Thứ sáu, 29/03/2024 01:33 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/5/2019

MTĐT -  Thứ hai, 20/05/2019 08:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/5/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/5/2019 trong nước và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm chính thức LB Nga, Na Uy và Thụy Điển

Theo chương trình, sáng 20/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Liên bang Nga; Vương quốc Na Uy và Vương quốc Thụy Điển.

Các chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng Liên bang Nga Dmitri Medvedev, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven.

Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân Trần Nguyệt Thu có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh.

Cùng tham gia Đoàn công tác còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Tham gia Đoàn Cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm.

Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 20-23/5 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh năm 2019 và năm 2020, hai nước sẽ tổ chức Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam nhân dịp 25 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1950-2020). Chuyến thăm khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư.

Chuyến thăm chính thức Na Uy từ ngày 24 -26/5 lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm khẳng định lại mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Na Uy-Việt Nam theo hướng thực chất và hiệu quả hơn. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Na Uy kể từ năm 1999. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Na Uy sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021). 48 năm trước, Na Uy là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Chuyến thăm chính thức Thụy Điển từ ngày 26-28/5 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chương trình công tác đối ngoại lần này nhằm tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp đã được lãnh đạo Cấp cao và đông đảo người dân hai nước gây dựng và dày công vun đắp trong suốt 50 năm qua. Đáng chú ý, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm đầu tiên cấp Thủ tướng đến Thụy Điển sau 20 năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động Phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở

"Cần xóa bỏ văn hóa sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân...". Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương tại Lễ phát động phong trào “cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức sáng 19/5, tại Hà Nội.

Cùng dự lễ phát động có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn, cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.

Tại buổi lễ, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cùng với những thành quả phát triển kinh tế xã hội toàn diện, công cuộc chống tham nhũng ở nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, củng cố sâu sắc niềm tin nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chấp Hành TƯ Khóa XII, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Và chính những điều này đã góp phần vun đắp những nền tảng có tính chiến lược, củng cố mạnh mẽ hơn nữa tính hiệu lực, hiệu quả của phong trào thi đua, yêu nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao cờ thi đua của Chính phủ cho thành phố Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương đã lựa chọn nội dung văn hóa công sở làm chủ đề chính cho phong trào thi đua năm 2019. Thủ tướng cho rằng: Việc thực hiện văn hóa công sở tiến bộ, văn minh đồng nghĩa với việc hình thành phong cách ứng xử, tác phong làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.

Thời gian qua, đội ngũ công chức ngày càng chuyên nghiệp, phong cách giao tiếp ứng xử đã có tiến bộ rõ rệt. Nhưng Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện văn hóa công sở. Trong đó, ở một số nơi việc tiếp công dân chưa thường xuyên và chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới gây bức xúc trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu cán bộ công nhân viên không được bỏ việc, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân; thực hành làm hết giờ, hết việc, xóa bỏ văn hóa “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”.

Cần xóa bỏ ngay thứ văn hóa không nhúc nhích, văn hóa để nước đến chân với nhảy, đợi nhắc thì làm, không nhắc cũng làm nhưng chậm trễ khi xử lý các nhiệm vụ được giao. Văn hóa công sở phải gắn với gia đình và xã hội. Cán bộ công chức phải thực sự nêu gương trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Văn hóa công sở là đúng giờ, không đi muộn về sớm, không rời nhiệm sở trong giờ làm việc mà không có lý do chính đáng, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để cụ thể hóa những quan điểm trên, Thủ tướng đề nghị biến phong trào thành chiến lược xây dựng văn hóa công sở dựa trên 3 trụ cột. Trụ cột thứ nhất là cần xây dựng hệ giá trị chuẩn mực cho văn hóa công sở, bởi đây là yêu cầu mang tính tiền đề, văn hóa công sở không thể đong, đo, đếm được trực tiếp mà được hình thành từ ý thức từng người, tạo niềm tin, giá trị, động lực, cách ứng xử, làm việc của mỗi cá nhân.

Trụ cột thứ hai là kiến tạo môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả. Không thể có một công sở có văn hóa nếu môi trường làm việc thiếu chuẩn mực văn hóa, nội bộ tồn tại căng thẳng, soi xét lẫn nhau, nghi ngờ, bất hợp tác; mục tiêu làm việc chỉ chú trọng đến tiền lương thay vì giá trị công việc tạo ra và cống hiến.

Trụ cột thứ ba, đó là hình thành hình ảnh tác phong, cốt cách của người cán bộ công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực sáng tạo, vì người dân phục vụ.

Hướng đến 3 trụ cột trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ công chức về văn hóa công sở, đạo đức công vụ. Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu cơ quan đơn vị phải đi đầu, gương mẫu thực hiện văn hóa công sở. Thực hiện tốt phong trào cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện văn hóa công sở cũng chính là thực hiện lời dạy của Bác về “Cần- Kiệm-Liêm-Chính”.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Trong những năm qua, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04 về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. UBND Thành phố đã ban hành 2 bộ “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố".

Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm để phục vụ, trong thời gian qua tất cả hệ thống bộ máy chính trị của Thành phố Hà Nội đã quyết tâm tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức các cấp của thành phố tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng, lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội....

Kỳ vọng sau lễ phát động sẽ tạo sự thay đổi trong môi trường làm việc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, văn hóa công sở không thể áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính đơn thuần với những nội quy, quy định trong công sở. Văn hóa công sở phải được hội tụ, lan tỏa trong lãnh đạo của công sở đó. Văn hóa công sở là cả quá trình bền bỉ, kiên trì, trau dồi, vun đắp để mỗi cán bộ công chức ý thức đầy đủ và chủ động thực hiện.

Nhân dịp này các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong năm 2018 đã vinh dự đón nhận cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng nghìn người tham gia sự kiện "Đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày vì sức khỏe"

Chiều 19/5, hàng nghìn người đã tham gia sự kiện "Đi bộ 10 nghìn bước chân mỗi ngày vì sức khỏe" hưởng ứng chương trình "Đi bộ vì sức khỏe".

10.000 bước chân mỗi ngày - con số này được bắt nguồn từ chiếc máy Mapokei (có nghĩa là 10.000 bước chân), được quảng bá tại Olympic Tokyo Nhật Bản năm 1964. Xuất phát từ một chiến dịch marketing, tuy nhiên sau này trong nhiều nghiên cứu khoa học, các chuyên gia y tế cũng đã chỉ ra rằng, đây là một mục tiêu lý tưởng cho việc rèn luyện sức khỏe.

10.000 bước chân, tương đương với khoảng 8km, đây có thể là một mục tiêu rất khó khăn với không ít người, nhất là trong những ngày thời tiết nóng nực. Tuy nhiên, mỗi cá nhân có thể thực hiện mục tiêu này bằng nhiều cách, chẳng hạn như thay vì đi thang máy thì đi thang bộ, thay vì ngồi liên tục 8 tiếng trong văn phòng, hãy đi lại vận động giữa giờ.

Ngoài sự kiện đi bộ, chuỗi sự kiện "Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng" sẽ còn rất nhiều những sự kiện ý nghĩa khác như khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí, mổ mắt cho người già phẫu thuật dị tật bẩm sinh cho trẻ em.

Chỉ riêng trong ngày 19/5, sẽ có khoảng 100.000 người dân được khám sức khỏe tại sự kiện. Chương trình sẽ kéo dài từ nay cho đến hết tháng 6, với sự tham gia của 20.000 bác sĩ trẻ trên cả nước.

TP.HCM nghiêm trang cử hành đại lễ Phật đản Phật lịch 2.563

Ngày 19/5, tại Việt Nam Quốc Tự, hàng nghìn tăng ni, Phật tử cùng chức sắc giáo phẩm tại TP.HCM đã long trọng tổ chức đại lễ Phật đản Phật lịch 2.563, Dương lịch 2019.

Đại lễ Phật đản Phật lịch được tổ chức với tinh thần từ bi, trí tuệ, nhập thế theo phương châm Đạo pháp - Dân tộc - Xã hội chủ nghĩa. Các giáo phẩm, Phật tử đã cùng lắng nghe tuyên đọc thông điệp Phật đản của Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông điệp Phật đản Vesak 2019 của Tổng Thư ký LHQ và cử hành nghi lễ cúng dường đại lễ Phật đản Vesak Phật lịch 2.563.

Năm nay, đại lễ Phật Đản trùng với ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam vừa tổ chức thành công đại lễ Phật đản Vesak lần thứ 16. Chính vì vậy, thông điệp đề cao trí tuệ, xây dựng một xã hội hòa bình, không chiến tranh, không xung đột mà Đức phật khi đản sinh vào hơn 26 thế kỷ trước mang đến cho nhân loại càng thêm sâu sắc. Với bề dày lịch sử hơn 2.000 năm tại Việt Nam, Phật giáo Việt Nam với phương châm nhập thế đã luôn đồng hành với dân tộc, đất nước, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước cũng như bản sắc văn hóa Việt Nam.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 20/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.