Thứ sáu, 29/03/2024 18:09 (GMT+7)

Malaysia - bãi nhựa phế thải của thế giới

MTĐT -  Thứ hai, 18/02/2019 14:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Malaysia đã trở thành một trong những nhà nhập khẩu nhựa lớn nhất thế giới, tiếp nhận những rác thải mà thế giới không mong muốn.

Nhưng một thị trấn nhỏ đang phải trả giá cho việc này - và hiện tại nó đã bị “nghiền nát” trong 17.000 tấn chất thải.

Mọi chuyện bắt đầu vào mùa hè năm ngoái. Hàng đêm, sau khi đồng hồ điểm 12 tiếng, Daniel Tay biết chính xác điều gì sắp đến. Ông đóng kín cửa chính, cửa sổ và chờ đợi điều không thể tránh khỏi. Chẳng mấy chốc, căn phòng của ông tràn ngập mùi khét, giống như cao su bị đốt cháy. Ông ho, phổi ông thắt lại. Trong vài tháng sau đó, mùi lạ cứ quay trở lại mỗi đêm. Sau đó ông mới tìm thấy nguồn gốc của mùi khét này - các nhà máy tái chế bất hợp pháp đang bí mật đốt nhựa.

Điểm dừng chân của nhựa phế thải

Vào thời điểm đó, Daniel Tay không biết rằng, năm 2017 Trung Quốc quyết định cấm nhập khẩu chất thải nhựa từ nước ngoài. Chỉ riêng trong năm đó, Bắc Kinh đã đẩy đi 7 triệu tấn phế liệu nhựa và nhiều nhà vận động về môi trường coi đó là một chiến thắng khi Trung Quốc thắt chặt quy định. Không nơi nào để đi, phần lớn rác thải nhựa – chủ yếu đến từ Anh, Mỹ và Nhật Bản - chỉ còn một nơi khác để đến, và đó là Malaysia.

Nhựa phế thải có thể đến bất kỳ thị trấn nào, nhưng việc nằm sát Port Klang - cảng lớn nhất của Malaysia và là điểm nhập cảnh của hầu hết các mặt hàng nhựa nhập khẩu của nước này - đã biến thị trấn Jenjarom thành địa điểm dừng chân lý tưởng của nhựa.

Thị trấn Jenjarom trở thành điểm dừng chân lý tưởng của chất thải nhựa. Ảnh: BBC.

Chỉ từ tháng 1 đến 7/2018, khoảng 754.000 tấn chất thải nhựa đã được nhập khẩu vào Malaysia. Các nhà máy tái chế nhựa bất hợp pháp bắt đầu hoạt động, hy vọng kiếm được lợi nhuận nhanh chóng từ ngành tái chế nhựa đang phát triển, trị giá hơn 3 tỷ Ringit Malaysia (734 triệu USD). Theo Hội đồng Nhà nước, có 33 nhà máy bất hợp pháp ở Kuala Langat - nơi Jenjarom tọa lạc. Một số mọc lên gần các đồn điền dầu cọ, một số khác ở gần thị trấn. Nhưng phải mất vài tháng trước khi cư dân biết đến sự tồn tại của chúng, và chỉ sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

“Từ từ đầu độc họ”

“Mùi hôi bắt đầu cách đây một thời gian nhưng mọi việc thực sự tồi tệ vào khoảng tháng 8”, ông Tay nói. “Tôi bắt đầu cảm thấy không khỏe và cứ liên tục ho. Tôi thực sự tức giận khi phát hiện ra đó là do các nhà máy”, ông Tay cho biết.

Chất thải nhựa thường được tái chế thành dạng viên, sau đó có thể được sử dụng để sản xuất các loại nhựa khác. Không phải tất cả nhựa đều có thể được tái chế, vì vậy các nhà máy tái chế hợp pháp thường gửi nhựa không thể tái chế đến các trung tâm xử lý chất thải – một việc làm gây tốn kém rất nhiều. Nhưng nhiều nhà máy bất hợp pháp đã chọn cách xử lý không gây tốn kém, đó là chôn vùi hoặc đốt cháy.

Ngoo Kwi Hong nói rằng, khói từ việc đốt nhựa khiến bà ho ra các cục máu đông. “Tôi không thể ngủ vào ban đêm vì mùi rất nặng. Tôi giống như một thây ma, rất mệt mỏi”, bà Ngoo nói. “Sau đó tôi mới phát hiện ra có nhiều nhà máy bao quanh nhà tôi - bắc, nam, đông, tây”, bà cho biết thêm.

Những người sống gần các nhà máy bị ảnh hưởng nhiều nhất. Belle Tan, người phát hiện có một nhà máy bất hợp pháp chỉ cách nhà 1km, đã nói về tác động đối với đứa con trai 11 tuổi. “Con trai tôi bị phát ban rất nặng quanh bụng, cổ, chân và cánh tay. Da nó bị bong tróc, khi chúng tôi chạm vào, nó thấy đau. Tôi tức giận và lo sợ cho sức khỏe của nó nhưng tôi có thể làm gì được? Mùi khét ở khắp mọi nơi trong không khí”, bà Belle Tan cho biết.

Không rõ liệu những căn bệnh này có thể liên quan trực tiếp đến việc ô nhiễm không khí hay không, nhưng một chuyên gia cho biết việc hít phải khói do đốt nhựa có thể ảnh hưởng đến hô hấp. “Những khói nhựa này gây ung thư”, Tong Yen Wah, giáo sư tại Khoa Hóa học và Sinh học Phân tử của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết. Nhưng nhiều người trong thị trấn vẫn hoàn toàn không biết hoặc thờ ơ với những ảnh hưởng tiềm ẩn của việc đốt nhựa. “Nhiều người ở đây chỉ đang cố gắng kiếm sống. Họ ngửi thấy mùi nhưng vẫn tiếp tục cuộc sống, họ không hiểu rằng đó là thứ có thể từ từ đầu độc họ”, ông Tay nói.

Khó cấm

Chính phủ Malaysia hiện đã đóng cửa 33 nhà máy bất hợp pháp tại Jenjarom và hầu như khói đã biến mất.

Nhưng 17.000 tấn rác do các nhà máy này để lại vẫn còn đó. Hầu hết số chất thải này đã được chính quyền thu hồi, nhưng 4.000 tấn nhựa thải vẫn nằm ngay trên đường, đập vào mắt bất kỳ ai đi ngang qua. Một khu vực chưa sử dụng giờ đã biến thành bãi rác tạm thời. Lượng rác thải nhựa này đến từ nước ngoài, phần lớn từ Nhật Bản và Anh với những thương hiệu như Asda, Co-op và Fairy có thể được nhìn thấy xung quanh. “Chúng tôi đang cố gắng xác định ai là chủ sở hữu của mảnh đất, chúng tôi vẫn đang điều tra”, Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Chính quyền địa phương, ông Zuraida Kamaruddin nói, cho biết.

Jenjarom chỉ là một thị trấn ở Malaysia, và vấn đề tái chế nhựa bất hợp pháp không dừng lại ở đó. “Nhiều người trong số những người vận hành nhà máy bất hợp pháp thuê đất từ các chủ đất địa phương và lập nhà máy. Khi chúng tôi đóng cửa nhà máy, họ chuyển đến khu vực khác của Malaysia. Và không có gì ngạc nhiên khi họ có thể tìm được đất để thuê dễ dàng”, ông Sze Han, một ủy viên hội đồng địa phương ở Selangor, cho biết.

Một chủ sở hữu đất cho biết, ông đã cho một công dân Trung Quốc thuê mảnh đất của mình với giá 50.000 USD/ tháng. Ông không biết những gì họ đang làm mà chỉ cần thu đủ tiền thuê đất. Đó là một khoản tiền đáng kể.

Ông Sze Han cho biết, các quan chức ở các bang khác ở Malaysia nói rằng, các nhà máy bất hợp pháp bắt đầu xuất hiện tại bang của họ. Ông cho rằng, vấn đề tái chế nhựa bất hợp pháp khó có thể được giải quyết hiệu quả nếu không có lệnh cấm hoàn toàn đối với nhựa. Nhưng điều này khó có thể xảy ra.

Theo CAĐN

Bạn đang đọc bài viết Malaysia - bãi nhựa phế thải của thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới