Thứ sáu, 29/03/2024 00:06 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/8/2019

MTĐT -  Thứ năm, 08/08/2019 14:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/8/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/8/2019 trong nước và thế giới.

Phát huy vai trò xung kích của Thanh niên Việt Nam hướng tới năm Chủ tịch ASEAN 2020

Nhân dịp kỷ niệm 52 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2019) và hướng tới năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, chiều 7/8, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Ban Đối ngoại Trung ương Đảng phối hợp với Đoàn Thanh niên Văn phòng Chính phủ, Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao và Đoàn Thanh niên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức tọa đàm “Cộng đồng ASEAN và năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam”.

Tham dự buổi tọa đàm có bà Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Nguyễn Hải Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Quốc tế Trung ương Đoàn; ông Trần Hữu, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên ở nhiều đơn vị.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương Trần Hữu cho biết, bên cạnh việc đề xuất các giải pháp tăng cường hơn nữa hình ảnh, vai trò và vị thế của Việt Nam tại khu vực và quốc tế, nhất là trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, tọa đàm còn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong Khối về Cộng đồng ASEAN. Đây là hoạt động ý nghĩa phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên Khối các cơ quan Trung ương trong công cuộc hội nhập quốc tế, gắn hoạt động chuyên môn với công tác đoàn.

Theo các diễn giả, sau 52 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã và đang đạt được những thành tựu đáng tự hào. ASEAN dần trở thành một đại gia đình gắn kết các thành viên. Từ một khu vực vốn dĩ bị chia rẽ bởi sự khác biệt về ý thức hệ và trình độ phát triển trở thành một cộng đồng chia sẻ những nguyên tắc, giá trị chung, cùng hướng tới việc hiện thực hóa Tầm nhìn về Cộng đồng ASEAN 2025.

Từ khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này vào năm 1995, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN. Sau 25 năm gia nhập ASEAN, 10 năm kể từ lần gần nhất đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ một lần nữa đảm nhiệm trọng trách trong năm 2020, trong đó có cả những cơ hội và thách thức mới.

Ông Dương Hải Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao ví ASEAN như tâm của một vòng tròn đồng tâm, có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh của khu vực. Với cơ chế của ASEAN, các quốc gia thành viên có cơ hội để cùng trao đổi về các vấn đề nóng của khu vực, giúp điều hòa các tranh chấp.

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Đây là thời điểm hết sức quan trọng để ASEAN khẳng định lại mình. Nếu ASEAN có thể đoàn kết, gắn mình vào những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tìm ra cách xử lý hài hòa các mối quan hệ thì không chỉ giúp ASEAN tiếp tục giữ được vai trò trung tâm mà còn bảo vệ, hỗ trợ cho các nước thành viên.

Nhận xét về tình hình ASEAN hiện nay, ông Nguyễn Thành Hưng , Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh về khoảng cách phát triển trong ASEAN, cũng như sự cần thiết của việc giải quyết vấn đề này. Giá trị lớn nhất mà ASEAN mang lại cho nhóm nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển không phải bằng tiền mà là qua các chương trình nghị sự, quá trình huy động vốn đầu tư, nhân lực và đặc biệt là sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, vốn có thể thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia thành viên, qua đó giải quyết vấn đề khoảng cách phát triển nội khối.

Về công tác chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, kế hoạch chuẩn bị được đánh giá là đang theo đúng lịch trình, tiến độ, đảm bảo yêu cầu đặt ra. Ông Nguyễn Thành Hưng cho rằng năm Chủ tịch ASEAN 2020 là cơ hội để Việt Nam xây dựng chủ đề phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tại buổi Toạ đàm, các diễn giả cũng rất hào hứng trả lời những câu hỏi của các đoàn viên thanh niên tham gia trao đổi.

Khen thưởng 122 tập thể, cá nhân trong phong trào Thi đua quyết thắng

Ngày 7/8, tại thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng lực lượng vũ trang Quân khu giai đoạn 2014 -2019.

Dự Đại hội có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh trên địa bàn Quân khu và hơn 300 đại biểu đại diện cho cán bộ, chiến sĩ đến từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Quân khu.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng, Nhà nước, các chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua ái quốc; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, hành động làm cho tinh thần thi đua yêu nước thực sự trở thành ý thức, trách nhiệm là động lực để lực lượng vũ trang quân khu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Quân khu 2 kết hợp chặt chẽ giữa phong trào Thi đua quyết thắng với thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tới dự và phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn rằng cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức tạo bước chuyển biến mới về chất trong phong trào Thi đua quyết thắng, đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, bền vững, sâu rộng cả trong lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ; phấn đấu mỗi ngành, mỗi đơn vị có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến với sức lan tỏa rộng, được phổ biến, học tập trong lực lượng vũ trang Quân khu và toàn quân, toàn quốc.

Trong năm năm qua công tác thi đua khen thưởng và phong trào Thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang Quân khu 2 được triển khai toàn diện, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Qua phong trào thi đua, lực lượng vũ trang Quân khu luôn nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; tổ chức huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến thuật các cấp đạt kết quả tốt, an toàn tuyệt đối.

Cán bộ, chiến sĩ toàn Quân khu luôn thống nhất nhận thức, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu được nâng lên, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, luôn nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Tại Đại hội nhiều đại biểu là những cá nhân điển hình đã trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm quý, cách làm hay, nhiều mô hình mới hiệu quả, qua đó thấy rõ sự lan tỏa của phong trào Thi đua quyết thắng.

Nhân dịp này Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã trao Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Quân khu cho cho 122 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào Thi đua quyết thắng và thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ ở địa phương.

Trước đó, vào tối 6/8 các đại biểu dự Đại hội thi đua quyết thắng Quân khu 2 đã tổ chức Lễ dâng hương, báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích tưởng niệm Người trong khuôn viên cơ quan Quân khu. Tối cùng ngày Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tổ chức chương trình giao lưu, tôn vinh 56 điển hình tiên tiến trong năm năm thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn 2014-2019.

Thủ tướng chỉ đạo về vụ bé 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón của trường Gateway

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc làm cháu bé tử vong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Về vụ việc cháu bé 6 tuổi tử vong trên xe ô tô đưa đón của trường tiểu học quốc tế Gateway, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc làm cháu bé tử vong, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học; hướng dẫn, quy định cụ thể dịch vụ đưa đón học sinh, bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối cho các cháu, không để tái diễn sự việc tương tự.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án Vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật hình sự đối với vụ việc bé trai 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón học sinh của trường quốc tế Gateway.

Lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy cho biết, gần 18h ngày 6/8, cơ quan này nhận được tin báo vụ việc. Sau đó, công an quận đã huy động toàn bộ lực lượng vào cuộc điều tra. Đến 4h ngày 7/8, cơ quan chức năng mới kết thúc quá trình khám nghiệm.

Hiện tại, cơ quan công an đã triệu tập tất cả những người liên quan đến làm việc. Sau khi có đầy đủ tài liệu, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can theo quy định pháp luật.

Festival tôn vinh văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam tại Hội An

Từ ngày 7-9.8, Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam-thế giới lần thứ 5, năm 2019 sẽ diễn ra tại Hội An (Quảng Nam).

Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, góp phần tôn vinh nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống Việt Nam, quảng bá, giới thiệu dệt lụa, thổ cẩm truyền thống của Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, vải lụa tơ tằm Việt Nam tương truyền có từ thời đại các vua Hùng, được các thế hệ cha ông truyền dạy cho con cháu đời sau.

Lụa tơ tằm được đông đảo người Việt Nam yêu thích sử dụng bởi chất vải mềm mịn, mượt mà và hoàn toàn tự nhiên.

Từ những gia đình đơn lẻ làm lụa tơ tằm dần dần dẫn đến có những làng nghề trồng dâu nuôi tằm, chuyên sản xuất lụa phục vụ nhu cầu của vua chúa, quan lại thời phong kiến, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, ở Việt Nam vẫn còn một số làng lụa đang hoạt động và phát triển như Vạn Phúc-Hà Nội, Nha Xá-Hà Nam, Mã Châu-Quảng Nam, Tân Châu-An Giang, Bảo Lộc-Lâm Đồng…

Lụa Vạn Phúc được vua chúa thời phong kiến Việt Nam ưa thích vì màu sắc tươi sáng, hoa văn đặc sắc. Ngay từ thời Pháp thuộc, lụa Vạn Phúc đã có mặt ở châu Âu.

Ngày nay, lụa Vạn Phúc được dùng để may đủ các loại trang phục khác nhau, kể cả đồ hiện đại được giới trẻ ưa chuộng. Lụa Tân Châu tỉnh An Giang khi dệt xong được nhuộm màu bằng trái mặc nưa, làm cho lụa Tân Châu đen tuyền, óng ả.

Lụa Tân Châu có sự mềm mại, dai, bền và hút ẩm cao. Hiện nay, người làng lụa Tân Châu không ngừng học hỏi, đổi mới công nghệ và ý tưởng mới, tạo ra nhiều mẫu mã mới, đẹp đáp ứng được nhu cầu của khách hàng…

Còn dệt thổ cẩm thường gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam khắp các vùng miền của đất nước.

Đồng bào các dân tộc dệt thổ cẩm chủ yếu dùng trong đời sống hằng ngày như may trang phục váy, áo cho phụ nữ; khố, áo cho đàn ông; khăn đội đầu, tấm đắp, tấm địu con, túi đựng đồ dùng…
Các sản phẩm thổ cẩm đã thể hiện sự khéo léo, sự sáng tạo, thẩm mỹ của người dệt cùng với nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thể hiện trên hoa văn, kỹ thuật dệt được đồng bào lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Đến nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đó là nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Hrê, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; dệt Dèng - một loại thổ cẩm truyền thống lâu đời của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế); Nghề dệt thổ cẩm và Vũ điệu Tâng Tung Ya Yă của đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam…

Chất liệu cũng như hoa văn độc đáo của dệt thổ cẩm các vùng miền đã được nhiều nhà thiết kế thời trang ứng dụng vào các bộ sưu tập thời trang trình diễn trong nước và quốc tế.

Tiên phong và mạnh mẽ nhất trong sử dụng chất liệu thổ cẩm phải kể đến nhà thiết kế Minh Hạnh.

Vừa qua, Minh Hạnh đã mang 70 bộ trang phục thổ cẩm, 35 bộ áo dài tới trình diễn một buổi duy nhất trong chương trình "Sắc màu Việt Nam" tại Bảo tàng Quốc gia nghệ thuật các dân tộc phương Đông của Liên bang Nga nhân Quốc khánh Nga…

Trong Tuần lễ thời trang Thu đông 2019 vừa qua, nhiều nhà thiết kế trẻ đã mang lụa Việt Nam, thổ cẩm miền Trung vào trang phục kết hợp với in, thêu 3D trên lụa hay các phương pháp wash (giặt mài) hóa chất, đá... để làm mới các chất liệu này.

Ví dụ như bộ sưu tập của nhà thiết kế Xuân Hạo, sử dụng chất liệu thổ cẩm của khu vực miền Trung (Quảng Trị), đưa hình ảnh các đền đài, kiến trúc Huế vào sản phẩm để tạo nên một phong cách riêng.

Nhãn hàng GenViet lại đưa những mảnh đắp thổ cẩm của người Mạ và M’Nông lên chất liệu vải jeans mạnh mẽ, hiện đại.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 8/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.