Thứ bảy, 20/04/2024 18:54 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 25/2/2020

MTĐT -  Thứ ba, 25/02/2020 08:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 25/2/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 25/2/2020.

Khai mạc Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội

Trong 2 ngày 24 - 25/2, tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2020 chủ trì tổ chức Hội nghị các Quan chức cấp cao phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (SOCA).

Nội dung hội nghị nhằm đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch tổng thể cộng động Văn hóa - Xã hội ASEAN và Hội nghị hẹp SOCA.

Hội nghị có sự tham gia của gần 60 đại biểu là các quan chức cấp cao và cán bộ phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội đến từ 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, đại biểu các bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngoại giao, Công an… cùng các chuyên gia tư vấn khu vực hỗ trợ cho đánh giá.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ngài Kung Phoak - Phó Tổng thư ký ASEAN đánh giá: Kể từ khi thành lập ASEAN, chúng tôi đã thấy một sự tiến bộ ổn định trong hội nhập khu vực, duy trì tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội. Mặc dù kết quả đạt được không chắc chắn do ảnh hưởng căng thẳng trong hệ thống thương mại toàn cầu, tăng trưởng kinh tế ASEAN đã được thực hiện tốt trên mức trung bình toàn cầu. Những nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN của chúng ta tiếp tục sinh hoa kết trái. Là trụ cột của nhân dân ASEAN, chúng ta không nên ngại quảng bá những thành tựu đã đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch ASEAN chi tiết năm 2025...

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh chung. Ảnh: Quốc Hùng- Đặng Tuấn/TTXVN.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa- Xã hội ASEAN. Hội nghị cũng tập trung xem xét, thảo luận về đề cương, các chỉ số đánh giá cũng như lộ trình và nội dung chính sẽ được xây dựng trong Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Trên cơ sở đó thực hiện đánh giá cả ở cấp quốc gia và khu vực trong năm 2020 để làm tiền đề cho việc thúc đẩy thực hiện Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng trong giai đoạn 2021-2025…

Bà Hà Thị Minh Đức - Trưởng đoàn SOCA Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chào mừng các đại biểu tham dự hội nghị.

Bà Hà Thị Minh Đức cho biết: Năm 2020 là một năm quan trọng với Việt Nam, đánh dấu kỷ niệm 25 năm kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN; tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong khu vực và tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo chủ đề của Năm ASEAN 2020 được Việt Nam lựa chọn là “Gắn kết và chủ động thích ứng” có thể thấy ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng sẽ tiếp tục chú trọng thúc đẩy đời sống người dân và xây dựng một tương lai tốt đẹp với tất cả các đối tác…

Kết quả của Hội nghị Quan chức cấp cao phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (SOCA) lần này sẽ là một trong những nội dung quan trọng được báo cáo tại Hội nghị SOCA lần thứ 28 và Hội nghị Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ 23, diễn ra từ ngày 5 - 8/4/2020 tại thành phố Đà Nẵng, ngay trước Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 3

Trao giải văn học nghệ thuật, báo chí của Bộ Quốc phòng tại khu vực phía Nam

Chiều 24/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ trao giải văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014 - 2019 của Bộ Quốc phòng tại khu vực phía Nam.
Giải thưởng nhằm tôn vinh thành tích các tập thể, cá nhân, các tác giả khu vực phía Nam, động viên cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, các tác giả trong và ngoài quân đội tiếp tục phát huy khả năng, trách nhiệm, trí tuệ, tình cảm, sáng tạo nhiều tác phẩm đạt chất lượng tốt phục vụ bộ đội và nhân dân.

Dự buổi lễ có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7.

Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chúc mừng các tác giả đạt giải, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, hoạt động vận động sáng tác đã thu được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí có giá trị nội dung tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao, lấy đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng làm trung tâm, khắc họa rõ nét hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ" qua các cuộc kháng chiến, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền Quốc phòng toàn dân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá đã đưa các giá trị đó đến với bộ đội và có sức lan tỏa sâu, rộng trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy trao giải cho các tác giả đạt giải B. 

Lãnh đạo Tổng cục Chính trị khẳng định, hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được triển khai thường xuyên, giành được sự quan tâm của các tác giả chuyên nghiệp, các cây bút từ phong trào quần chúng, thu được nhiều tác phẩm, bài viết chất lượng tốt. Kết quả trên là động lực để nhân rộng điển hình tiến tiến, đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo Bác; thấm nhuần giá trị to lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gìn giữ, phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ Đổi mới.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo, trong thời gian tới, để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đòi hỏi tập trung xây dựng quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, phát huy giá trị “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, trong đó văn hóa-văn nghệ là lĩnh vực rất quan trọng của công tác tư tưởng, văn hóa trong quân đội.

Vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hoạt động sáng tác, quảng bá văn học nghệ thuật, báo chí trong quân đội giai đoạn 2020-2025 cần tiếp tục tập trung quán triệt, thực hiện thắng lợi các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phấn đấu trong 5 năm tới, sẽ có nhiều công trình, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, tiêu biểu, tương xứng với tầm vóc lịch sử của đất nước, dân tộc, quân đội cũng như của từng đơn vị, địa phương trong thời kỳ mới…
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã tổ chức trao giải cho hơn 50 tác giả, đại diện tập thể tại khu vực phía Nam có tác phẩm xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014-2019 ở các thể loại văn học, âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, báo chí. Trong đó, các tác giả tại khu vực phía Nam đạt 8 giải B và 17 giải C.

Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho 6 tập thể, cá nhân ở khu vực phía Nam có thành tích xuất sắc trong tổ chức sáng tác, quảng bá chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019 và tổ chức vận động sáng tác, quảng bá các các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2014 – 2019) của Bộ Quốc phòng.

Trước đó, ngày 21/2, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã tổ chức Lễ trao giải văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014 - 2019 của Bộ Quốc phòng cho các tác giả đạt giải tại khu vực phía Bắc.

Việt Nam tham dự phiên khai mạc Khoá họp lần thứ 43 Hội đồng Nhân quyền LHQ

Ngày 24/2, khóa họp lần thứ 43 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã khai mạc tại trụ sở LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ).

Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Tijjani Muhammad-Bande, Tổng thư ký LHQ António Guterres, Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet, một số nguyên thủ, cùng gần 100 lãnh đạo cấp Bộ trưởng các nước và tổ chức quốc tế.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm Trưởng đoàn.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai làm Trưởng đoàn tham dự khóa họp lần thứ 43 Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: Xuân Hoàng/P/v TTXVN tại Geneva.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong bài phát biểu khai mạc khóa họp nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã nêu bật những tiến bộ đạt được về quyền con người kể từ khi LHQ ra đời và nhấn mạnh việc bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.

Trong bối cảnh tốc độ biến đổi khí hậu, đô thị hóa, thời đại công nghệ số cùng với cách mạng công nghiệp 4.0 đang gia tăng nhanh chóng và đan xen phức tạp, Tổng thư ký nêu quan ngại về tình trạng vi phạm quyền con người như bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử đối với phụ nữ, người di cư, người tị nạn, đói nghèo cùng cực... vẫn còn tiếp diễn. Ông đưa ra văn kiện kêu gọi các nước phối hợp hành động, tập trung vào 7 lĩnh vực bao gồm: bảo đảm trụ cột quyền con người trong phát triển bền vững; quyền con người trong các cuộc khủng hoảng; bình đẳng giới và quyền của phụ nữ; sự tham gia của người dân và các tổ chức phi chính phủ; quyền của các thế hệ tương lai; hành động chung về quyền con người; tư duy mới về quyền con người trong thời đại công nghệ số.

Cao ủy Nhân quyền Michelle Bachelet hoan nghênh Tổng thư ký LHQ đưa ra văn kiện kêu gọi các nước phối hợp hành động. Bà nhấn mạnh những thách thức trong bảo đảm quyền con người do biến đổi khí hậu và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đặt ra và kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao tinh thần trách nhiệm để bảo đảm các thế hệ tương lai được sống trong tự do, hòa bình, phẩm giá, được bảo đảm các quyền cơ bản về giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế về quyền con người, sớm chấm dứt các hình thức phân biệt đối xử để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bao trùm, đồng thời tích cực triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.

Chiều 24/2, tại phiên thảo luận chuyên đề cấp cao về bảo vệ quyền trẻ em sau phiên khai mạc, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, thay mặt các nước ASEAN, đã trình bày phát biểu chung của ASEAN, trong đó nhấn mạnh các nước ASEAN luôn coi trọng và nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em, thể hiện trên nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN như Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2025… Đứng trước những thách thức mới của tình hình hiện nay nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí, dịch bệnh, với quyết tâm thực hiện các cam kết tại Công ước LHQ về quyền trẻ em, các nước ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, cùng các cơ quan LHQ thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em, hướng tới thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 của LHQ vì sự phát triển bền vững.

Theo kế hoạch, các nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước sẽ tham gia thảo luận tại Phiên họp cấp cao, diễn ra trong ba ngày từ 24-26/02. Khóa họp cũng sẽ có bốn phiên thảo luận chuyên đề cấp cao về bảo vệ quyền trẻ em (nhân dịp Kỷ niệm 30 năm công ước LHQ về quyền trẻ em - CRC), thúc đẩy bình đằng giới (nhân dịp Kỷ niệm 25 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới), nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật và quyền của người gốc Phi (nhân dịp Kỷ niệm Ngày quốc tế chống phân biệt chủng tộc 21/3). Khóa họp cũng sẽ có một số cuộc đối thoại về quyền của người khuyết tật, chống buôn bán trẻ em, quyền lương thực, quyền văn hóa, tự do tôn giáo, chống khủng bố, tình hình nhân quyền tại một số quốc gia… Khóa họp sẽ xem xét thông qua một số Nghị quyết, cũng như các báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của 14 nước theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR).

Khóa họp lần thứ 43 Hội đồng Nhân quyền diễn ra trong vòng 4 tuần và dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 20/3.

Sẽ có biện pháp hỗ trợ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc

Qua nắm tình hình, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.

Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân +82 106 315 6618, trực 24/24 giờ, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng công bố số điện thoại hỗ trợ +82 103 248 6886 để người lao động Việt Nam có thể liên hệ khi cần sự trợ giúp.

Lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc

Bộ Ngoại giao cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp chỉ đạo các công ty tư vấn du học sinh thông báo tình hình dịch Covid-19 đến các lao động, du học sinh đang có kế hoạch sang Hàn Quốc trong thời gian tới để chủ động phòng ngừa; thường xuyên giữ liên lạc chặt chẽ với các bên liên quan (nhà trường, chủ sử dụng lao động, công ty môi giới sở tại…) để nắm tình hình, có biện pháp hỗ trợ đối với các lưu học sinh, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 25/2/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nga: Cá heo chết hàng loạt bí ẩn tại Biển Đen
Trong vài tuần qua, số xác cá heo mà người dân địa phương tìm thấy trên bờ biển Anapa đã lên đến hàng chục con. Xác những chú cá heo này đã được gửi đi giám định pháp y để xác định nguyên nhân.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất