Thứ bảy, 20/04/2024 17:55 (GMT+7)

Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 3/12- 9/12/2018)

MTĐT -  Thứ hai, 10/12/2018 12:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thế giới nóng nhất, tin tức tuần qua (từ 3/12- 9/12). Cập nhật tin tức thế giới nóng nhất tuần qua do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Bà Annegret Kramp-Karrenbauer chính thức trở thành người kế nhiệm bà Angela Merkel

Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo CDU, ngày 07/12/2018 đã mở Đại hội tại thành phố Hamburg để bầu ra lãnh đạo mới thay thế bà Merkel sau khi bà từ chức Chủ tịch đảng CDU.

Đại hội đảng CDU lần này có dấu hiệu rất sôi động, vì đây là lần đầu tiên từ gần nửa thế kỷ nay các đại biểu được bầu chọn người đứng đầu giữa ba ứng cử viên, chứ không phải chỉ là phê duyệt một người được ban lãnh đạo Đảng chọn trước.

Trước đại hội, đã có 8 hội nghị cấp vùng được tổ chức, với 3 ứng viên ra trình diện các đảng viên cơ sở, gồm có Jens Spahn 38 tuổi, là bộ trưởng Y Tế đầy triển vọng, có quan điểm còn bảo thủ hơn bà Merkel, nhưng lại được xem như gương mặt thứ yếu, cuộc đấu chủ yếu là giữa hai ứng viên bà Annegret Kramp – Karrenbauer (hay AKK), hiện là tổng thư ký đảng CDU, thân cận với bà Merkel,và ông Friedrich Merz, đã rời chính trị từ gần 10 năm nay, là một cựu đối thủ của bà Merkel, chủ trương một đường lối bảo thủ hơn về giá trị hay chính sách kinh tế.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, và bà Annegret Kramp – Karrenbauer (Người đứng bên phải bà Meckel) tại đại hội đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo CDU tại Hamburg, ngày 07/12/2018. Ảnh REUTERS.

Kết quả bầu cử Bà Kramp-Karrenbauer Tổng thư ký CDU nhận được 51% phiếu đại biểu trong đại hội đảng ở Hamburg ngày 7/12, giành chiến thắng sít sao trước đối thủ Friedrich Merz. Ứng viên thứ 3 cho ghế chủ tịch CDU là Jens Spahn đã bị loại từ vòng bỏ phiếu thứ nhất, theo đài DW của Đức.

Bà Annegret Kramp-Karrenbauer từng giữ chức thủ hiến bang Saarland giai đoạn 2011-2018. Được bầu làm tổng thư ký CDU từ tháng 2, bà được đánh giá là ứng viên mà đương kim thủ tướng Đức kiêm chủ tịch CDU ủng hộ cho vị trí lãnh đạo tiếp theo của đảng này.

Tân Chủ tịch CDU được bầu ra từ phiếu của 1.001 đại biểu trong kỳ đại hội đảng toàn quốc. Với chiến thắng ngày 7/12, bà Kramp-Karrenbauer nhiều khả năng sẽ trở thành ứng viên cho vị trí thủ tướng Đức trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo diễn ra vào tháng 10/2021.

Tranh luận Brexit tại Quốc Hội Anh

Ngày 4/12, Thủ Tướng Theresa May phải đương đầu với phản ứng dữ dội của các nhà lập pháp, trong phiên họp tranh luận đầu tiên kéo dài 5 ngày, trước khi Quốc Hội Anh bỏ phiếu về dự thảo thỏa thuận Anh Quốc rời khỏi Liên minh Châu Âu, vừa được chính phủ Anh và các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro mới đạt được trong thời gian vừa qua. Bị thất bại trong lần tranh luận đầu tiên, là áp lực không nhỏ đối với Thủ Tướng Theresa May, trong tiến trình giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit.

Thành viên các đảng trong Quốc hội Anh đã có những phản ứng gay gắt. Đảng SNP nói bà đã "che giấu các sự kiện" sau khi xem xét lời tư vấn với nội dung cảnh báo về thỏa thuận thiết lập chốt chặn 'backstop' với EU được đưa ra. Đảng Democratic Unionists nói rằng họ không thể chấp nhận việc Bắc Ireland phải chịu áp dụng các quy định khác so với phần còn lại của Anh quốc, mà trên thực tế sẽ biến khu vực này trở thành 'nước thứ ba' trong khối Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Đảng Lao động và các đảng đối lập khác nói rằng các thành viên chính phủ đã "cố ý" khước từ việc tuân theo kết quả biểu quyết có tính ràng buộc mà Hạ viện đưa ra hồi tháng trước, theo đó đòi nội dung trên phải được tiết lộ đầy đủ, và việc biểu quyết của các dân biểu hôm thứ Ba, 4/12, cũng đưa ra yêu cầu đó.

Các thành viên chính phủ tiếp tục cuộc chiến nhằm giành sự ủng hộ của giới dân biểu đối với thỏa thuận Brexit của bà Theresa May, sau khi chính phủ chịu liên tiếp ba thất bại trong các đợt biểu quyết then chốt. Lần bỏ phiếu đầu tiên, Chính phủ đã thất bại trong việc muốn nội dung tư vấn pháp lý được xem xét riêng biệt bởi Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện.

Trong lần biểu quyết thứ nhì, các thành viên chính phủ bị kết luận là đã coi khinh quốc hội và bị buộc phải chấp nhận rằng họ lẽ ra phải công bố đầy đủ nội dung tư vấn của thoả thuận, mà trước đó chính phủ nói rằng việc công bố như vậy là vi phạm quy ước làm việc và không phục vụ lợi ích quốc gia. Quan trọng nhất là lần thất bại thứ ba, có nội dung xoay quanh các thay đổi về thủ tục cần tiến hành trong Quốc hội nếu xảy ra trường hợp Hạ viện bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận của bà Theresa May.

Điều này có thể sẽ dẫn tới việc Quốc hội tước quyền kiểm soát tiến trình Brexit từ tay chính phủ, nếu như các dân biểu thúc muốn đẩy cho "Phương án B" - điều mà hiện nay đang được cho là có thể sẽ xảy ra - thay cho thỏa thuận của bà Theresa May, và tìm cách chặn cơ hội Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.

Các dân biểu sẽ quyết định việc thông qua hay bác bỏ vào thứ Ba tới, 11/12. Trong khi đó ngoài xã hội, những người ủng hộ một sự chia tay "cứng rắn" và những người đấu tranh chống Brexit, cũng gia tăng các cuộc vận động cho một cuộc trưng cầu dân ý lần 2.

Tổng thống Mỹ công bố đề cử Bộ trưởng Tư pháp, Đại sứ Mỹ tại LHQ và Chánh văn phòng Nhà Trắng

Theo tin từ CNN, Tổng thống Donald Trump đã quyết định bổ nhiệm ông William Barr làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thay cho ông Jeffrey Sessions bị sa thải vào tháng trước. Ông Barr từng là Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống George H.W. Bush.

Cũng trong ngày 7/12, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert được ông chọn làm người kế nhiệm bà Nikki Haley nắm chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc. Phát biểu với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói bà Nauert đã "làm việc rất tuyệt vời" tại Bộ Ngoại giao, "Bà ấy rất có tài, rất thông minh, rất nhanh nhẹn, và tôi nghĩ bà ấy sẽ được mọi người tôn trọng", ông Trump nói.

Bà Nikki Haley và ông William Barr Hai gương mặt mới trong Chính phủ Mỹ. Ảnh AFP.

Bà Nauert, từng là người dẫn chương trình của Fox News và đã làm việc ở Bộ Ngoại giao vào năm 2017, sẽ là một tân đại sứ, nhưng tương đối thiếu kinh nghiệm ở một trong những vị trí cao nhất trong ngành ngoại giao Mỹ. Người ta dự báo rằng sau khi được đề cử, bà sẽ đối mặt với phiên điều trần mà nhiều khả năng là khó khăn ở Thượng viện để được bổ nhiệm. 

Thông tin về thay thế CVP Nhà Trắng, cũng đã được xác lập khi Tổng thống Mỹ Donald Trump Phát biểu trước khi lên đường tới Philadelphia váo ngày 8/12. Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly sẽ rời khỏi chính quyền Mỹ vào cuối năm, đồng thời ông cũng nêu rõ sẽ thông báo người thay thế "trong vòng 1-2 ngày tới".

Trước đó hãng tin CNN cho hay, một trong những ứng viên sáng giá thay thế ông Jonh Kelly là ông Nick Ayers - Chánh văn phòng của Phó Tổng thống Mike Pence.

Đây là những động thái mới nhất của ông chủ Nhà Trắng nhằm thay đổi đội ngũ cố vấn của mình.

Các trường hợp thay thế nêu trên phải chờ được Thượng viện chấp thuận vào đầu năm 2019.

Canada bắt giữ lãnh đạo Huawei và phản ứng từ các nước

Ngày 6/12, Bộ Tư pháp Canada thông báo bà Mạnh Văn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, đã bị cảnh sát Canada bắt giữ tại thành phố Vancouver hôm 1/12 khi đang quá cảnh tại sân bay, cùng ngày diễn ra cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Buenos Aires, Argentina. Tại cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo đã đạt thỏa thuận "đình chiến thương mại".

Vụ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính, con gái ông chủ Tập đoàn Huawei bị Canada bắt giữ đang trở thành điểm nóng của truyền thông quốc tế bởi những thông tin và tranh cãi xung quanh các vấn đề: căn cứ vào đâu mà Canada bắt bà Chu? Bà Chu phạm tội gì, sẽ bị xử lý ra sao? Ảnh hưởng của vụ việc này tới quan hệ Trung Quốc - Mỹ - Canada...

Trong phản ứng đầu tiên, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ vụ bắt giữ, yêu cầu trả tự do cho quan chức Huawei, đồng thời Mỹ và Canada phải giải thích rõ vụ việc. Trong một phát biểu ngắn, Phó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nhạc Ngọc Thành đưa ra cảnh báo thả bà Mạnh cho Đại sứ Canada tại Bắc Kinh, khi Bộ ngoại giao Trung Quốc triệu tập ông tới để biểu thị sự phản đối “Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi Canada trả tự do ngay lập tức cho người bị giam giữ và nghiêm túc bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng của bà ấy, nếu không Canada phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những hậu quả nghiêm trọng gây ra.”

Tiếp sau đó, ngày 9/12, Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc về vụ này. Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ Terry Branstad hôm 9/12.

“Hành động của Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng quyền cũng như lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc, và về bản chất là cực kỳ xấu” “Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này, mạnh mẽ thúc giục Mỹ coi trọng lập trường của Trung Quốc và ngay lập tức có biện pháp sửa chữa việc làm sai trái và rút lại lệnh bắt giữ đối với các công dân Trung Quốc” “Trung Quốc sẽ có động thái tiếp theo tùy vào những hành động của Mỹ”.            

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Milan (Italy), Ngoại trưởng Nga Lavrov nói    bà Mạnh Vãn Chu đã bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của phía Mỹ với lý do công ty này làm ăn với Iran, vi phạm luật pháp Mỹ. Ông cho rằng điều này thể hiện "một chính sách ngạo mạn, nước lớn (của Mỹ)" và cần phải chấm dứt.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đang ở thăm Pháp Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố chính quyền Paris hoan nghênh Huawei, mặc dù chính phủ có thể phải tạm thời phong tỏa các khoản đầu tư của tập đoàn. Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh Huawei đóng vai trò quan trọng tại Pháp với nhiều dự án đầu tư. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng chính phủ sẽ buộc phải có những hạn chế nhất định nếu một số dự án liên quan tới chủ quyền quốc gia hoặc công nghệ nhạy cảm.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 6/12 khi dự một cuộc hội thảo về công nghệ ở Montreal đã nói, cơ quan tư pháp Canada quyết định bắt giữ Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu phía Mỹ, không có bất cứ động cơ chính trị nào phía sau. Ông nhấn mạnh, việc bắt giữ bà Chu không liên quan gì đến chính phủ Canada, chính phủ cũng chỉ được thông báo trước mấy ngày. Ngoài ra, ông từ chối đưa ra bình luận về vụ việc.

 Về phía Mỹ, Tổng thống Donal Trump trong các phát biểu gần đây chưa đả động gì đến việc này. Cũng có ý kiến cho rằng, việc Mỹ căn cứ luật đơn phương trừng phạt Iran của mình để yêu cầu bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là không đúng vì đây chỉ là luật của nội bộ nước Mỹ, không phải luật quốc tế. Tuy nhiên, Huawei triển khai nghiệp vụ ở Mỹ, chịu sự giám quản của pháp luật Mỹ; căn cứ luật về trừng phạt Iran, cấm cả những người không phải công dân Mỹ xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ cho chính phủ Iran, nếu không được ủy quyền.

Ngoài ra, theo Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) - cơ quan phụ trách thực thi trừng phạt mậu dịch với Iran thì việc vi phạm chế tài bị coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và quan hệ ngoại giao. Nếu cấu thành tội danh vi phạm lệnh chế tài thì bà Mạnh Vãn Chu có thể đối mặt với án phạt 30 năm tù và mức phạt có thể đến 20 triệu USD.

Những thông tin mới nhất của thông tín viên đài RFI, Pascale Guéricolas tại Québec, Canada, đưa tin, Hoa Kỳ cáo buộc giám đốc tài chính Huawei tội “gian lận”.

Theo các thông tin được tiết lộ từ tòa án, bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Huawei dường như đã thông qua một chi nhánh là Skycom để lách các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran trong vòng 5 năm. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đã đề nghị đồng minh, quốc gia láng giềng phía Bắc bắt giữ và đòi dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu sang Mỹ.

OPEC, Nga nhất trí giảm sản lượng dầu bất chấp áp lực của Mỹ

OPEC và các nước đồng minh do Nga dẫn đầu trong tổ chức này, ngày 7/12 nhất trí sẽ cắt giảm sản lượng dầu nhiều hơn so với mức mà thị trường trước đó dự liệu, bất chấp áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi giảm giá dầu thô.

Theo thoả thuận, Câu lạc bộ các nước sản xuất dầu mỏ từ tháng 1/2019 sẽ giảm sản lượng đi 800.000 thùng một ngày so với mức hồi tháng 10 trong khi các nước đồng minh ngoài OPEC giảm 400.000 thùng một ngày. Nga cam kết cắt giảm 228.000 thùng một ngày từ mức 10,4 triệu thùng một ngày trong tháng 10, dù họ nói việc cắt giảm sẽ dần dần và diễn ra trong vài tháng. Tổng mức cắt giảm tổng cộng 1,2 triệu thùng một ngày nhiều hơn mức tối thiểu 1 triệu thùng mà thị trường trước đó đã dự trù.

Tổng thống Nga Putin với Thái tử Ả Rập Xê ut tại Hội nghị G20. Ảnh AFP. 

Ngay sau khi OPEC công bố giảm sản lượng, ngày 7/12, giá dầu đã tăng khoảng 5 phần trăm lên hơn 63 đôla một thùng.

Ả rập Xê út, nước lãnh đạo trên thực tế của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, đã đối mặt với những đòi hỏi từ phía Mỹ là phải giúp nền kinh tế toàn cầu bằng cách hạn chế nguồn cung.

Việc cắt giảm sản lượng cũng sẽ hỗ trợ Iran bằng cách tăng giá dầu bỏ qua những nỗ lực của Washington nhằm siết chặt nền kinh tế của nước sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC.

Thỏa thuận OPEC hai ngày trước rơi vào tình thế bất định vì lo ngại rằng Nga sẽ cắt giảm quá ít, và sau đó lại lo ngại Iran là nước xuất khẩu dầu thô đã bị các chế tài của Mỹ làm cho kiệt quệ, sẽ không tán thành các thoả thuận này. Nhưng sau nhiều giờ đàm phán, Iran bật đèn xanh cho OPEC và Nga trong việc cắt giảm sản lượng như thoả thuận.

Khi được hỏi liệu quyết định cắt giảm sản lượng có thể gây bất lợi cho mối quan hệ của Riyadh với Washington hay không, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út, Saudi Khalid al-Falih nói với các phóng viên rằng vương quốc này sẵn sàng bơm thêm dầu nếu có sự gián đoạn lớn về nguồn cung.

Châu Âu - Chống biến đổi khí hậu, Áo vàng, Áo xanh biểu tình ôn hoà

Ngày thứ Bảy 08/12/2018, trong bối cảnh đang diễn ra hội nghị COP24 tại Ba Lan, hàng loạt cuộc tuần hành chống biến đổi diễn ra khắp châu Âu. Tại Pháp, ban tổ chức cho biết có 120 cuộc biểu tình trong đó, nhiều người mặc Áo vàng tuần hành chung với Áo xanh bảo vệ môi trường với khẩu hiệu « khí hậu và xã hội cùng chung tranh đấu ».

Theo AFP, cho dù lo ngại bạo động trong bối cảnh phe Áo vàng biểu tình chống thuế, 17 ngàn người theo số liệu của cảnh sát, 25 ngàn theo ban tổ chức đã kéo về thủ đô nước Pháp, thúc giục các chính phủ toàn cầu thông qua dự án cụ thể thực thi hiệp định COP21, ký kết tại Paris năm 2015.

Đoàn biểu tình mặc Áo xanh, theo một lộ trình khác với phe Áo vàng, nhưng cũng có khá đông Áo vàng đi cùng một cách vui vẻ ôn hoà. Khẩu hiệu của họ là: Áo vàng, Áo xanh cùng phẩn nộ. Cho dù chính phủ Pháp cũng như cựu bộ trưởng môi trường Nicolas Hulot, hay tổ chức bảo vệ động vật hoang dã kêu gọi dời sang ngày khác để tránh bạo động lây lan, nhưng các hiệp hội chủ xướng đã từ chối.

Theo lãnh đạo tổ chức chính trị Môi Trường Châu Âu EEVL và hiệp hội phi chính phủ Alternatiba, cho rằng, khủng hoảng địa cầu và khủng hoảng xã hội đều khẩn cấp như nhau.

Nhật Bản nới lỏng luật về lao động nhập cư

Quốc hội Nhật Bản hôm thứ Bảy 8/12/2018 vừa thông qua một luật mới có nội dung đang còn gây tranh cãi, theo đó cho phép hàng trăm ngàn người nước ngoài được vào Nhật nhằm giảm bớt áp lực thiếu nhân công.

Theo luật này, Từ tháng Tư tới, người nước ngoài sẽ được phép làm các công việc trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và điều dưỡng y tế.

Nhật Bản có truyền thống là thận trọng, cảnh giác với người nhập cư, nhưng chính phủ nói cần có thêm người nước ngoài vào Nhật bởi dân số nước này đang ngày càng già đi.

Các đảng phái đối lập nói luật mới sẽ dễ bị khai thác, lợi dụng.

Theo chính sách mới, sẽ có hơn 300 ngàn người nước ngoài được vào Nhật làm việc trong các lĩnh vực thiếu nhân công.

Luật cũng quy định hai loại visa mới. Nhân công trong loại visa thứ nhất sẽ được phép vào Nhật trong năm năm nếu đạt trình độ tay nghề nhất định và có thể dùng lưu loát tiếng Nhật. Nhóm này không được phép mang gia đình theo.

Các nhân công có tay nghề cao hơn sẽ được cấp visa nhóm hai, được quyền mang gia đình theo, và sau này sẽ được phép nộp đơn xin thẻ cư trú dài hạn.

Tuy nhiên, phe đối lập trong Quốc hội cho rằng dòng người lao động nước ngoài đổ xô vào sẽ khiến ảnh hưởng tới lương bổng và sẽ dẫn tới tình trạng khai thác, lạm dụng lao động nhập cư, đơn cử như chương trình đào tạo 'tu nghiệp sinh' hiện thời dành cho các nhân công nước ngoài có tay nghề thấp sẽ mở cửa cho chủ lao động vô lương tâm lạm dụng nhân công.

Nhật Bản đang phải đối mặt với sự điển hình của đất nước phát triển là dù thiếu nhân công nhưng lại không muốn lao động nhập cư.

Tỷ lệ sinh của xã hội Nhật Bản hiện dưới ngưỡng 2.1 (tỷ lệ đủ thay thế) và chỉ đạt mức 1.4.

Công nhân có tay nghề, có thể được phép làm nghề nông tại Nhât. Ảnh: GETTY IMAGES.

Thêm vào đó Nhật Bản là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới: 85,5 năm.

Những năm qua, Nhật Bản đã dần dần cho phép nhiều lao động nước ngoài đến làm việc.

"Nhật Bản sẽ chỉ chấp nhận lao động nước ngoài, người có những kỹ năng đặc biệt và có thể làm việc ngay lập tức để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, chỉ với những ngành thực sự cần họ", Thủ tướng Shinzo Abe nói trong Nghị viện."

Trần Hưng

PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tại Mỹ

(Biên tập theo các nguồn tin trong nước và quốc tế)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thế giới nóng nhất tuần qua (từ 3/12- 9/12/2018). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nga: Cá heo chết hàng loạt bí ẩn tại Biển Đen
Trong vài tuần qua, số xác cá heo mà người dân địa phương tìm thấy trên bờ biển Anapa đã lên đến hàng chục con. Xác những chú cá heo này đã được gửi đi giám định pháp y để xác định nguyên nhân.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất