Thứ sáu, 19/04/2024 15:17 (GMT+7)

Nỗi lo môi trường ngày càng lớn

MTĐT -  Thứ sáu, 31/03/2017 09:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

(phapluatmoitruong.vn) - Lee & Man Việt Nam - nhà máy giấy lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với công suất 420.000 tấn/năm, từng làm báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực - vừa được phép chạy thử nghiệm.

Người dân ven sông Hậu bắt đầu sống trong cảnh lo lắng thật sự.

Bên này sông Tiền, dự án Nhà máy giấy Đại Dương ở tỉnh Tiền Giang đang ở thế giằng co. Chiều 28-3, UBND tỉnh Tiền Giang bày ra thế trận với hơn chục nhà khoa học tên tuổi đứng về phía mình thay phiên nhau phản đối dự án.

Ngoài giấy, sẽ có tổng cộng 15 nhà máy nhiệt điện than được xây dựng tại đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới.

Không thể kể hết có bao nhiêu hội thảo tổ chức thời gian qua để phản đối việc “nhuộm đen” các vùng sinh thái và kinh tế nông nghiệp bằng nhiệt điện than. Nhưng quy hoạch đã được phê duyệt và rất khó bị hủy.

Ba nhà máy tại Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải ở Trà Vinh cũng đã mọc lên. Hai nhà máy tại tỉnh Long An đặt ngay sát vách TP.HCM cũng bắt đầu triển khai...

Ngoài ra, còn rất nhiều nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ngày đêm tra tấn người dân bằng mùi hôi, nhưng không xử lý được do hiện chưa có quy chuẩn và quy định xử lý ô nhiễm mùi.

Những “quả bom” môi trường đã và chưa “nổ” thật sự là nỗi ám ảnh cho môi trường sống đang ngày càng xấu đi.

Nhiều địa phương chạy đua phát triển công nghiệp như là một thước đo về phát triển kinh tế. Hễ vùng nào sản xuất nông nghiệp không được hoặc hiệu quả thấp thì quy hoạch làm công nghiệp.

Các nhà khoa học lo ngại Việt Nam sẽ trở thành bãi thải công nghệ lạc lậu của Trung Quốc; đồng thời quyết liệt kiến nghị từ bỏ nhiệt điện than và chuyển sang dùng công nghệ điện gió, điện mặt trời và sinh khối.

Đầu tháng 3-2017, TP Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than vì không thể chịu đựng ô nhiễm. Đây là bài học rõ ràng nhất, thực tế nhất để Chính phủ cân nhắc, đưa quyết định nói “không” với nhiệt điện than, không để lại hậu quả môi trường cho các thế hệ sau.

Chúng ta không chủ động được công nghệ, nhưng lại có quyền lựa chọn nhà đầu tư và công nghệ hiện đại nhất, ít gây ô nhiễm nhất.

Các nước có nền công nghiệp phát triển ở châu Âu, Mỹ... vẫn có nhà máy sản xuất giấy, thép, điện nhưng họ sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời họ có những chế tài nghiêm khắc để quản lý, không để các nhà máy lén lút làm bậy (như ở Việt Nam).

Đừng đặt người dân trong hoàn cảnh buộc phải chịu đựng hoặc trả giá cho sự sai lầm của người có trách nhiệm.

Chính phủ đã khẳng định quan điểm không phát triển bằng mọi giá nhưng cấp dưới vẫn chưa quyết liệt thực thi, có vẻ chỉ xem trọng việc bảo vệ môi trường bằng lời nói hơn là hành động.

Theo TTO

Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo môi trường ngày càng lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.