Thứ bảy, 20/04/2024 03:05 (GMT+7)

Thu thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại, mỹ phẩm: Đề xuất vô lý

PHAN NGÂN -  Thứ năm, 09/05/2019 18:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước đề xuất của TP.HCM trong việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động, nước hoa, mỹ phẩm,... một số chuyên gia đã bày tỏ quan điểm không đồng tình.

Đánh thuế “lạ” cho mặt hàng quen

“Những người công nhân, nông dân, hay người thu nhập thấp... hiện nay đều sử dụng điện thoại smartphone, còn nước hoa và mỹ phẩm thì ngay cả các bạn sinh viên hay nhân viên văn phòng đều đang sử dụng hàng ngày. Bên cạnh đó, theo con số thống kê, chúng ta có hàng chục triệu thuê bao di động trên cả nước, nên việc sở hữu nhiều điện thoại di động giờ đây là điều đương nhiên! Vậy thì tại sao lại thu thuế tiêu thụ đặc biệt với chúng?” – đó là bình luận của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh trước đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng: nước hoa, mỹ phẩm, điện thoại di động.

Thời gian gần đây, dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm đến dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước" mà UBND TP. Hồ Chí Minh gửi Bộ Tài chính góp ý.

Cụ thể là vấn đề thu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó, địa phương này đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số hàng hóa, dịch vụ như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.

UBND TP. Hồ Chí Minh lý giải: nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm khá cao cấp. Điều này giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên. Còn với điện thoại di dộng, thừa nhận đây không phải hàng hóa, dịch vụ cao cấp, nhưng đây cũng không thuộc diện hàng hóa "rất thiết yếu". Bởi vậy, việc đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Bên cạnh đó, điện thoại di động là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?

Trước hết, chúng ta phải hiểu về thuật ngữ "thuế tiêu thụ đặc biệt", bởi đây là khái niệm đang còn khá mới đối với người dân Việt Nam, thậm chí trên thế giới nhiều nước chưa đánh giá thuế tiêu thụ cho các sản phẩm. Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ tại. Thuế này do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá đó nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.

Tại Việt Nam hiện nay, các loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là: Thuốc lá điếu, xì gà 75%; Rượu 20 độ 65%; Bia 65%; Xăng các loại 7%-10%; Dịch vụ kinh doanh vũ trường 40%; Kinh doanh massage, karaoke 30%;...

Mục đích thu thuế tiêu thụ đặc biệt là hạn chế sự phát triển của sản phẩm, dịch vụ; tăng chi phí cho các sản phẩm nhằm hạn chế người tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đối với phụ nữ hiện đại, mỹ phẩm là đồ dùng thiết yếu.

Vậy có nên “tận thu”?

Trước nhiều ý kiến của dư luận về việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt giống như đang thực hiện chính sách tận thu vô lý, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Theo tôi, những sản phẩm này đưa vào nhóm tiêu thụ đặc biệt là không đúng, bởi sản phẩm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt phải là những hàng hóa xa xỉ, phục vụ cho nhu cầu của thiểu số người dân, còn ở đây đều là những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày”.

Đây cũng là ý kiến của nhiều người dân trước đề xuất của UBND TP.HCM. Chị Trần Thị Thu Trang – nhân viên văn phòng ở Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: “Đề xuất đó thực sự rất vô lý. Từ khi nào mỹ phẩm, nước hoa và điện thoại di động trở thành đồ xa xỉ? Nếu nói điện thoại là sản phẩm không thuộc nhóm “rất thiết yếu” thì lại càng không đúng, bởi vì công việc của chúng tôi hàng ngày phải liên quan đến điện thoại di động rất nhiều. Còn đồ trang điểm với phụ nữ hiện đại là không thể thiếu được, giá trị cũng không phải xa xỉ hay có hại gì cho sức khỏe, đã thu VAT rồi còn thu thêm nữa là vô lý”.

Một số người khác lại cho rằng, chính sách “chắt bóp”, thuế chồng thuế, hay “tận thu” để tăng ngân sách nhà nước theo đề xuất trên là sự thụt lùi của xã hội hiện đại. Việc người dân cập nhật công nghệ, mua sắm sản phẩm làm đẹp, hay “lên đời” điện thoại không phải chỉ là đáp ứng nhu cầu sở hữu tài sản cá nhân mà quan trọng hơn là ở mỗi sản phẩm đó sẽ có những ứng dụng tiện ích phục vụ đời sống, hoạt động thông tin giao tiếp và cả giao dịch trên thị trường.

“Đúng vậy! Những sản phẩm như phấn son, nước hoa, điện thoại là nhu cầu của rất nhiều người dân chứ không phải chỉ người khá giả mới có nhu cầu sử dụng. Giá những sản phẩm đó đã bao gồm thuế giá trị gia tăng rồi. Dù là đồ dùng sản xuất trong nước hay hàng nhập khẩu đều đã được đóng thuế, nên nêu như thu thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá cả sẽ bắt buộc phải tăng lên, tác động đến an sinh xã hội của người dân nói chung. Tác động của thuế đến đời sống tiêu dùng là rất lớn, vậy thì làm thế nào phải phục vụ tốt nhất cho người dân. Trước hết phải xem xét và lập đánh giá tác động của đề xuất này, đề xuất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xã hội” – ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Vì vậy, thay vì việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mỹ phẩm, điện thoại,... thì UBND TP.HCM cần đưa ra những phương án, chính sách khác để thúc đẩy môi trường kinh doanh tích cực, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, khi đó thuế thu nhập cá nhân sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc tăng ngân sách nhà nước.

Bạn đang đọc bài viết Thu thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại, mỹ phẩm: Đề xuất vô lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...