Thứ năm, 28/03/2024 18:05 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/8/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 09/08/2019 17:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/8/2019. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/8/2019 trong nước và thế giới.

Kỷ niệm 52 năm Ngày thành lập ASEAN tại Nam Phi, Italy, Argentina và Chile

Ngày 8/8, lễ kỷ niệm lần thứ 52 năm Ngày thành lập ASEAN đã được tổ chức trang trọng tại Nam Phi, Italy, Argentina và Chile.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Pretoria, phát biểu tại buổi lễ được tổ chức ở thủ đô Pretoria, Thứ trưởng Ngoại giao Nam Phi Alvin Botes, đồng thời thành viên đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền đã nhắc lại những nguyên tắc cơ bản tại Đại hội Á - Phi, thường được biết đến với tên Hội nghị Bandung tại Indonesia năm 1955, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế. Ông Botes cho rằng việc thực thi luật pháp quốc tế cần phải được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh và đồng nhất giữa các quốc gia trong khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Nam Phi nêu rõ những nguyên tắc cốt lõi trên đã đóng góp một phần quan trọng vào sự đoàn kết của các thành viên ASEAN, đặc biệt trong việc đề cao chủ nghĩa đa phương và chống lại chủ nghĩa đơn phương trong quá trình giải quyết các vấn đề quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

Các đại sứ ASEAN và Thứ trưởng Ngoại giao Nam Phi Alvin Botes chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Phi Hùng/Pv TTXVN tại Nam Phi

Tại buổi lễ do Ủy ban Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Pretoria (APC) tổ chức, Thứ trưởng Ngoại giao Alvin Botes khẳng định tình đoàn kết của Nam Phi với ASEAN và cho rằng hai bên cần tiếp tục thắt chặt hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp này.

Đề cập tới lĩnh vực thương mại, ông Botes cho biết trong khi Hiệp định khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) vừa mới đi vào hiệu lực, Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã ra đời từ năm 1992, do đó Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung luôn coi ASEAN như một hình mẫu của sự đoàn kết và phát triển.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt các Đại sứ ASEAN, Đại sứ Singapre tại Nam Phi Chua Thai Keong, đồng thời là Chủ tịch đương nhiệm APC, đã điểm lại những thành tựu của ASEAN trong chặng đường phát triển hơn nửa thế kỷ qua, đưa ASEAN trở thành một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, hoạt động trên cơ sở luật lệ, gắn kết toàn diện và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; có vai trò, vị thế ngày càng tăng ở khu vực và thế giới.

Đề cập tới Hiến chương ASEAN năm 2007, Đại sứ Chua Thai Keong khẳng định lại các mục đích và nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhất là mục đích hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác khu vực, nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp công việc nội bộ của nhau; thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng về nhân dân và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, nguyên tắc về việc các nước không tham gia và không cho phép bất kỳ quốc gia, đối tượng nào sử dụng lãnh thổ của một nước thành viên để chống nước thành viên khác.

Liên quan đến quan hệ ASEAN - Nam Phi, Đại sứ Singapore khẳng định vai trò quan trọng của Nam Phi trong Liên minh châu Phi (AU) cũng như trong Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA). Chính vì vậy, Nam Phi đang là cầu nối quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa ASEAN và châu Phi.

Theo Đại sứ, trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, Nam Phi và các quốc gia thành viên ASEAN vẫn còn nhiều dư địa để có thể nâng kim ngạch thương mại vượt trên mức hiện tại là 8 tỷ USD/năm.

Nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cập nhật thông tin về hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc.
Ngày 8/8/2019, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật thông tin về hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

"Theo thông tin chúng tôi được biết, chiều 7/8/2019, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Các cơ quan chức năng của Việt nam đang tiếp tục theo dõi.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, trong những ngày qua, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ý kiến, triển khai các biện pháp ở các cấp và dưới nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam và luôn thể hiện, khẳng định thiện chí, sẵn sàng thông qua trao đổi, đối thoại với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại Biển Đông cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia".

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cập nhật thông tin.

Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về các biện pháp Việt Nam thực hiện để ngăn chặn hàng hóa nước ngoài dùng nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

"Việt Nam kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ trên thị trường Việt Nam cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, trong đó chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều biện pháp về nâng cao nhận thức, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; ngăn chặn, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Các Bộ, ngành liên quan đang thực thi nghiêm túc Đề án này. Hiện Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng các quy định, tiêu chí rõ ràng, cụ thể để làm cơ sở xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam với hàng hóa gian lận xuất xứ. Các cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng khác tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là đối với hàng hóa có rủi ro gian lận thương mại; điều tra, xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của Việt Nam cũng tăng cường hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng các nước nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu".

 200 doanh nghiệp tham gia triển lãm quốc tế về quốc phòng và an ninh

TheLEADERTriển lãm và hội thảo quốc tế về quốc phòng và an ninh tại Việt Nam (DSE Vietnam 2019) sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 2 – 4/10.

Trên quy mô 5.000m2, triển lãm dự kiến sẽ thu hút khoảng 200 thương hiệu, bảy khu gian hàng quốc gia của các nước như: Liên bang Nga, Ukraina, Hoa Kỳ, Pháp, Singapore, Ấn Độ và Israel cùng với hai khu gian hàng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an với lượng khách tham quan chuyên ngành ước tính khoảng 5.000 lượt người.

Một số tập đoàn lớn trên thế giới như Rostec, Rosoboronexport, Ukspecexport, Lockheed Martin, Airbus, MBDA, Brahmos, IAI, AutoGyro, Starks Motors, Kamaz, Uaz, Arsenal, Hammar sẽ góp mặt tại DSE 2019.

Triển lãm quốc tế về quốc phòng và an ninh 2019 quy tụ 200 thương hiệu

Bên cạnh các hoạt động trưng bày và trình diễn công nghệ, ban tổ chức sẽ tiến hành các hoạt động kết nối doanh nghiệp tham dự với các cơ quan chủ quản, doanh nghiệp quân đội và công an, các đơn vị nghiên cứu; các hoạt động đón tiếp các đoàn quân sự và an ninh các nước tới tham quan và làm việc tại triển lãm.

Sự kiện này được kỳ vọng sẽ là một hoạt động thường xuyên góp phần quảng bá các sản phẩm công nghiệp quốc phòng do Việt Nam sản xuất với các đối tác nước ngoài từ đó tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, nâng cao vị thế, uy tín của các doanh nghiệp quân đội.

Đồng thời, các cơ quan chủ quản, doanh nghiệp quân đội, các đơn vị nghiên cứu có cơ hội học hỏi, nắm bắt công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của các nước trên thế giới từ đó mở rộng và thắt chặt hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng.

Sự kiện được kỳ vọng sẽ là một bước chuẩn bị và là một trong những hoạt động hướng tới vai trò chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 14 (ADMM) vào năm 2020 tại Việt Nam.

Ngành giáo dục Thanh Hóa cần 26 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, trận mưa lũ ngày 3/8 khiến nhiều điểm trường bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại nặng nề. Trước thềm năm học mới 2019 - 2020, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa cần khoảng 26 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai.

Cụ thể, huyện Mường Lát có 9 trường bị ảnh hưởng; tổng kinh phí huyện Mường Lát đề xuất để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra khoảng 12,9 tỷ đồng. Huyện Quan Hóa có 3 trường bị ảnh hưởng, cần khoảng 450 triệu đồng để khắc phục. Huyện Bá Thước có 9 trường học bị ảnh hưởng, cần 3,9 tỷ đồng để khắc phục.

Đặc biệt, tại huyện Quan Sơn, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho 10 trường học; có 3 học sinh bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Tổng kinh phí huyện Quan Sơn đề xuất để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra là 8,6 tỷ đồng.

Ông Lê Đình Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện có 20 điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó điểm trường bản Son, xã Na Mèo, bị cuốn trôi hoàn toàn. Trước mắt, để đảm bảo cho học sinh có nơi khai giảng và học tập trong năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn đã liên hệ với các nhà dân để học sinh học tạm dưới gầm nhà sàn trong khi chờ xây dựng phòng học mới. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có bàn ghế, bảng, sách vở, đồ dùng học tập...

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các huyện miền núi phía Tây của tỉnh có mưa lớn gây lũ lụt, làm thiệt hại về cơ sở vật chất của các nhà trường.
Cụ thể, 4 huyện bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Để chuẩn bị cho năm học mới sắp đến, Sở chỉ đạo các đơn vị, trường học huy động các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ, huy động nhân lực, vật lực dọn dẹp bùn đất trong khuôn viên nhà trường và các khu phòng học.

Đối với các trường học bị hư hỏng, thiếu phòng học sẽ tổ chức học 2 ca/ngày, mượn nhà văn hóa thôn, bản tổ chức lớp học. Ngành tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành khắc phục hậu quả thiên tai.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 9/8/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.