Thứ sáu, 29/03/2024 18:46 (GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, làm việc tại tỉnh Phú Thọ

MTĐT -  Thứ hai, 05/12/2016 08:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng: “Phú Thọ có thể tuyên bố không còn tình trạng ô nhiễm môi trường vào năm 2017 hay không? Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể…”

Chiều 4/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Thọ - là một trong 3 tỉnh vừa được bổ sung vào Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội (cùng Thái Nguyên và Bắc Giang). 

Tham gia đoàn công tác có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình, và các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Nguyễn Văn Chiến, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; cùng lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành và lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh Phú Thọ…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc chiều 04/12

Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu cho biết: năm 2016, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, điều hành hoàn thành đạt và vượt 16/17 chỉ tiêu đề ra; trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,12% so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 33,2 triệu đồng; thu ngân sách đạt gần 4.396 tỷ đồng, tăng 11,1% so kế hoạch và tăng 16,7% so với năm 2015.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục duy trì phát triển về quy mô, mạng lưới theo hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng; công tác an sinh xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,44% (giảm 1,6%), tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 85%, tăng 4,5% so với năm 2015... Đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 1 huyện và 33 xã đạt, 55 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, nằm trong tốp đầu của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc…

Sau báo cáo của tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phát biểu góp ý với Phú Thọ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu và cho ý kiến về một số kiến nghị đề xuất của tỉnh; đồng tình chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên vùng của Phú Thọ; xây dựng Việt Trì trở thành Trung tâm Vùng Trung du miền núi phía Bắc, là thành phố sinh thái, trung tâm du lịch, thành phố lễ hội trong tương lai...

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành quan tâm giúp đỡ tỉnh trong lĩnh vực thu hút đầu tư; giao Bộ Công Thương chủ trì, xem xét lại phương án cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bổ sung đưa Phú Thọ vào quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020...

Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (giữa) trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng , Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu (trái) và Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Hậu (phải) bên lề hội nghị chiều 04/12

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Phú Thọ có nhiều tiềm năng phát triển, “nhất cận thị, nhị cận giang”. Tỉnh nằm cạnh Hà Nội và có 3 con sông chảy qua và có lợi thế về phát triển du lịch. “Chúng ta phải nghiên cứu để phát huy lợi thế, cũng chính là cơ hội. Muốn biến cơ hội thành hiện thực cũng chính là do con người chúng ta” - Thủ tướng nói và nhìn nhận, thời gian qua, tỉnh đã phát triển toàn diện kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng khá cao, quan tâm đến hạ tầng, văn hóa, giáo dục, nhất là xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.

Thủ tướng nhấn mạnh: Phú Thọ cần nỗ lực nhiều hơn nữa khi mà dư địa phát triển còn rất lớn như gần thị trường Hà Nội, có tài nguyên, có nguồn nhân lực. Theo người đứng đầu Chính phủ, đây chính là “thiên thời, địa lợi” để Phú Thọ phát triển.

Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) Đỗ Cảnh Dương phát biểu tại buổi làm việc chiều 04/12

“Phú Thọ cần tập trung quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo với tinh thần là phải triển khai sớm các nhiệm vụ, sáng tạo, chỉ đạo phải quyết liệt, có nhiều mô hình mới, và một số mặt phải có chuyển biến rõ ràng. Ví dụ vấn đề môi trường, Phú Thọ có thể tuyên bố không còn tình trạng ô nhiễm môi trường vào năm 2017 hay không? Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể…” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Phú Thọ phải làm sao để có thể tăng 2 lần số doanh nghiệp vào năm 2020, tức là phấn đấu có trên 8.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại Phú Thọ, từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng lưu ý, Phú Thọ phải nỗ lực đi đầu về xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao… Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cần quan tâm phát triển doanh nghiệp và đặc biệt quan tâm đến du lịch với chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể. Đầu tư nguồn lực cho du lịch phải rõ hơn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) Lê Thanh Khuyến phát biểu tại buổi làm việc chiều 04/12

Cùng với đó, một trong những việc tỉnh cần thực hiện là xã hội hóa mạnh mẽ để thu hút nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng. Thủ tướng nhắc lại việc thăm Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ vào sáng cùng ngày và đánh giá cao mô hình xã hội hóa của Bệnh viện này, đã thu hút 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển Bệnh viện…

Với những lợi thế về giao thông, Thủ tướng gợi ý, cần xây dựng TP. Việt Trì trở thành trung tâm logistics trong vùng. Thủ tướng cũng ủng hộ đề xuất của tỉnh Phú Thọ về việc xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về cội nguồn; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ…

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã phát biểu đóng góp với tỉnh Phú Thọ về những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như: Quản lý đất đai, quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phải cương quyết với các nhà máy gây ô nhiễm

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã phát biểu đóng góp với tỉnh Phú Thọ về những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như: Quản lý đất đai, quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng ý và đánh giá cao báo cáo của tỉnh trong việc nhận thức, đánh giá về cơ hội phát triển cũng như những thách thức cần vượt qua.

Bộ trưởng cho rằng, trong quy hoạch vùng Thủ đô, Phú Thọ xác định tập trung vào du lịch sinh thái, văn hóa và di sản vì vậy trong chủ trương chung, lãnh đạo tỉnh cần trú trọng đến việc bảo vệ môi trường. “Tôi biết lãnh đạo tỉnh Phú Thọ qua các thời kỳ đều rất quan tâm nhưng  tôi vẫn cho rằng một trong bốn đột phá của tỉnh thì rất cần có đột phá về bảo vệ môi trường” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bên cạnh đó, về định hướng phát triển chung của tỉnh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Phú Thọ với vị trí là tỉnh có vị trí tiếp giáp giao lưu với Thủ đô, với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô tiếp giáp với các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời là nơi có lợi thế về tâm linh, lợi thế về lịch sử… Phú Thọ còn là nơi có lợi thế phát triển rất lớn.

“Phú Thọ có tất cả các tiềm năng phát triển tử trên bộ, dưới thủy và cả giao thông đường sắt… vì vậy, Phú Thọ cần rà soát ngay quy hoạch phát triển của tỉnh để phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô để trên cơ sở đó, tận dụng các tiềm năng, thế mạnh để phát triển…” - Bộ trưởng nói.

Với đề án xây dựng TP Việt Trì trở thành thành phố lễ hội - di sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là đề án quy hoạch để phát triển một thành phố bền vững của tỉnh Phú Thọ dựa trên các yếu tố, di sản, văn hóa và sinh thái.

Trong tương lai, để TP Việt Trì phát triển, theo Bộ trưởng, bên cạnh không gian văn hóa, không gian di sản thì các sản phẩm của Việt Trì bao gồm các sản vật nông nghiệp, các sản phẩm làng nghề…  cần được phát huy để tận dụng toàn bộ thế mạnh tiềm năng của thành phố di sản.

Liên quan đến các đề xuất của tỉnh Phú Thọ, đối với vấn đề quản lý đất đai, việc điều chỉnh đất nông lâm trường Bộ trưởng đồng tình với tỉnh về việc phải tính toán về việc sử dụng đất đai một cách hiệu quả của các công ty, các nông lâm trường. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát quỹ đất này, để Phú Thọ phát triển tôi cho rằng việc tính toán lại quy hoạch trong đó có quỹ đất là rất cần thiết nên Bộ TN&MT hoàn toàn ủng hộ và đồng tình với tỉnh về vấn đề này”.

Về vấn đề môi trường, qua diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng cho biết Phú Thọ có 4 vấn đề “nóng” về môi trường. Đó là tình trạng ô nhiễm ở các nhà máy công nghiệp cũ như: Khu vực Nhà máy Hóa chất Việt Trì, Khu vực Nhà máy Giấy Việt Trì, Khu dệt nhuộm Việt Trì và khu vực xử lý chất thải nguy hại…

“Bộ TN&MT hoàn toàn đồng tình với chủ trương của tỉnh về việc Phú Thọ cần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng thông qua Chỉ thị 25/2016/CT-TTg. Đó là việc phải có biện pháp giám sát xử lý chất thải của các công ty, các nhà máy, còn nếu các doanh nghiệp không thực hiện tốt việc xử lý nước thải thì phải kiên quyết xử lý, nếu cần thì tạm dừng đến khi khắc phục xong, đáp ứng yêu cầu thì mới cho vận hành tiếp…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cương quyết.

 Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, làm việc tại tỉnh Phú Thọ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Chiều 29-3, tại Hội nghị Tỉnh ủy Bình Thuận mở rộng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.

Tin mới