời điểm áp dụng chính sách. Tăng chế tài xử lý nghiêm các vi phạm của cán bộ, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục cấp GCN cho người dân.

Bộ trưởng khẳng định sẽ tập trung xử lý ở các địa bàn trọng điểm nhất là ở các đô thị; việc xử lý phải căn cứ theo từng nhóm đối tượng theo quy định của pháp luật tại từng thời điểm và xác định nghĩa vụ tài chính phù hợp với quá trình sử dụng đất.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính trong việc chấp hành pháp luật liên quan đến việc cấp GCN. Xử lý nghiêm đối với những trường hợp cán bộ có hành vi nhũng nhiễu; công khai các doanh nghiệp vi phạm…

Chủ động quy hoạch sản xuất và hạ tầng thích ứng tốt nhất với BĐKH cho vùng ĐBSCL

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về các vấn đề liên quan đến Tài nguyên nước và ứng phó với Biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng phân tích: Tình trạng hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong thời gian gần gần đây, ngoài những yếu tố về thiên tai còn do nhân tai.

Đó là do việc vận hành điều tiết nước của các hồ chứa trên dòng chính (Trung Quốc và các nước thượng nguồn) và cả trên dòng nhánh. Với tổng dung tích của các hồ chứa ở Trung Quốc và Lào hiện nay trữ nước khoảng 52 tỷ m3, khả năng kiểm soát dòng chảy về ĐBSCL là rất lớn...

Để giải quyết những vấn đề về tài nguyên nước và ứng phó với BĐKH vùng ĐBSCL, Chính phủ đã phê chuẩn Thoả thuận Paris về BĐKH nhằm tận dụng các cơ hội hợp tác; ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Thoả thuận; phê duyệt Chương trình mục tiêu về BĐKH và Tăng trưởng xanh, Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC)...

Bộ trưởng cũng cho biết: Trong giai đoạn 2015 – 2020, một loạt dự án phòng ngừa, ứng phó với nước biển dâng cũng đã và đang triển khai ở hầu hết các tỉnh, thành phố với quy mô cỡ 20 ngàn tỷ đồng.

“Với những vùng có nguy cơ cao, sẽ chủ động quy hoạch mới cả sản xuất và cơ sở hạ tầng theo hướng thích nghi tốt nhất với BĐKH. Điều này có thể lồng ghép với Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020” - Bộ trưởng thông tin.

Theo Bộ trưởng, việc thực hiện Thoả thuận Paris sẽ sử dụng nội lực với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cũng như tranh thủ các nguồn lực hợp tác quốc tế về tài chính, chuyển giao công nghệ để thực hiện mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ.

Bộ TN&MT đã phối hợp có đánh giá tác động tổng hợp các công trình thuỷ điện thượng nguồn trên dòng chính sông Mê Công làm căn cứ cung cấp thông tin cho Uỷ hội sông Mê Công và cho Đảng và Nhà nước trong hợp tác, đấu tranh, bảo đảm chia sẻ công bằng lợi ích nguồn nước sông Mê Công giữa các quốc gia.

“Bộ TN&MT đang tập trung xây dựng quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL, gắn với kịch bản BĐKH và các khuyến nghị của chuyên gia Hà Lan trong Kế hoạch châu thổ ĐBSCL. Chúng ta tiếp tục kiên trì hợp tác, đấu tranh bằng các hình thức đa dạng, phù hợp, trên nhiều diễn đàn nhằm bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung của 6 quốc gia trên lưu vực sông Mê Công theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế’ - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Kết thúc phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, còn nhiều vấn đề đã được đặt ra nhưng do thời gian có hạn nên ông chưa thể trao đổi thật đầy đủ.

“Các vấn đề đại biểu đặt ra cần nhiều thời gian hơn để trao đổi. Tôi xin sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu của các đại biểu bất cứ lúc nào và sẽ trao đổi lại bằng văn bản” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo Báo Tài nguyên & Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi sẵn sàng tiếp nhận yêu cầu của các ĐBQH. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.