Thứ sáu, 29/03/2024 20:24 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/1/2020

MTĐT -  Thứ tư, 22/01/2020 08:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/1/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/1/2020.

Thủ tướng dâng hương tưởng nhớ lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Nhân dịp Tết nguyên đán Canh Tý 2020, theo truyền thống của dân tộc, ngày 21/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dâng hương, tưởng nhớ các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Nhà nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương, tưởng nhớ Tổng Bí thư Lê Duẩn. Với 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục từ năm 1960 đến 1986 trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì khát vọng thống nhất đất nước, đồng thời là nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam với phương châm “cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể”.

Tới dâng hương Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Với 3 lần trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng vào năm 1941, từ năm 1951 đến 1956, nhất là từ tháng 7/1986, với tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã đề xuất Bộ Chính trị chủ trương đổi mới. Để từ đó, Đại hội VI của Đảng vào năm 1986 đã đi vào lịch sử, mở ra công cuộc đổi mới của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đất nước hơn 30 năm qua khẳng định tính đúng đắn của sự nghiệp đổi mới mà Tổng Bí thư Trường Chinh là người đề xuất và khởi xướng.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, tưởng nhớ Tổng Bí thư Đỗ Mười. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1988 đến năm 1991, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị xây dựng đường lối đổi mới, đưa ra những quyết sách mang tính bước ngoặt về chống lạm phát, xóa bỏ bao cấp. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1991 - 1997, đồng chí đã kiên định với con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và bình thường hóa quan hệ với các nước lớn.

Nhắc lại những kỷ niệm với Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nói đến sự day dứt của đồng chí về nguy cơ tụt hậu của đất nước, về sự tăng trưởng dưới tiềm năng và đất nước cần tận dụng được cơ hội để bứt phá.

Tới dâng hương đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1955 đến năm 1987, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đồng chí có một cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, là nhà ngoại giao tài năng có uy tín trên thế giới và nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh, đồng chí Phạm Văn Đồng không chỉ là người đứng đầu Chính phủ lâu năm nhất mà còn là một trí tuệ uyên bác, người hết sức chú trọng văn hóa và phát huy vai trò của văn hóa trong hoạt động cách mạng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người mà tên tuổi gắn liền với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm phổi lạ

Mới đây, Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới.

Tài liệu hướng dẫn này sẽ được áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Nội dung giám sát được chia làm 3 tình huống:

- Tình huống 1 là chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam. Yêu cầu của tình huống này là giám sát chặt chẽ, chẩn đoán nhanh và xử lý ổ dịch kịp thời.

Ảnh minh họa.

- Tình huống 2 là xuất hiện trường hợp bệnh tại Việt Nam. Yêu cầu của tình huống này là điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, theo dõi sức khỏe tất cả những người tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày.

- Tình huống 3 là dịch lây lan trong cộng đồng. Yêu cầu của tình huống này là thiết lập khu vực hạn chế, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu thành lập đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới.

Thủ tướng kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động

Chiều 21/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu và trực Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

Chiều nay (21/1), phát biểu khi tới kiểm tra công tác ứng trực, sẵn sàng chiến đấu bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân đón Tết của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Đảng, Nhà nước kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người dân, nhưng cũng cần bảo đảm pháp luật phải được thực thi nghiêm minh, bất kể ai vi phạm đều phải xử lý theo đúng quy định.

Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới kiểm tra và động viên các cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động trực thuộc Bộ Công an trong khi lực lượng này ứng trực để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân đón Tết. Là lực lượng cảnh sát được vũ trang để bảo vệ mục tiêu và cảnh sát đặc nhiệm, trong năm qua lực lượng này đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước và tham gia đấu tranh thành công 35 chuyên án liên quan đến các vụ án ma túy lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, buôn lậu, đường xăng dầu, khai thác cát trái phép và đánh bạc. Cùng với tinh gọn lại các đầu mối, trong năm qua Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có thêm đơn vị không quân công an và kỵ binh công an.

Thủ tướng kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động

Nói chuyện với các tướng lĩnh, sỹ quan và chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhớ, ghi nhận, đánh giá cao thành quả của lực lượng công an nhân dân và thành tích của lực lượng cảnh sát nhân dân, trong đó các cán bộ chiến sỹ cảnh sát cơ động. Thủ tướng nêu rõ, hiện nay tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia diễn biến phức tạp, là những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia các nước, trong đó có Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc để gia tăng hoạt động diễn biến hòa bình, kích động chống đối chính quyền, gây rối an ninh trật tự. Vì thế, lực lượng công an nhân dân, trước hết là lực lượng cảnh sát cơ động cần không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao khả năng nghiệp vụ, gắn bó hơn nữa với nhân dân để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, bảo vệ pháp luật, thực hiện đúng đắn trách nhiệm của người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, vì thế lực lượng công an nhân dân trong đó có cảnh sát cơ động trong bất kỳ tình huống nào cũng phải giữ vững chủ quyền quốc gia và sự ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để xây dựng phát triển đất nước.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị lực lượng cảnh sát cơ động cần thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và bảo vệ an ninh quốc gia. Mỗi cán bộ, chiến sỹ cảnh sát cơ động phải trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động trước mắt cần tập trung bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các sự kiện liên quan đến Hội nghị cấp cao ASEAN 2020 tổ chức tại Việt Nam, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công an quan tâm chăm lo đầy đủ đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong dịp Tết. Đồng thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, cán bộ chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác chiến đấu.

Tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) được Chính phủ đánh giá đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ xây dựng chính sách, pháp luật nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực mới cho tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ từng bước được rà soát, sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khoa học và công nghệ đã có sự gắn kết và song hành cùng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đang được tái cơ cấu để tránh trùng lắp và bám sát chu trình của hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ; đưa doanh nghiệp dần trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là nơi đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Các tập đoàn lớn ngày càng quan tâm, đầu tư có trọng tâm cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan một số thiết bị trưng bày tại lễ khai trương Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật. Ảnh: VGP 

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp hoạt động theo các mô hình kinh doanh tiên tiến, có khả năng tiếp cận nhanh chóng thị trường toàn cầu.

Chia sẻ thông tin về những phương hướng, nhiệm vụ mà ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ triển khai thời gian tới, ông Nguyễn Mai Dương, Chánh văn phòng Bộ KH&CN cho biết, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; năm tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 75 năm Quốc khánh, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 2020 cũng là năm Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Để góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Bộ KH&CN sẽ tập trung xây dựng và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Triển khai hiệu quả Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp. Tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Triển khai các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài có hàm lượng tri thức cao và tạo điều kiện phát huy tác động lan toả từ doanh nghiệp nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước.

Hai là, tiếp tục hoàn thành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện thể chế kinh tế vĩ mô; sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư, KH&CN để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Triển khai xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để trình Quốc hội vào năm 2021; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025.

Rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp nhằm trao quyền tự chủ, tự quyết định sử dụng Quỹ phát triển KH&CN cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ba là, tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, sẽ tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học; Quan tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường KH&CN, các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước. Thu hút, khai thác thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài.

Năm là, đề nghị các cấp các ngành, các địa phương quan tâm, chỉ đạo để đưa nhiệm vụ, giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn trực tiếp với nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng các cấp.

Sáu là, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số thành phần để đưa chỉ số Đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII (của WIPO) năm 2020 tiếp tục được cải thiện bền vững.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 22/1/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Hoài Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Chiều 29-3, tại Hội nghị Tỉnh ủy Bình Thuận mở rộng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.

Tin mới