Thứ năm, 28/03/2024 16:15 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/1/2020

MTĐT -  Thứ tư, 01/01/2020 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/1/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/1/2020.

Bế mạc Lễ hội Ném còn ba nước Việt - Lào - Trung và đón chào năm mới

Đêm 31/12, Lễ bế mạc Lễ hội Ném còn giữa các huyện biên giới của ba nước Việt - Lào - Trung lần thứ VI năm 2019 và chào đón năm mới 2020 đã được tổ chức tại huyện Mường Tè (Lai Châu).

Chủ tịch UBND huyện Mường Tè Mai Văn Thạch khẳng định, Lễ hội Ném còn giữa các huyện biên giới của ba nước Việt - Lào - Trung lần thứ VI năm 2019 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Lễ hội tổ chức thường niên hai năm một lần, đây là sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa lớn nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác, đối ngoại giữa các huyện giáp biên giới; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa Đảng, chính quyền, nhân dân khu vực biên giới Việt Nam, Lào, Trung Quốc.

Lễ hội là dịp quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Lai Châu, nét văn hóa truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc huyện huyện Mường Tè tới bạn bè quốc tế, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó, hữu nghị giữa Nhân dân các huyện của ba nước; thể hiện tinh thần hữu nghị. Thông qua lễ hội, các vận động viên, nghệ nhân các dân tộc được giao lưu, học hỏi, trao đổi gửi gắm những nét đẹp đặc sắc về văn hóa, con người dân tộc mình với bạn bè các nước.

Ông Mai Văn Thạch – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) trao biểu tượng đăng cai cho đơn vị huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Lễ hội Ném còn ba nước Việt - Lào - Trung lần thứ VII năm 2021.

Ông Hoàng Kiến Phúc, Trưởng Ban công tác Mặt trận thống nhất huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho biết: Đoàn Đại biểu huyện Giang Thành rất vui mừng khi lần đầu tiên đến Mường Tè tham dự Lễ hội. Ấn tượng đối với thành viên trong Đoàn là công tác chuẩn bị của chủ nhà rất chu đáo, đón tiếp trọng thị, thân tình, nhân dân mến khách. Lễ hội đã thể hiện rõ nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc của các địa phương tham dự thông qua gian hàng Hội chợ, chương trình nghệ thuật khai mạc, liên hoan nghệ thuật và trình diễn trang phục, lễ hội đường phố... Đây thực sự là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc và sự hợp tác thương mại của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc.

Lễ hội có sự tham gia của hơn 700 đại biểu, diễn viên, vận động viên và các doanh nghiệp của các đoàn của ba nước: Huyện Mường Tè (Lai Châu) và thành phố Điện Biên, huyện Mường Nhé (Điện Biên) thuộc Việt Nam; huyện Nhọt U, tỉnh Phông Sa Lỳ (Lào); huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); thu hút trên 20.000 nhân dân và du khách các nơi đến vui hội.

Trong thời gian tổ chức Lễ hội, diễn viên của các đoàn đã biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Vận động viên của các đoàn với tinh thần giao lưu học hỏi đã thi đấu hết mình trong 5 môn thể thao: ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ và tù Lu. Ban Tổ chức trao giải Nhất toàn đoàn thuộc về Đoàn vận động viên huyện Mường Tè, giải Nhì thuộc về Đoàn vận động viên thành phố Điện Biên, giải Ba thuộc về Đoàn tỉnh Phông Sa Lỳ và 27 giải cá nhân.

Tiếp nối thành công của Lễ hội năm 2019, thay mặt lãnh đạo Huyện Mường Tè, ông Mai Văn Thạch đã trao cờ đăng cai cho đơn vị huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Lễ hội Ném còn giữa các huyện biên giới của ba nước Việt - Lào - Trung lần thứ VII năm 2021.

Trong chương trình của lễ bế mạc, huyện Mường Tè đã tổ chức hơn 100 mâm cơm chung vui đại đoàn kết giữa các dân tộc và đại biểu nước bạn, Liên hoan văn nghệ và bắn pháo hoa kéo dài 15 phút đón năm mới 2020. Bà con đồng bào các dân tộc vui tươi, phấn khởi, nô nức đón chào năm mới, cùng chúc nhau mạnh khẻo, hạnh phúc và an khang thịnh vượng.

Thành phố Lai Châu đạt chuẩn nông thôn mới

Sáng 31/12, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ công bố thành phố Lai Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Lai Châu về đích xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải khẳng định, sau gần 10 năm thành phố Lai Châu xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân các vùng nông thôn trong tỉnh đã được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt trên 16 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,74% năm 2011 xuống còn 20,12% năm 2019. Toàn tỉnh đã có 36/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới và bình quân đạt 14,8 tiêu chí/xã.Việc thành phố Lai Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là bàn đạp để các địa phương khác trong tỉnh phấn đấu trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đời sống người dân vùng nông thôn được nâng lên bền vững, thành phố cần có kế hoạch cụ thể trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư tỉnh ủy Lai Châu, bà Giàng Páo Mỷ trao tặng Huân chương lao động hạng Ba cho Đảng bộ và chính quyền, cán bộ nhân dân các dân tộc thành phố Lai Châu. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Vận dụng sáng tạo các hình thức huy động vốn để tập trung vào các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, môi trường, thủy lợi, giao thông, văn hóa, du lịch; trong đó, phát huy sức mạnh của động đồng thôn bản để thực hiện hiệu quả đề án xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Lai Châu từ năm 2011, tại hai xã là San Thàng và Nậm Loỏng. Sau gần 10 năm, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là nhân dân các dân tộc hai xã, hệ thống chính trị cơ sở, kết cấu kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển nhanh.

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, tái cơ cấu nông nghiệp đi đúng hướng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả,các sẩn phẩm nông nghiệp không ngừng được nâng cao chất lượng, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở... đã tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn thành phố.

Cụ thể, đến nay hai xã nông thôn của thành phố Lai Châu đã nâng cấp, trải nhựa áp phan cứng hóa được gần 40km đường trục xã, liên xã; bê tông hóa gần 34km đường trục bản, liên bản và giao thông nội đồng; xây dựng kiên cố trên 26km kênh mương. Trên địa bàn hai xã đã thành lập 8 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong linh vực sản xuất nông nghiệp.

Nhiều mô hình, dự án nông nghiệp được triển khai, mở rộng diện tích sản xuất tăng vụ, tăng hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân. Đến thời điểm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2018, địa phương đã đào tạo nghề cho gần 1.400 học viên, số lao động có việc làm thường xuyên tại hai xã lên hơn 4.500 người; nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 32,8 triệu/người/năm, tăng 23,8 triệu so với năm 2011, giảm số hộ nghèo xuống còn 43/1.759 hộ...

Ghi nhận kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của thành phố, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Pao Mỷ đã trao Bằng công nhận thành phố Lai Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018 và Huân chương lao động hạng Ba cho Đảng bộ, cán bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Lai Châu. UBND tỉnh Lai Châu đã trao cờ thi đua và 20 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đại hội thi đua yêu nước các cấp: Tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; năm tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nhiều sự kiện chính trị trọng đại khác. Để tạo không khí thi đua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Theo kế hoạch, Đại hội thi đua yêu nước các cấp, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X được tổ chức từ quý I đến quý III-2020. Cụ thể, cấp cơ sở tổ chức “Hội nghị Điển hình tiên tiến”; “Hội nghị Biểu dương gương người tốt, việc tốt”; “Hội nghị Biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo” hoặc “Đại hội thi đua yêu nước” vào quý I-2020. Cấp trên cơ sở tổ chức “Đại hội thi đua yêu nước” hoặc “Hội nghị Điển hình tiên tiến” vào quý II-2020. Cấp tỉnh tổ chức “Đại hội thi đua yêu nước” vào quý III-2020. Đại hội tập trung biểu dương thành tích các phong trào thi đua yêu nước và tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các ngành, các cấp, các lĩnh vực, vùng... Đồng thời, khẳng định các bài học kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, về xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đạt được hiệu quả cao trong thời gian tới.

Tạo sự lan tỏa của phòng trào thi đua yêu nước, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu, từ nay đến Đại hội thi đua yêu nước các cấp, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, các ngành, các cấp, địa phương cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về thi đua, khen thưởng, những điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước; tổ chức các hoạt động tôn vinh điển hình tiên tiến gắn với các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước trong năm 2020. Đồng thời, phát động các đợt thi đua đặc biệt, sôi nổi, sâu rộng, thiết thực, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, giảm thiểu tai nạn giao thông, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng bộ máy vững mạnh.

Tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trọng tâm: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua. Chú trọng việc phát hiện các điển hình và nhân tố mới thực sự tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, được quần chúng, tập thể suy tôn để biểu dương, tôn vinh kịp thời và đề nghị các hình thức khen thưởng phù hợp, xứng đáng, đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng, nhân rộng để các điển hình tiêu biểu được lan tỏa trong cuộc sống.

Các cơ quan thông tin truyền thông tập trung tuyên truyền về Đại hội thi đua, biểu dương ghi nhận những thành quả của phong trào thi đua yêu nước trên tất cả những lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước; mở rộng nhiều hình thức tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới, gương người tốt - việc tốt, tạo không khí sôi nổi, chào mừng các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2019 và 2020, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước, trên cơ sở nội dung kế hoạch, các cơ quan tổ chức phát động phong trào thi đua tới toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị. Qua đó, cùng chung tay, chung sức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong năm 2020, góp phần thực hiện tốt “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Biểu dương người có uy tín trong đồng bào DTTS

UBND tỉnh Gia Lai vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Biểu dương các cá nhân tiêu biểu tại hội nghị.

Tỉnh Gia Lai hiện có 1.857 trường hợp người có uy tín sinh sống tại 1.016 làng trên địa bàn. Trong 10 năm qua, đội ngũ người có uy tín đã góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng và vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, vận động, tuyên truyền nhân dân đoàn kết đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động… Ghi nhận những đóng góp của người có uy tín, tại hội nghị, 34 tập thể và 40 cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai biểu dương và tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong các phong trào ở cơ sở.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 1/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới