Thứ năm, 28/03/2024 15:39 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 16/6/2020

MTĐT -  Thứ ba, 16/06/2020 14:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 16/6/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 16/6/2020

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Về chức năng, Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH bao gồm cả phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Về cơ cấu tổ chức, Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; các Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng Bộ TN&MT; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Bộ trưởng Bộ GTVT.

Quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025. 

Ủy viên Thường trực là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT. Các ủy viên gồm: Thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang bộ (Tài chính, Công Thương, Xây dựng, KH&CN, Y tế, GD&ĐT, Văn phòng Chính phủ); Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau); 1 ủy viên là đại diện chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu thuộc cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học cấp vùng; 1 ủy viên là đại diện có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp (DN) của vùng ĐBSCL.

Hội đồng điều phối vùng có thể thành lập các tiểu ban làm đầu mối điều phối theo ngành, lĩnh vực hoặc theo các tiểu vùng. Tiểu ban được tổ chức và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng quy định.

Các nội dung, lĩnh vực hoạt động điều phối liên kết vùng, phát triển bền vững thích ứng với BĐKH bao gồm: Liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Điều phối phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Điều phối thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các hoạt động, liên kết khác quy định tại Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ và nội dung, lĩnh vực khác theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Hội đồng điều phối vùng có nhiệm vụ, quyền hạn: Tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều phối, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch vùng, chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Phối hợp với TP.HCM và các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội có tính chất liên kết giữa các vùng.

Thông qua kế hoạch triển khai các hoạt động về phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Tổ chức các hoạt động chung xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, truyền thông của vùng. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, thiết lập hệ thống thông tin vùng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển hiệp hội DN và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội nghề nghiệp liên minh, liên hiệp hợp tác xã của toàn vùng ĐBSCL…

Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ trong các văn bản khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng. Các Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực và các Ủy viên Hội đồng điều phối vùng sử dụng con dấu của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng điều phối vùng bao gồm cả kinh phí hoạt động của các tiểu ban điều phối (nếu có), đoàn kiểm tra, giám sát, Văn phòng Hội đồng điều phối vùng được tổng hợp trong dự toán ngân sách hằng năm của Bộ KH&ĐT, từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

Văn phòng Hội đồng điều phối vùng được sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của Bộ KH&ĐT.

Kinh phí hoạt động của các tổ điều phối cấp bộ, ngành được tổng hợp trong dự toán ngân sách hằng năm của bộ, ngành, từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Tổ điều phối cấp bộ, ngành được phép sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của bộ, ngành.

Kinh phí hoạt động của các tổ điều phối cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổng hợp trong dự toán ngân sách hằng năm của Sở KH&ĐT, từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

Tổ điều phối cấp tỉnh được phép sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL được ban hành kèm theo Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020 đối với vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Chuyến bay đưa 66 công dân Việt Nam từ Qatar về nước sẽ hạ cánh rạng sáng mai

Chuyến bay mang số hiệu QH9092 chở 66 công dân Việt Nam đã rời thủ đô Doha, Qatar lúc 13h15 ngày 15/6 (giờ Qatar), dự kiến sẽ hạ cánh tại TP. Hồ Chí Minh vào 1h15 sáng 16/6 (giờ Việt Nam).

Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Đình Thao và các cán bộ Sứ quán ra sân bay tiễn các công dân Việt Nam từ Qatar về nước. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar)

Ngày 15/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar đã phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam, các Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait, Ai Cập, hãng Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) và các cơ quan chức năng sở tại tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam trở về nước trong bối cảnh đường bay đường bay thương mại giữa Qatar và Việt Nam đã tạm dừng hoạt động từ tháng 3/2020 vì đại dịch Covid-19.

Những công dân được đưa về nước trong đợt này từ Qatar gồm 66 người là học sinh dưới 18 tuổi, người ốm đau, phụ nữ mang thai, sinh viên đã hoàn thành khóa học, người lao động đã hết hạn thị thực, kết thúc hợp đồng hoặc bị cắt hợp đồng hoặc nghỉ không lương nhiều tháng.

Căn cứ vào tình hình thực tế tại Qatar nơi nhiều công dân Việt Nam, nhất là người lao động đang bị mắc kẹt không thể về nước vì những lý do khách quan do Covid-19 gây ra, sau khi nhận được thông tin các cơ quan chức năng Việt Nam tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Kuwait về nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar đã chủ động đề xuất với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phương án kết hợp đưa công dân Kuwait và Qatar về nước trên cùng một chuyến bay.

Sau khi phương án này được chấp thuận, trong một thời gian rất ngắn, Đại sứ quán đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để hoàn thành các thủ tục cấp phép cho chuyến bay.

Với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Qatar và sự phối hợp nhịp nhàng với Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, các Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait và Ai Cập cùng hãng hàng không Tre Việt, chuyến bay đã được tổ chức thành công.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân hoàn tất các thủ tục xuất cảnh, Đại sứ và toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar đã trực tiếp ra sân bay, phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại hướng dẫn, hỗ trợ công dân hoàn thành các thủ tục lên máy bay về nước.

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar đã khuyến cáo bà con tiến hành kê khai y tế trước chuyến bay, chấp hành nghiêm các quy định an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay và quy định về việc cách ly khi về đến Việt Nam.

Giới chức Hàn Quốc và ASEAN trao đổi hợp tác song phương

Ngày 15/6, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã điện đàm với Tổng Thư ký (TTK) ASEAN Lim Jock Hoi để thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác trong bối cảnh đại dịch bệnh viêm đương hô hấp COVID-19.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi - Nguồn: Yonhap

Theo Văn phòng Ngoại trưởng Hàn Quốc, trong cuộc điện đàm với TTK Lim Jock Hoi, bà Kang Kyung-wha cho biết Seoul đang cân nhắc các biện pháp cho phép doanh nhân của các nước thành viên ASEAN được nhập cảnh quốc gia này để thực hiện các hoạt động kinh tế cần thiết.

Ngoài ra, liên quan đến tình hình bùng phát COVID-19 ở Hàn Quốc và nỗ lực tiếp tục cách ly, bà Kang Kyung-wha kêu gọi Ban Thư ký ASEAN đóng vai trò tích cực trong việc phối hợp nguyện vọng và năng lực của các nước trong hiệp hội vượt qua đại dịch này.

Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc, việc mở rộng hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực liên quan y tế sẽ là chủ đề quan trọng đối với Hàn Quốc, phù hợp với chính sách hướng Nam mới của nước này. Đây là chủ trương mà Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang nỗ lực thúc đẩy để tăng cường hợp tác với các nước đối tác trong ASEAN.

Về phần mình, TTK Lim Jock Hoi đã nhất trí rằng ASEAN và Hàn Quốc nên tiếp tục hợp tác chặt chẽ để giúp thúc đẩy các nền kinh tế bị ảnh hưởng dịch bệnh. Theo TTXVN, ông cũng bày tỏ cảm ơn Hàn Quốc viện trợ 5 triệu USD cho các nước trong hiệp hội thông qua quỹ hợp tác để cung cấp các bộ xét nghiệm và đồ bảo hộ.

ASEAN hiện là ưu tiên trong kế hoạch trở thành trung tâm tài chính quốc tế của Hàn Quốc. Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC) Hàn Quốc mới đây cho biết việc mở rộng hoạt động ở các nước ASEAN là một trong 3 chiến lược chính để thực hiện kế hoạch tổng thể lần thứ năm trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2022 của nước này.

Các đảng phái tại CH Ireland đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh

Ngày 15/6, ba đảng phái chính trị ở CH Ireland gồm Fianna Fail, Fine Gael và đảng Xanh đã đạt được thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền mới. Thỏa thuận này nếu được thông qua, sẽ giúp chấm dứt bế tắc chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia này.
Chú thích ảnh

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 ở Dublin, Ireland, ngày 10/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thỏa thuận mới, lãnh đạo đảng Fianna Fail - Michel Martin sẽ là Thủ tướng mới của Ireland. Trong khi đó, lãnh đạo của đảng Fine Gael, đương kim Thủ tướng Leo Varadkar dự kiến sẽ trở lại vị trí này vào năm 2022, trong nửa sau nhiệm kỳ của chính phủ mới. Trước đó, phát biểu trước báo giới, ông Varadkar cũng cho biết vị trí Thủ tướng chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ được phân chia theo hình thức luân phiên.

Thỏa thuận này cần được các thành viên chủ chốt của mỗi đảng thông qua trong khoảng 10 ngày tới. Trong đó, đảng Xanh cần sự đồng thuận của 2/3 thành viên, mức yêu cầu cao hơn hẳn so với hai đảng đối lập còn lại. Vì vậy, khả năng thỏa thuận bị bác bỏ vẫn treo lơ lửng.

Ireland rơi vào bế tắc chính trị kể từ sau cuộc bầu cử hôm 8/2 chứng kiến hai đảng Fine Gael và Fianna Fail, vốn là hai đảng kình địch lâu đời tại Ireland, bám đuổi nhau sít sao nhưng không đảng nào giành đủ đa số ghế trong cơ quan lập pháp để tự thành lập chính phủ. Cụ thể, đảng Fianna Fail đã dẫn đầu với 38 trong tổng số 160 ghế giành được tại Hạ viện Ireland, tiếp sau đó là đảng Sinn Fein giành được 37 ghế và đảng Fine Gael cầm quyền của đương kim Thủ tướng Leo Varadkar với 35 ghế. Hai đảng này cần thêm sự ủng hộ của đảng Xanh để đạt đa số ghế trong Quốc hội.

Các đảng phái muốn chính phủ mới được thành lập trước cuối tháng 6 để Quốc hội có thể tập trung thảo luận và thông qua các dự luật mới, trong đó có gói hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 6,5 tỷ USD hiện vẫn đang chờ Quốc hội quyết định.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 16/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Tin mới

Bài thơ: Hoa xương rồng
Đau chẳng khóc, nhoẻn cười trong sắc lạnh.///Thấu lòng người giữa danh lợi phù hoa///Những cứ tưởng trưởng thành chung bối cảnh ///Trân trọng hơn khi gặp giữa ta bà.