Thứ ba, 23/04/2024 16:11 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/7/2019

MTĐT -  Thứ tư, 10/07/2019 08:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/7/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/7/2019 trong nước và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Nội vụ Lào

Chiều 9/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đồng chí Khammanh Sounvileuth, Bộ trưởng Nội vụ Lào đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng đồng chí Khammanh Sounvileuth cùng Đoàn đại biểu Bộ Nội vụ Lào sang thăm làm việc tại Việt Nam; nêu rõ, hai nước Việt Nam và Lào luôn có tình cảm anh em gắn bó thân thiết, phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt, hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng về kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai Bộ Nội vụ đạt được qua chuyến thăm này.

Bộ trưởng Nội vụ Lào Khammanh Sounvileuth cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp; cho biết trong chuyến thăm này, Đoàn Bộ Nội vụ Lào học tập, trao đổi kinh nghiệm của Việt Nam về tổ chức bộ máy nhà nước, tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương… Đoàn cũng có dịp được làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam nhằm trao đổi những vấn đề liên quan. Đồng chí mong muốn hai Bộ Nội vụ tiếp tục tăng cường hợp tác mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa, đóng góp thiết thực vào quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lào Khammanh Sounvileuth. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nhất trí với các ý kiến của Bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hợp tác hai Bộ đang tiến triển hết sức tốt đẹp trên lĩnh vực tôn giáo, hành chính nhà nước, công vụ…, là những lĩnh vực quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai nước. Bộ Nội vụ Việt Nam có năng lực đào tạo với hệ thống trường lớp của Học viện Hành chính Quốc gia, hệ thống lưu trữ quốc gia, do đó Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với phía Lào trong các lĩnh vực này. Thủ tướng mong hai bên tăng cường hợp tác, trao đổi các vấn đề về chính sách, bộ máy, con người để tìm ra hướng đi tốt nhất trong thực thi nhiệm vụ. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ và hỗ trợ việc này.

Ngoài ra, trong khả năng có thể, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu thêm khả năng hỗ trợ một số cơ sở vật chất cho phía Lào, kể cả cấp Trung ương và địa phương. Việt Nam cũng sẵn sàng cử các chuyên gia giỏi sang giúp Lào trong lĩnh vực nội vụ.

Thủ tướng tin tưởng hai Bộ Nội vụ sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ, đạt hiệu quả thiết thực, là hình mẫu tiêu biểu, mẫu mực trong tổng thể quan hệ hai nước. Không chỉ là tăng cường hợp tác, trao đổi đoàn các cấp, Thủ tướng đề nghị hai Bộ cần giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là lớp trẻ nhận thức rõ về mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt, gắn bó keo sơn giữa giữa hai nước.

Qua Bộ trưởng Nội vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi thân thiết nhất tới Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào.

Phiên họp thứ ba Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020

Chiều 9/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 (UBQG), đã chủ trì Phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020.

Tham dự Phiên họp có các đồng chí: Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020; cùng các thành viên Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Trưởng các Tiểu ban và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020, đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy năm tháng Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Quốc gia có nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc rà soát, đánh giá toàn diện các đầu việc cần triển khai từ Phiên họp lần thứ hai của Ủy ban (tháng 3/2019), đồng thời thảo luận và định hướng nhiều nội dung, công việc cần triển khai thời gian tới.

Dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, các Tiểu ban đã báo cáo và thảo luận cụ thể việc xây dựng và triển khai các Đề án chi tiết về nội dung, lễ tân, tuyên truyền-văn hóa, vật chất-hậu cần, an ninh-y tế; xây dựng lịch, địa điểm, kế hoạch tổ chức và điều hành các hội nghị, hoạt động lớn trong năm Chủ tịch ASEAN 2020; đề xuất nội hàm cho các sáng kiến cụ thể trên cơ sở định hướng, trọng tâm ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2020; cho ý kiến về đề cử logo chính cho năm Chủ tịch ASEAN 2020; thiết kế bộ nhận diện và xây dựng trang thông tin điện tử của năm Chủ tịch ASEAN 2020; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về năm Chủ tịch ASEAN 2020 và đất nước con người Việt Nam.

Kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, đánh giá cao nỗ lực triển khai công việc của các thành viên, các Tiểu ban và các bộ, ngành thời gian qua; lưu ý cần tiếp tục khẩn trương triển khai các nhiệm vụ thời gian tới, đặc biệt là tham vấn, vận động các nước về chủ đề, trọng tâm ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2020, thời gian dự kiến tổ chức các hội nghị lớn trong năm 2020, nhất là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Cấp cao với các Đối tác.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhất trí với các đề xuất về phương hướng triển khai công việc từ nay tới Phiên họp thứ tư của Ủy ban (dự kiến trong tháng 9/2019); thông qua lịch tổ chức một số hoạt động chính của năm Chủ tịch ASEAN 2020; đồng ý với đề cử mẫu logo chính thức cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Tiểu ban Tuyên truyền-Văn hóa, và yêu cầu sớm xây dựng bộ nhận diện để giới thiệu tới các nước nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 52 và các Hội nghị liên quan (Thái Lan, tháng 8/2019).

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cũng yêu cầu các Tiểu ban, bộ, ngành sớm hoàn thiện các Đề án chi tiết, kế hoạch triển khai, và dự toán ngân sách cho các hoạt động trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 đúng quy định và tiến độ.

Truy tố 8 bị can vụ gian lận điểm thi tại Sơn La

Viện KSND tỉnh Sơn La vừa hoàn tất cáo trạng, truy tố 8 bị can trong vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018. 8 bị can này bị truy tố với tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị can Trần Xuân Yến bị khởi tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

8 bị can bị khởi tố gồm: Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La; Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu; Cầm Thị Bun Sọn, Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Sơn La; Lò Văn Huynh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La; Nguyễn Thanh Nhàn, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La; Đỗ Khắc Hưng, nguyên trung tá và Đinh Hải Sơn, nguyên thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La.

Theo cáo trạng, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, 8 bị can trên đã nhận thông tin của các thí sinh như: Họ tên, số báo danh, số phòng thi, mã đề thi, môn thi và điểm thi các môn cần đạt được... của 44 thí sinh để nâng điểm.

Quá trình điều tra, Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy đã khai nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh với số tiền lên đến hàng tỉ đồng nhưng phụ huynh lại không thừa nhận được thỏa thuận và đưa tiền cho 4 bị can này.

Theo lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La, toàn bộ hồ sơ vụ án đã được chuyển sang Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La và đang chờ lịch xét xử của tòa.

Hà Nội: Mở rộng hoạt động thanh tra ATTP đến 30 quận huyện

Đơn vị thanh tra sẽ kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, nhà hàng, các cơ sở sản xuất - kinh doanh nước đóng chai, nước đá dùng liền...

Bắt đầu từ 10/7, Hà Nội sẽ triển khai và mở rộng việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành An toàn thực phẩm (ATTP) đến tất cả 30 các quận, huyện và thị xã nhằm thực hiện Quyết định số 47/2018 /QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP.

Nhiều địa phương tại Hà Nội đã ban hành các Kế hoạch để chuẩn bị cho các hoạt động kiểm tra. Tiêu biểu trong số đó là quận Đống Đa, thị xã Sơn Tây...

Tại quận Đống Đa, để chuẩn bị cho việc thí điểm, UBND quận đã ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND, nêu rõ từ 10/7 đến 30/12/2019, thanh tra chuyên ngành ATTP quận Đống Đa sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn quận theo phân cấp.

Trong đó, ngành y tế sẽ thanh tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, căng tin, nhà hàng, cửa hàng ăn uống, chế biến suất ăn, thức ăn đường phố; thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền; thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, cung cấp vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm…

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau củ quả, thịt, thủy hải sản, kinh doanh thuốc sử dụng trong chăn nuôi. Thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho bãi bảo quản thịt tươi sống và các sản phẩm từ thịt. Thanh tra các điểm kinh doanh thuốc thú y, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp...

Tại huyện Thường Tín, trong Kế hoạch số 175/KH-UBND vừa được UBND huyện ban hành nhấn mạnh đến việc phải tiến hành thanh tra chuyên ngành ATTP và xử phạt vi phạm song đồng thời cũng phải tổ chức kiểm tra giám sát việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại UBND các xã, thị trấn; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá sau thời gian triển khai.

Tại thị xã Sơn Tây, UBND thị xã đã ban hành Kế hoạch số 305/KH-UBND về việc triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP năm 2019, trong đó nhấn mạnh từ ngày 10-7 đến 31-12-2019, cơ quan chức năng thị xã sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, cung cấp thực phẩm.

Để làm tốt công tác thanh tra ATTP, UBND thị xã Sơn Tây yêu cầu các cơ quan chức năng trực thuộc trong công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hoạt động thanh tra phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định, tránh chồng chéo trong quá trình thanh tra.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/7/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới