Thứ năm, 18/04/2024 10:25 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/5/2019

MTĐT -  Thứ năm, 09/05/2019 08:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/5/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/5/2019 trong nước và thế giới.

Hàng vạn người dân đội mưa tham dự lễ kỷ niệm '990 năm Thanh Hóa'

Tối ngày 8.5, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ kỷ niệm “990 năm Thanh Hóa”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đông đảo người dân đã tham dự buổi lễ.

Lễ kỷ niệm “990 năm Thanh Hóa” là sự kiện nhằm đánh dấu mốc thời gian 990 năm ra đời và tồn tại tên gọi Thanh Hóa, với tư cách một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Diễn văn khai mạc, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của Thanh Hóa đến ngày hôm nay. Ông Chiến cho biết, qua các hội thảo lịch sử, các nhà khoa học khẳng định, vào đời Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (1029), vùng đất Ái Châu, Cửu Chân được mang tên Thanh Hoá.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Ông Chiến khẳng định thêm, việc kỷ niệm 990 năm Thanh Hoá, nhằm khẳng định một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của quê hương Thanh Hoá anh hùng và còn là dịp để mỗi người dân cùng ôn lại truyền thống vẻ vang, những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hoá trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đó cùng vững tin, chung sức, chung lòng xây dựng Thanh Hoá nhanh chóng trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những đóng góp của Thanh Hóa cùng với cả nước trong tiến trình dựng nước và giữ nước.

Thủ tướng khẳng định, Thanh Hóa là vùng đất lịch sử, giàu truyền thống văn hóa. Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến nguồn cội, những di sản văn hóa phong phú, đa dạng, có nhiều di tích có giá trị. Dòng văn hóa lịch sử sông Mã, bắt đầu từ văn hóa đồ đá cũ, núi Đọ, tới nền văn hóa đá mới Đa Bút, văn hóa kim khí Đa Lộc, làm nên nền văn hóa đồ đồng với trống đồng Đông Sơn, đã góp phần quan trọng trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

Với những giá trị trên, Thủ tướng cho rằng, xứ Thanh là một trong những cái nôi chứa đựng những văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đều thể hiện sâu sắc những gian lao, vất vả, lạc quan, niềm tin và khát vọng của các thế hệ con người xứ Thanh trong lao động sản xuất và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam như tiền Lê, hậu Lê, nhà Hồ, nhà Nguyễn.

Thủ tướng đã đề nghị tỉnh Thanh Hóa cùng với toàn dân, tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng.

Đó là, phát triển công nghiệp chế biển, chế tạo, du lịch, nông nghiệp, y tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng với trọng tâm là Khu kinh tế Nghi Sơn; tiếp tục tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án lớn đang triển khai; tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề; tiếp tục cải cách hành chính, cảo thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao sức cạnh tranh cấp tỉnh và xác định đến năm 2020 Thanh Hóa đứng trong tốp đầu của 15 tỉnh, thành phố cả nước về chỉ số nặng lực cạnh tranh cấp tỉnh; không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách cho người có công…

Tiếp sau phần lễ kỷ niệm “990 năm Thanh Hóa” là chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, tổng thời lượng 60 phút, được chia làm 3 chương, chương thứ nhất: Địa linh nhân kiệt, chương 2: Truyền thống Anh hùng, chương 3: Hội nhập phát triển.

Chính thức thực thi Hiệp định chống khai thác gỗ bất hợp pháp

Hôm nay (8/5), tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội đã có cuộc họp công bố kết thúc quá trình phê chuẩn và phê duyệt Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (gọi tắt là Hiệp định VPA/FLEGT).

Như vậy, Việt Nam và EU đã chính thức thực thi Hiệp định chống khai thác gỗ bất hợp pháp. Hiệp định có hiệu lực từ 1/6. Theo đó, đồ gỗ Việt Nam sẽ chính thức thực hiện cơ chế cấp phép FLEGT khi xuất khẩu vào thị trường EU. Đây là cơ sở để đảm bảo gỗ khai thác hợp pháp và đáp ứng được Quy chế gỗ của EU.

Hai bên đã khẳng định, Hiệp định này là dấu mốc quan trọng để cùng giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Trên cơ sở thỏa thuận với EU và các đối tác về kiểm soát nguồn gốc gỗ, mới đây, Việt Nam đã ban hành Luật Lâm nghiệp, xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, cùng với đó là việc tăng mức xử phạt đối với các vi phạm.

Hiện EU là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ tư của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 13-17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiềm năng của thị trường EU khá lớn và Việt Nam sẽ có điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hơn nữa nếu thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT nghiêm túc.

Hội Hữu nghị Việt – Nga tham gia hoạt động 'Binh đoàn bất tử' kỷ niệm Ngày Chiến thắng

Đây là hoạt động do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức để chào mừng các ngày lễ Chiến thắng của Nga và Việt Nam (Ngày Chiến thắng 9/5, Ngày giải phóng miền Nam 30/4 và Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5).

Tham dự hoạt động có ông Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga; bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Đại sứ LB Nga tại VN Konstantin Vnukov; bà Natalya Shafinskaya, Giám đốc Trung tâm KH&VH Nga tại Hà Nội; cùng nhiều cựu chiến binh VN, thanh niên, sinh viên.

Hoạt động "Binh đoàn bất tử" đã phổ biến ở Nga, những năm gần đây lan tỏa rộng khắp thế giới: năm 2018 diễn ra tại hơn 80 nước, năm 2019 đã tổ chức ở trên 110 nước.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga Trần Bình Minh, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga, Đại sứ LB Nga K. Vnukov trong đoàn tuần hành "Binh đoàn bất tử". 

Tại các nước, không chỉ người Nga tham gia mà đông đảo bạn bè của nước Nga, những người quý trọng Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô (1941-1945), trân trọng và biết ơn Chiến thắng 9/5 cũng sôi nổi tham gia.

Đây là lần thứ ba hoạt động “Binh đoàn bất tử” tổ chức tại Việt Nam (hai lần trước vào các năm 2017 và 2018).

Mặc dù tên gọi “Binh đoàn bất tử” mới có từ năm 2011, nhưng hoạt động này đã được tổ chức lẻ tẻ ở Liên Xô từ lâu.

Theo các tài liệu Nga, “mầm mống” đầu tiên của hoạt động “Binh đoàn bất tử” có từ năm 1965 khi các em học sinh trường phổ thông trung học số 121 ở Novosibirsk tham gia tuần hành kỷ niệm 20 năm Chiến thắng phát-xít đã mang theo ảnh những cựu chiến binh nằm lại trên chiến trường, không thể tham gia các hoạt động mừng Chiến thắng.

Kể từ đó, nó trở thành một hoạt động không thể thiếu trong các lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng. Năm 2018 đã có 10,4 triệu người tham gia hoạt động “Binh đoàn bất tử” ở Nga, riêng tại thủ đô Matxcơva có hơn 1 triệu người.

Hà Nội: Gần 1 triệu trẻ tham gia chương trình Sữa học đường

Sau hơn 3 tháng triển khai chương trình Sữa học đường, toàn thành phố Hà Nội đã có gần 90% với gần 1 triệu trẻ em trong độ tuổi tham gia chương trình, trong đó tỉ lệ này ở nhiều cơ sở giáo dục lên đến 100%. Để đạt được điều này, các bậc phụ huynh đã được tuyên truyền, hiểu đầy đủ về cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, ý nghĩa nhân văn và lợi ích của chương trình Sữa học đường. Các phụ huynh đều tự nguyện cho con tham gia, giúp nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho học sinh lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.

Rất nhiều địa phương tại Hà Nội đạt tỷ lệ tham gia cao, điển hình là quận Hoàn Kiếm, có tới 98% học sinh mẫu giáo, tiểu học tham gia chương trình. Để đảm bảo sự tin tưởng cho phụ huynh, các phòng Giáo dục - Đào tạo cũng yêu cầu các trường học trên địa bàn công khai, mời phụ huynh học sinh tham gia vào quá trình kiểm soát thực phẩm, chương trình Sữa học đường, thêm một khâu giám sát, kiểm tra đảm bảo chương trình được diễn ra minh bạch, an toàn.

Hưởng ứng chương trình, nhiều trường học đã bố trí thêm cơ sở vật chất như nhà kho chứa sữa để đảm bảo quy cách bảo quản, phân công nhân viên có sổ theo dõi việc giao nhận sữa trong bếp, kiểm lại vỏ hộp sau khi trẻ uống sữa xong.

Với chương trình Sữa học đường tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non và tiểu học đều được uống sữa để phát triển. Chương trình được xã hội hóa, với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp và gia đình phụ huynh học sinh.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng năm Giáp Thìn 2024.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.