Thứ năm, 25/04/2024 05:48 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/3/2020

MTĐT -  Thứ ba, 24/03/2020 06:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/3/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 24/3/2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tổn thất của Nhật Bản vì Covid-19

Ngày 23/3,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư tới Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, chia sẻ những khó khăn, tổn thất mà dịch Covid-19 đã gây ra cho nhân dân Nhật Bản, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trong việc kiểm soát dịch, đề nghị tăng cường hợp tác phòng, chống dịch bệnh này.

Trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2021, Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phát triển mạnh mẽ quan hệ ASEAN - Nhật Bản, thúc đẩy hiệu quả quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, đầu tư, thương mại, giao lưu nhân dân… cũng như trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

82 cán bộ Đoàn xuất sắc nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020

Năm 2020, T.Ư Đoàn quyết định trao giải thưởng Lý Tự Trọng cho 82 cán bộ Đoàn xuất sắc ở cơ sở, họ là những cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt huyết, có nhiều sáng kiến, đóng góp trong công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi.

Trong 82 cán bộ Đoàn xuất sắc nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020, có: 13 cán bộ Đoàn cấp huyện, 56 cán bộ Đoàn cấp cơ sở: 13 bí thư Chi đoàn; đảng viên chiếm 77/82 đồng chí.

Về độ tuổi, tuổi bình quân là: 31,05 tuổi; giảm 0,15 tuổi so với năm 2019, nhiều tuổi nhất là 35 tuổi (11 đồng chí), trẻ tuổi nhất sinh năm 2003, 17 tuổi (Bí thư Chi đoàn 11A1 trường THPT Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La Nguyễn Hoàng Sơn).

Có 13 cán bộ Đoàn là người dân tộc thiểu số được tuyên dương lần này; về tôn giáo, phật giáo (1 đồng chí); Công giáo (1 đồng chí); Thiên Chúa Giáo (1 đồng chí).

Các cán bộ Đoàn xuất sắc nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2019.

Tuy nhiên, năm nay, do tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, Ban Bí thư T.Ư Đoàn quyết định không tổ chức trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020 ở cấp T.Ư mà ủy quyền cho các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc trao giải tại các địa phương, đơn vị.

Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc căn cứ tình hình cụ thể từng địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và trao giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020 trên tinh thần đảm bảo an toàn, quy mô gọn, kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ lây nhiễm. Ở những địa phương đang có dịch hoặc tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây nhiễm thì không tổ chức chương trình kỷ niệm. Đồng chí đại diện Thường trực tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc (không phân công cán bộ cấp thấp hơn) thừa ủy quyền của Ban Bí thư T.Ư Đoàn trực tiếp trao thưởng cho cá nhân đạt giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020 tại trụ sở, cơ quan của cá nhân đạt giải (bao gồm: Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, biểu trưng của Giải thưởng Lý Tự Trọng, giấy chứng nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng, phần thưởng bằng tiền mặt), mời đại diện cấp ủy cùng tham dự. T.Ư Đoàn sẽ chuyển đến các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc phần thưởng của các cá nhân đạt giải thưởng.

Giải thưởng Lý Tự Trọng là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng bí thư chi đoàn; phó bí thư, bí thư đoàn cấp cơ sở; cán bộ Đoàn trực tiếp làm công tác đoàn, phong trào thanh thiếu nhi ở cấp huyện có thành tích xuất sắc trong lao động, công tác, trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Giải thưởng nhằm động viên, cổ vũ và tuyên dương đội ngũ cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc, góp phần củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh. Đồng thời, tạo động lực để đội ngũ cán bộ Đoàn không ngừng rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, đóng góp trí tuệ và sức trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài các tiêu chuẩn chung, cán bộ đoàn được lựa chọn nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng có những thành tích xuất sắc, có tính tiêu biểu, nêu gương.

Nhiều nước rút khỏi Olympic Tokyo 2020

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, làn sóng phản đối Olympic Tokyo 2020 tăng mạnh trong suốt những ngày qua khi nước chủ nhà Nhật Bản kiên quyết tổ chức sự kiện. Hàng loạt ủy ban Olympic quốc gia, liên đoàn thể thao và vận động viên khắp các nước trên khắp thế giới đồng loạt kêu gọi hoãn ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Theo Reuter, Olympic Tokyo 2020 đang đứng trước nguy cơ bị huỷ bỏ khi các nước trên khắp thế giới đồng loạt kêu gọi hoãn sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh lại đến mùa hè 2021. Thậm chí, có ý kiến đề nghị hoãn Thế vận hội sang đến tận năm 2022 do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu trong suốt 4 tháng qua.

Canada là quốc gia đầu tiên không dự Olympic Tokyo 2020. Ủy ban Olympic Canada (COC) và Ủy ban Paralympic Canada (CPC) hôm nay tuyên bố sẽ không gửi VĐV đến tham dự Olympic và Paralympic 2020 năm nay tại Nhật Bản.

"Chúng tôi hiểu rõ những phức tạp trong việc ra quyết định hoãn Thế vận hội. Nhưng không có gì quan trọng hơn sức khỏe và an nguy của các VĐV Canada cũng như cộng đồng thể thao thế giới. COC sẽ rút khỏi các nội dung tranh tài ở Olympic và Paralympic 2020 tại Tokyo hè này", thông báo của COC cho biết.

Quyết định của Canada được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã lan đến 192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dịch bệnh khiến cho không chỉ nền kinh tế, chính trị thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn làm cho các giải đấu thể thao lớn nhỏ trên khắp hành tinh phải hoãn lại.

Trước Canada, ba quốc gia là Na Uy, Brazil và Slovenia đã đứng dậy kêu gọi hoãn ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Bên cạnh đó, hàng loạt ủy ban Olympic quốc gia, liên đoàn thể thao và vận động viên khắp các nước trên khắp thế giới đồng loạt phản đối việc tổ chức Thế vận hội mùa hè.

Trước tình hình trên, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã lên tiếng xác nhận Olympic Tokyo 2020 có khả năng bị hoãn. Cụ thể, vào cuộc họp diễn ra ngày 22/3, các thành viên của IOC đã thảo luận và đưa ra nhiều kịch bản khác nhau để đối phó với những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid- 19 như: Lùi thời hạn tổ chức Thế vận hội đến mùa thu khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, hoãn Olympic 2020 đến mùa hè năm 2021 hoặc chuyển thời điểm tổ chức sang năm 2022.

Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết, ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 vẫn đang làm tất cả để kỳ đại hội này được diễn ra theo đúng kế hoạch từ 24/7 đến 9/8. Ông đồng thời khẳng định việc hủy bỏ là không nằm trong chương trình nghị sự nhưng có thể xem xét để giảm quy mô của Olympic Tokyo 2020. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong vòng 4 tuần tới.

Được biết, Nhật Bản đã chi hơn 35 tỉ euro để xây dựng cơ sở hạ tầng và nhiều hoạt động khác cho việc tổ chức kỳ Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang khá phức tạp và chính bản thân Nhật Bản cũng là một trong những điểm nóng của đại dịch, thì khả năng chính quyền của thủ tướng Shinzo Abe này sẽ phải hoãn kì vận hội lớn nhất thế giới là rất cao.

Nga dự kiến hoãn bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp do dịch COVID-19

Báo Vedomosti ngày 23/3 dẫn 3 nguồn tin thân cận với Văn phòng Tổng thống Nga cho biết quyết định chính trị hoãn bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp đã được thông qua, song ngày bỏ phiếu mới vẫn chưa được xác định.

Trước đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tiến hành cuộc bỏ phiếu này vào ngày 22/4. Nhiều khả năng, cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào tháng Sáu.

Theo các nguồn tin này, cho đến nay thời điểm rời ngày bỏ phiếu vẫn chưa được duyệt.

Một nguồn tin giải thích: “Do quyết định cuối cùng về ngày (bỏ phiếu) chưa được đưa ra, nên chưa chính thức công bố việc lùi thời điểm (bỏ phiếu).”

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong phiên họp Duma Quốc gia tại Moskva ngày 10/3/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Tất cả các nguồn tin cho biết lý do của việc lùi thời điểm bỏ phiếu là tình hình dịch bệnh viêm dường hô hấp cấp COVID-19.

Một trong các nguồn tin cho rằng đỉnh điểm dịch bệnh có thể diễn ra vào tháng Tư và sau đó sẽ giảm.

Theo nguồn tin này, việc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp khó có thể diễn ra cùng lúc với ngày bầu cử duy nhất vào tháng Chín, vì các cuộc bầu cử khu vực được tổ chức theo Luật “Đảm bảo các quyền bầu cử cơ bản...,” và luật này “không phù hợp” với quy định về thủ tục bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp.

Một nguồn tin khác nói việc chọn ngày bỏ phiếu mới cũng phụ thuộc vào Kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông trung học thống nhất (YeGE), được tổ chức vào tháng 6, do các trường học chính là nơi tổ chức bỏ phiếu, vì vậy có thể bỏ phiếu sau khi kết thúc kỳ thi.

Một trong các nguồn tin cho biết sắc lệnh của Tổng thống lập ngày bỏ phiếu toàn quốc mới cần được công bố muộn nhất là vào ngày 25/3, vì kể từ ngày này sẽ bắt đầu các hoạt động liên quan đến việc cử tri tham gia bỏ phiếu, cụ thể là việc đăng ký công dân muốn bỏ phiếu tại nơi đến qua cơ chế “Cử tri di động.”

Theo thủ tục bỏ phiếu toàn nước Nga được Ủy ban Bầu cử Trung ương phê chuẩn ngày 20/3, từ ngày 25/3-16/4, cử tri muốn bỏ phiếu tại nơi đến có thể gửi đơn đăng ký liên quan qua cổng “Dịch vụ nhà nước” hoặc Trung tâm hành chính một cửa (IFC), cũng như cho ủy ban bầu cử khu vực.

Hôm 17/3, ngay sau khi ký sắc lệnh tiến hành cuộc bỏ phiếu toàn Nga về sửa đổi Hiến pháp vào ngày 22/4, Tổng thống Putin đã gặp Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Ella Pamfilova.

Khi đó Tổng thống nói rằng cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 22/4 chỉ khi tình hình dịch COVID-19 cho phép.

Ông Putin nhấn mạnh, theo luật sửa đổi Hiến pháp, việc bỏ phiếu được tổ chức không sớm hơn một tháng sau khi ký sắc lệnh ấn định ngày bỏ phiếu, song có thể được tổ chức lùi lại.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành