Thứ năm, 28/03/2024 15:18 (GMT+7)

Mỗi bộ “nhúng” một chút!

MTĐT -  Thứ sáu, 14/12/2012 08:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Chương trình mục tiêu quốc gia, cứ làm như hiện tại thì ông nào cũng chỉ… tranh thủ, mỗi Bộ “nhúng” một chút là dẫn đến phân tán. Song giờ trình độ mới đến thế, Thường vụ cũng đành cầm lòng, chấp nhận vậy” – Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.

Ngày 13/12, UB Thường vụ QH cho ý kiến về phân bổ ngân sách TƯ cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia: Biến đổi khí hậu và khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường. Đây là một nội dung được Thường vụ xem xét lại sau lần trình trước đó của Chính phủ mà không được thông qua.

Theo phương án trình lần này của Chính phủ, chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được giao tổng kinh phí là 131 tỷ đồng. Và thay vì bố trí 50 tỷ đồng cho các dự án tại duy nhất một tỉnh Bắc Giang thì đã phân cho 4 địa phương là Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình (3 làng nghề được phân bổ 10 tỷ đồng và một làng nghề được 20 tỷ đồng).
Chương trình khắc phục ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đã ngốn nhiều nghìn tỷ đồng thời gian qua.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, thực trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề đã rất bức thiết và đáng báo động, tuy nhiên số tiền phân bổ như trên là quá nhỏ, chỉ đủ làm cống rãnh. Phương án xử lý như vậy chỉ đi vào tiểu tiết, xử lý ngọn mà không làm từ gốc thì rất lãng phí.

Thẩm tra đề án Chính phủ trình, UB Tài chính Ngân sách xác nhận, về cơ bản, Chính phủ đã tiếp thu, giải trình ý kiến của UB Thường vụ, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đã rà soát, cắt giảm vốn sự nghiệp, điều chỉnh phương án phân bổ vốn hợp lý hơn.

Về các dự án cụ thể, UB Tài chính ngân sách lưu ý dự án thứ 3 trong Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, dự án “Thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên thuộc ba lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai” trị giá 33 tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến bố trí cho tỉnh Thái Nguyên 15 tỷ đồng và tỉnh Đồng Nai 15 tỷ đồng để thu gom, xử lý nước thải thành phố, 3 tỷ đồng cho Văn phòng ban chỉ đạo.

Chủ tịch UB Phùng Quốc Hiển cho rằng, với tình trạng ô nhiễm gia tăng ở cả 3 lưu vực sông, nếu chỉ xử lý nước thải đô thị thì mới chỉ giải quyết được một phần của vấn đề, quan trọng là phải chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật xả thải chưa qua xử lý từ các khu, cụm công nghiệp tập trung, các làng nghề trên lưu vực sông.

Ông Hiển lập luận, với nguồn lực hạn chế, cần thiết phải bố trí vốn tập trung để hoàn thành dứt điểm một lưu vực sông. Do đó, đề nghị chỉ bố trí vốn tập trung cho việc xử lý ô nhiễm hệ thống sông Đồng Nai thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân hoặc chuyển toàn bộ số kinh phí này sang bố trí vốn cho xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Với chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu (được giao tổng kinh phí là 248,3 tỷ đồng) Chính phủ cho biết đã rà soát cắt giảm 60,8 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để bố trí 30,8 tỷ đồng Xây dựng và nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau (tổng mức đầu tư là 922 tỷ đồng); 30 tỷ đồng cho dự án kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh (tổng mức đầu tư là 153 tỷ đồng).

Cơ quan thẩm tra đề nghị bố trí số vốn này cho dự án khác vì tỷ lệ vốn quá thấp so với tổng đầu tư là không phù hợp, có thể dẫn tới đầu tư dàn trải, kéo dài, thiếu tính khả thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng ủng hộ đề xuất phân bổ số tiền này cho việc trồng rừng chắn sóng của Bộ TN-MT để tránh dàn trải.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, ứng phó biến đổi khí hậu là chương trình dài hạn, gồm rất nhiều công việc ở nhiều bộ ngành, không thể chỉ trông chờ vốn chương trình mục tiêu mà cần vốn đầu tư khác nữa.

Ông Hùng cũng đề xuất tính toán lại cách làm các chương trình mục tiêu theo hướng chỉ bỏ tiền xây dựng chương trình và làm mô hình thí điểm, còn lại khi bố trí ngân sách cho các bộ ngành thì phân bổ luôn kinh phí để thực hiện phần việc cần thực hiện ở các chương trình. Còn nếu sản phẩm là các công trình thì sẽ bố trí vốn đầu tư.

“Nếu cứ làm như hiện tại thì không thực chất, ông nào cũng chỉ tranh thủ thôi. Mỗi Bộ nhúng một chút là dẫn đến phân tán. Song giờ trình độ mới đến thế, Thường vụ cũng đành cầm lòng, chấp nhận vậy”.
Tại phiên họp tháng 10/2012, khi xem xét phương án phân bổ chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015 do Chính phủ trình, UB Thường vụ Quốc hội đã “phê” về việc chậm trễ và tính dàn trải, đồng thời yêu cầu rà soát lại từng chương trình cụ thể. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khi đó cũng băn khoăn khi số tiền dành cho chương trình ứng phó biến đổi khí hậu lên đến trên 260 tỷ đồng, với nhiều cơ quan không mấy liên quan cũng có trong danh sách tham gia như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo.

Tại kỳ họp QH thứ 4 vừa qua, Chính phủ đã trình phương án phân bổ vốn ngân sách TƯ cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, do chưa kịp rà soát theo yêu cầu của UB thường vụ QH, Chính phủ chưa có phương án phân bổ vốn chi tiết hai chương trình: ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường nên QH đã quyết định giao lại cho UB Thường vụ xem xét vấn đề này sau.

P.Thảo/Dân trí

Bạn đang đọc bài viết Mỗi bộ “nhúng” một chút!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.