Thứ ba, 19/03/2024 15:36 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/8/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 14/08/2020 06:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/8/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 14/8/2020.

Công bố Trang thông tin điện tử, Bộ nhận diện của năm Chủ tịch AIPA 2020

Ngày 13-8, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Lễ công bố Trang thông tin điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động và Bộ nhận diện của năm Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) 2020.

Ban tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 và Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền đã thông tin đến công chúng và các Nghị viện thành viên AIPA về bộ nhận diện, Trang thông tin điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động của Năm Chủ tịch AIPA 2020, công bố nguồn cung cấp thông tin chính thức trên môi trường mạng internet về các hoạt động và sự kiện trong năm 2020 Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch AIPA.

Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 và Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền trong việc xây dựng Trang thông tin điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động và Bộ nhận diện của Năm Chủ tịch AIPA 2020.

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và chủ tịch AIPA 41. Các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA tổ chức từ đầu năm đến nay đã thành công tốt đẹp, thích ứng kịp thời với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi động Trang thông tin điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động của Năm Chủ tịch AIPA 2020 (ảnh: Quốc hội)

Trước tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, phát huy kết quả các hội nghị trực tuyến trong khuôn khổ ASEAN và AIPA thời gian qua, Quốc hội Việt Nam tổ chức Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 theo hình thức trực tuyến từ ngày 08-10/9/2020 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (ICC) số 11, Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội Việt Nam, với vai trò Chủ tịch AIPA 2020 là tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 và những hoạt động liên quan. Đây là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nghị viện của Việt Nam.

Đây là lần thứ ba Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA và tổ chức Đại hội đồng AIPA, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong AIPA và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Đại hội đồng AIPA được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Trang thông tin điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động nhằm truyền tải các thông tin chính thống về AIPA, tạo dấu ấn của Quốc hội Việt Nam trong vai trò Chủ tịch AIPA 2020 đến với nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu khẩn trương cập nhật thông tin đăng tải về các nội dung hoạt động của AIPA nhằm khai thác hiệu quả và phát huy vai trò của Trang thông tin điện tử và Ứng dụng trên thiết bị di động thích ứng với việc tổ chức Đại hội đồng AIPA bằng hình thức trực tuyến

Thời gian từ nay đến khi tổ chức Đại hội đồng AIPA41 không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 chỉ đạo Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền Năm Chủ tịch AIPA và Đại hội đồng AIPA 41 trên các phương tiện truyền hình, phát thanh, báo chí, tổ chức họp báo trước và sau Đại hội đồng AIPA 41.

Đồng thời, cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục, không gián đoạn về toàn bộ công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 bảo đảm nội dung thông tin tuyên truyền phù hợp với hình thức tổ chức Đại hội đồng trực tuyến.

Không tổ chức lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2021 vì dịch bệnh khó lường

Văn phòng Chính Phủ vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý về việc không tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2021 và dời sang năm 2022 do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đã thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia

Văn phòng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị tốt nội dung Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2022 đảm bảo hiệu quả, thiết thực, đáp ứng mục tiêu đề ra và đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, ngày 30.6, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có công văn xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về việc tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2021. Thường trực Tỉnh ủy sau đó đã có thông báo thống nhất với phương án 2, dừng tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2021 và đề xuất rời sang năm 2022 do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cà phê gặp khó khăn ảnh hưởng đến việc vận động tài trợ các hoạt động của lễ hội…. Thường trực Tỉnh uỷ giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính Phủ.

Từ năm 2013, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ hai năm một lần với quy mô lễ hội cấp quốc gia.

Đắk Lắk hiện nay là tỉnh có diện tích và sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích hơn 203 nghìn ha, sản lượng thu hoạch hằng năm đạt hơn 450 nghìn tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh hằng năm chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cà phê của Đắk Lắk được xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm 2019, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 với sự tham gia tích cực của người dân với vai trò chủ thể đã đưa lễ hội trở thành ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Thông qua đó, đã tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc Tây Nguyên, tăng cường liên kết nội vùng, trong nước và quốc tế…, góp phần tạo động lực phát triển mới cho Đắk Lắk và các địa phương trong vùng.

EU công bố ba chương trình hợp tác mới với ASEAN

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 13/8, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Igor Driesmans, đã công bố ba dự án hợp tác phát triển mới với ASEAN có tổng giá trị 13 triệu euro (hơn 15 triệu USD).

Được công bố tại lễ khai mạc Ngày Hợp tác và Học bổng ASEAN-EU lần thứ 3 theo hình thức trực tuyến, ba dự án mới nêu trên sẽ hỗ trợ đô thị hóa thông minh và bền vững, quản lý rừng bền vững và định chế kiểm toán tối cao của ASEAN.

(Nguồn: carnegieeurope.eu)

Cụ thể, EU sẽ tài trợ 5 triệu euro cho dự án các thành phố xanh và thông minh của ASEAN; 5 triệu euro cho dự án quản trị rừng, cấp phép và thương mại lâm sản bền vững trong toàn khu vực (FLEGT); và 3 triệu euro cho dự án tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI).

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Igor Driesmans cho biết các dự án được triển khai trong năm 2020 này sẽ mang lại lợi ích cho người dân khu vực qua việc hỗ trợ các thành phố thông minh và xanh, quản lý tài nguyên lâm nghiệp bền vững, cũng như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chính phủ.

Đại sứ Igor Driesmans nhấn mạnh rằng với việc công bố ba dự án này, EU và ASEAN thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và những bất ổn kinh tế toàn cầu.

Ông Driesmans khẳng định: “Trong những thời điểm khó khăn này, EU và ASEAN cho thấy rằng hợp tác, chứ không phải cô lập, là cách để giải quyết các thách thức cấp bách hiện nay bao gồm biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.”

ASEAN là đối tác quan trọng nhất của EU trong lĩnh vực hợp tác phát triển. Theo thống kê, EU đã tài trợ 250 triệu euro cho các chương trình hội nhập khu vực giai đoạn 2014-2020, và tài trợ song phương 2 tỷ euro cho các nước thành viên ASEAN.

Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai bên hiện gồm tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, và môi trường.

Nhật Bản và Singapore nhất trí nới lỏng hạn chế nhập cảnh từ tháng 9

Nhật Bản và Singapore đã nhất trí nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại mà hai nước đã áp dụng nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thiết bị cảm biến nhiệt được sử dụng để kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại sân bay Narita ở Chiba, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 13/8, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan nhất trí nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại mà hai nước đã áp dụng nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hãng tin Kyodo dẫn phát biểu họp báo trực tuyến của Bộ trưởng Motegi nêu rõ ông nhất trí với người đồng cấp Singapore về việc hai nước sẽ bắt đầu nối lại các hoạt động cho người dân đi lại vì mục đích công việc từ tháng 9 tới, song vẫn thực hiện biện pháp các phòng ngừa dịch bệnh.

Bộ trưởng Motegi đang có chuyến công du kéo dài 4 ngày tới Singapore và Malaysia, bắt đầu từ 12/8, nhằm thúc đẩy việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới với hai quốc gia Đông Nam Á này.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong các cuộc hội đàm ở Singapore và Malaysia, Bộ trưởng Motegi sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán hướng tới việc nối lại hoạt động giao thương giữa Nhật Bản với hai nước trên, vốn đang bị gián đoạn do hàng loạt biện pháp kiểm soát biên giới mà các bên đang áp dụng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.

Sau khi trở lại Nhật Bản, Bộ trưởng Motegi sẽ có chuyến công du tới Papua New Guinea và ba nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong, gồm Campuchia, Lào và Myanmar, trong thời gian từ ngày 20-25/8.

Hiện tại, Nhật Bản đang áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với các công dân đến từ 146 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những người cư trú nước ngoài cũng không được cấp phép quay lại Nhật Bản một khi rời quốc gia Đông Bắc Á này, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt.

Liên quan tình hình dịch COVID-19 tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ngày 13/8 ghi nhận thêm 206 ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mới mắc COVID-19 ở thủ đô của Nhật Bản vượt 200 trong khi số ca nhiễm bệnh vẫn tương đối cao tại nhiều khu vực thành phố trên cả nước.

Theo thống kê của giới chức y tế sở tại, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Tokyo hiện đã lên tới 52.000 ca và thành phố với gần 14 triệu dân này đang là địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất nước.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...
Bài thơ: Lòng cỏ
Đôi khi lòng đau như cỏ///Vết chân vô ý lướt qua,///Có khi lòng vui như cỏ///Bàn chân mềm mại thướt tha.