Thứ bảy, 20/04/2024 20:20 (GMT+7)

Các sự kiện chính trị thế giới nổi bật năm 2018

MTĐT -  Thứ năm, 20/12/2018 10:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bước ngoặt tích cực trong quan hệ giữa Mỹ - Triều, Hàn - Triều, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhà báo Khashoggi bị giết nằm trong số các sự kiện chính trị nổi bật thế giới năm 2018.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp dẫn đến "đình chiến" cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, một trong các sự kiện chính trị năm 2018 nổi bật nhất thế giới

Năm 2018 là năm “phát súng” đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu và cũng là năm cuộc chiến này bước vào giai đoạn “đình chiến” 90 ngày.

Từ đầu cuộc chiến, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không có cuộc chiến thương mại nào với Trung Quốc và rằng các biện pháp sắp tới của ông chỉ là nhằm đòi lại công bằng thương mại cho nước Mỹ. Ông chỉ trích Trung Quốc đã có những thực hành thương mại không công bằng để lấy quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ Mỹ, khiến thâm hụt thương mại ở mức quá cao, gây tổn thương cho nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc thề sẽ đáp trả các biện pháp đối đầu của Mỹ.

Hậu quả, Mỹ và Trung Quốc áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa của nhau. Ngoài ra, Mỹ áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc và Trung Quốc áp thuế 10% đối với 60 tỷ USD hàng hóa khác của Mỹ. Hai bên còn dọa sẽ tăng mức thuế 10% lên 25% vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, cuộc chiến tạm hoãn trong 90 ngày khi Trung Quốc đồng ý hàng loạt các yêu cầu của Mỹ như mua thêm hàng hóa Mỹ,đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, mở cửa hơn nữa thị trường cho các công ty Mỹ....

Dù vậy, Nhà Trắng khẳng định, nếu trong 90 ngày này, hai bên không thể đưa ra được thỏa thuận, cuộc chiến sẽ tiếp diễn với những biện pháp mạnh mẽ hơn.

Khi thế giới chưa kịp mừng về thỏa thuận “đình chiến”, Mỹ - Trung lại rơi vào cuộc chiến mới khi bà Mạnh Vãn Chu - giám đốc tài chính Huawei, bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc có âm mưu lừa gạt các tổ chức tài chính để họ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Trung Quốc đã gay gắt chỉ trích vụ bắt giữ và yêu cầu Canada nhanh chóng thả bà Mạnh cũng như yêu cầu Mỹ rút lại lệnh bắt.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng Mỹ đã điều tra Huawei từ ít nhất năm 2016 về các hành động bị cho là vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Mỹ - Trung gây lo ngại cho nền kinh tế thế giới.

Vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại

Nhà báo Khashoggi.

Ngày 2/10, nhà báo Arab Saudi Khashoggi sống lưu vong ở Mỹ từ năm 2017 mất tích tại lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau nhiều ngày phủ nhận, ngày 20/10, Arab Saudi thừa nhận nhà báo này đã bị giết trong lãnh sự quán. Arab Saudi bắt giữ nhiều quan chức và đặc vụ có liên quan đến vụ giết người nhưng phủ nhận chính phủ không liên quan.

Trong khi đó, Thái tử Mohammed bin Salman bị cho là người chỉ đạo giết người vì các quan chức bị bắt đều là thân tín của ông.

Dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối những lời thúc giục trừng phạt Arab Saudi. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh, đặc biệt là thỏa thuận mua vũ khí hàng tỷ USD của Arab Saudi.

Sự việc nhà báo Khashoggi bị giết đã ảnh hưởng đáng kể đến danh tiếng của vương quốc này cũng như của Thái tử bin Salman. Nó cũng được cho là tác động lớn đến mối quan hệ liên minh Arab Saudi – Mỹ.

Thảm họa nhân đạo ở Yemen

Bé gái Amal Hussain, 7 tuổi, đã qua đời sau khi bị suy dinh dưỡng nặng.

Vụ nhà báo Khashoggi cũng khiến thế giới hướng về thảm họa nhân đạo mà liên minh do Arab Saudi dẫn đầu đã gây ra ở Yemen.

Năm 2015, với sự hỗ trợ của Mỹ, Arab Saudi bắt đầu lãnh đạo liên minh can thiệp vào cuộc nội chiến Yemen bằng cách không kích phiến quân Houthi - phe đang giành lợi thế trong nội chiến nhằm lật ngược tình thế. Liên minh này đã thực hiện hơn 16.000 cuộc tấn công.

Nhiều tổ chức nhân quyền cáo buộc liên minh Arab Saudi đã ném bom vào nhiều mục tiêu dân sự, bao gồm bệnh viện, trường học...

Liên minh Arab Saudi còn phong tỏa cảng chiến lược Hodeidah vì cho rằng đây là điểm trung chuyển vũ khí cho Houthi từ Iran. Từ đó, các hoạt động viện trợ nhân đạo cho Yemen đã bị cắt đứt. Kể từ năm 2015 đến nay, ít nhất 10.000 người đã thiệt mạng do các cuộc giao tranh ở Yemen, hàng ngàn người khác đã chết vì đói, trong đó có rất nhiều trẻ em.

Hình ảnh bé gái Amal Hussain, 7 tuổi, bị suy dinh dưỡng nặng đã khiến cả thế giới ám ảnh. Đó cũng là minh chứng cho “tội ác” của Arab Saudi ở quốc gia này. Ngày 26/10, bé Hussain đã qua đời.

Biểu tình Áo Vàng ở Pháp

Một hình ảnh hỗn loạn trong các cuộc biểu tình Áo Vàng ở Pháp.

Ngày 17/11, phong trào Áo Vàng tiến hành cuộc biểu tình đầu tiên để phản đối chính phủ tăng thuế nhiên liệu. Các cuộc biểu tình kéo dài trong nhiều tuần lễ. Nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát chống bạo đã nổ ra, gây hoang tàn ở thủ đô Paris và nhiều thành phố khác.

Người biểu tình đốt phá nhiều xe cộ, đập phá các cửa hàng và giận dữ yêu cầu Tổng thống Macron từ chức, không tăng thuế nhiên liệu.

Tổng thống Macron nhiều lần tuyên bố sẽ không nhượng bộ. Tuy nhiên, đến ngày 4/12, trước áp lực lớn từ người biểu tình, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ra thông báo sẽ hoãn việc tăng thuế nhiên liệu trong 6 tháng.

Trong khi đó, nhiều người cho rằng việc tăng thuế nhiên liệu chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. Nhiều chính sách trước đó của ông Macron đã gây tranh cãi và bị phản đối. Ông Macron lên nắm quyền tháng 5/2017. Ngay sau đó, ông cắt giảm thuế cho các doanh nhân và người có thu nhập cao, cắt giảm chi tiêu công, nới lỏng luật bảo vệ lao động với hy vọng tăng việc làm. Tuy nhiên, những chính sách của ông dường như phản tác dụng.

Đúng như dự đoán, sau khi chính phủ hoãn tăng thuế, phong trào Áo Vàng vẫn tiếp tục biểu tình. Ngày 10/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố tăng lương cho những lao động nghèo nhất và cắt giảm thuế cho những người hưu trí nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình. Thế nhưng dường như phong trào Áo Vàng vẫn chưa hài lòng khi cho biết sẽ tiếp tục biểu tình.

Tổng thống Putin đắc cử nhiệm kỳ 4

Tổng thống Nga Putin.

Trong cuộc bầu cử ngày 18/3/2018, đúng dịp kỷ niệm 4 năm ngày Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý, đương kim Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử và sẽ nắm quyền đến năm 2024. Đây là nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông.

Ông Putin đã thắng áp đảo với hơn 76% số phếu bầu.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ của người Nga đối với Tổng thống Putin tăng lên trong những thời điểm Moscow căng thẳng với phương Tây.

Trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Putin sẽ phải giải quyết các vấn đề kinh tế như thiếu hụt nguồn nhân lực, gánh nặng lương hưu, đa dạng hóa nền kinh tế, đổi mới nền công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, ông sẽ phải chèo lái con thuyền nước Nga thoát khỏi sự bao vây cô lập quốc tế sau các đòn trừng phạt của phương Tây.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6/11/2018, đảng Dân chủ đã giành được quyền kiểm soát Hạ viện, phá vỡ thế độc quyền về quyền lực của đảng Cộng hòa trong 6 năm qua. Chiến thắng này sẽ giúp họ “kiềm chế” ông Trump trong hai năm tiếp theo, đặc biệt là khi ông Trump muốn loại bỏ các chính sách của người tiền nhiệm Obama.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa, với sự trợ giúp của ông Trump, đã củng cố đa số ở Thượng viện.

Ông Trump vẫn khẳng định đây là một chiến thắng lớn của đảng Cộng hòa bởi ông cho rằng việc đảng của tổng thống tiếp tục duy trì kiểm soát Thượng viện là một sự kiện "lịch sử" trong một cuộc bầu cử giữa nhiệm bởi "điều này gần như chưa bao giờ xảy ra".

“Mất” Hạ viện, ông Trump sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong hai năm cuối nhiệm kỳ bởi khi một dự luật được đưa ra, nó cần được cả Hạ viện và Thượng viện chấp thuận. Sau đó, nếu được Tổng thống phê duyệt mới trở thành luật.

Tuy nhiên, đối với một số chính sách mà cả hai đảng cùng đồng thuận như về Trung Quốc thì kết quả này được cho là không gây ảnh hưởng gì.

Các hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sắp bước qua đường ranh giới hai miền vào ngày 27/4.

Năm 2018 là năm đánh dấu một trong những bước ngoặt lớn nhất trong mối quan giữa hai miền Triều Tiên với các hội nghị thượng đỉnh liên Triều rất thành công.

Chỉ trong năm 2018, đã có tới ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Tất cả đều diễn ra trong không khí ấm áp và xúc động.

Sáng 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã lần đầu gặp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Làng Đình chiến (Bàn Môn Điếm).

Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Triều Tiên bước qua đường ranh giới vào lãnh thổ Hàn Quốc và ngược lại. Hình ảnh hai nhà lãnh đạo cầm tay nhau cùng bước qua bước lại đường ranh giới trở thành một “dấu mốc” lịch sử trong quan hệ hai miền.

Hội nghị chủ yếu bàn về phi hạt nhân hóa và cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, giảm căng thẳng khu vực biên giới và về vấn đề các gia đình ly tán, thúc đẩy các dự án hợp tác.

Sau hội nghi, hai bên đã ra tuyên bố Bàn Môn Điếm. Theo đó sẽ cam kết cùng nhau chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh trong năm nay và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.

Khoảng một tháng sau, ngày 26/5, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần hai bất ngờ diễn ra tại Làng Đình chiến, không hề có thông báo trước. Cuộc họp kéo dài hai giờ. Cuộc Cuộc họp chủ yếu tập trung vào hội nghị thượng đỉnh sắp tới của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kết thúc hội nghị, ông Kim và Moon đã ôm nhau trước khi ông Moon trở về Hàn Quốc.

Ngày 27/5, ông Moon tuyên bố rằng ông và ông Kim đã đồng ý gặp lại nhau tại bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào và lãnh đạo Triều Tiên một lần nữa cam kết hủy hoại bán đảo Triều Tiên theo Tuyên bố Bàn Môn Điếm.

Ngày 18 và 19/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới Bình Nhưỡng để dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần ba.

Sau hai cuộc thảo luận giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào chiều ngày 18/9 và sáng 19/9 tại nhà khách Paekhwawon.

Kết quả Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều đã khiến nhiều người bất ngờ bởi rất nhiều thỏa thuận mang tính bước ngoặt đã được đưa ra. Trong khi ông Moon cho biết hai miền đã thống nhất loại bỏ mọi nguồn cơn mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên, thì ông Kim khẳng định hai bên đã thống nhất được cách thức tiến hành phi hạt nhân hóa và cho rằng kết quả cuộc gặp sẽ đem lại hòa bình bền vững. Đặc biệt, Triều Tiên đồng ý minh bạch các bước phi hạt nhân hóa, biến khu phi quân sự thành khu vực hòa bình...

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6 ở Singapore.

Sau nhiều trở ngại, thậm chí còn suýt bị hủy vào phút chót, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử tại Singapore vào ngày 12/6/2018.

Không khí hội nghị cũng diễn ra thân thiện và cởi mở. Ông Trump và ông Kim đã trao đổi về nhiều vấn đề để cải thiện quan hệ Mỹ -Triều Tiên và xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Kết quả, ông Trump cam kết sẽ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên còn ông Kim tái khẳng định cam kết kiên định và vững chắc để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ Mỹ - Triều mới thể theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng. Hai nước sẽ cùng nhau xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm lại và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), gồm cả việc đưa những hài cốt đã được nhận dạng về nước ngay lập tức.

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết thực thi các quy định trong bản tuyên bố chung này một cách đầy đủ và nhanh chóng.

Sau hội nghị, Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức các cuộc đàm phán dưới sự lãnh đạo của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và quan chức cấp cao Triều Tiên để tiến hành các kết quả của hội nghị. Dù trong quá trình này vẫn còn nhiều khúc mắc nhưng hội nghị vẫn là một “mốc son” trong quan hệ hai nước.

Quan hệ Nga – Ukraine “nóng” trở lại

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6 ở Singapore.

Ngày 25/11, các tàu Nga đã nổ súng và bắt ba tàu Ukraine cùng thủy thủ đoàn ở eo biển Kerch, nối Biển Đen và Biển Avoz, gần Crimea. Moscow tuyên bố các tàu của hải quân Ukraine gồm tàu Berdiansk, Nikopol và Yany Kapu đã vi phạm lãnh hải Nga, phớt lờ các yêu cầu dừng lại và thực hiện các hành động nguy hiểm.

Trong khi đó, Ukraine yêu cầu Nga thả các tàu cùng thủy thủy đoàn và rằng các tàu của họ đã thông báo cho Moscow trước khi thực hiện kế hoạch đi từ Odessa tới Mariupol. Tuyến đường này đi qua eo biển Kerch, nằm giữa bán đảo Crimea với lục địa Nga.

Trong khi đó, Moscow khẳng định các tàu không có thông báo trước.

Sau đó, Ukraine ban hành thiết quân luật 30 ngày, kêu gọi các đồng minh phương Tây ủng hộ và gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.

Tổng thống Nga Putin cho rằng Kiev không nên có hành động liều lĩnh.

Vụ việc cũng dẫn đến hàng loạt các động thái căng thẳng khác, gây ra lo ngại về cuộc đối đầu khốc liệt giữa hai nước láng giềng.

Theo Ánh Dương

Sức khỏe Cộng đồng

Bạn đang đọc bài viết Các sự kiện chính trị thế giới nổi bật năm 2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nga: Cá heo chết hàng loạt bí ẩn tại Biển Đen
Trong vài tuần qua, số xác cá heo mà người dân địa phương tìm thấy trên bờ biển Anapa đã lên đến hàng chục con. Xác những chú cá heo này đã được gửi đi giám định pháp y để xác định nguyên nhân.

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất