Thứ sáu, 29/03/2024 02:27 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/3/2019

MTĐT -  Thứ ba, 12/03/2019 10:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/3/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/3/2019 trong nước và thế giới.

Thế giới tổn thất gần 20.000 tỷ USD do hệ sinh thái biến mất

Báo cáo của Liên Hợp Quốc tính toán thế giới mất từ 4.000-20.000 tỷ USD do hệ sinh thái biến mất trong giai đoạn 1995-2011, các tổn thất do ô nhiễm lên tới 4.600 tỷ USD mỗi năm.

Hơn 4.700 lãnh đạo, bộ trưởng, các quan chức  Liên Hợp Quốc và đại diện các tổ chức dân sự đã có mặt tại Nairobi, thủ đô Kenya, để dự Hội nghị về Môi trường của LHQ lần thứ 4 (UNEP).

Đây là cuộc gặp lớn nhất trong lịch sử của Hội đồng LHQ về Môi trường (UNEA). Số lượng đại biểu dự UNEP lần này đông gấp đôi so với cuộc gặp lần trước vào tháng 12/2017.

Ô nhiễm môi trường gây tổn thất 4.600 tỷ USD/năm

Báo cáo của UNEA cho cuộc gặp lần này tính toán thế giới mất từ 4.000-20.000 tỷ USD do hệ sinh thái bị biến mất trong giai đoạn 1995-2011. Báo cáo cũng chỉ ra các cách canh tác hiện tại gây áp lực lên môi trường, gây ra tổn thất khoảng 3.000 tỷ USD/năm trong khi các tổn thất do ô nhiễm lên tới 4.600 tỷ USD hàng năm.

“Hơn bao giờ hết, giờ là lúc cần hành đông”, Chủ tịch của Hội đồng LHQ về Môi trường lần này, Bộ trưởng Môi trường Estonia Siim Kiisler, nói. “Chúng ta có thể xây dựng các xã hội bền vững, thịnh vượng và bao trùm hơn với cách thức sản xuất và tiêu thụ bền vững để đối phó với những thách thức môi trường và không để ai bị bỏ lại phía sau”.

“Chúng ta cần tạo điều kiện phù hợp để những điều này có thể xảy ra. Chúng ta cần hành động khác đi”, ông nói.

Hội đồng này cũng sẽ công bố kết quả nghiên cứu mới của LHQ, trong đó đưa ra đánh giá toàn diện nhất về môi trường toàn cầu. Báo cáo được sự đóng góp của 252 chuyên gia và nhà nghiên cứu từ hơn 70 quốc gia.

Trước lễ khai mạc, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm cho hơn 20 đại biểu dự hội nghị thiệt mạng trong chuyến bay từ Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, tới Nairobi, Kenya, hôm 10/3. 

UNEP lần 4 diễn ra từ 11-15/3 với chủ đề “Giải pháp sáng tạo cho các thách thức môi trường, tiêu thụ và sản xuất bền vững”. Các lãnh đạo sẽ đưa ra các quyết định giúp thúc đẩy các nền kinh tế vận hành theo hướng bền vững hơn.

Các lãnh đạo dự hội nghị lần này có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cũng như CEO của nhiều tập đoàn lớn.

Trước khi UNEP khai mạc sáng 11/3, các đại biểu dự hội nghị đã có nhiều phiên đàm phán tới đêm trong 5 ngày trước đó. Thông tin từ LHQ nói sẽ có những quyết định mạnh mẽ được đưa ra tại hội nghị lần này.

Thời gian còn rất ngắn

Các giải pháp được bàn tới bao gồm thúc đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp tiêu thụ, sản xuất bền vững; cam kết bảo vệ môi trường biển khỏi ô nhiễm nhựa, giảm lãng phí thực phẩm, các sáng tạo công nghệ mới giúp đối phó biển đổi khí hậu; giảm việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như sự biến mất của đa dạng sinh học.

UNEA hiện là tổ chức LHQ duy nhất ngoài Đại hội đồng LHQ mà có tất cả các thành viên LHQ tham gia - điều có thể giúp quyết định ở đây tác động tới chính sách môi trường toàn cầu. Các quyết định ở đây sẽ có tác động lớn tới các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chương trình 2030 cho phát triển bền vững, cũng như là chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ trong năm nay.

Trước hội nghị, Giám đốc điều hành của chương trình LHQ về môi trường, Joyce Msuya, kêu gọi các nước nỗ lực và hành động để có những thay đổi thực sự.

“Thời gian còn rất ngắn. Chúng ta đã qua giai đoạn của hứa hẹn và cam kết chính trị. Chúng ta đã qua giai đoạn của cam kết mà rất ít trách nhiệm. Những gì sẽ bị ảnh hưởng chính là mạng sống, xã hội và phần lớn những gì chúng ta biết và đang được hưởng hôm nay”, bà Msuya viết.

500 giáo viên mất việc: Họp khẩn tìm giải pháp, kỷ luật Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk

Ngày 11/3, ông Phan Xuân Lĩnh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk – cho biết, liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011 - 2015, hiện là Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk). Riêng ông Y Suôn Byă - Chủ tịch huyện Krông Pắk, Tỉnh ủy Đắk Lắk đang tiến hành kiểm tra, làm rõ các sai phạm.

Trưa cùng ngày 11/3, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), cho biết UBND tỉnh và các ngành chức năng hiện vẫn đang họp khẩn để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc hơn 500 giáo viên có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng.

Hàng trăm giáo viên có nguy cơ mất việc vì tuyển vượt yêu cầu trong tỉnh.

 "Hiện ngành chức năng đang họp để trao đổi, tìm giải pháp tốt nhất cho vấn đề trên. Cuộc họp đang diễn ra và chưa có kết quả cuối cùng" – bà Trinh cho biết thêm. 

Liên quan đến việc này, vừa qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đã có công văn gửi LĐLĐ tỉnh, Sở GD-ĐT tỉnh, Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đề nghị giải quyết vụ việc chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt giáo viên tại huyện Krông Pắk. 

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị các cơ quan liên quan sớm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời có giải pháp sắp xếp, bố trí việc làm cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các thầy giáo, cô giáo vào làm việc ở địa bàn trong tỉnh. 

Như đã đưa tin, ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) tổ chức họp giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác sử dụng biên chế, tuyển dụng hợp đồng lao động trong ngành giáo dục dẫn đến dư thừa hơn 500 giáo viên và thông báo chấm dứt hợp đồng 200 giáo viên không trong chỉ tiêu biên chế 2017.

Trước đó, huyện Krông Pắk đã hợp đồng ngoài chỉ tiêu (chỉ tiêu được UBND tỉnh giao) tới 526 giáo viên và nhân viên trường học. 

Thủ tướng trao 20 tỷ đồng từ đấu giá áo, bóng của đội U23 cho huyện nghèo

Sáng 11/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ trao 20 tỷ đồng thu được qua đấu giá quả bóng và áo đấu của đội tuyển U23 Việt Nam cho đại diện 20 huyện nghèo, khó khăn nhất cả nước.

Lãnh đạo Chính phủ hoan nghênh Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và một số đơn vị đã phối hợp tổ chức sự kiện có ý nghĩa; đánh giá cao các tập thể, cá nhân trong cả nước tích cực hưởng ứng cuộc đấu giá.

Ông bày tỏ xúc động trước thông tin có những em nhỏ ở Gia Lai đề xuất tham gia đấu giá bằng tiền tiết kiệm ăn sáng hay người nông dân ở Đắk Tô (Tân Cảnh, Kon Tum) không có tiền và muốn đổi bằng một ha cao su; một cán bộ nghỉ hưu ở Đồng Nai đề xuất đổi áo đấu và bóng bằng một lô đất.

Chúc mừng doanh nghiệp đấu giá thành công, Thủ tướng cho rằng, đây là nghĩa cử tốt đẹp bởi “cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần này cần được nhân rộng trong toàn xã hội. Số tiền 20 tỷ đồng có ý nghĩa thực sự đối với đối với 20 huyện nghèo, khó khăn nhất.

Thủ tướng trao giải 20 tỷ đồng từ đấu giá áo, bóng của đội U23 cho huyện nghèo.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo 20 huyện nghèo được tặng kinh phí từ đấu giá sử dụng để xây dựng 500 căn nhà (mỗi căn 40 triệu đồng) tặng người có công, người nghèo; bảo đảm công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, thể hiện rõ mục đích tốt đẹp của cuộc đấu giá này.

Thủ tướng cũng đề nghị các huyện vận động thêm nguồn lực và mong cả xã hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các đối tượng nghèo để "người nghèo không bị bỏ lại phía sau".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn bóng đá Việt Nam tiếp tục cống hiến, có bước phát triển mới, vững vàng hơn, tự tin hơn, quyết liệt và bản lĩnh hơn, chống tham nhũng tốt hơn trong bóng đá để xứng đáng với niềm tin yêu của người hâm mộ.

"Bóng đá Việt Nam không được để mất niềm tin. Bóng đá Việt Nam phải là một con hổ mới, một con rồng mới ở khu vực châu Á, khu vực Đông Nam Á. Một khát vọng lớn lao của dân tộc, của đất nước, và một tinh thần thi đấu hết mình của U23 cần được lan tỏa đến tất cả mọi lĩnh vực, đến toàn xã hội để Việt Nam sẽ là con rồng mới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Sẽ xét lại tốt nghiệp sau khi có kết quả vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình?

“Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cập nhật kết quả thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi, tiến hành rà soát xét lại tốt nghiệp”

Đó là chia sẻ của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) ngay sau khi có kết quả vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia tại Hòa Bình.

Cụ thể, ông Mai Văn Trinh cho biết, theo quy chế thi thì kết quả chấm thẩm định sẽ là kết quả chính thức của kỳ thi THPT quốc gia và tất nhiên sẽ thay thế cho kết quả đã công bố trước đây. Kết quả chấm thẩm định được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh và đại học, cao đẳng 2018.

Như vậy, sau khi có kết quả vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia tại Hòa Bình Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cập nhật kết quả thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi, tiến hành rà soát xét lại tốt nghiệp.

Đồng thời sẽ công bố kết quả đã được cập nhật đến các trường đại học, học viện, cao đẳng mà các thí sinh có trong danh sách thay đổi điểm thi đã nhập học.

Trước đó, Infonet đã đưa tin căn cứ kết quả điều tra, lời khai của bị can, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an tiến hành giám định 210 bài thi trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm. 

Kết luận giám định, xác định 140/210 bài thi của 56 thí sinh tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án, các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô ra. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh (có danh sách kèm theo) được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/ một môn thi. 

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/3/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.