Thứ sáu, 29/03/2024 20:12 (GMT+7)

Cần 80 tỷ USD mỗi năm để cứu thiên nhiên

MTĐT -  Thứ ba, 16/10/2012 10:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kết quả từ một nghiên cứu mới cho biết, mỗi năm thế giới cần 4 tỷ USD để giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng của các loài đang bị đe dọa và thêm 76 tỷ USD để bảo vệ và quản lý hiệu quả các khu vực có tầm quan trọng đối với bảo tồn.

Sau thất bại của các cam kết toàn cầu trước đây về hạn chế tỷ lệ suy giảm đa dạng sinh học, năm 2010 các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) đã thông qua một kế hoạch chiến lược mới, bao gồm cả 20 mục tiêu Aichi với mốc cán đích là năm 2020.
Tuy nhiên, đến nay các cuộc đàm phán về tài chính vẫn chưa ngã ngũ do thiếu ý chí chính trị cũng như các nghiên cứu chính thức về con số cần thiết phải đầu tư.
Tại Hội nghị CBD đang diễn ra tại Hyderabad, Ấn Độ, một nhóm tác giả quốc tế do các nhà khoa học của Tổ chức BirdLife Quốc tế và Birdlife Anh (RSPB) chủ trì đã cung cấp nguồn thông tin có thẩm quyền đầu tiên về chi phí cần thiết cho hai trong số các mục tiêu Aichi cấp thiết nhất: cứu sống những loài đang bị đe dọa và bảo vệ các khu vực quan trọng đối với bảo tồn.
Theo đó, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu về các loài chim – nhóm sinh vật được biết đến nhiều nhất – để ước tính chi phí bảo tồn cho tất cả các loài. Theo tính toán, chi phí cho mục tiêu giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng của tất cả các loài chim đang bị đe dọa trên thế giới (đủ để thấy sự cải thiện theo từng danh mục trong Sách Đỏ của IUCN) vào khoảng 0,88-1,23 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ tới. Hiện nay kinh phí được đáp ứng mới chỉ là 12%.
Sử dụng dữ liệu về các chi phí tương đối cho các loại động thực vật khác, nhóm nghiên cứu ước tính để ngăn chặn tuyệt chủng và cải thiện tình trạng của tất cả các loài động vật và thực vật đang bị đe dọa trên toàn cầu, mỗi năm thế giới sẽ cần khoảng 3,41 – 4,76 tỉ USD.
Để xác định chi phí cho hoạt động bảo vệ các khu vực quan trọng đối với bảo tồn, các tác giả đã khảo sát các khu vực đất liền có tầm quan trọng đối với các loài chim (IBAs – Important Bird Areas), bao gồm 11.731 vùng được BirdLife xác định.
IBAs là một mạng lưới toàn cầu rộng lớn nhất các khu vực quan trọng đối với đa dạng sinh học (không chỉ với loài chim) được xác định một cách có hệ thống, tuy nhiên hiện chỉ có 28% mạng lưới này là các khu bảo tồn.
Theo ước tính, để quản lí hiệu quả các khu bảo tồn hiện có mỗi năm chúng ta cần đến 7,2 tỷ USD. Mở rộng bảo tồn và quản lý hiệu quả các khu vực IBAs còn lại sẽ nâng tổng chi phí lên 57,8 tỷ USD mỗi năm. Việc mở rộng khu vực được bảo tồn sẽ tăng diện tích đất đai được bảo vệ của thế giới lên hơn 17%, mức mà các chính phủ đã cam kết đạt được trong Mục tiêu Aichi.
Các khu vực bảo tồn quan trọng trên toàn cầu đối với động vật có vú, động vật lưỡng cư và một số loài bò sát, cá, thực vật và các nhóm động vật không xương sống cũng được các nhà khoa học xác định một cách có hệ thống. Trong số các khu vực này, 71% đã đủ điều kiện là khu vực IBAs.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng chi phí cho bảo tồn và quản lý hiệu quả một mạng lưới toàn cầu các khu bảo tồn rộng lớn hơn ước tính vào khoảng 76,1 tỷ USD mỗi năm.
Tác giả chính của nghiên cứu, ông Donal McCarthy, nhà kinh tế môi trường tại BirdLife Quốc tế và RSPB, cho biết con số trên là rất nhỏ so với các chi phí có thể phát sinh nếu chúng ta không hành động. Theo đó, tổng chi phí chỉ chiếm 1-4% so với tổn thất từ việc mất các dịch vụ sinh thái hàng năm vốn được ước tính vào khoảng từ 2 đến 6,6 nghìn tỷ USD. Thậm chí, con số này còn chưa bằng 20% chi phí tiêu dùng toàn cầu cho nước ngọt.
Nghiên cứu trên đã cung cấp một cơ sở hợp lí cho các cuộc thảo luận giữa các chính phủ về nguồn tài chính cần thiết cho Kế hoạch chiến lược CBD về đa dạng sinh học đến năm 2020. Tuy nhiên, có một thách thức rõ ràng là việc phân phối hài hòa nguồn tài chính cho bảo tồn khi mà các nước giàu đa dạng sinh học, có nhu cầu bảo tồn cao hơn lại thường thiếu hụt tài chính.
Thùy Nhi (Theo Birdlife, 11/10/12)
Theo thiennhien.net
Bạn đang đọc bài viết Cần 80 tỷ USD mỗi năm để cứu thiên nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Chiều 29-3, tại Hội nghị Tỉnh ủy Bình Thuận mở rộng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.

Tin mới