Thứ sáu, 29/03/2024 03:06 (GMT+7)

Những sáng kiến bảo vệ môi trường “có một không hai”

MTĐT -  Thứ tư, 28/03/2018 16:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có thể bạn cho rằng, rác chỉ để vứt đi mà không có bất cứ giá trị nào khác, thế nhưng với nhiều người rác lại có thể được dùng để đổi lấy thức ăn hoặc bảo hiểm y tế khám bệnh.

Nhà hàng mang rác đổi lấy… đồ ăn

Đó là một nhà hàng tại Semarang, Indonesia do vợ chồng ông Sarimin và bà Suyatmi điều hành, nằm tại một vị trí không mấy lý tưởng cho một quán ăn đó là bãi rác Jatibarang ở Semarang, Trung Java. Đây là một ngọn núi chất đầy rác thải, nơi những người dân nghèo địa phương dành cả ngày để lượm nhặt chai lọ và túi ni-lông đem bán.

Bản thân vợ chồng ông Sarimin cũng đã có 40 năm nhặt rác trước khi mở nhà hàng.

Bình thường khi bước chân vào quán ăn hay nhà hàng người ta thường phải dùng tiền để trả. Thế nhưng nhà hàng này không yêu cầu trả tiền, thay vào đó thực khách sẽ phải đổi rác để có một bữa ăn.

Hai vợ chồng sẽ có trách nhiệm cân rác, tính giá trị những gì vừa cân được rồi trừ vào tiền ăn và trả khách tiền thừa.

Đây là một phần của kế hoạch giảm thiểu rác trong khu đổ thải và tái chế rác nhựa của cộng đồng.

Không phải tiền, bạn chỉ cần mang rác đến đổi là có một bữa ăn tại nhà hàng này. Ảnh: Internet.

"Tôi nghĩ là chúng tôi tái chế được một tấn rác nhựa mỗi ngày, khá là nhiều. Bằng cách này, rác nhựa sẽ không bị dồn ứ lên, rơi xuống sông và gây ngập lụt". Sarimin kể. "Kế hoạch này không chỉ giúp ích người nhặt rác mà có ích cho tất cả mọi người".

Việc làm này không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải và hỗ trợ được cho những người nghèo mà thu nhập của hai vợ chồng Sarimin cũng tăng lên gấp đôi.

Nhà hàng của Sarimin có khoảng 30 chỗ ngồi và phục vụ các bữa ăn có giá từ 0,4 - 0,8USD. Thực đơn của quán bao gồm cơm cá, canh rau, trứng luộc và một vài món truyền thống khác.

Phiên chợ đổi rác để lấy… thức ăn ở Mexico

Tại đất nước Mexico có một phiên chợ độc đáo mang tên Mercado de Trueque, nơi người dân có thể đổi rác (tái chế được) để lấy thực phẩm.

Chợ Mercado de Trueque là một trong số nhiều chợ hình thành theo sáng kiến “xanh” của chính quyền Mexico City. Chợ họp hàng tháng và phiên đầu tiên mới bắt đầu năm 2012.

Mục đích của “chợ trao đổi” là làm sạch “siêu đô thị” Mexico City, nơi ở của 20 triệu dân và thải ra 12.000 tấn rác mỗi ngày, nơi từng bị coi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới cách đây hai thập kỷ.

Phiên chợ đặc biệt tại Mexico thu hút nhiều người tham gia. Ảnh: Internet.

Chính quyền muốn nâng cao ý thức của người dân về giá trị và công dụng của những thứ mà nếu không có phiên “chợ trao đổi” này, nó sẽ nằm đâu đó trong các bãi rác của thành phố. Điều đáng mừng là phiên chợ ngày càng được nhiều người Mexico biết đến.

Hình ảnh nhiều người dân đứng xếp hàng với những túi đựng rác thải có thể tái chế như thùng giấy cứng, chai lọ nhựa, thiết bị điện tử cũ… tại phiên chợ Mercado de Trueque ở ngoại ô thủ đô Mexico City để đổi lấy thực phẩm đã quá quen thuộc với người dân nước này, theo AFP.

Theo đó, khi người dân mang rác đến chợ, rác sẽ được một nhóm người cân và chất lên xe tải đang chờ trong khu vực để chở đến một nhà máy tái chế gần đó.

Tùy vào số lượng rác mang đến mà người đi chợ sẽ được thưởng số điểm tương ứng để mua hàng hóa ngay cạnh đó. Với mô hình này, nếu bạn mang rác đến, bạn sẽ mang về nhà một mặt hàng nào đó.

“Chợ trao đổi” là một hình thức khác giúp người dân phân loại rác. Chợ tiếp nhận hầu như đủ loại rác tái chế, từ bìa các tông, thủy tinh tới những đồ điện gia dụng như máy tính, máy chữ không còn dùng được.

Ít nhất 2.000 người tới “chợ trao đổi” mỗi tháng. Phiên chợ này không cố định ở một địa điểm mà quay vòng khắp nơi trong thành phố.

Đổi rác lấy thức ăn, tiền để bảo vệ môi trường

“Đó là ý tưởng lạ thường” - bà Debrah, một cư dân của thành phố Kibera (Kenya), thốt lên khi mô tả về nhà bếp cộng đồng. Nhà bếp này hoạt động cách nay hơn bốn tháng theo một công thức rất lạ: bạn mang rác đến đây và được phép dùng rác để làm chất liệu đun nấu tại bếp.

Chương trình do Chương trình môi trường LHQ (UNEP) tài trợ trị giá 10.000 USD. Khoảng 50 bạn trẻ thất nghiệp trong khu vực được chọn đi thu gom rác hai lần mỗi tuần với giá tiền công khoảng 20.000 đồng VN mỗi lần. Rác sau đó được phân loại để chia ra thứ bán được và thứ sẽ dùng phơi khô để làm chất đốt cho nhà bếp cộng đồng.

Nhà bếp cộng đồng có thể tiêu thụ 500kg rác mỗi ngày. Số rác nhiên liệu này có thể đun nấu nước nóng pha trà, nấu thức ăn, nước nóng để bán. Những người đi nhặt rác như thế không chỉ làm sạch môi trường sống trong khu vực mà còn kiếm thu nhập đủ sống. Bản thân họ cũng ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường. Chương trình này sắp tới sẽ được áp dụng ở nhiều khu đô thị ổ chuột tại Kenya.

Tại đất nước Kenya còn nổi tiếng với một sáng kiến bảo vệ môi trường có một không hai là “đổi rác lấy tiền”, với dự án này, người dân tại một trấn nhỏ của Kenya vừa có thể tham gia bảo vệ môi trường, vừa có được một nguồn thu nhập nhất định.

Đổi rác lấy tiền hoặc thức ăn tại Kenya.

Cứ thứ Hai hàng tuần, một nhóm bảo vệ môi trường tại thị trấn Watamu  lại tham gia dọn dẹp rác trên bãi biển.

Mỗi buổi dọn dẹp, các tình nguyện viên cùng tham gia sẽ nhận được khoản tiền khoảng 4 Euro. Không phải là con số lớn, nhưng mọi người đều cảm thấy hài lòng và vui vẻ. Đặc biệt, số rác này sẽ được đưa tới một cơ sở tái chế.

Để giảm thiểu lượng túi nilon thải ra môi trường, mới đây Chính phủ Kenya cũng đã ban hành lệnh cấm sản xuất, mua bán hoặc sử dụng túi nhựa được cho là khắt khe nhất thế giới, với mức phạt tối đa là 40.000 USD hoặc 4 năm tù giam. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 28/8 và là nỗ lực của Kenya nhằm làm giảm tình trạng ô nhiễm nhựa.

Đổi rác lấy... bảo hiểm y tế

Một bác sĩ ở Indonesia đồng ý để người nghèo trả tiền khám bệnh bằng rác để chứng minh rằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản không cần phải quá đắt đỏ và rác có thể tái chế cũng rất giá trị.

Dự án Garbage Clinical Insurance là ý tưởng của bác sĩ, doanh nhân Gamal Albinsaid. Mới đầu thì có vẻ như đây là một ý tưởng vớ vẩn và sẽ thất bại về lâu về dài. Thế nhưng phòng khám lạ lùng này đã hoạt động được suốt 7 năm qua và mô hình trả tiền khám bằng rác này đã được nhân rộng ra cả nước.

Gamal, CEO của hãng bảo hiểm y tế Indonesia Medika, thành lập dự án Garbage Clinical Insurance từ năm 2020 khi ông mới 21 tuổi. Ông có ý tưởng này sau khi suy nghĩ về ngân sách y tế hạn chế của nước mình và muốn tìm giải pháp thay thế giúp người nghèo chi trả cho bảo hiểm y tế.

Đổi rác lấy tiền vừa giúp người nghèo có cơ hội khám chữa bệnh vừa góp phần bảo vệ môi trường.

"Có người không dám đến bệnh viện vì không có tiền. Thế nên tôi đã nghĩ, nếu không có tiền, thì họ có gì? Có rác ở khắp mọi nơi. Vậy là chúng tôi rùng rác như một nguồn lực kinh tế", Gamal cho biết.

Theo Gamal, một số thành phố như Malang thải ra hơn 55.000 tấn rác mỗi ngày và chỉ khoảng một nửa là được thu dọn. Vậy nên ý tưởng lấy rác đổi dịch vụ y tế vừa có thể giúp cải thiện tình hình bảo hiểm y tế, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để có được dịch vụ y tế cơ bản, thành viên của dự án cần thu thập 3kg rác mỗi tháng bao gồm đồ nhựa, kim loại và cả rác hữu cơ có thể được làm thành phân bón. Đống rác này trị giá khoảng gần 20.000 đồng và có thể trả cho một số dịch vụ y tế cơ bản. Công ty cũng có một đội tình nguyện viên hướng dẫn về những loại rác nào có thể tái chế và thu thập được cũng kiêm luôn vai trò môi giới.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Những sáng kiến bảo vệ môi trường “có một không hai”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.