Thứ sáu, 19/04/2024 09:00 (GMT+7)

Tin tức thế giới mới nhất, nóng nhất tuần qua (12-18/11/2018)

MTĐT -  Thứ hai, 19/11/2018 09:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nước Anh khủng hoảng sau thỏa thuận về Brexit; Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33; cháy rừng ở bang Califonia (Mỹ)… là một số tin tức thế giới nóng nhất tuần qua.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 diễn ra từ ngày 13-15/11, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Suntec, Singapore, với trọng tâm là thương mại và biển Đông.

Tại Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2018 lần thứ 33, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, Singapore đã coi cương vị Chủ tịch ASEAN là một trọng trách vì nhóm quốc gia Đông Nam Á đang bước vào một giai đoạn hợp tác mới. 

Theo đánh giá của Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng khi trả lời phỏng vấn của Truyền hình VOV: “Có thể nói ASEAN đã có một kỳ hội nghị rất thành công. Các nhà Lãnh đạo đánh giá công tác triển khai năm 2018 với chủ đề “ASEAN tự cường và sáng tạo” đạt nhiều kết quả và thống nhất tiếp tục phát huy tinh thần này trong các năm tới.

Tại các hội nghị, các nhà Lãnh đạo cũng tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến môi trường phát triển và an ninh của khối. Đó là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, sự căng thẳng thương mại giữa một số nước tác động đến khu vực; những thách thức và cơ hội đặt ra bới cách mạng công nghiệp 4.0; một số điểm nóng ở khu vực như: Biển Đông, Bán đảo Triều tiên, tình hình bang Rakhai của Myanmar; các vấn đề về chống khủng bố, chống thiên tai, an ninh mạng…

Các nhà lãnh đạo khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những chuyển động phức tạp, ASEAN càng cần thống nhất tiếng nói chung, tăng cường gắn kết, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương; giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và các tôn chỉ mục đích về bảo vệ hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật ở khu vực và trên thế giới.

Các nước tham dự hội nghị đều ủng hộ tự do hóa thương mại, chống chủ nghĩa đơn phương, vì vậy đã có nhiều nỗ lực trong đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP. Mặc dù chưa thể kết thúc đàm phán năm nay nhưng các Nhà Lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm rất cao, kêu gọi các nước nâng cao ý chí chính trị, dung hòa lợi ích để hoàn thành đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định này trong năm 2019 “.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và nguyên thủ các nước Hàn Quôc, Nhật Bản, Úc, đã tham dự các cuộc họp chung và cuộc họp các bên với ASEAN.

Hội nghị đã thông qua 63 văn kiện hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội.

Đây cũng là cuộc họp thượng đỉnh ASEAN cuối cùng do Singapor đảm nhiệm cương vị Chủ tịch trước khi trao quyền cho Thái Lan vào năm 2019.

Hội nghị thượng đỉnh APEC khai mạc tại Papua New Guinea

Các nhà lãnh đạo từ 21 nền kinh tế vùng Thái Bình Dương ngày 17/11 bắt đầu hội nghị thượng đỉnh ở Papua New Guinea. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham gia Hội nghị cùng nhiều lãnh đạo các nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Singapore.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) bắt đầu với một bữa tiệc tối tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea. Trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày, các nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận sâu hơn về hội nhập kinh tế khu vực trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Tại cuộc Đối thoại, các thành viên ABAC, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại châu Á-Thái Bình Dương đã đệ trình lên các nhà lãnh đạo APEC nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, kết nối, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, phát triển kinh tế số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển bao trùm, xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020. 

Tương lai của thương mại tự do dường như không mấy khả quan, khi mà các nhà lãnh đạo nhóm họp tại Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á - Thái Bình Dương hôm thứ Bảy và một số cho rằng cần phải có một sự thay đổi triệt để trong khi số khác mong muốn giữ nguyên hiện trạng toàn cầu hóa như hiện nay.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, cảnh báo rằng toàn cầu hóa đã khiến một số quốc gia bị tụt hậu và thúc đẩy sự bất bình đẳng.

"Những lợi ích của hội nhập thương mại tự do và công bằng và hội nhập kinh tế đã bị phá vỡ, một vài minh chứng đó là Brexit và các cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn" ông cũng nói "Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm nghiêm trọng thêm những gián đoạn trong thương mại của chúng tôi."

Thủ tướng Úc Scott Morrison sau đó đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ tự do thương mại. "Những nỗ lực của chúng ta phải là thuyết phục và thuyết phục người dân một lần nữa về những lợi ích trong nước". Ông Morrison cho biết, hơn một tỷ người đã thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực kể từ năm 1991 bởi tự do thương mại đã đem lại các cơ hội việc làm và hàng hóa tiêu dùng giá cả phải chăng hơn.

Phát biểu trong cuộc họp, Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev đã cùng với ông Morrison cảnh báo các quốc gia về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và hết sức ủng hộnhững quy tắc về thương mạirõ ràng và minh bạch.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đối tác toàn cầu của mình đang hết sức cố gắng thúc đẩy tự do thương mại.

Tổng thống Mỹ Donal Trump không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm nay, thay vào đó là sự tham dự của Phó Tổng thống Mike Pence.

Trung Quốc cũng đã và đang đối đầu với Mỹ bởi tham vọng của mình về vấn đề lãnh thổ ở Thái Bình Dương, gói gọn trong Sáng kiến “Vành đai và con đường” của ông Tập Cận Bình.        

Nỗ lực của Trung Quốc muốn có thêm được những đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương giàu tài nguyên đã được theo dõi một cách thận trọng bởi các cường quốc truyền thống có ảnh hưởng lớn trong khu vực như Úc và Mỹ.

Phát biểu trên diễn đàn, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Washington sẽ không nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại cho đến khi Trung Quốc chịu thay đổi hướng đi. "Trung Quốc lợi dụng Mỹ trong nhiều năm qua và những ngày đó đã chấm dứt. Chúng tôi đã đánh thuế lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và có thể tăng hơn gấp đôi con số đó" - ông Pence cảnh báo.

Mặt khác, Phó Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang mạnh hơn bao giờ hết và công kích nhiều dự án liên quan đến BRI có chất lượng thấp, khiến các quốc gia đang phát triển không thể trả được các khoản vay từ Trung Quốc. "Đừng chấp nhận những khoản nợ nước ngoài có thể gây tổn hại đến chủ quyền" - Pence kêu gọi.

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 26 sẽ kết thúc vào ngày 18/11.

Anh và EU đạt được một dự thảo thỏa thuận về Brexit

Thủ tướng Anh, Theresa May đã phải trải qua một cuộc họp Chính phủ kéo dài trong 5 giờ để thuyết phục các thành viên trong nội các về kế hoạch chia tay với Liên Âu mà bà đề xuất với Bruxelles. Kế hoạch này sẽ được đem ra thảo luận tại Quốc Hội. Mặc dù đã được Nội các hậu thuẫn cho bản thảo thỏa thuận Brexit với Brussels, nhưng nay thì các bất đồng sâu sắc bắt đầu lộ ra, và tình hình càng trở nên phức tạp khi Quốc vụ khanh Shailesh Vara phụ trách Bắc Ireland, Bộ trưởng chuyên trách Brexit là ông Dominic Raab, Bộ trưởng Lao động và Hưu trí, bà Esther McVey đã từ chức để phản đối.

Hiện đã có nỗ lực của phe chống đối Thủ tướng May ngay trong đảng Bảo thủ muốn đưa ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm để hạ bệ bà. 

Thủ tướng Theresa May, đối diện với muôn vàn khó khăn sau thoả thuận BREXIT. Ảnh: Reuters.

Khủng hoảng chính trị tại Luân Đôn hiện tại bắt nguồn từ đàm phán về Brexit. Trong đó nhiều điểm trong dự thảo đã không được sự ủng hộ. Đầu tiên là số tiền bồi thường mà nước Anh sẽ phải chi để chia tay Liên Hiệp Châu Âu, lên tới khoảng 39 tỷ bảng Anh. Vấn đề thứ hai được nêu chi tiết trong báo cáo là việc giữ nguyên quyền lợi của công dân châu Âu đã nhập cư vào Anh sống và làm việc, nhưng lại rất mơ hồ về quyền lợi của công dân Anh đang sống và làm việc ở các nước Liên Âu.

Về thời gian, thì sau ngày chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu là 29/03/2019, nước Anh sẽ còn tiếp tục áp dụng luật châu Âu thêm 21 tháng nữa trong giai đoạn chuyển đổi và biên soạn luật riêng để thay thế. Qui định đó có nghĩa là các thỏa thuận về thương mại giữa hai bên sẽ bị gác lại đến tận cuối năm sau mới bàn xong. Như vậy, nước Anh vẫn bị dính vào qui định về thị trường chung và thuế quan chung. Đây là điều khiến cho giới bình luận chỉ trích nhiều nhất, khi cho rằng chính phủ Anh đàm phán với Bruxelles, chịu mất hàng chục tỷ bảng Anh bồi thường, mà về kinh tế vẫn tiếp tục mở cửa thuế quan và thị trường cho Liên Hiệp Châu Âu như trước.

Nhiều người trong nội các cho rằng, đây là một bản thỏa thuận còn tệ hơn là tình trạng hiện nay khi đang còn là thành viên của EU. Thậm chí, nghị sĩ David Davis, cựu bộ trưởng đặc trách về Brexit, yêu cầu thủ tướng Anh phải đàm phán lại với Liên Âu. Ông Jacob Rees-Mogg, một nhân vật hàng đầu của phái Brexit nói ông đã gửi thư mời các nghị sỹ của đảng Bảo thủ góp thêm phiếu để "bày tỏ sự bất tín nhiệm với bà May", ông cho rằng số phận của bà May "sẽ được quyết định nhanh chóng".

Nếu phe chống bà May có đủ 48 nghị sỹ của đảng Bảo thủ trong Hạ viện ở Westminster đồng ý mở cuộc bỏ phiếu thì tất cả các nghị sỹ của đảng này có thể bỏ phiếu kín về bà.   Nếu họ bất tín nhiệm bà, Theresa May sẽ mất chức lãnh đạo đảng này và như thế phải rời Phủ Thủ tướng. Nhưng nếu các nghị sỹ Bảo thủ vẫn đồng ý giữ bà là Thủ tướng Anh, bà May không bị đe dọa bởi một cuộc bỏ phiếu tiếp theo trong vòng 12 tháng tới.

Trong những ngày này, bà Theresa May đang cố gắng thuyết phục dân chúng rằng những gì bà đã thỏa thuận với Bruxelles là hợp lý. Thế nhưng có vẻ như càng lúc bà càng thêm đơn độc, như nhận xét của báo chí nước Anh. Tệ hơn nữa, dư luận còn cho rằng, những gì bà đã thỏa thuận không chỉ tạo ra rắc rối cho bản thân, mà trong trường hợp có người thay thế, thì cũng sẽ khiến chính phủ mới mệt mỏi để giải quyết hậu quả. Tình hình sẽ còn rất phức tạp trong những ngày tới.

Xung đột giữa người di cư và dân địa phương Tijuana, Mexico

Hàng trăm người trong đoàn lữ hành di cư Trung Mỹ vừa đến thành phố Tijuana, chuẩn bị lên kế hoạch ở lại trong một trại tạm trú ở bên bờ Thái Bình Dương, chỉ cách hàng rào biên giới Mexico-Hoa Kỳ vài bước chân. Nhưng kế hoạch của họ phải thay đổi vào tối ngày 14 tháng 11, sau khi các quan chức địa phương mở một nơi tạm trú mới, và khoảng 300 cư dân địa phương có mặt, yêu cầu đoàn người di cư ra khỏi khu vực cao cấp Playas de Tijuana.

Xung đột bạo lực giữa người di cư và dân địa phương đã xảy ra, sau cuộc đối đầu kéo dài hơn ba tiếng.

Xung đột giữa cư dân địa phương và đoàn người di cư tại TP.Tijuana. Ảnh The Desert Sun.

Cư dân tại Tijuana hát quốc ca, giơ cao quốc kỳ Mexico, khi từng chuyến xe buýt chở người di cư đến nơi tạm trú. Đa số những người di cư được chuyển đến khu tạm trú mới là phụ nữ và trẻ em, trong khi thanh niên và đàn ông quyết tâm ở lại trên bãi biển Tijuana, chờ đợi đoàn lữ hành khoảng 2.000 người đang trên đường đến địa điểm này. Hơn 30 nhân viên cảnh sát phải can thiệp, khi xảy ra các vụ ẩu đả, giữa người địa phương và người di cư. Họ cố gắng ngăn chặn, không để các vụ xung đột biến thành cuộc chiến hỗn loạn. Đến nửa đêm, cư dân Tijuana tấn công các ký giả, khiến ít nhất 3 người bị thương.

Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) mới đây tuyên bố sẽ phong tỏa các tuyến đường ở San Ysidro và Otay Mesa dẫn đến cửa khẩu Tijuana của Mexico để hỗ trợ các binh sĩ quân đội nước này rải dây thép gai và dựng hàng rào ngăn dòng người di cư đang tìm cách tràn vào nước này, Reuters đưa tin hôm 14/11.

"CBP đã và sẽ tiếp tục chuẩn bị đối phó với nguy cơ mất an ninh trước việc hàng nghìn người di cư đang tiếp tục hướng về biên giới Mỹ", Pete Flores, một quan chức cấp cao của CPB ở San Diego, nhấn mạnh.                                                    

Trao đổi với thông tấn xã Reuters trong ngày 15 tháng 11, Đại Úy Guster Cunningham -người chỉ huy lực lượng Quân Đội Hoa Kỳ tại vùng biên giới San Diego, cho biết: Quân Đội Hoa Kỳ không coi những người di cư Trung Mỹ là kẻ thù. Bởi vì họ chỉ đơn giản là đoàn lữ hành di cư tiến về Hoa Kỳ, để tìm đường tỵ nạn và tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.

Tuần trước, Tổng Thống Donald Trump quyết định gởi quân đội đến vùng biên giới với Mexico, khi đoàn lữ hành di cư tiến về gần đến khu vực thuộc vùng biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Theo lời Đại úy Guster Cunningham, tổng số binh sĩ tại vùng biên giới có thể lên đến 5.800 người. Ông đang xem xét để coi liệu có thể bắt đầu chuyển các quân nhân trở về đơn vị hay không. Lầu năm góc cũng cho biết, họ không có kế hoạch để Quân Đội Hoa Kỳ trao đổi với người di cư. Các quân nhân chỉ làm nhiệm vụ hậu cần, hỗ trợ Cơ Quan Hải Quan Biên Giới Hoa Kỳ, chẳng hạn như căng dây thép hay xây nhà tạm thời.

Trung Quốc khẳng định không bao giờ là mối đe dọa đối với châu Âu

Theo hãng tin Pháp AFP, trả lời phóng viên trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 14/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Bắc Kinh không bao giờ là mối đe dọa đối với các nước châu Âu. Đây được coi là sự phản ứng của Bắc Kinh trước đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thành lập một quân đội châu Âu nhằm đối phó với Trung Quốc, Nga, thậm chí cả Mỹ. Bà nêu rõ, châu Âu có quyền quyết định chính sách quốc phòng và đối ngoại riêng của mình và trên thực tế, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thể hiện mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Thiên tai dồn dập: Cháy rừng bờ Tây, mưa tuyết bờ đông nước Mỹ

Cháy rừng tiếp tục hoành hoành ở bang Califonia, Bờ Tây Mỹ. AP dẫn báo cáo mới nhất cho biết số thương vong trong vụ cháy đã lên đến 71 người, hơn 1.000 người còn mất tích tính đến ngày 16/11.

Cơ quan Cứu hỏa bang California cho biết họ hiện kiểm soát khoảng 40% ngọn lửa.

"Chúng tôi tiếp tục tham gia vào cuộc chiến hỏa hoạn. Chúng tôi tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ cháy" trưởng cơ quan cứu hỏa Ken Pimlott nói.

Giới chức cho biết họ không hy vọng kiểm soát được hoàn toàn ngọn lửa trong những ngày tới, bởi họ cũng đang chiến đấu với nhiều đám cháy khác. Đám cháy Woolsey ở quận Ventura gần Los Angeles lan rộng gần 40.469 ha đã được kiểm soát 62%.

Đám cháy nhỏ hơn là Hill Fire, cũng ở quận Ventura, bao phủ khoảng 1.833 ha và được kiểm soát 99%. Đám cháy Morgan Fire ở quận Contra Costa, gần San Francisco, che phủ khoảng 8,094 ha và được kiểm soát 60%.

Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là thị trấn Paradise, giới chức cho biết sẽ phải mất vài năm để xây dựng lại toàn bộ thị trấn. Brock Long, quản trị viên của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Fema), nói rằng thiệt hại của Paradise là "một trong những thảm họa tồi tệ nhất" ông từng thấy.

Quân đội đang hỗ trợ các nhóm cứu hộ tìm kiếm người còn sống sót. Giới chức nói hoạt động tìm kiếm có thể mất vài tuần.

Chính quyền vẫn chưa xác thực nguyên nhân gì gây ra các đám cháy, vì việc điều tra vẫn đang được tiến hành.

Song song với việc tìm kiếm các nạn nhân, một cuộc điều tra cũng đang được tiến hành để tìm nguyên nhân. Hiện đang có nghi ngờ Pacific Gas and Electric Company – PG&E, Công ty lớn nhất cung cấp điện và khí đốt cho bang gây ra nguồn gốc thảm hoạ.Một số người đã đệ đơn kiện một công ty điện lực địa phương, cáo buộc rằng Camp Fire bắt đầu khi một đường dây điện cao thế bị chập.

Thông thường hàng năm, "mùa cháy rừng" ở California bắt đầu vào mùa hè cho đến chớm thu - nhưng các chuyên gia cảnh bảo rằng nguy cơ bây giờ là quanh năm. Độ ẩm thấp, gió ấm, và mặt đất khô sau một tháng không mưa đã tạo ra môi trường lan truyền lửa rất nhanh.

Tổng thống Donald Trump sẽ thăm California hôm 17/11 để đánh giá thiệt hại của cả hai vụ cháy rừng có tên là Camp Fire và Woolsey Fire đã tàn phá bang này.

Cũng trong thời gian này, tại bờ phía đông nước Mỹ vào ngày 16/11, đợt bão tuyết đầu mùa lớn nhất trong 30 năm đổ bộ khu vực New England, Mỹ, sau khi tàn phá nửa diện tích miền Đông, lấy đi sinh mạng của ít nhất 8 người và làm hàng trăm nghìn người mất điện. Cơn bão di chuyển từ khu vực Trung Tây, sau đó lan rộng ra vùng Đông Nam và Đông Bắc nước Mỹ, mang theo mưa, tuyết và băng. Thời tiết khắc nghiệt làm nhiều trường học đóng cửa, giao thông bị đình trệ, hàng trăm chuyến bay bị hủy. 

Theo trang thống kê Poweroutage.us, khoảng 200.000 người ở 6 bang Đông Bắc Mỹ (gồm Pennsylvani, Virginia, West Virginia,  NewYork, New Jersey, Maryland, Delaware) bị mất điện tính đến 18h ngày 16/11 (giờ địa phương), một phần vì trời mưa giông. Theo dự kiến, cơn bão tuyết sẽ chấm dứt vào ngày 17/11, dù tình trạng gió mạnh và ngập lụt vẫn tiếp diễn.

Chính quyền các bang cho biết bão tuyết là nguyên nhân gây nhiều vụ tai nạn chết người trong vài ngày qua. Một phụ nữ 60 tuổi thiệt mạng ở bang Indiana hôm 15/11 sau khi lạc tay lái trên một con đường trơn trượt vì tuyết. Hai người khác tử vong vì tai nạn giao thông ở bang Ohio và Maryland. Tại Mississippi, một chiếc xe buýt chở 46 người gặp tai nạn hôm 14/11, khiến 2 người thiệt mạng và làm nhiều người bị thương. Cảnh sát bang New Jersey cho biết cơ quan này đã tiếp nhận 555 trình báo về trường hợp tai nạn giao thông và đã giúp đỡ 1.027 tài xế. 

Tìm thấy tàu ngầm San Joan của Hải quân Argentina sau 4 năm mất tích

Theo thông tín viên Jean-Louis Buchet từ Buenos Aires tường thuật “Cả nước Achentina đã chấn động khi người dân biết được thông tin vào tối 16/11/2018. Người ta đã tìm thấy xác chiếc tầu ngầm San Juan, chỉ hơn 24 giờ sau lễ tưởng niệm toàn quốc được tổ chức hôm thứ Năm 15/11 để vinh danh 44 thành viên thủy thủ đoàn chiếc tầu ngầm mất tích cách nay đúng một năm.

Trong một thông cáo đăng trên các mạng xã hội, hải quân Achentina đã công bố tin này sau khi đã thông báo cho gia đình của 44 thủy thủ. Chính nhờ gia đình các nạn nhân mà cuộc tìm kiếm đã không bị bỏ rơi và đã đi đến cùng.

Trong những tháng đầu tiên sau khi chiếc San Juan mất tích, cả một hạm đội tầu quốc tế đã được triển khai ngoài khơi phía nam Achentina để tìm kiếm chiếc tầu ngầm. Do không đạt được kết quả gì, các tầu nước ngoài lần lượt rút lui và vào tháng 6/2018, hải quân Achentina tuyên bố không có khả năng tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Tàu ngầm San Juan của Achentina tại cảng Buenos Aires, năm 2014.Armada Argentina/Handout via. REUTERS.

Nhưng các gia đình thủy thủ đã đòi phải tiếp tục và chính phủ Achentina, sau khi kêu gọi đấu thầu quốc tế, đã chỉ định một doanh nghiệp Mỹ, Ocean Infinity, có năng lực nhất, để tiếp tục cuộc tìm kiếm. Cuối cùng chính doanh nghiệp này đã xác định được vị trí chiếc tầu ngầm, nằm sâu 800 mét dưới lòng biển gần nơi chiếc tầu phát tín hiệu cuối cùng.

Vào thời gian đó, thuyền trưởng tàu San Juan đã báo động có một sự cố trên tầu. Người ta nghĩ là do bị nước tràn vào, hỏa hoạn đã xảy ra và chiếc tầu ngầm đã nổ, rồi chìm thẳng xuống đáy biển. Mọi nguyên nhân sẽ sớm được làm rõ hơn nếu như trục vớt được xác tầu.

          Trần Hưng

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tại Mỹ

Tổng hợp từ các bản tin truyền thông trong nước và quốc tế.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thế giới mới nhất, nóng nhất tuần qua (12-18/11/2018). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?
Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.