Thứ năm, 25/04/2024 06:12 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/8/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 02/08/2020 06:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/8/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 2/8/2020.

Lễ giao nhận bản đồ địa hình biên giới giữa Việt Nam và Campuchia

Ngày 1/8/2020, đoàn Việt Nam do ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc Việt Nam-Campuchia làm Trưởng đoàn; đoàn Campuchia do ông Var Kim Hong, Bộ trưởng Cao cấp phụ trách công tác biên giới, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc Campuchia-Việt Nam làm Trưởng đoàn đã gặp gỡ trao đổi công việc và giao nhận bản đồ địa hình biên giới tỷ lệ 1/25.000 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam trong bầu không khí hữu nghị, chân thành và hiểu biết lẫn nhau.

Hai bên đã tiến hành kiểm tra, rà soát và thống nhất toàn bộ 500 bộ bản đồ địa hình biên giới đã được đóng tập, trong đó gồm 250 bộ tiếng Việt-Khmer và 250 bộ tiếng Khmer-Việt đã có đầy đủ chữ ký của các cấp có thẩm quyền của hai nước và được phía Việt Nam đóng tập (Album) chắc chắn, đúng quy cách kỹ thuật.

Trên cơ sở trao đổi và thống nhất, phía Việt Nam đã trao cho phía Campuchia 250 bộ bản đồ gốc, trong đó tiếng Khmer-Việt gồm 130 bộ đóng tập và 100 bộ đóng nẹp (có thể tháo rời) và tiếng Việt-Khmer gồm 20 bộ đóng tập để phục vụ công tác biên giới đất liền giữa hai nước.

Phía Việt Nam cũng giữ 250 bộ bản đồ gồm 230 bộ bản đồ tiếng Việt-Khmer và 20 bộ bản đồ tiếng Khmer-Việt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia tháng 10/2019. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bộ bản đồ địa hình biên giới Việt Nam-Campuchia tỷ lệ 1/25.000 thể hiện đầy đủ thành quả phân giới căm mốc (khoảng 84%) và là phụ lục không thể tách rời của Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia được hai nước ký ngày 5/10/2019 cùng với Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005.

Việc hai bên hoàn thành công tác giao nhận bộ bản đồ địa hình biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia là cơ sở quan trọng giúp thúc đẩy tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước được ký ngày 5/10/2019 có hiệu lực.

Cũng tại cuộc họp, hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước đã đánh giá, kiểm điểm các công việc liên quan đến biên giới đất liền giữa hai nước từ sau khi ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc trên thực địa.

Để phục vụ cho công tác quản lý biên giới, hai bên thống nhất cho đến khi hai văn kiện pháp lý có hiệu lực, hai bên sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương phối hợp quản lý tốt biên giới theo các quy định, thỏa thuận liên quan cho triệt để, nhằm duy trì biên giới ổn định giữa hai nước.

Hai bên nhất trí sẽ sớm thông báo cho nhau qua đường ngoại giao về thời gian tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện phê chuẩn ngay sau khi Chính phủ hai nước dừng các biện pháp trong việc ngăn ngừa lây lan của dịch COVID-19.

Kết thúc cuộc gặp, hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc đã chứng kiến Lễ ký biên bản giao nhận bộ bản đồ địa hình biên giới Việt Nam-Campuchia tỷ lệ 1/25.000.

Trang mạng Foreignpolicy đánh giá cao năng lực lãnh đạo của Việt Nam

Trang mạng Foreignpolicy ngày 31/7 đăng bài viết nhan đề “Vietnam steps up to take ASEAN leadership role" (Việt Nam đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ASEAN), trong đó nhấn mạnh vào tháng 11 năm ngoái, Việt Nam tiếp quản vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, ngay khi đó Việt Nam đã chuẩn bị ứng phó với các thách thức và đã sẵn sàng cho năm quan trọng này, khi không chỉ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN mà còn là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo bài viết, Việt Nam đã nhiều lần chứng minh khả năng tổ chức các diễn đàn khu vực quan trọng và thậm chí các cuộc gặp cấp cao có ý nghĩa toàn cầu, như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầy thách thức tại Hà Nội năm ngoái.

Tác giả bài viết cho rằng đây là bước tiến đáng chú ý khi mà Việt Nam mới chỉ thoát khỏi sự bao vây cô lập và bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN vào giữa những năm 1990.

Trang mạng Foreignpolicy nêu rõ thực tế cho thấy các biện pháp đối phó "ấn tượng" của Việt Nam với dịch bệnh COVID-19 đến thời điểm hiện nay đã giành được nhiều sự tôn trọng và công nhận từ các nước láng giềng, bao gồm cả các nước phát triển hơn như Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Các nhà kinh tế từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán rằng Việt Nam có các cơ hội cao nhất trong khu vực để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thời kỳ hậu COVID-19 trong một trạng thái tương đối tốt hơn.

Đây là một sự chuyển đổi quan trọng về vị trí của Việt Nam trong ASEAN, vốn được coi là nước đến sau trong nền kinh tế thị trường.

Về mặt ngoại giao, Việt Nam đã và đang đảm nhiệm một vai trò quan trọng hơn trong ASEAN. Bài báo nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng các quy tắc của ASEAN và duy trì chính sách đối ngoại nhất quán và đã đẩy mạnh xã hội hóa các quy tắc này đối với các thành viên mới hơn.

Theo trang mạng “Foreignpolicy”, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang bao trùm thế giới, mục tiêu chính của năm Chủ tịch 2020 của Việt Nam là duy trì sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN.

Những kỳ vọng lớn từ các nước thành viên ASEAN khác và các đối tác đối thoại đã phản ánh mức độ tin tưởng vào năng lực ngoại giao của Việt Nam./.

Đưa 230 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc về nước

Các cơ quan chức năng, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và hãng hàng không VietJet ngày 1/8 đã phối hợp với cơ quan chức năng Hàn Quốc đưa 230 công dân Việt Nam về nước.

Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người ốm đau, lao động hết hạn hợp đồng, không có nơi cư trú, sinh viên không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.

Công dân Việt Nam tại Hàn Quốc chờ làm thủ tục lên chuyến bay về nước. Ảnh: BNG.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ công dân tại sân bay, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, hãng hàng không đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay.

Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Thời gian tới, việc đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước sẽ được sắp xếp theo nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 2/8/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành