Thứ năm, 28/03/2024 16:41 (GMT+7)

Vì sao Indonesia không có cảnh báo trước khi có sóng thần?

MTĐT -  Thứ hai, 24/12/2018 14:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cơn sóng thần khủng khiếp đã bất ngờ ập vào đảo Java và Sumatra, Indonesia, cướp đi sinh mạng của hơn 200 người mà không có bất kỳ cảnh báo nào được đưa ra trước đó.

Dẫn lời của người phát ngôn viên cơ quan thảm họa thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho sáng nay (24/12), Vietnamfinance đưa tin, tính đến thời điểm này, trận sóng thần xảy ra tối 22/12 đã phá hủy nhiều nhà cửa ở Indonesia khiến 281 người thiệt mạng, 1.016 người bị thương và gần 60 người được cho là mất tích.

Sóng thần cao 3m tràn vào một số khu vực của eo biển Sunda, gồm các bãi biển ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung vào cuối ngày 22/12, chỉ khoảng hơn 20 phút sau khi núi lửa Anak Krakatoa nằm giữa eo biển Sunda và đảo Sumatra, Java phun trào.

Theo Reuters, hàng trăm nhà cửa đã bị hư hại nặng nề. Các đoạn video phát trên truyền hình cho thấy hình ảnh vài giây lúc sóng thần ập vào bờ và các khu dân cư, rồi cuốn ra biển các nạn nhân và nhiều thứ khác.

Số người thiệt mạng dự kiến còn tiếp tục tăng. 

Đây là trận sóng thần nhiều người chết thứ 2 ập đến với Indonesia trong năm nay. Tuy nhiên, khác với những trận sóng thần trước đó, người dân ở ven biển cho biết, họ không thấy hay cảm nhận được các dấu hiệu cảnh báo, như nước biển rút đi hay động đất, trước khi đợt sóng cao 2 – 3m ập vào. Các cơ quan cảnh báo sóng thần Indonesia cũng không đưa ra bất kỳ cảnh báo trước đó.

Theo cơ quan ứng cứu thảm họa nước này, trận sóng thần khủng khiếp này được nhận định là do những chấn động trong lòng đất bởi hoạt động của núi lửa Anak Krakatau.

Guardian dẫn lời Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia hôm nay cho biết, "Indonesia chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần do sạt lở ngầm dưới biển và núi lửa phun trào gây ra. Hệ thống cảnh báo hiện nay chỉ phát hiện sóng thần khi có động đất". Ông cũng kêu gọi xây dựng hệ thống mới đáp ứng được mọi trường hợp.

Ảnh: AP. 

Ông Sutopo nói thêm rằng việc hệ thống phao sóng thần, thiết bị dùng để phát hiện sóng thần, không hoạt động kể từ năm 2012 cũng ảnh hưởng tới khả năng phát hiện thảm họa. "Sự phá hoại, ngân sách hạn chế và thiệt hại về mặt kỹ thuật đồng nghĩa với việc không có phao sóng thần tại thời điểm này. Chúng cần được xây dựng lại để củng cố hệ thống cảnh báo sóng thần ở Indonesia", ông Sutopo viết trên Twitter.

Richard Teeuw, chuyên gia địa chất tại đại học Portsmouth của Anh, đánh giá trận sóng thần hôm 22/12 tương đối nhỏ nếu so với sóng thần do động đất dưới đáy biển gây ra, nhưng nó đặc biệt nguy hiểm vì gần như không có dấu hiệu cảnh báo nào.

Chuyên gia này trấn an rằng: “Các trận sóng thần có sức tàn phá khủng khiếp nhất do núi lửa phun trào là rất hiếm. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất (và nhiều người chết nhất) là vụ phun trào của núi lửa Krakatoa năm 1883”.

Nhật Hạ(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Indonesia không có cảnh báo trước khi có sóng thần?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới