Thứ năm, 18/04/2024 13:57 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 5/12/2019

MTĐT -  Thứ năm, 05/12/2019 09:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 5/12/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 5/12/2019.

Phó Chủ tịch nước tiếp Đoàn đại biểu Người có công và Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long

Chiều 4/12, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp Đoàn đại biểu người có công và Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long.

Tại buổi tiếp, báo cáo kết quả hoạt động của Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long trong năm 2019, Đại tá Võ Văn Lung, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long cho biết, phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ, Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long đã tích cực góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, thực hiện chính sách, hoạt động nghĩa tình, xây dựng niềm tin vững chắc trong quần chúng nhân dân.

Biểu dương những kết quả đã đạt được của Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long trong thời gian qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao vai trò của Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long trong việc tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, giáo dục nhận thức truyền thống cho các thế hệ trẻ. Với hơn 16.000 hội viên, Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long đóng vai trò nòng cốt trong công tác chăm lo đời sống cho hội viên, giảm nghèo bền vững; thực hiện công tác giáo dục truyền thống tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong công tác xây dựng nông thôn mới, những người có công với cách mạng và các cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long đã vận động sức người sức của, hiến đất, hiến công làm đường, xây dựng trường học, góp phần xây dựng nông thôn mới nhiều khởi sắc.

 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đại biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long có nhiều thay đổi, hệ thống cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo có nhiều chuyển biến cơ bản, đảm bảo an ninh - trật tự; việc xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể vững mạnh từ cấp tỉnh đến cơ sở được chú trọng, góp phần phát triển địa phương và đất nước.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong muốn, Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, xây dựng hội vững chắc cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng nòng cốt trong phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN cùng các ngày lễ quan trọng của đất nước, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, Hội Cựu chiến binh đóng vai trò quan trọng xây dựng và phát động phong trào, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Cảm ơn Phó Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp, ông Võ Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, bày tỏ, Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long sẽ phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thiết thực xây dựng kinh tế, xã hội địa phương.

Khai mạc Kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố Hải Phòng khóa XV

Ngày 4/12, Kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố Hải Phòng khóa XV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) khai mạc tại Trung tâm Hội nghị thành phố.

Kỳ họp diễn ra trong 2 ngày (4-5/12) với các nội dung: Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị chung của cử tri tham gia vào nội dung kỳ họp; Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2020 của HĐND thành phố khóa XV; Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND thành phố; Thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố; Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn, cùng một số nội dung khác theo luật định.

Trong phiên họp chiều 4/12, HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố. Theo đó, kỳ họp đã tiến hành các thủ tục để miễn nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đối với ông Nông Quốc Tuấn do nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; miễn nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đối với các ông: Bùi Ngọc Hải và Hà Thế Vinh, đại biểu HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, để đảm nhiệm công tác khác; miễn nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đối với ông Nguyễn Hoàng Minh để đảm nhận công tác khác.

Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: An Đăng /TTXVN

Kỳ họp cũng đã tiến hành các thủ tục cho thôi làm đại biểu HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Hải Bình, đại biểu HĐND thành phố, nguyên Chánh Thanh tra thành phố, do chuyển công tác; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với các ông: Nguyễn Hải Bình, nguyên Chánh Thanh tra thành phố Hải Phòng, do chuyển công tác; Phạm Văn Lập, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do chuyển công tác; Nguyễn Xuân Trường, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, do nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Kỳ họp cũng tiến hành các thủ tục để bầu các chức danh: Chánh Văn phòng HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021; Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 và bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cụ thể: Ông Hà Thế Vinh, đại biểu HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã trúng cử chức danh Chánh Văn phòng HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021; ông Nguyễn Hoàng Minh, đại biểu HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã trúng cử chức danh Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Các ông: Vũ Thanh Chương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố; Phạm Thành Văn, Ủy viên Thành ủy, Chánh Thanh tra thành phố; Nguyễn Văn Cao, Ủy viên Thành ủy, Giám đốc Sở Nội vụ; Phạm Văn Thép, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, đã trúng cử chức danh Ủy viên UBND thành phố Hải Phòng khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - CH Séc

Chiều 3/12, Ban Chấp hành (BCH) Hội người Việt Nam tại Séc đã tổ chức hội nghị lần thứ 2 nhằm tổng kết một số hoạt động lớn trong thời gian gần đây, thống nhất về hành chính và quản trị trong BCH, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động năm 2020, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Séc.

Trong thời gian tới, ông Giang Thành, Phó Chủ tịch Thứ nhất của Hội người Việt Nam tại Séc, cho biết BCH sẽ tập trung tổ chức cho bà con trong cộng đồng đón Giáng sinh, Tết Nguyên đán và đặc biệt là chuẩn bị cho việc tham gia lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Séc và sau đó là lễ Giỗ tổ Hùng vương. Liên quan đến lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Séc, Hội người Việt sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam, tham gia các hoạt động nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh, văn hóa truyền thống của Việt Nam tại nước sở tại, sự gắn bó đoàn kết giữa hai dân tộc.

Ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc phát biểu. Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN

Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Hồ Minh Tuấn cho biết dịp này sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Thủ tướng Séc Andrei Babis (An- đrây Ba-bít) dự kiến thăm Việt Nam trong năm tới, họp Ủy ban hợp tác liên chính phủ Việt Nam-Séc khả năng cũng sẽ được tổ chức tại thủ đô Praha. Hiện nay, Đại sứ quán đang đề xuất Bộ Văn hóa Việt Nam tổ chức “Tuần văn hóa Việt Nam” tại CH Séc. Đối với Hội người Việt Nam và bà con trong cộng đồng, Đại sứ nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy và nâng tầm các hoạt động như đã làm trong thời gian qua như các hoạt động từ thiện, các lễ hội văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, lễ Giỗ tổ Hùng vương,... Đồng thời, Hội cần phải tăng cường công tác tuyên truyền hơn nữa về con người, văn hóa, phong tục tập quán truyền thống đối với người dân sở tại.

Tại CH Séc, cộng đồng người Việt Nam hiện có hơn 70.000 người, là cộng đồng dân tộc có vị thế và uy tín. Qua nhiều giai đoạn, cộng đồng người Việt Nam có đời sống ổn định và được nước sở tại công nhận là dân tộc thiểu số từ năm 2014. Hoạt động của các hội đoàn rất sôi nổi, tổ chức bài bản, có mối quan hệ chặt chẽ với xã hội sở tại và được đánh giá cao. Các sự kiện do hội đoàn tổ chức hội tụ nhiều ý nghĩa và thiết thực, tích cực đóng góp cho các phong trào tại địa phương, đồng thời tập hợp nguồn lực trong nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước.

Thúc đẩy môi trường nuôi dưỡng an toàn và bền vững cho trẻ thơ

Trong các ngày từ 4/12 đến 6/12/2019, Hội nghị phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 với chủ đề “Tăng cường phối hợp liên ngành nhằm thúc đẩy môi trường nuôi dưỡng, an toàn và bền vững cho trẻ thơ” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với mạng lưới phát triển trẻ thơ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ARNEC) được tổ chức tại Hà Nội.

Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm hay, sách kiến, giải pháp mới về chính sách, chương trình về phát triển toàn diện trẻ thơ. Một trong những thông điệp của Hội nghị là “Đầu tư vào sự phát triển của trẻ thơ là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước”. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo cấp cao các nước, các Bộ trưởng, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia quốc tế đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát biểu chào mừng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, để phát triển bền vững, các quốc gia đều đặc biệt quan tâm đến vai trò của phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trẻ em.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: P.Thảo

Phó Thủ tướng cho hay, ở khắp các nơi trên thế giới, mọi người đều phấn đấu vì tương lai tốt đẹp hơn, đều phấn đấu và và sẵn sàng hi sinh lợi ích của mình vì tương lai con cháu mai sau.

Thế giới đang kỷ niệm 30 năm thực hiện Công ước quyền trẻ em và thực hiện chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến năm 2030, với quyền trẻ em được gián tiếp và trực tiếp đề cập trong hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ.

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã nỗ lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, luật hóa và thực hiện trên thực tế bảo đảm đầy đủ các quyền của trẻ em. Nhất là quyền được sống trong yêu thương cuả mọi trẻ em – một quyền rất khó nhưng đều được thể hiện trong mọi chính sách, quy định của pháp luật.

Để trẻ em phát triển toàn diện, quyền trẻ em được tôn trọng, bảo vệ đầy đủ thì không chỉ có công tác của các cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan đến quyền này mà được thực hiện cần sự phối hợp đồng bộ của các bên, cần tầm nhìn bài bản và hành động cụ thể, kịp thời.

Ai cũng cần nhận thức rõ, để trẻ em có thể phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, thì đầu tiên cần giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng khó khăn với các vùng phát triển để cha mẹ có đủ điều kiện về cả thể chất, tinh thần, vật chất sẵn sàng cho thế hệ mới được ra đời và phát triển.

Trẻ em không chỉ cần được nuôi dưỡng đầy đủ về dinh dưỡng, được học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi mà còn cần được sống trong môi trường hòa bình, trong sạch và đầy tình yêu thương.

Thế nhưng, trên toàn thế giới, vẫn còn nhiều trẻ em phải sống trong xung đột, bị thiệt thòi. Trung bình cứ 7 phút có 1 trẻ em bị tước đi quyền của mình vì bạo hành. Trên thế giới, có cả Việt Nam, hàng năm vẫn có hàng ngàn vụ xâm hại trẻ em. Số trẻ em bị người thân xâm hại đến thể chất, tinh thần bằng hành vi, lời nói, thái độ đáng báo động hơn rất nhiều. Có đến 3/4 trẻ em đã bày tỏ phải chịu bạo hành.

Việt Nam cam kết và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, trong đó những mục tiêu về trẻ em được tập trung hết sức cụ thể. Để thực hiện các mục tiêu về quyền trẻ em, cần sự phối hợp đồng bộ, tầm nhìn dài hạn và hành động cụ thể không chỉ giữa Nhà nước, cơ quan Nhà nước với tổ chức quốc tế mà giữa Nhà nước với các tổ chức, chương trình hoạt động nhân đạo, với cộng đồng DN mà còn sự tham gia của người dân, gia đình.

Phó Thủ tướng lưu ý, đối với Việt Nam, từ nhận thức đến hành động để các cấp chính quyền, nhất là cơ sở ở những vùng khó khăn, không vì sức ép của tăng trưởng mà quên không dành sự quan tâm, chỉ đạo, nguồn lực cho công tác chăm sóc trẻ em.

Theo Phó Thủ tướng, đầu tư vào sự phát triển của trẻ thơ là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển ở Việt Nam, “không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt với trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng khó khăn, bị thiệt thòi do khuyết tật”, để không em nào không có tuổi thơ trong sáng, không có tương lai.

Tiến sĩ Sheldon Shaeffer, Chủ tịch Hội đồng quản trị, ARNEC cho rằng, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong phát triển toàn diện trẻ thơ (ECD). Còn theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đã nội luật hóa các quy định của Công ước, thành lập Ủy ban quốc gia về quyền trẻ em, đề cao cụ thể trách nhiệm.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 5/12/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.