Thứ năm, 18/04/2024 21:10 (GMT+7)

Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 19-25/11/2018)

MTĐT -  Thứ hai, 26/11/2018 10:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 19-25/11/2018). Cập nhật tin tức thế giới nóng nhất tuần trên Môi trường và Đô thị.

Châu Âu phê chuẩn hiệp ước Brexit

Cuộc họp cấp thượng đỉnh của 27 thành viên Liên hiệp Châu Âu bắt đầu vào lúc 9 giờ 30 sáng, kết thúc ngay trong buổi sáng, không tranh luận, không biểu quyết.

Lãnh đạo các nước còn lại trong Liên Âu có trong tay hai văn kiện : thỏa thuận “Brexit” dài 585 trang quy định các điều kiện chia tay và một văn bản tuyên bố chính trị bổ sung, 26 trang, ấn định các nét chính trong quan hệ tương lai thời hậu Brexit giữa Liên Âu và Vương Quốc Anh. Văn kiện thứ hai này sẽ được hai bên đàm phán trong suốt giai đoạn chuyển tiếp 21 tháng, tính từ ngày 30 tháng 03 năm 2019.

Để đánh tan mọi nghi ngại có thể cản trở thỏa thuận, một số cam kết đã được thêm vào giờ chót : bảo vệ giá trị dân chủ nền tảng, hợp tác đánh cá và quy chế của Gibraltar, một khu vực thuộc lãnh thổ hải ngoại của Luân Đôn nằm ở cực nam bán đảo Tây Ban Nha, mà Madrid cũng giành chủ quyền.            

Lãnh đạo 27 thành viên còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu và Thủ tướng Anh,  họp tại Bruxelles sáng chủ nhật 25/11/2018 đã phê chuẩn hiệp ước “Brexit”. Ảnh: REUTERS.

Phải chờ thêm 15 ngày nữa xem Quốc hội Anh có chấp thuận hay không. Tuy nhiên, đối với Liên hiệp Châu Âu thì ngày Chủ Nhật hôm nay là màn kết của 17 tháng nỗ lực đàm phán không ngừng để đạt một khế ước “BREXIT” khả dĩ nhất.

Chính phủ Mỹcảnh báo hiểm họa khôn lường của biến đổi khí hậu

Ngày 23/11, Chính phủ Mỹ đã công bố bản phúc trình về tác động của biến đổi khí hậu với nước Mỹ. Bản phúc trình được thưc hiện theo yêu cầu của Quốc hội và được soạn thảo với sự hỗ trợ của một chục cơ quan và đơn vị của chính phủ đã trình bày những tác động, dự đoán của tình trạng ấm lên toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của xã hội Mỹ. Mười ba cơ quan chính phủ Mỹ tham gia vào ủy ban soạn thảo phúc trình, trong đó có Bộ Nông nghiệp và NASA.

Bản Phúc trình cho rằng sự ấm lên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến người nghèo nhiều hơn, khiến sức khỏe con người xấu đi, tàn phá cơ sở hạ tầng, làm cho nước ngọt trở nên khan hiếm, thay đổi đường bờ biển và làm gia tăng chi phí trong các ngành kinh tế từ nông nghiệp cho đến năng lượng.

Mặc dù phúc trình nói rằng nhiều tác động của biến đổi khí hậu – trong đó có những cơn bão, hạn hán và lũ lụt đang xảy ra thường xuyên hơn và có cường độ mạnh hơn – đã hiện diện, nhưng dự đoán về thiệt hại có thể thay đổi nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được ngăn chặn đáng kể.

Các nghiên cứu trước đây, trong đó các nhà khoa học của chính phủ Mỹ, cũng đã kết luận rằng biến đổi khí hậu có thể gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng, trong đó có hủy hoại cơ sở hạ tầng, tàn phá nông nghiệp và nguồn nước.

Các tình trạng thời tiết cực đoan cũng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật, làm giảm chất lượng không khí và làm tăng các chứng bệnh về tâm thần.

Bà Brenda Ekwurzel, giám đốc Chương trình khoa học khí hậu thuộc Liên đoàn các nhà Khoa học Quan ngại và là một trong những tác giả của phúc trình, cho biết. “Bản phúc trình này đã chứng minh rõ ràng rằng biến đổi khí hậu chẳng phải là vấn đề tương lai xa vời. Nó đang diễn ra ngay lúc này tại tất cả các nơi trên đất nước”.

Tuy nhiên những nghiên cứu này trái ngược với quan điểm của Tổng thống Donald Trump vốn dẹp bỏ những biện pháp bảo vệ môi trường và khí hậu mà người tiền nhiệm Barack Obama đưa ra để có thể sản xuất tối đa năng lượng hóa thạch, trong đó có dầu thô mà hiện nay sản lương của Mỹ đã cao nhất trên thế giới, trên cả Ả Rập Xê-út và Nga.

Năm 2017, Tổng thống Donal Trump đã thông báo Mỹ rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu đã được gần 200 quốc gia trên thế giới ký kết để đối phó với biến đổi khí hậu, ông cho rằng, lập luận này làm tổn thương kinh tế Mỹ và đem lại ít lợi ích cụ thể về môi trường. Bản thân ông Trump và nhiều thành viên trong nội các của ông cũng liên tục bày tỏ nghi ngờ về biến đổi khí hậu.

Siêu bão Florence đổ bộ vào bờ Đông nước Mỹ tháng 9 năm 2018. 

Một số chuyên gia cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng thời tiết biến đổi cực đoan. Ảnh: Getty.

Hai miền Triều Tiên nối lại con đường qua biên giới

Trong không khí hòa dịu, Triều Tiên và Hàn Quốc thực hiện giảm căng thẳng ở khu phi quân sự (DMZ). Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố một thông tin cho biết các sỹ quan quân đội hai nước đã gặp nhau tại biên giới để nối lại con đường dọc biên giới giữa hai nước. Các công việc hai bên tiến hành là phá bỏ các chốt kiểm soát, gỡ mìn và tìm kiếm hài cốt binh sĩ hai nước tử trận trong cuộc chiến tranh giữa hai miền trước đây, theo một thoả thuận trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã ký kết gần đây nhất.

Các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên sát cánh bên nhau cùng tiến hành giải giáp gỡ mìn, phá các chốt kiểm soát, nối lại giao lưu trên đường sắt, đường bộ dọc biên giới. Ảnh:Reuters.

Biểu tình phản đối thuế nhiên liệu ở Pháp biến thành bạo động

Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cho biết khoảng 8.000 người biểu tình tràn xuống Đại lộ Champs-Élysées vào lúc đỉnh điểm của cuộc biểu tình và có gần 106.000 người biểu tình và 130 vụ bắt giữ trên toàn quốc. Số liệu thực tế có thể lên đến 280 ngàn người trên toàn quốc.(theo AP)

Ông Castaner lên án những người biểu tình cực hữu mà ông gọi là “nổi loạn,” khi ông cáo buộc nhà lãnh đạo Quốc hội Marine Le Pen xúi giục họ.

Cảnh sát Pháp đã bắn hơi cay và xịt vòi rồng để giải tán những người biểu tình bạo lực ở Paris hôm thứ Bảy(24/11), khi hàng ngàn người tụ tập ở thủ đô và các vùng khác. Người biểu tình dựng các chướng ngại vật chắn đường để bày tỏ sự tức giận về thuế nhiên liệu gia tăng.

Hàng ngàn cảnh sát đã được triển khai trên toàn quốc để kiềm chế những cuộc biểu tình kéo dài sang ngày thứ tám, vốn khởi đầu là những cuộc biểu tình chống tăng thuế nhưng sau đó biến thành biểu tình phản đối Tổng thống Emmanuel Macron và cả thái độ xa rời quần chúng của tầng lớp cầm quyền ở Pháp. Hai người đã thiệt mạng kể từ những vụ việc liên quan tới cuộc biểu tình ngày 17 tháng 11.

Những cuộc đụng độ căng thẳng trên Đại lộ Champs-Élysées kết thúc vào lúc cuối buổi chiều ngày thứ bảy. Cảnh sát đã đối đầu với những người biểu tình đốt những tấm ván ép, cầm những biểu ngữ viết “Thuế má hãy chết đi” và lật úp một chiếc xe lớn. Hàng chục người biểu tình đã bị câu lưu vì “ném những vật tấn công,” cùng với những hành vi khác. Đến tối thứ bảy, lửa vẫn âm ỉ cháy trên Đại lộ Champs-Élysées và ở quảng trường Place de la Madeleine, những chiếc xe gắn máy cháy trơ khung nằm chỏng chơ trên vỉa hè, theo sở cảnh sát tại Pari, đã có ít nhất 19 người, bao gồm cả bốn cảnh sát bị thương nhẹ và một người chịu thương tích nặng hơn, phóng viên AP có  mặt tại hiện trường cho biết.

Tình trạng bất ổn đang là một thách thức to lớn cho ông Macron. Tỉ lệ ủng hộ dành cho ông đã giảm mạnh trong các cuộc khảo sát thăm dò từ dư luận. Tổng thống Macron, người đã lên nắm quyền với tỉ lệ ủng hộ cao chỉ mới năm ngoái, là tâm điểm của cơn thịnh nộ của những người biểu tình “áo khoác vàng.”

Họ cáo buộc ông, một người có lập trường trung dung ủng hộ giới doanh nghiệp, nhưng lại dửng dưng trước những vất vả của người dân Pháp bình thườngÔng Macron phản ứng trong một dòng tweet với lời lẽ gay gắt: “Những kẻ tấn công vào cảnh sát và những người có hành vi bạo lực với các công dân khác thật đáng xấu hổ... Không có chỗ cho hành vi bạo lực này ở nước Cộng hòa của chúng ta”. Ông hiện vẫn kiên định chủ trương tăng thuế nhiên liệu mà ông cho là cần thiết để giảm sự phụ thuộc của Pháp vào nhiên liệu hóa thạch và tài trợ các khoản đầu tư năng lượng tái tạo được cho là một trong những chính sách nền tảng cho cải cách quốc gia của ông. 

Một người biểu tình đứng trên hàng rào chướng ngại vật trên Đại lộ Champs-Élysées trong cuộc biểu tình chống giá nhiên liệu gia tăng, ngày 24 tháng 11, ở Paris. Ảnh AP.

Thái Anh Văn từ chức Chủ tịch Đảng Dân Tiến sau thất bại bầu cử ở Đài Loan

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vừa xin từ chức Chủ tịch Đảng Dân Tiến đương quyền chủ trương ủng hộ độc lập cho Đài Loan, sau khi đảng này chịu thất bại lớn trong cuộc bầu cử ngày thứ Bảy, để mất hai vị trí thị trưởng tại hai trong số những thành phố quan trọng nhất ở hòn đảo này.Kết quả của cuộc bầu cử, diễn ra chỉ hơn một năm trước cuộc bầu cử Lãnh đạo tiếp theo của Đài Loan, có thể sẽ làm hài lòng Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với đảo Đài Loan tự cai trị và dân chủ và gia tăng áp lực lên bà Thái Anh Văn cùng chính quyền của bà kể từ khi bà nhậm chức vào năm 2016 .

Đảng Dân Tiến (DPP) đã bị đánh bại ở 7/13 thành phố và quận mà trước đây đảng này kiểm soát, trong đó có ghế thị trưởng ở thành phố đông dân thứ hai của Đài Loan là Đài Trung và một chiến trường trọng yếu ở miền nam là thành phố Cao Hùng, nơi đảng này đã giữ ghế thị trưởng hai mươi năm qua và đóng vai trò trung tâm trong phong trào ủng hộ dân chủ ở Đài Loan trong những năm 1970.

Bà Thái Anh Văn nói Đảng Dân Tiến sẽ phải suy ngẫm về thất bại này, nhưng bà tuyên bố sẽ tiếp tục chủ trương của mình. Bà nói với báo chí sau thất bại Tiếp tục các cải cách, tự do và dân chủ, cùng với bảo vệ chủ quyền của đất nước là sứ mệnh mà ĐảngDân Tiến sẽ không từ bỏ”.    

        

Bà Thái Anh Văn đã từ chức Chủ tịch đảng Dân Tiến (DPP) ngay sau khi có kết quả bầu cử. Ảnh: SCMP.

Ngay sau đó, trong ngày Chủ nhật (25/11), Trung Quốc đã tuyên bố chào đón sự hợp tác nhiều hơn giữa các thành phố của Đài Loan và lục địa.

Người phát ngôn phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Ma Xiaoguang nói. "Kết quả của cuộc bầu cử phản ánh mong muốn mạnh mẽ của người dân Đài Loan muốn tiếp tục chia sẻ lợi ích của sự phát triển hòa bình, cũng như cải thiện nền kinh tế và mức sống". Ông cũng cho biết, Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì Bản Đồng thuận 1992 giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, thừa nhận nguyên tắc một quốc gia và phản đối bất kỳ lực lượng nào tham gia vào phong trào Độc lập cho Đài Loan và các hoạt động liên quan.

"Chúng tôi mong muốn các địa phương Đài Loan tham gia trao đổi và hợp tác với các đối tác đại lục, trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau", ông Ma Xiaoguang nói.

 Trung Quốc luôn đưa ra quan điểm Đài Loan là một phần của Trung Quốc và phải được thống nhất với lục địa, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết, do vậy đã tạm ngừng trao đổi chính thức với Đài Loan sau khi bà Thái Anh Văn được bầu làm lãnh đạo vào năm 2016 cùng với việc từ chối Bản Đồng thuận năm 1992 và không chấp nhận nguyên tắc Một Trung Quốc.

Interpol có Chủ tịch mới

Ông Kim Jong-yang, người Hàn Quốc đã được bầu làm Chủ tịch Interpol trong cuộc bầu cử tại Đại hội thường niên diễn ra ở Dubai của 194 quốc gia thành viên của Interpol, để thay thế ông Mạnh Hoành Vỹ, đã bị bắt tại Trung Quốc hồi tháng 9/2018. Interpol cho hay họ nhận được thư từ chức của ông Mạnh và quyết định này có hiệu lực lập tức.

Trước đó, tin Interpol dự kiến bầu một quan chức cấp cao của Nga là Alexander Prokopchuk của Nga, một thiếu tướng cảnh sát và hiện là một trong bốn phó chủ tịch Interpol, làm chủ tịch kế nhiệm hôm 21/11 khiến châu Âu và Hoa Kỳ quan ngại về nguy cơ Nga can thiệp sâu vào tổ chức này.

Tuy nhiên kết quả bầu cử đã không như dự kiến và Ông Kim Jong Yang đã đắc cử vị trí chủ tịch Interpol. Nga cho biết ông Prokopchuk sẽ tiếp tục phục vụ làm phó chủ tịch Interpol và giúp tăng cường "vị thế của tổ chức này trong cộng đồng quốc tế".

Chức danh chủ tịch Interpol phần lớn mang tính lễ nghi, do công việc hàng ngày được Tổng thư ký Jurgen Stock, người Đức xử lý, nhưng vẫn có nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động của tổ chức này.

Ông Kim Jong Yang, Chủ tịch mới của Interpol. Ảnh: Interpol.

Chủ tịch Nissan bị bắt: Ngành công nghiệp ô tô sửng sốt!

Theo thông tin từ Giám đốc Điều hành Nissan Hiroto Saikawa, Chủ tịch Carlos Ghosn đã bị bắt giữ hôm thứ 2 (19/11) vì bị nghi ngờ vi phạm luật tài chính Nhật Bản. Cùng bị bắt với ông Carlos Ghosn là Giám đốc đại diện Greg Kelly. Ông Ghosn và Giám đốc Greg Kelly đã bị điều tra từ vài tháng nay sau khi bị tố giác. Hôm thứ 5, hội đồng quản trị đã họp và ra quyết định cách chức 2 người này.

Nissan cho biết, ông Ghosn và Kelly đã báo cáo mức bồi thường cho các nhà quản lý chứng khoán tại Tokyo. Hãng xe cũng cho biết họ phát hiện ra nhiều hành vi sai trái nghiêm trọng khác bởi Ghosn. Bao gồm “sử dụng tài sản công ty cho việc riêng” và Nissan xác nhận Greg Kelly cũng tham gia việc này.

Sự việc này đã gây chấn động nền công nghiệp ô tô thế giới bởi ông Carlos Ghosn được ví như một tượng đài trong ngành công nghiệp ô tô. với 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ô tô, ông Carlos Ghosn đã làm “hồi sinh’ Renault tại Pháp và trở thành nguồn cảm hứng của nhiểu bộ truyện tranh tại Nhật Bản.

Đồng thời, với việc liên minh Nissan cùng Renault và Mitsubishi để tạo thành lực lượng đủ mạnh sánh vai với các thương hiệu hàng đầu của thế giới như Toyota, Volkswagen và GM thực sự là kì tích, thể hiện năng lực điều hành đầy ấn tượng của ông Carlos Ghosn. Kế hoạch hồi sinh Nissan (NRP) do Carlos Ghosn đề ra đã hội tụ vô số các nhà kinh tế học hàng đầu, và tới nay vẫn được coi là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục nhất trong lịch sử kinh doanh toàn cầu.

Chính vì lẽ đó, việc ông Carlos Ghosn bị bắt đã gây chấn động nền công nghiệp ô tô và liệu có tạo nên hiệu ứng 'domino' trong liên minh Nhật – Pháp?!.

Trong khi đó, theo thông tín viên RFI Frédéric Charles, truyền thông Nhật Bản tỏ ra không nương tay với người đã vực dậy hoạt động của nhà sản xuất ô tô Nissan.« Báo chí Nhật Bản không tỏ chút thiện cảm nào đối với Carlos Ghosn. Theo các nhà phân tích của hai kênh truyền hình TBS và Asahi, đầu tiên, ông Carlos Ghosn đã bảo vệ Nissan trước ý định thâu tóm nhà sản xuất xe hơi Nhật của tập đoàn Renault vì ông sợ rằng Renault sẽ phát hiện được quy mô tiêu lạm công quỹ của ông.”

Theo báo Asahi, các khoản thu nhập của ông Ghosn không phải bị khai bớt trong vòng 5 năm với tổng thu nhập là 39 triệu euro, mà kéo dài ít nhất trong suốt 8 năm. Đài truyền hình Fuji cho biết Nissan không chỉ mua bốn khu biệt thự sang trọng cho vị chủ tịch sử dụng cá nhân, không liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, mà là tận sáu khu nhà ở Tokyo và New York.

Đài truyền hình Fuji cũng đưa tin, việc ông Carlos Ghosn tỏ ra ủng hộ việc sát nhập Nissan vào Renault bởi hy vọng chính Pháp hứa giữ ông ở vị trí đang đảm nhiệm nếu ông làm được việc đó.Truyền thông Nhật Bản nhận định, Carlos Ghosn đã có quá nhiều quyền lực, quá đáng sợ. Việc ông có thu nhập cao gấp 5-6 lần các ông chủ Nhật Bản làm nản lòng nhân viên của Nissan.

Nga chặn hải quân Ukraine vào biển Azov

Trong ngày 25/11, Nga đã dùng tàu chở hàng lớn chắn dưới một cây cầu do Nga kiểm soát để chặn ba tàu hải quân Ukraine tiến vào Biển Azov. Theo Reuters, quan chức hai nước đã cáo buộc nhau có hành vi khiêu khích.

Một thỏa thuận song phương đã cho phép cả hai nước được quyền sử dụng vùng biển giữa hai nước và nối với Biển Đen qua Eo biển Kerch, nhưng căng thẳng ở Biển Azov leo thang kể từ khi Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine gần đó năm 2014.

Nga có thể kiểm soát việc tiếp cận giữa Biển Azov và Biển Đen sau khi xây một cây cầu bắc qua Eo biển Kerch giữa Crimea và miền nam nước Nga. Truyền hình nhà nước Nga cũng đưa tin rằng các trực thăng chiến đấu cũng được triển khai tới khu vực. Moscow cáo buộc tàu hải quân Ukraine tiến vào lãnh hải Nga một cách trái phép.

Trong khi đó, hải quân Ukraine cũng cáo buộc tàu tuần duyên Nga hành động một cách khiêu khích và trái phép.

Tàu hàng Nga dùng cho Hải quân Ukraine hôm 25/11. Ảnh Reuters.

Cũng theo Reuters, các hãng thông tấn của Nga đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/11 tuyên bố các máy bay chiến đấu nước này đã tiến hành không kích nhóm phiến quân đứng sau vụ nã pháo chứa khí clo tại thành phố Aleppo, Syria. Trước đó cùng ngày, Nga đã cáo buộc quân nổi dậy gây nhiễm độc cho 46 người; trong đó có 8 trẻ em, còn hãng thông tấn nhà nước Syria - SANA đưa tin 107 người đã bị thương trong vụ nã pháo này.

Các hãng thông tấn Nga dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết các cuộc tấn công của Nga đã phá hủy toàn bộ mục tiêu và Nga đã báo trước với Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc tấn công này thông qua đường dây nóng.

Trước sự kiện này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bày tỏ hy vọng rằng thông tin về vụ tấn công bằng khí clo hôm 24/11 tại Aleppo sẽ được gửi tới Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) và những kẻ chịu trách nhiệm về vụ tấn công này sẽ được xác định. 

Bác sĩ Cuba về nước, Brazil đối mặt với khủng hoảng y tế

Khoảng 8.300 bác sĩ Cuba sẽ về nước từ nay đến ngày 12/12/2018, bắt đầu bằng đợt hồi hương đầu tiên hôm 22/11 gồm 430 bác sĩ làm việc cho chương trình "Nhiều bác sĩ hơn nữa" (Mais médicos). Người dân Brazil, đặc biệt là những người sống ở vùng hẻo lánh, tỏ ra lo ngại vì các bác sĩ Cuba hoạt động chủ yếu ở những vùng xa xôi, hoặc tại các thành phố mà bác sĩ Brazil không muốn làm việc.

Thông tin viên RFI Sarah Cozzolino ghi nhận lo ngại của người dân ở São Paulo: Ở bang São Paulo, thành phố Mauá sẽ mất 33 bác sĩ, sau khi Cuba ngừng tham gia chương trình “Nhiều bác sĩ hơn nữa”. Con số này chiếm khoảng 1/3 số bác sĩ theo dõi cơ bản ở thành phố này.

Quyết định hồi hương đột ngột khiến bà mẹ hai con Arlenilda Santana lo ngại, Bà nói: “Chúng tôi phải làm sao khi không còn bác sĩ? Ở đây có rất nhiều gia đình và nếu không có các bác sĩ Cuba thì cũng chẳng còn ai khác. Trước đây, khi có trường hợp khẩn cấp chúng tôi đến và họ chữa trị cho chúng tôi. Giờ thì chúng tôi phải đi đâu?”.

Được triển khai từ năm 2013 dưới thời tổng thống Dilma Roussef, chương trình đã giúp giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em và người mẹ ở những vùng hẻo lánh nhất Brazil, như vùng Amazon và trong các cộng đồng người thiểu số. Tuy nhiên, các thành phố cỡ trung, như Mauá, cũng bị tác động mạnh mẽ.

Ông Luis Carlos Casarin, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng vì chắc chắn chúng tôi bị ảnh hưởng do quyết định đột ngột này. Từ giờ, các thành phố cần thời gian để tổ chức lại và để có thể tìm bác sĩ lấp vào các chỗ trống”.

Trong vòng 5 năm sống và làm việc ở Brazil, một phần lớn trong số 8.300 bác sĩ Cuba đã bắt đầu một cuộc đời mới, với gia đình và bạn bè.

Chương trình "Thêm nhiều bác sĩ" ra đời vào năm 2013có được sự tham gia mang tính chiến lược của đội ngũ chuyên gia y tế Cuba, với những tiêu chí và tiêu chuẩn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra. Chương trình đã hỗ trợ chăm sóc cho 60 triệu người dân ở các vùng nghèo khó nhất của Brazil.

Tuy nhiên, ngày 2/11 vừa qua, Tổng thống đắc cử Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố sẽ thay đổi các điều khoản và điều kiện hợp tác với Cuba. Trong đó có việc tiến hành đánh giá lại bằng cấp và áp đặt thêm các điều kiện về chi trả cho đội ngũ bác sĩ Cuba tham gia chương trình; đồng thời đưa ra nhiều công kích chống lại La Habana, dẫn tới việc Chính phủ Cuba phải đưa ra quyết định trên.

Cuba hiện có hơn 55.000 chuyên gia y tế tham gia các chương trình hợp tác y tế với hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Các bác sĩ Cuba sau khi từ Brazil trở về, được chào đón tại sân bay quốc tế Jose Marti ở La Habana, ngày 23/11/2018. Ảnh REUTERS/Fernando Medina.


Trần Hưng

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tại Mỹ

(Biên tập dựa trên các nguồn tin truyền thông quốc tế và trong nước)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 19-25/11/2018). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.