Thứ sáu, 29/03/2024 13:52 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/12/2019

MTĐT -  Thứ hai, 23/12/2019 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/12/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/12/2019.

Kỷ niệm 60 năm Tổng thống Ấn Độ trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cây bồ đề

Chiều 22/12, tại chùa Trấn Quốc, quận Tây Hồ, Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cây bồ đề được trồng tại chùa Trấn Quốc (1959-2019).

Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhã - Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương, trụ trì Tổ đình Trấn Quốc cho biết: Cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, bang Bihar, Ấn Độ là nơi Đức Phật ngồi thiền thành đạo. Sự giác ngộ của Ngài đã đem đến cho nhân loại một thông điệp về hòa bình và con đường giải thoát khổ đau cho nhân sinh bằng phương pháp tu tập Giới-Định-Tuệ, tăng trưởng lòng từ bi và trí tuệ. Cây bồ đề là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật nên còn được gọi là “cây Giác Ngộ”. Cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo đã trở thành một trong những thánh tích quan trọng của Phật giáo cũng như của nhân loại, đồng thời là nơi mong muốn được trở về một lần trong đời của tăng, ni, phật tử trên thế giới và trở thành biểu tượng tâm linh gắn liền với Phật giáo.

Chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây. Ảnh minh họa: Trọng Đức/TTXVN

Cách đây đúng 60 năm, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad đã thân hành mang cây bồ đề được chiết tại cây bồ đề linh thiêng nơi Đức Phật thành đạo trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cây này đã được trồng tại chùa Trấn Quốc. Nhiều lãnh đạo cấp cao Ấn Độ khi có chuyến thăm chính thức Việt Nam, đều qua chùa Trấn Quốc để lễ Phật và chiêm bái cây bồ đề, biểu tượng của tình hữu nghị hai nước Việt Nam-Ấn Độ. Trong những năm qua, cây bồ đề luôn được chăm sóc chu đáo. Hiện nay, nhà chùa đã ươm trồng hơn 300 cây từ cây bồ đề này và được trồng ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, các nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia, các di tích lịch sử.

Hòa thượng Thích Thanh Nhã khẳng định, lễ kỷ niệm 60 năm Tổng thống Ấn Độ Rajenda Prasad trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cây bồ đề được trồng tại chùa Trấn Quốc nhằm tiếp tục thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước. Đây cũng là cơ hội giao lưu, quảng bá những giáo lý của Đức Phật vì hòa bình, thịnh vượng và sự hòa hợp trên toàn thế giới.

Bày tỏ vui mừng khi tham dự buổi lễ ý nghĩa này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma khẳng định, cây bồ đề tại chùa Trấn Quốc chính là một biểu tượng của sự kết nối văn hóa và văn minh lâu đời giữa Ấn Độ và Việt Nam. Theo Đại sứ Pranay Verma, sự ra đời của Phật giáo tại Việt Nam, truyền bá từ Ấn Độ gần 2.000 năm trước là sự kiện quan trọng, tạo ra sự kết nối văn minh giữa hai xã hội, tạo nên mối liên kết triết học và tinh thần tiếp tục củng cố tình hữu nghị giữa Ấn Độ và Việt Nam qua thời gian.

Bày tỏ vinh dự khi nhiều học giả Phật giáo từ Việt Nam đã chọn đến Ấn Độ để hành hương và nghiên cứu Phật giáo, Đại sứ Pranay Verma cho rằng, đây là những mỏ neo văn hóa trong mối quan hệ của hai nước, tạo nên mối liên kết mạnh mẽ trong việc phát triển và lan tỏa tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng Bộ Công an thăm căn cứ và tặng quà các gia đình chính sách ở Tây Ninh

Chiều 22/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đã có chuyến thăm, dâng hương tại khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, nằm ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và tặng nhà tình nghĩa, tặng quà cho các gia đình chính sách, lực lượng công an khó khăn trên địa bàn.

Sau lễ dâng hương tại Bảo tàng Công an nhân dân, Tượng đài đồng chí Phạm Hùng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), Nhà truyền thống an ninh vũ trang miền Nam và thăm khu phục chế nhà ở, làm việc của các đồng chí nguyên lãnh đạo tại khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Đại tướng Tô Lâm và đoàn công tác đã trao tặng 14 căn nhà tình nghĩa (mỗi căn trị giá 70 triệu đồng) và 25 phần quà (mỗi phần 10 triệu đồng) cho các gia đình chính sách, thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh và một số đồng chí công tác trong lực lượng cảnh sát trại giam có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Công an cũng tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm bà con có hoàn cảnh khó khăn tại 2 xã biên giới Tân Lập (huyện Tân Biên) và Tân Hà (huyện Tân Châu).

Đại tướng Tô Lâm, Bộ Trưởng Bộ Công an dâng hương tại Bảo tàng Công an nhân dân trong khu di tích lịch sử Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Phát biểu tại lễ trao quà và nhà tình nghĩa, Đại tướng Tô Lâm cho biết, trải qua các cuộc kháng chiến của đất nước, cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc ta có hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, có công với cách mạng, hàng trăm nghìn người bị bắt tù đày, bị tra tấn hoặc nhiễm chất độc hóa học, hàng vạn chiến sĩ đã bỏ lại một phần xương máu ở chiến trường và mang thương tật suốt đời. Thấm nhuần đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn" "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác "Đền ơn đáp nghĩa"; không ngừng hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các chính sách, tạo điều kiện để người có công và thân nhân của họ được hưởng các chế độ ưu đãi.

Đại tướng Tô Lâm khẳng định: "Toàn lực lượng Công an nhân dân luôn xác định công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là hoạt động thường xuyên, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ".

Theo Đại tướng Tô Lâm, từ năm 2012 đến nay, Bộ Công an đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.618 nhà tình nghĩa với kinh phí hơn 69 tỷ đồng từ Quỹ nghĩa tình đồng đội do cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an đóng góp và nguồn hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn quốc. Riêng trong 2 năm 2018-2019, Quỹ nghĩa tình đồng đội đã trợ cấp khó khăn cho hơn 7 nghìn trường hợp trị giá gần 40 tỷ đồng; trợ cấp cho 109 con liệt sĩ, con của người bị nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến hơn 1,3 tỷ đồng.

Công an các đơn vị, địa phương đã nhận phụng dưỡng hơn 300 Mẹ Việt Nam anh hùng; trợ cấp khó khăn và tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất, tinh thần để các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi đang cư trú.

Đại tướng Tô Lâm mong muốn lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tiếp tục quan tâm, ủng hộ các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước, nhớ nguồn, chăm lo hơn nữa cho các gia đình chính sách, thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; các hoạt động tương thân, tương ái, hướng về cơ sở của lực lượng Công an nhân dân, trong đó quan tâm, hỗ trợ các đồng chí cán bộ, chiến sĩ công tác trong lực lượng Công an nhân dân có hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn.

Từ năm 2020, chỉ được bán thuốc kháng sinh khi có đơn thuốc

Hiện nay, vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng, đáng báo động, nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Một trong các nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh là do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, tràn làn nhưng không theo chỉ định, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.

Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các cơ sở bán lẻ thuốc ở vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% (thành thị) và 91% (nông thôn).

Quyết định 4041/QĐ-BYT của Bộ Y tế về "Phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020", nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.

Một trong những mục tiêu trọng điểm mà Đề án hướng đến chính là tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú và tăng tỷ lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc.

- Đến năm 2020, đạt 100 % kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 80 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.

- Đến năm 2020, kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.

-Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Việc tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn sẽ góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc.

Cuba có Thủ tướng sau hơn bốn thập kỷ

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel ngày 21-12 đã chỉ định Bộ trưởng Du lịch Manuel Marrero Cruz làm thủ tướng sau hơn 40 năm bỏ trống vị trí này.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa IX, Bộ trưởng Du lịch Manuel Marrero Cruz, 56 tuổi, đã được bầu làm Thủ tướng trong nhiệm kỳ 5 năm theo quy định của hiến pháp mới được thông qua vào đầu năm nay.

“Tại kỳ họp khóa này, chúng ta có chức danh Thủ tướng. Người mà tôi đề cử đó chính là đồng chí Manuel Marrero Cruz. Với sự trung thực và tận tụy của mình, tôi mong muốn đồng chí sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ”, Chủ tịch Miguel Diaz-Canel tuyên bố.
Theo hiến pháp mới, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel không còn đứng đầu Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.

Bộ trưởng Du lịch Manuel Marrero Cruz (áo đen) đảm nhận vị trí Thủ tướng Cuba từ ngày 21-12. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Cuba sẽ nắm quyền điều hành Hội đồng Bộ trưởng, cơ quan hành pháp tối cao trong hệ thống Nhà nước Cuba, và Ủy ban thường vụ của hội đồng này.

Ông Manuel Marrero Cruz, người từng giữ chức Bộ trưởng Du lịch trong 15 năm, đã dẫn dắt và biến ngành công nghiệp trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của Cuba.

"Người đứng đầu Chính phủ sẽ là cánh tay phải quản lý cho Chủ tịch", hãng tin nhà nước Cubadebate đưa tin.

Trước đó, người gần nhất từng giữ chức Thủ tướng Cuba chính là cố Chủ tịch Fidel Castro. Sau khi đảm nhận vị trí này từ năm 1959 đến năm 1976, ông giữ chức chủ tịch Cuba từ năm 1976 - 2008.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới