Thứ ba, 16/04/2024 15:59 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/8/2019

MTĐT -  Thứ hai, 12/08/2019 10:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/8/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/8/2019 trong nước và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 90 năm Báo Lao động xuất bản số báo đầu tiên

Sáng 11/8, tại Hà Nội, Báo Lao Động long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (14/8/1929 – 14/8/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chúc mừng tập thể Ban Biên tập, phóng viên, biên tập viên Báo Lao động. Cùng dự còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tại buổi Lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng trao Huân chương Lao động Hạng Nhất tặng tập thể Báo Lao động và Huân chương Lao động Hạng Ba cho Tổng Biên tập Báo Lao động Nguyễn Ngọc Hiển vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giai đoạn 2014 - 2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Báo Lao động. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Sau hội nghị thành lập Tổng công hội đỏ Bắc kỳ ngày 28/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bắt tay ngay vào việc chuẩn bị ra báo Lao Động. Địa điểm làm báo là ngôi nhà nhỏ ở ngõ Thông Phong đầu phố Hàng Bột, ngày nay là phố Tôn Đức Thắng. Báo Lao Động thời ấy có hai người làm là Nguyễn Đức Cảnh và Trần Hồng Vận.

Suốt 90 năm chiều dài lịch sử, Báo Lao Động - Cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được ghi nhận là tờ báo số một trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; tiếng nói của công nhân, viên chức, người lao động Việt Nam.

Xuất bản số báo đầu tiên ngày 14/8/1929, Lao Động là một trong hai tờ báo có tuổi đời lâu nhất trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam - 90 năm. Báo Lao Động cũng là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên tại Việt Nam xuất bản báo điện tử vào ngày 19/5/1999.

Trong lịch sử 90 năm xây dựng và phát triển, Báo Lao Động đã có tiếng nói quan trọng, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phóng viên Báo Lao Động đã trực tiếp đi chiến trường, tham gia chiến đấu và đã có những phóng viên hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Các thế hệ phóng viên Báo Lao Động đã lăn lộn với người lao động, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, đấu tranh không ngừng nghỉ để bảo vệ người lao động, cùng tổ chức công đoàn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân.

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, nhiều năm qua, các hoạt động xã hội từ thiện cũng trở thành điểm nhấn đáng tự hào của Báo Lao Động. Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng, Chương trình Vinh Quang Việt Nam, Bảng xếp hạng Doanh nghiệp vì người lao động… là nỗ lực, tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên, người lao động tại Báo, góp phần định vị thương hiệu Lao Động trong lòng bạn đọc gần xa.

Trong thời đại 4.0, Báo Lao Động bản in hiện nay phát hành hàng ngày, Báo Lao Động điện tử có tới hàng triệu lượt truy cập mỗi ngày. Điều này đã chứng tỏ tầm vóc của tờ báo trong hệ thống chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước; đồng thời, là cầu nối hiệu quả giữa người lao động và người sử dụng lao động, tạo nên sự đồng thuận cao trong việc phát triển doanh nghiệp bền vững cũng như phát triển kinh tế đất nước.

Đánh giá các vấn đề trọng tâm về kinh tế - xã hội miền Trung và Tây Nguyên

Hội nghị Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên sẽ được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 12/8.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, hội nghị Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nhằm trao đổi, thảo luận, đánh giá các vấn đề trọng tâm về kinh tế - xã hội và đầu tư của 19 địa phương thuộc vùng trong thời gian qua. Từ đó, đề ra các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.

Miền Trung và Tây Nguyên gồm 19 tỉnh gồm: vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Miền Trung còn là “bệ đỡ, là cửa ngõ” ra biển của các tỉnh vùng Tây Nguyên kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn.

Bên cạnh đó, vùng Tây Nguyên có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện - điện mặt trời, nông lâm nghiệp (cây công nghiệp, cây ăn trái, chăn nuôi đại gia súc, rừng…), chế biến nông lâm sản, du lịch. Tây Nguyên có thể coi là “mái nhà của miền Trung”, có chức năng phòng hộ rất lớn, là hậu phương, là nguồn nước ngọt cho sự phát triển ổn định và bền vững của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên.

Thành phố biển Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Theo báo cáo đánh giá của Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông cho biết, dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 của các tỉnh trong vùng đạt và vượt kế hoạch đề ra: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,5%; các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, số lượng khách du lịch... tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, có 9/10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, riêng chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn dự kiến chỉ đạt 94,57% so với kế hoạch; môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các cấp ngành và địa phương quan tâm đến giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các tỉnh trong vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên vẫn còn một số những tồn tại và hạn chế như: động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ năm 2019 có dự án động lực quy mô lớn.

Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông-Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ.

Xuất khẩu của cả Vùng tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế vùng.

Không những thế, thu ngân sách còn chưa bền vững, mặc dù tăng cao nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ từ khoảng 22-25%. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư, các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây Nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh chưa được đầu tư mới, nâng cấp.

Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp (tỷ lệ qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23% ); nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động trong những năm tới do dịch chuyển dân số vùng và tỷ lệ già hóa dân số đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời trong thời gian tới ; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với cả nước.

Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2019, tại hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung vào thảo luận một số nội dung như: đánh giá tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 6 tháng đầu năm 2019 và ước thực hiện cả năm; dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020; đồng thời, tập trung vào thảo luận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực của ngành như: quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, vốn ODA, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp …

Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương vùng miền Trung năm 2019: Phấn đấu năm 2019 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn các địa phương (GRDP) toàn vùng đạt 8,5%, cụ thể là: Thanh Hóa 20%, Nghệ An 9%, Hà Tĩnh 12%, Quảng bình 7-8%, Quảng Trị 8% và Thừa Thiên – Huế 7,5%, Tp. Đà Nẵng 8%, Quảng Nam 7,5%, Quảng Ngãi 7%, Bình Định 7-7,2%, Phú Yên 8,3%, Khánh Hòa 6,8%, Ninh Thuận 11%, Bình Thuận 7,5%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt: 13,3 tỷ USD, tăng khoảng 15% so năm 2018; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 350 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với 2018, bằng khoảng 34,3% GRDP; thu ngân sách vùng 173 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so dự toán năm 2018…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn

Tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với 15 Bộ trưởng, trưởng ngành về các nội dung liên quan đến thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ ngày 12 - 16/8, Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp và cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về những nội dung sau:

Thứ nhất, về công tác xây dựng pháp luật: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 5 dự án Luật, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

Thứ hai, về công tác giám sát: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”; cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014- 2018”; xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018

Cũng trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về các nội dung liên quan đến thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Công an; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Công Thương; Giao thông vận tải; Ủy ban Dân tộc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước.

Theo dự kiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp vào ngày 15/8/2019.

Thứ ba, về các vấn đề kinh tế - xã hội: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình;

Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Hàng chục nghìn người tham dự Đại lễ Vu Lan báo hiếu Cát Bà

Tối qua, hàng chục nghìn người dân và du khách đã tham dự Đại lễ Vu Lan báo hiếu và đêm hội hoa đăng, được tổ chức tại thị trấn Cát Bà, huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng.

Tháng 7 âm lịch hàng năm là mùa Vu Lan báo hiếu của tất cả những người con dành cho đấng sinh thành và dưỡng dục.

Đại lễ Vu Lan báo hiếu Cát Bà được tổ chức 5 năm liên tiếp, nhằm gợi nhắc mọi người dân và du khách về lòng hiếu kính, về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhiều nghi thức thiêng liêng đã diễn ra như: bông hồng cài áo, rửa chân cho cha mẹ, niệm Phật cầu gia hộ; đặc biệt là lễ thả hoa đăng trên biển được xếp thành hình bản đồ Việt Nam và tưởng vọng anh linh các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Pakistan: Lũ lụt và sét đánh khiến 49 người thiệt mạng
Tính tới ngày 16/4, các quan chức Pakistan cho biết sét và mưa dông lớn gây lũ lụt đã khiến ít nhất 49 người trên phạm vi toàn quốc thiệt mạng trong vòng 3 ngày qua, buộc chính quyền phía tây nam nước này ban bố tình trạng khẩn cấp.
Miền Đông Tây Ban Nha cháy rừng dữ dội
Ngày 15/4, giới chức Tây Ban Nha cho biết trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường, một trận cháy rừng đã thiêu trụi 500 ha đất tại miền Đông nước này và buộc 180 người phải sơ tán.
Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới