Thứ năm, 18/04/2024 07:09 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 31/5/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 31/05/2019 08:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 31/5/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 31/5/2019 trong nước và thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tỉnh trưởng Vân Nam (Trung Quốc)

Chiều 30/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Nguyễn Thành Phát, Tỉnh trưởng Vân Nam (Trung Quốc).

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Vân Nam là tỉnh giáp biên giới Việt Nam, có vai trò rất quan trọng trong tổng thể quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Thủ tướng đánh giá cao và cho rằng, chuyến thăm này của Tỉnh trưởng Vân Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác quan hệ hai bên, nhất là giữa Vân Nam với các biên giới Việt Nam và hành lang hợp tác kinh tế Việt Nam - Vân Nam.

Thủ tướng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Vân Nam những năm qua; thương mại Việt Nam - Vân Nam năm 2018 đạt 4,15 tỷ USD, tăng 13% so năm 2017; trao đổi đoàn diễn ra thường xuyên, các cơ chế hợp tác được triển khai hiệu quả, giao lưu nhân dân ngày càng chặt chẽ.

Tiềm năng hợp tác giữa Vân Nam với các bộ, ngành, địa phương Việt Nam rất lớn, tuy nhiên, quy mô và lĩnh vực hợp tác còn khiêm tốn, chưa thực sự tương xứng tiềm năng hợp tác hai bên. Do đó, hai bên cần bàn kỹ các giải pháp để thúc đẩy thương mại song phương lớn hơn nữa, tạo những đột phá mới. Trong đó, cần thực hiện tốt việc phát triển hành lang Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng để làm hình mẫu cho các địa phương khác hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho Tỉnh trưởng Vân Nam Nguyễn Thành Phát. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tỉnh trưởng Vân Nam Nguyễn Thành Phát cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp; bày tỏ sự phấn khởi vì Vân Nam nằm trong hành lang hợp tác kinh tế với các địa phương Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Phát bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ ở Việt Nam; mong muốn hai bên tăng cường phát triển hợp tác kinh tế, thương mại; thúc đẩy phát triển chính ngạch, phát triển vận tải đường sắt; mong muốn các địa phương biên giới Việt Nam tăng cường hợp tác du lịch mạnh mẽ với Vân Nam.

Nhấn mạnh việc tập trung phát triển các hành lang kinh tế giữa hai nước là xu thế chung hiện nay, ông Nguyễn Thành Phát khẳng định, Vân Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Việt Nam thực hiện tốt các thoả thuận mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Vân Nam với các địa phương biên giới Việt Nam nói riêng và hai nước nói chung. Ồng Nguyễn Thành Phát tin tưởng hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên thúc đẩy quy mô hợp tác lên tầm cao mới; phấn đấu thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác phát triển hành lang kinh tế để tận dụng mọi tiềm năng, cơ hội của hai bên. Theo đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh Vân Nam có lợi thế rất lớn trong hợp tác với Việt Nam vì có kết nối đường hàng không, đường sắt và đường bộ. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông ở các tỉnh biên giới.

Thủ tướng cũng đề nghị Vân Nam tích cực thúc đẩy thương mại biên giới, thúc đẩy tiện lợi hóa thông quan cho người và hàng hoá, hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc hàng hoá ở cửa khẩu do thông quan; mong muốn Vân Nam tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam qua đường chính ngạch, góp phần thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng.

Cùng với đó là tích cực thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai bên; mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các sở, ngành, cơ quan của Vân Nam với Việt Nam. Để làm tốt hơn công tác quản lý biên giới, Thủ tướng đề nghị các địa phương biên giới hai nước tiếp tục coi trọng và thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; xử lý thỏa đáng, kịp thời các vấn đề nảy sinh, cùng nhau nỗ lực để đường biên giới trên đất liền giữa Vân Nam với các địa phương Việt Nam trở thành hình mẫu trong quan hệ hai nước, thực sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển vì lợi ích của nhân dân Việt Nam - Trung Quốc.

Nhất trí ý kiến về phát triển hạ tầng giao thông đường bộ ở các tỉnh biên giới Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Vân Nam hợp tác với Việt Nam để phát triển hạ tầng đường sắt, thậm chí coi vận tải đường sắt là nền tảng chính cho tăng cường hợp tác giao lưu kinh tế, thương mại hai bên; xúc tiến mở đường bay Hải Phòng - Vân Nam thúc đẩy du lịch; phát triển thương mại biên giới tại các cửa khẩu khác ở các tỉnh biên giới khác của Việt Nam…

Việt Nam nêu ba tiêu chuẩn đối với một trật tự thế giới mới bền vững và hiệu quả

Ngày 30/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định thế giới “đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều bất định cả về chính trị, kinh tế và xã hội”.

Phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 ở Tokyo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói: “Tính bất định cũng ngày càng gia tăng bởi các thách thức lớn mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt, từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới, tình trạng trì trệ của thương mại quốc tế, gánh nặng nợ khổng lồ, đến biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực của công nghệ, và các điểm nóng xung đột khắp thế giới. Bất đồng đang gia tăng và chủ nghĩa dân tộc đã thổi bùng phong trào phản toàn cầu hóa, làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương đã được xây dựng trong những thập kỷ qua".

Theo Phó Thủ tướng, những biến động và thách thức trên có ảnh hưởng sâu rộng đến quản trị kinh tế toàn cầu cũng như quan hệ giữa các quốc gia và khu vực. Không một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ có thể tự mình giải quyết, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng thế giới. Trong bối cảnh đó, một trật tự quốc tế đa chiều đang từng bước được định hình.

Nhấn mạnh “một thế giới hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững là nguyện vọng của tất cả các quốc gia và dân tộc”, Phó Thủ tướng đã nêu ra ba tiêu chuẩn đối với một trật tự thế giới mới bền vững và hiệu quả gồm: Củng cố chủ nghĩa đa phương bao trùm, tăng cường lòng tin và hợp tác, và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu có khả năng giải quyết các thách thức lớn của thế kỷ 21; Được xây dựng và hoạt động trên cơ sở luật pháp, với Liên hợp quốc là trung tâm; Bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đào Tùng/PV TTXVN tại Nhật Bản

Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định: "Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người dân và Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và gìn giữ giá trị của hòa bình, ổn định. Chúng tôi đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; ủng hộ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu. Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy hòa bình, ổn định, vì lợi ích chung và sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu. Với quan điểm như vậy, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời đẩy mạnh cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế, đầu tư cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực".

Về quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, đồng thời tin tưởng rằng hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, logistics và công nghiệp phụ trợ, đồng thời tái khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam.

Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 do tập đoàn Nikkei Inc. tổ chức trong các ngày 30 và 31/5 ở Tokyo, với chủ đề “Đi tìm trật tự toàn cầu mới - Vượt qua bất ổn”. Tham dự Hội nghị có các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của nhiều nước châu Á như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Gombojav Zandanshatar, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat cùng với lãnh đạo nhiều viện nghiên cứu, tập đoàn lớn trên thế giới.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát

Ngày 30/5, Ngân hàng Nhà nước có thông tin chính thức sau khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra danh sách các quốc gia cần giám sát gồm 9 nước; trong đó có Việt Nam.

Theo đó, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” đưa Danh sách các quốc gia cần giám sát gồm 9 nước, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại các kỳ báo cáo trước đây, Bộ Tài chính Hoa Kỳ xem xét 12 đối tác thương mại lớn nhất. Tuy nhiên kỳ báo cáo tháng 5/2019 đã tăng số lượng đối tác thương mại được xem xét lên 21 quốc gia có kim ngạch thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ đạt trên 40 tỷ USD; trong đó có Việt Nam.

Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Các tiêu chí này đã được lượng hóa cụ thể tại Báo cáo tháng 5/2019 như sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Báo cáo tháng 5/2019 kết luận không có đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ. Tại Báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ lập Danh sách giám sát gồm Trung Quốc (chỉ thỏa mãn một tiêu chí nhưng có thặng dư thương mại hàng hóa song phương rất lớn với Hoa Kỳ) và 8 đối tác thương mại lớn khác thỏa mãn hai trên ba tiêu chí. Việt Nam vào Danh sách giám sát trong Báo cáo tháng 5/2019 do thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai.

Báo cáo cũng nêu một quốc gia vào Danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ Báo cáo tiếp theo.

Với việc Việt Nam vào Danh sách giám sát, trong thời gian tới, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.

Công bố nghị quyết hướng dẫn về tội rửa tiền

Ngày 31/5, tại Hà Nội sẽ diễn ra Lễ công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự tại Điều 324 về tội rửa tiền.

Nghị quyết hướng dẫn này sẽ được áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống tòa án trên cả nước. Đồng thời, nghị quyết giúp các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động hơn trong công tác phòng chống tội rửa tiền.

Hội nghị trực tuyến Công bố kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố và kế hoạch hành động giải quyết rủi ro. (Ảnh: VPG)

Từ năm 2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của APG (nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền), đồng thời cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố. Năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước LHQ về Chống tham nhũng và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền.

Công an Hà Nội tiếp nhận thông tin về an ninh, trật tự qua Facebook

Từ ngày 17/6, Công an thành phố Hà Nội sẽ tiếp nhận thông tin về an ninh, trật tự qua Facebook.

Đây là thông tin được Công an thành phố Hà Nội đưa ra trong Hội nghị triển khai kế hoạch số 162/KH-CAHN-PV01 về triển khai "Kênh tiếp nhận thông tin của người dân về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô qua mạng xã hội Facebook" diễn ra chiều 30/5.

Theo kế hoạch, thông qua địa chỉ trang Facebook "Công an Thành Phố Hà Nội", Công an thành phố sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin về an ninh, trật tự của người dân qua hai hình thức gồm: nhắn tin qua trang Facebook và nhắn tin qua ứng dụng Facebook Messenger.

Thông tin tiếp nhận từ người dân dưới dạng văn bản, hình ảnh, video clip, ghi âm với nội dung về tình hình an ninh, trật tự; phản ánh về tư thế, tác phong cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ; tin nghi vấn về hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và thông tin khác thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an mà người dân cần giải đáp.

Cán bộ trực sẽ tiếp nhận thông tin, chọn lọc, phân loại để trả lời người dân hoặc chuyển thông tin cho các đơn vị nghiệp vụ trả lời. Sau khi có kết quả xử lý, Trung tâm thông tin chỉ huy sẽ tập hợp đăng tin, bài trên trang Facebook và đề nghị người dân cùng lực lượng công an theo dõi, đánh giá, giám sát kết quả thực hiện. Người dân cung cấp tin tức về an ninh, trật tự sẽ được bảo vệ tuyệt đối về bí mật thông tin cá nhân.

Việc tiếp nhận thông tin an ninh, trật tự trên mạng xã hội Facebook sẽ giúp lực lượng công an chủ động trong công tác nắm tình hình; nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân; kịp thời xử lý các vụ việc ngay từ cơ sở, không để diễn biến kéo dài.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 31/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới