Thứ năm, 28/03/2024 22:32 (GMT+7)

Thán phục với cách bảo vệ môi trường “chỉ có thể là người Nhật”

MTĐT -  Thứ bảy, 09/06/2018 11:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những cách bảo vệ môi trường sạch sẽ đến “đáng kinh ngạc” của người Nhật khiến cả thế giới phải "ngả mũ" thán phục.

Nuôi cá chép trong... rãnh nước thải ven đường

Nói đến rãnh nước thải, ai cũng hình dung ra sự dơ bẩn, nhếch nhác, bốc mùi, không ai muốn lại gần. Nhưng ở Nhật Bản, đó lại là nơi nơi sinh sống của cả đàn cá khó nuôi.

Hình ảnh những chú cá Koi sinh trưởng, phát triển trong các rãnh nước thải trong veo khiến cả thế giới kinh ngạc về ý thức và cách người Nhật giữ vệ sinh cho môi trường sống.

Shizuoka được biết đến là một thành phố nổi tiếng với công nghiệp chế tạo cơ khí và ô tô, nhưng thiên nhiên và cảnh vật ở Shizuoka vẫn luôn xanh - sạch - đẹp đến bất ngờ.

Tại đất nước mặt trời mọc, những cống nước như vậy rất phổ biến. Thông thường, nó là nơi để nước mưa và tuyết tan chảy ra các con kênh lớn. Tuy nhiên, nhiều người cũng không thích những chiếc cống như vậy khi họ có thể bị giẫm vào hay tông xe xuống.

Những chú cá Koi sống trong rãnh nước thải. 

Những hình ảnh này có thể dễ dàng bắt gặp ở Nhật Bản. 

Rửa bát, rửa rau ngay trong hồ nuôi cá

Tại một số ngôi làng ở Nhật Bản, cá được sử dụng như “người dọn dẹp vệ sinh”. Loại cá thường được sử dụng nhất chính là cá chép - loại cá nổi tiếng trong những bức tranh dân gian của người Á đông.

Làng Satoyama - ngôi làng nhỏ gần Kyoto, chỉ có khoảng 150 ngôi nhà với hơn 700 người sinh sống - môi trường sống ở nơi này có thể nói là hết sức tuyệt vời.

Ngôi làng này có vùng đất bằng phẳng, thích hợp trồng trọt chăn nuôi, người dân nơi đây dùng nước sạch từ đỉnh núi. Sau đó, nước thải từ mọi sinh hoạt thường ngày sẽ chảy về hồ lớn ở cuối thung lũng. Đây là khu vực có hệ sinh thái đa dạng với cỏ lau, đầm phá ngập nước theo mùa.

Họ có thể rửa bát hoặc rửa rau ngay trong hồ nuôi cá. 

Tại làng Satoyama, mỗi nhà bếp đều có một bể nước thông với nguồn nước thượng nguồn và có thể chảy ra ngoài đến con kênh chính. Nước sạch từ sông, suối ở núi sẽ chảy vào bể - nơi họ nuôi rất nhiều cá. Người dân sẽ rửa rau, rửa bát đĩa tại bể nước này, và cá sẽ làm nhiệm vụ của mình, ăn hết những chất bẩn trong nước như thức ăn thừa, giữ cho nước luôn trong, sạch. Tất nhiên, họ chẳng đổ hóa chất như nước rửa bát xuống những bể nước này.

Lượng nước sạch này sau đó sẽ đổ ra kênh chính. Và con kênh này cũng sạch và trong vắt chẳng kém nước ở thượng nguồn, sạch đến độ những chú cá nổi tiếng “khó tính” như cá chép Koi, cũng có thể sinh trưởng ở đây.

... Và đến thị trấn không một cọng rác

Kamikatsu là một thị trấn nhỏ nằm ở vùng núi của đảo Shikoku thuộc phía Tây Nam Nhật Bản hấp dẫn du khách với cánh đồng chè xanh mướt, dãy núi hùng vỹ trùng điệp, bầu không khí tươi mát và đặc biệt nơi này còn “nói không với rác thải”.

Hiện toàn thị trấn có khoảng 1500 cư dân cùng sinh sống và gìn giữ cho môi trường sống xanh của mình.

Kamikatsu được biết đến là thị trấn xinh đẹp, không một cọng rác.

Đến với Kamikatsu, du khách phải giật mình thán phục trước cách người dân phân loại rác thải kỹ tới mức thành 45 nhóm khác nhau. Tại trung tâm thu gom rác có đặt sẵn các thùng riêng biệt để phân loại, bao gồm thùng đựng báo, tạo chí, hộp carton, kim loại, chai nhựa, lon nhôm, lon thép, đèn huỳnh quang…

Trước đây, người dân Kamikatsu cũng vứt bỏ rác giống như bất cứ thị trấn nhỏ nào khác trên thế giới. Nhưng rồi họ phát hiện ra rằng, việc đốt rác sẽ tạo ra hiệu ứng nhà kính và những bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, thị trấn Kamikatsu đã thay đổi. Kể từ năm 2003, nơi này giới thiệu khái niệm mới “Không rác thải”.

Người dân nơi đây phải phân loại rác thải kỹ tới mức thành 45 nhóm khác nhau.

Ở Kamikatsu không có xe chở gom rác tận nhà. Người dân phải tự mang thùng rác gia đình tới trung tâm tái chế. Công nhân tại đây sẽ thu gom lượng rác được đảm bảo đẵ sắp xếp đúng cách trước đó. Quần áo, đồ trang sức, hay những món đồ mà gia chủ không cần nữa, sẽ bỏ lại một cửa hàng tái chế. Tại đây, họ có thể trao đổi và lấy những món khác mà ai đó để lại. Việc trao đổi đều miễn phí.

Những ngày đầu phân loại rác có thể nói là gánh nặng với người dân ở Kamikatsu. Qua thời gian, họ quen với kiểu phân hàng chục loại rác, có ý thức hơn về những gì đang làm và xử lý nhanh gọn hơn.

Được biết, Kamikatsu đang sẵn sàng hướng tới năm 2020 để trở thành nơi không rác thải đầu tiên tại Nhật Bản. Ở thời điểm hiện tại, họ gần như hoàn thành mục tiêu khi 80% rác thải được tái sử dụng thành công.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Thán phục với cách bảo vệ môi trường “chỉ có thể là người Nhật”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.