Thứ sáu, 29/03/2024 02:42 (GMT+7)

Doanh nghiệp nộp phí nước thải teo dần

MTĐT -  Thứ tư, 11/01/2012 09:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ doanh nghiệp nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp cứ teo tóp dần theo từng năm.

Rơi rụng

Trong số 453 doanh nghiệp ở Hà Nội được nghiên cứu, chỉ có 76 doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp phí. Hai năm sau, khoảng thời gian cuối cùng của nghiên cứu, số doanh nghiệp nộp phí chỉ còn 23. Tương ứng, tổng số phí thu được cũng giảm mạnh, từ 683 triệu đồng xuống còn 62 triệu đồng.
 Tại TP Hồ Chí Minh, số doanh nghiệp nộp phí lúc đầu có tăng nhưng sau đó cũng giảm. Cụ thể, số doanh nghiệp ở TP HCM nộp phí trong ba năm nghiên cứu tăng vọt từ 129 lên 1851 nhưng sau đó lại giảm còn 1.594. 

“Chỉ có các hộ dân là nộp tương đối đầy đủ, còn hầu hết các doanh nghiệp chây ỳ không trả hoặc nợ dây dưa”, TS Lê Hà Thanh, Khoa Môi trường Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.

Tính đến nay, tỷ lệ thu phí nước thải của Việt Nam còn rất thấp. Theo Viện Chiến lược Chính sách&Tài nguyên Môi trường, số phí thu được thấp hơn nhiều so với số phí ước tính ban đầu.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng chỉ thu được 20 - 30% so với dự kiến. Càng dây dưa nộp phí, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải gây ra ngày càng trầm trọng trên diện rộng, quy mô lớn.

Theo thống kê, có tới 70% nước thải khu công nghiệp được thải trực tiếp vào môi trường không qua xử lý; nhiều doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành; phần lớn nước thải của khu công nghiệp có chỉ tiêu ô nhiễm vượt quy chuẩn Việt Nam.

Trong số các doanh nghiệp được điều tra, không doanh nghiệp nào có bộ phận và cán bộ chuyên trách về môi trường; 24 doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chất lượng thấp.

Các doanh nghiệp nợ phí môi trường đều tìm cách bao biện cho việc vi phạm pháp luật của họ là do chưa hiểu thủ tục kê khai hoặc cho rằng đã nộp phí duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp, khu chế xuất nên không phải nộp phí môi trường.

Chưa khiến doanh nghiệp tỉnh ngộ

Một trong những nguyên nhân được các nhà nghiên cứu đề cập là do mức xử phạt hành chính hành vi trốn thuế thấp hơn nhiều mức phí mà các doanh nghiệp phải đóng. Chính kẽ hở ấy khiến tình trạng nợ đọng phí bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương ngày càng tăng.

Khi được hỏi về việc phải nộp phí nước thải theo Nghị định 67/NĐ-CP, 95% doanh nghiệp cho rằng trả phí giúp họ nâng cao được nhận thức trong khi chỉ 5% trả lời thay đổi được hành vi. 
Tuy nhiên, theo TS Lê Hà Thanh, nguyên nhân cơ bản lại nằm ở bản thân Nghị định 67. Đề cập đến hiện tượng nhờn Nghị định 67, hơn nửa số doanh nghiệp được hỏi doanh nghiệp cho rằng do cơ chế thực hiện đóng phí phức tạp, không rõ ràng, đưa ra quá nhiều chỉ tiêu ô nhiễm, khiến cho mức phía phải đóng vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho rằng Nghị định 67 không tạo ra động cơ kinh tế đối với các doanh nghiệp đã thực hiện tốt. 
“Trong khi mỗi doanh nghiệp có ngành nghề, mức độ ô nhiễm khác nhau đều phải trả mức phí như nhau khiến cho doanh nghiệp không có động lực để thực hiện nộp phí”, TS Thanh nói. 
Đồng tình với quan điểm của doanh nghiệp, TS Thanh nêu ví dụ nếu nhà máy apatit Lào Cai trả phí với bảy chất ô nhiễm theo qui định thì toàn bộ tổng doanh thu của nhà máy này không thể đủ trả mức phí này.  
Chỉ nên nhắm đến các ông lớn
Theo TS Thanh, Nghị định 67 rất khó triển khai do còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, khả thi thực thi tại các cấp còn yếu. Phần lớn số phí thu được là thu qua nước cấp. Rất ít doanh nghiệp tham gia trả phí. Hơn nữa, các cấp quản lý dường như quan tâm nhiều đến khoản phí thu được hơn là sự thay đổi mức độ ô nhiễm. 
Từ những bất cập của Nghị định 67, các nhà khoa học đề xuất đối tượng chịu thu chỉ nên áp dụng đối với các doanh nghiệp lớn thuộc một số ngành gây ô nhiễm cao như sản xuất giấy, thuộc da, nhuộm, hóa chất, thủy sản, mía đường, v.v…, với những chỉ tiêu ô nhiễm chủ yếu là COD, TSS và một chất kim loại nặng để tránh việc có quá nhiều chỉ tiêu ô nhiễm.
“Tuy nhiên, thế nào là doanh nghiệp lớn thì cũng rất khó xác định khi hiện nay có 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn việc đánh giá theo lượng nước thải xả ra thì hiện nay vẫn chưa có qui định nào cho việc này”, TS Thanh chia sẻ.  
Ngoài ra, cần phân định rõ ràng hai mục tiêu tạo nguồn thu và thay đổi hành vi của người gây ô nhiễm. Sử dụng hệ thống phí hai nấc là phí cố định và phí ô nhiễm. Áp dụng mức phí thấp lúc ban đầu rồi điều chỉnh tăng dần sau mỗi chu kỳ năm năm có tính tới yếu tố lạm phát. 

Được sự hỗ trợ của Chương trình Kinh tế & Môi trường Đông Nam Á, nhóm các nhà khoa học ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa hoàn tất một điều tra tỷ lệ nộp phí nước thải ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sau khi Nghị định 67/NĐ-CP về phí nước thải công nghiệp được ban hành năm 2003 và có hiệu lực từ năm 2004.

Luật Thuế Bảo vệ Môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 nhưng các văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện vẫn chưa hoàn thiện. Trong số tám nhóm mặt hàng phải chịu thuế môi trường, có mặt hàng túi nilon thuộc diện chịu thuế, lên đến 30.000-50.000 đồng/kg.

Mạnh Cường (Tiền Phong)
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp nộp phí nước thải teo dần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.