Thứ năm, 25/04/2024 03:33 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/5/2019

MTĐT -  Thứ ba, 21/05/2019 08:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/5/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/5/2019 trong nước và thế giới.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Nghe báo cáo giải trình và thảo luận 2 dự án Luật

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 21/5, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đây là dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân nên nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của cử tri và nhân dân. Dự án Luật này đã được Quốc hội thảo luận tại 2 kỳ họp (kỳ họp thứ 5 và thứ 6); được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân một cách rộng rãi. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chuyên gia tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tổ chức vào tháng 4 năm 2019. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 10 chương, 119 điều, trong đó một số nội dung cơ bản đã được tiếp thu chỉnh lý, như về triết lý giáo dục; quy định hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở giáo dục; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; vấn đề đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục.

Quang cảnh phiên họp chiều 20/5. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sau khi nghe Báo cáo, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc và thảo luận về dự án Luật này.

Dự án Luật Kiến trúc đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tại phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 41 điều (tăng 4 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6), quy định về hoạt động kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Những nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý bao gồm: phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam; bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc và bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa; đối tượng quản lý kiến trúc; Quy chế quản lý kiến trúc; Hội đồng tư vấn về kiến trúc; thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc; chứng chỉ hành nghề kiến trúc; điều kiện năng lực của tổ chức hành nghề kiến trúc; mô hình Kiến trúc sư trưởng; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và xử lý tranh chấp trong hoạt động kiến trúc.

Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao thăm làm việc tại Lào

Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Lào từ ngày 19 đến 21-5, chiều 20-5, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Quốc Cường dẫn đầu hội đàm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Khamphao Ernthavanh và đoàn Ủy ban Liên lạc người Lào ở nước ngoài. Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào Nguyễn Thanh Tùng cùng dự.

Quang cảnh hội đàm giữa Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao Lào

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đánh giá, Bộ Ngoại giao hai nước có nhiều cơ chế đối thoại và hợp tác hiệu quả, trong đó, Biên bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban Liên lạc người Lào ở nước ngoài đã tạo cơ hội để hai bên tận dụng được thế mạnh của mình, cùng trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao hiệu quả công tác.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường mong muốn, hai Ủy ban tiếp tục trao đổi, phối hợp xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, trong đó chú trọng trao đổi kinh nghiệm về công tác kiều dân, tạo thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống ổn định trên lãnh thổ của nhau.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Lào Khamphao Ernthavanh đánh giá cao sự phối hợp, thường xuyên trao đổi về tình hình thế giới nổi bật hoặc những sự kiện liên quan đến người dân nước mình ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao hai nước nói chung, hai Ủy ban nói riêng; cho rằng, hai bên cần tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc tuyên truyền, trao đổi thông tin, vận động người dân nước mình ở nước ngoài hướng về tổ quốc, tham gia bảo vệ và phát triển đất nước.

Tại hội đàm, hai bên kiểm điểm lại kết quả thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban Liên lạc người Lào ở nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020; nhất trí phương hướng triển khai Biên bản ghi nhớ trong năm tiếp theo. Trong đó, cho rằng, các đơn vị chức năng của hai bên cần tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất sáng kiến thực hiện hiệu quả Biên bản ghi nhớ, góp phần hỗ trợ cộng đồng kiều dân hai nước ổn định cuộc sống, hội nhập sở tại và phát triển lớn mạnh, hướng về tổ quốc, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Trao đổi về tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Lào, phía Việt Nam đánh giá, cộng đồng người Việt Nam tại Lào cơ bản có cuộc sống ổn định, có nhiều đóng góp trong việc vun đắp, phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào. Tuy nhiên, một bộ phận trong cộng đồng người Việt Nam định cư, sinh sống, làm việc tại Lào vẫn gặp khó khăn về giấy tờ pháp lý, giấy tờ cư trú, giấy phép lao động...

Phía Việt Nam đề nghị Bộ Ngoại giao Lào thúc đẩy, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết, như Hiệp định về kiều dân (1-4-1993), Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập quốc tịch, cấp thẻ cư trú dài hạn cho người Việt Nam cư trú lâu năm tại Lào; giảm bớt mức thu lệ phí làm thủ tục đối với người Việt Nam hiện đang làm ăn ở Lào, để giúp người lao động Việt Nam làm ăn ổn định, hợp pháp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Lào.

Thí điểm tự chủ 4 bệnh viện

4 bệnh viện sẽ thí điểm cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm toàn diện là Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.

Nghị quyết vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Mục tiêu nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Một trong những nội dung quan trọng của cơ chế tự chủ là các bệnh viện này sẽ thành lập Hội đồng quản lý và cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc bệnh viện hoặc Tổng Giám đốc bệnh viện.

Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 596/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (viết tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU). Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác chống khai thác IUU, bên cạnh đó, chỉ đạo đôn đốc phối hợp với các bộ, ban ngành và địa phương triển khai, thực hiện chống khai thác bất hợp pháp.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 21/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành